Giống mà không giống, đâu là ngưỡng phân biệt các nhãn hiệu tương tự tại Việt Nam?
(English)
Lời tựa
1. Bên cạnh Nhãn Hiệu Chữ, ngày càng có nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu có xu hướng đăng ký logo hay biểu tượng do họ sáng tạo ra làm Nhãn hiệu để thương mại hóa các sản phẩm/dịch vụ của mình. Logo hay biểu tượng được xếp là loại Nhãn Hiệu Hình. Một doanh nghiệp có thể có nhiều Nhãn Hiệu Chữ, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ lựa chọn đăng ký một Nhãn Hiệu Hình làm Logo hay Hình Ảnh Đại Điện cho doanh nghiệp của mình. Chính vì thế, để sáng tạo ra Nhãn Hiệu Hình/Logo, doanh nghiệp luôn phải tập trung nỗ lực cao nhất từ việc xây dựng ý tưởng, thiết lập các nguyên tắc, các yêu cầu mà Nhãn Hiệu Hình/Logo đó cần đạt được để có chỗ đứng/vị thế trong tâm trí người tiêu dùng ở mức độ rất cao. Có thể nói, Nhãn Hiệu Hình/Logo chính là công cụ giao tiếp/truyền đạt thông điệp tới khách hàng/công chúng, là bộ phận cốt lõi trong hệ thống nhận diện thương hiệu (brand identity) của doanh nghiệp.
2. Nhãn Hiệu Hình/Logo có thể là một hình vẽ phức tạp mang tính nghệ thuật cao, nhưng cũng có thểchỉ đơn giản gồm một vài chữ cái được cách điệu xuất phát từ những chữ cái đầu tiên trong Tên Thương Mại của chủ nhãn hiệu hay Nhãn Hiệu Hình/Logo cũng có thể bao gồm sự kết hợp của các hình ảnh với phần chữ. Nhãn Hiệu Hình/Logo là dấu hiệu mang tính biểu trưng thẩm mỹ và được thiết kế để gợi cho/nhắc nhở khách hàng/công chúng nhớ đến một công ty hoặc doanh nghiệp đã sáng tạo ra và sử dụng nó. Như vậy, Nhãn Hiệu Hình/Logo, trước hết, thực hiện chức năng cơ bản của Nhãn Hiệu Chữ (tức là, chức năng phân biệt), quan trọng hơn, nó có thể giúp chủ sở hữu truyền tải một cách hiệu quả, ấn tượng một/các thông điệp nào đó về một/các ý nghĩa, giá trị, đặc tính riêng biệt, v.v. nhất định mà chủ nhãn hiệu muốn công chúng cứ mỗi khi nhìn thấy sẽ liên tưởng/nhớ đến hoặc liên kết nó với công ty/doanh nghiệp của mình, và vì vậy, nó ảnh hưởng, thúc đẩy quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ của khách hàng/công chúng.
3. Nếu Đơn Đăng Ký Nhãn Hiệu cho Nhãn Hiệu Hình/Logo của bạn bị từ chối bảo hộ tại Việt Nam vì bị cho là tương tự gây nhầm lẫn với một/nhiều Nhãn Hiệu Hình/Logo của tổ chức/cá nhân khác, lời khuyên của chúng tôi là, như một điều kiện tiên quyết, bạn không bao giờ được bỏ cuộc, bởi đơn giản nếu bạn bỏ cuộc, các luật sư không có cơ hội để bảo vệ những nỗ lực, giá trị, ý nghĩa, thông điệp mà bạn đã xây dựng cho Nhãn Hiệu Hình/Logo của mình. Các luật sư về SHTT của KENFOX, với kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu, sẽ tư vấn, tìm ra các cơ sở pháp lý, các chứng cứ phù hợp, các lập luận sắc bén, cách tiếp cận tối ưu giúp bạn vượt qua các trở ngại để Nhãn Hiệu Hình/Logo – cái được coi là Tâm Huyết của bạn được pháp luật bảo hộ – một điều kiện quan trọng hàng đầu để khởi nguồn cho quá trình đầu tư, marketing, truyền thông, thúc đẩy quảng bá hình ảnh, giá trị của doanh nghiệp.
4. KENFOX tự hào giành được chiến thắng quan trọng cho Philipp Plein – một khách hàng đến từ Đức, trong việc bảo hộ Nhãn Hiệu Hình/Logo của thực thể này trong bối cảnh (i) Nhãn Hiệu Hình/Logo của Philipp Plein bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với 2 Nhãn Hiệu Hình/Logo của các thực thế khác và (ii) sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý (như đối mặt với cáo buộc xâm phạm quyền từ chủ nhãn hiệu đối chứng, các hành động thực thi từ Cơ quan chức năng của Việt Nam, v.v.) nếu không vượt qua từ chối bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam do các sản phẩm của Philipp Plein đã hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Bối cảnh
5. Philipp Plein là một nhà thiết kế thời trang người Đức và là người sáng lập Tập đoàn quốc tế Phillip Plein. Thương hiệu Philipp Plein khởi nguồn từ chính niềm đam mê, cá tính cá nhân đến nay đã phát triển thành một thương hiệu thời trang quốc tế và gặt hái được nhiều thành công lớn. Philipp Plein là một dấu ấn của Đức, các nhà thiết kế của Tập đoàn tạo ra những bộ trang phục sành điệu không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em. Mặc dù thực tế là thương hiệu có nguồn gốc từ Đức, trụ sở chính của Tập đoàn quốc tế Phillip Plein được đặt tại Thụy Sĩ.
6. Philipp Plein nộp đơn Đăng ký quốc tế (“ĐKQT”) số 1098038 theo hệ thống Madrid, để đăng ký nhãn hiệu “” (“PP, hình”) cho nhiều nhóm sản phẩm thuộc Nhóm 03, 14, 18, 20, 21, 24, 25 & 28, trong đó có sản phẩm thuộc Nhóm 14 (Kim loại quý, trang sức, dụng cụ đo thời gian) và 25 (Quần áo, đồ đội đầu, đồ đi chân) chỉ định bảo hộ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
7. Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam từ chối bảo hộ Nhãn hiệu “PP, hình” của Philipp Plein do Nhãn hiệu xin đăng ký bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với 2 nhãn hiệu có trước theo Điều 74.2(e) Luật SHTT của Việt Nam, cụ thể, nhãn hiệu “” cho các dịch vụ thuộc Nhóm 35 (Mua bán vàng bạc) và 40 (Gia công, chế tác vàng bạc) của Công ty TNHH vàng bạc Quý Phát và nhãn hiệu “” cho các sản phẩm thuộc Nhóm 25 (Quần áo) của Hộ kinh doanh Đỗ Văn Hải.
8. Cục SHTT Việt Nam, sau khi xem xét Đơn khiếu nại của Philipp Plein, đã bác bỏ các lập luận, chứng cứ được viện dẫn bởi chủ đơn và ra Quyết định từ chối bảo hộ Nhãn hiệu “PP, hình” của Philipp Plein, theo đó, giữ nguyên ý kiến cho rằng Nhãn hiệu “PP, hình” của Philipp Plein bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với 2 nhãn hiệu đối chứng nêu trên.
9. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT Việt Nam, Philipp Plein tiếp tục khiếu nại lần 2 lên Bộ Khoa học và Công nghệ (“Bộ KHCN”) – Cơ quan cấp trên của Cục SHTT Việt Nam với lập luận rằng: (i) Nhãn hiệu “PP, hình” của Philipp Plein khác biệt với 2 nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, hình thức thể hiện, ấn tượng thị giác và (ii) Nhãn hiệu “PP, hình” của Philipp Plein đã được sử dụng trong thương mại tại Việt Nam mà không gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào cho công chúng/người tiêu dùng trên thực tế.
10. Để giải quyết Đơn khiếu nại lần 2, một Phiên Đối Thoại đã được tổ chức với sự tham gia của 3 bên gồm: đại diện Bộ KHCN với tư cách là Cơ quan giải quyết khiếu nại, đại diện của Cục SHTT với tư cách là Bên Bị Khiếu Nại và đại diện của Philipp Plein với tư cách là Bên Khiếu Nại.
11. Lắng nghe lập luận, quan điểm của các bên, xem xét các tài liệu liên quan được đệ trình, Bộ KHCN nhận định rằng: Mặc dù nhãn hiệu xin đăng ký đều cấu tạo từ 2 chữ cái là “PP” đặt đối diện nhau và 2 nhãn hiệu đối chứng cũng bao gồm chữ “QP” đặt đối diện nhau, nhìn tương tự nhau nhưng sự tương tự giữa các nhãn hiệu này là không đủ/không đến mức có thể gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng và có thể phân biệt được với nhau về tổng thể. Bộ KHCN cũng ghi nhận thực tế rằng Nhãn hiệu “PP, hình” đã được sử dụng trong thương mại tại Việt Nam và yêu cầu Bên Khiếu Nại bổ sung các tài liệu chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu để xem xét.
12. Trên cơ sở xem xét tài liệu bổ sung về việc sử dụng Nhãn hiệu “PP, hình”, Bộ KHCN đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, theo đó, hủy bỏ Quyết định của Cục SHTT và yêu cầu Cục SHTT tiến hành các thủ tục để bảo hộ cho Nhãn hiệu “PP, hình” theo ĐKQT số 1098038 cho Philipp Plein.
Điều cần ghi nhớ
13. Điều 74.2 (e) Luật SHTT quy định: “Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên“. Để đánh giá sự tương tự của các nhãn hiệu, cần phải so sánh (i) dấu hiệu xin đăng ký với (các) nhãn hiệu đối chứng và đồng thời so sánh (ii) hàng hóa/dịch vụ mang các nhãn hiệu đó. Chỉ có thể kết luận về khả năng gây nhầm lẫn giữa dấu hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng nếu thỏa mãn đồng thời cả 2 điều kiện nêu trên.
14. Nếu hàng hóa/dịch vụ của các nhãn hiệu đang được xem xét bị coi là tương tự với nhau về bản chất/chức năng, công dụng, đối tượng khách hàng, kênh thương mại, rõ ràng, cách duy nhất để khiếu nại thành công là phải chứng minh điều kiện (i) không thỏa mãn. Nghĩa là, các so sánh, phân tích của luật sư cần xoáy sâu và làm nổi bật sự khác biệt then chốt/cốt lõi về các khía cạnh của các nhãn hiệu đang xem xét (về cấu trúc, cách phát âm, hình thức thể hiện, ấn tượng thị giác…). Trong bối cảnh của Nhãn Hiệu Hình/Logo, các câu hỏi sau đây cần được trả lời để tìm ra cơ sở, lập luận chứng minh cho sự khác biệt giữa các nhãn hiệu:
• Các Nhãn Hiệu Hình/Logo đang xem xét giống nhau ở điểm gì?
• Có những điểm khác biệt nào giữa các Nhãn Hiệu Hình/Logo đang xem xét?
• Các điểm giống nhau giữa các Nhãn Hiệu Hình/Logo có đủ để gây ra nguy cơ nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không?
• Có các tiền lệ tương tự như trường hợp các Nhãn Hiệu Hình/Logo đang xem xét hay không?
15. Các câu hỏi (i), (ii) và (iii) tại Đoạn 14 nêu trên sẽ được giải đáp nếu làm sáng tỏ câu hỏi trọng tâm: Thành phần nào đóng vai trò chính yếu/căn bản trong việc thực hiện chức năng phân biệt cho các Nhãn Hiệu Hình/Logo đang xem xét?
16. Trong một nhãn hiệu bao gồm phần chữ và phần hình, thông thường, sẽ có một thành phần mạnh, đóng vai trò quan trọng hơn, tác động mạnh hơn tới tâm trí người tiêu dùng so với thành phần còn lại. Một cách tự nhiên, người tiêu dùng khi ghi nhớ một nhãn hiệu, luôn luôn ghi nhớ thành phần có khả năng phân biệt nhất, thành phần mạnh nhất của nhãn hiệu đó. Do vậy, cần phải xác định được thành phần có khả năng phân biệt nhất trong một Nhãn Hiệu Hình/Logo là thành phần nào, có đặc tính gì, và tại sao nó được xem như thành phần có khả năng phân biệt nhất? Trong một nhãn hiệu kết hợp 2 thành phần “chữ” và “hình”, thành phần “chữ” thường được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất để gọi tên/đặt tên cho sản phẩm mà họ định mua, và do vậy, thành phần “chữ” của nhãn hiệu là công cụ/phương tiện giao tiếp dễ dàng nhất giữa người bán và người mua. Do đó, thành phần “chữ” trong một nhãn hiệu kết hợp thường đóng vai trò là thành phần mạnh nhất, có khả năng phân biệt nhất.
17. Trong Nhãn hiệu đối chứng thứ nhất, phần chữ “QUÝ PHÁT” rõ ràng là thành phần mạnh vì nó được người tiêu dùng sử dụng trước tiên để chỉ ra sản phẩm/dịch vụ mà họ mong muốn mua/sử dụng. Phần chữ “QUÝ PHÁT” trong nhãn hiệu đối chứng này lại trùng với Tên Thương Mại là “QUÝ PHÁT” của chủ nhãn hiệu đối chứng. Như vậy, “QUÝ PHÁT” là thành phần chính, thực hiện chức năng phân biệt cho Nhãn hiệu đối chứng thứ nhất. Logo chữ “QP” đặt đối diện nhau chiếm vị trí nhỏ đặt phía trên phần chữ “QUÝ PHÁT”, như một yếu tố mang tính trang trí, không có khả năng phát âm như một từ, nên đóng vai trò thứ yếu trong việc ghi nhớ nhãn hiệu của người tiêu dùng.
Tương tự, trong Nhãn hiệu đối chứng thứ hai, phần chữ “QP-FASHION” là thành phần mạnh, thành phần chính thực hiện chức năng phân biệt cho Nhãn hiệu đối chứng thứ hai.
Khác biệt với hai nhãn hiệu đối chứng, nhãn hiệu xin đăng ký không có các dấu hiệu chữ ở các vị trí tương tự.
Như vậy, các nhãn hiệu đang xem xét rõ ràng hàm chứa/chứa đựng ý nghĩa nội hàm khác nhau và ấn tượng thương mại tác động tới nhận thức và tâm trí người tiêu dùng từ các nhãn hiệu nêu trên là hoàn toàn khác biệt. Do đó, các nhãn hiệu này sẽ được người tiêu dùng nhận thức và ghi nhớ theo cách không giống nhau và, nhờ đó, không bị nhầm lẫn. Các luật sư có kinh nghiệm sẽ chú trọng phân tích sự khác biệt trong cấu trúc của các nhãn hiệu và sự khác nhau trong các thành phần thực hiện chức năng phân biệt của các nhãn hiệu được xem xét nhằm làm nổi bật sự khác biệt trong cách thức người tiêu dùng ghi nhận/ghi nhớ các nhãn hiệu được xem xét, từ đó, đưa ra các lập luận bác bỏ mạnh mẽ ý kiến về nguy cơ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
18. Sự khác biệt về các thành phần chính yếu/cốt lõi thực hiện chức năng phân biệt của các Nhãn Hiệu Hình/Logo nêu trên rõ ràng sẽ giúp (i) truyền tải những ý nghĩa, thông điệp khác nhau, (ii) mang lại ấn tượng thương mại “commercial impression” khác nhau tác động đến quá trình ghi nhận/nhận diện và ghi nhớ của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu theo cách khác nhau, nhờ đó, (ii) giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn về các nhãn hiệu sử dụng cho các sản phẩm/dịch vụ cùng loại.
19. Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu: Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung năm 2010 quy định [Phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với … nhãn hiệu … được xác định theo phạm vi bảo hộ được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ]. Điều 11.2 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung năm 2010 quy định [Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam]. Như vậy, theo quy định của pháp luật, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu được xác định dựa trên (i) mẫu nhãn hiệu đã đăng ký và (ii) danh mục sản phẩm/dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Việc chẻ/chia tách nhãn hiệu có trước thành các thành phần riêng rẽ để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu xin đăng ký đang trở thành một xu hướng nguy hiểm trong thời gian gần đây, với biện hộ rằng: Cơ quan SHTT phải đánh giá/thẩm định chặt chẽ để từ chối các nhãn hiệu tương tự nhằm tránh nguy cơ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng dường như, theo chúng tôi, các xét nghiệm viên ít khi đặt mình vào người tiêu dùng để nhìn nhận/thẩm định và hiểu được họ nhận biết, ghi nhớ và phân biệt các nhãn hiệu với nhau như thế nào. Việc ra thông báo từ chối tại Việt Nam thực tế rất dễ, chỉ cần cung cấp đối chứng và viện dẫn điều luật, mà không có bất kỳ lập luận nào từ xét nghiệm viên giải thích cho việc ban hành thông báo từ chối đối với nhãn hiệu xin đăng ký. Do đó, xét nghiệm viên có xu hướng “bắt nhầm hơn bỏ sót” trong thẩm định nhãn hiệu, dẫn đến rất nhiều thông báo từ chối bảo hộ không phù hợp và không chính đáng.
Các điều luật viện dẫn tại Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP và Điều 11.2 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được hiểu rằng: Nhãn hiệu được bảo hộ như nó đăng ký. Một Nhãn hiệu gồm phần chữ và phần hình có phạm vi bảo hộ khác biệt với cơ chế bảo hộ khi nó được chủ nhãn hiệu đăng ký thành 2 nhãn hiệu riêng biệt, Nhãn Hiệu Chữ và Nhãn Hiệu Hình. Nói cách khác, không thể coi một Nhãn hiệu kết hợp giữa phần chữ và phần hình là hai nhãn hiệu riêng biệt. Nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu như nó được đăng ký được hiểu rằng: các thành phần cấu tạo nên nhãn hiệu đó được bảo hộ trong tổng thể của nó và như vậy, khi thẩm định, xét nghiệm viên phải xem xét, đánh giá Nhãn hiệu đó trong tổng thể của nó, như nó được bảo hộ.
Việc chia tách cơ học Nhãn hiệu kết hợp thành hai riêng biệt, phần chữ và phần hình, để thẩm định tính tương tự của Nhãn hiệu đó với Nhãn hiệu xin đăng ký sẽ làm sai lệch phạm vi bảo hộ của Nhãn hiệu, mà không biết rằng bằng cách đó, xét nghiệm viên đã tự trao cho mỗi thành phần trong Nhãn hiệu đó phạm vi bảo hộ riêng rẽ, rộng nhất mà lẽ ra phạm vi bảo hộ đối với Nhãn hiệu phải như nó vốn được đăng ký, tức là Nhãn hiệu đó được bảo hộ trong tổng thể của nó. Hệ quả là, xét nghiệm viên sẽ hình thành quan điểm phiến diện, áp đặt ý kiến chủ quan, một chiều và không dựa trên quy định của pháp luật, đưa ra nhận định sai lầm về tính tương tự gây nhầm lẫn giữa các Nhãn hiệu được xem xét. Rõ ràng, điều này là tối kỵ. Về mặt pháp luật, xét nghiệm viên phải thực hiện việc thẩm định/đánh giá/so sánh Nhãn hiệu kết hợp chữ và hình trong tổng thể như nó vốn có so với Nhãn hiệu xin đăng ký để kết luận một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện về việc liệu khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng có xảy ra hay không?
20. Tài liệu hỗ trợ khiếu nại: Chứng cứ chứng minh Nhãn hiệu xin đăng ký và các Nhãn hiệu đối chứng đã đều được sử dụng trong thương mại mà không gây ra sự nhầm lẫn nào trên thực tế có giá trị và trọng lượng trong lập luận và thuyết phục Cơ quan giải quyết khiếu nại chấp thuận bảo hộ cho Nhãn hiệu xin đăng ký. Các tài liệu và lập luận được thiết lập một cách khéo léo để khẳng định Nhãn hiệu xin đăng ký đã được sử dụng trong một thời gian dài, đã tạo dựng được uy tín trên thị trường tương đối cao và đã phát triển một lượng khách hàng ổn định cũng khá hiệu quả trong việc chứng minh khả năng phân biệt cho Nhãn hiệu đó so với các Nhãn hiệu đối chứng. Các luật sư có kinh nghiệm chuyên sâu về SHTT sẽ biết cách tư vấn cho khách hàng của mình cần chuẩn bị những loại tài liệu nào và sử dụng chúng một cách hiệu quả, làm tăng giá trị chứng minh của các tài liệu đó trong quá trình khiếu nại.
21. Các tiền lệ tương tự như trường hợp đang xem xét có thể là một nguồn chứng cứ quan trọng nhằm thuyết phục Cơ quan giải quyết khiếu nại chấp thuận bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký. Các trường hợp nhãn hiệu tương tự nhau, nhưng đều đã được Cơ quan SHTT tại Việt Nam hoặc nước ngoài chấp thuận bảo hộ cần được tìm kiến để chứng minh: Sự tương tự giữa các Nhãn hiệu đang xem xét là có, nhưng mức độ tương tự là chưa đủ để gây ra nguy cơ nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nói cách khác, dù cho các Nhãn hiệu đang xem xét có sự tương tự trong chừng mực nào đó, nhưng sự khác biệt trong các thành phần mạnh của các Nhãn hiệu đó là đủ giúp người tiêu dùng phân biệt được chúng/không bị nhầm lẫn bởi các Nhãn hiệu đó.
22. Phiên Đối Thoại để giải quyết Đơn Khiếu Nại lần hai trong lĩnh vực Sở hữu Công nghiệp tại Việt Nam là thủ tục được tổ chức bởi Cơ quan giải quyết khiếu nại (Bộ KHCN) để Bên Khiếu Nại (đại diện SHCN của chủ đơn) và Bên Bị Khiếu Nại (Cục SHTT – Cơ quan ra Quyết định bị khiếu nại) làm rõ các tình tiết, trình bày các lập luận, dẫn chứng, quan điểm về các vấn đề trong Đơn khiếu nại hoặc Quyết định giải quyết khiếu nại, trên cơ sở đó, Cơ quan giải quyết khiếu nại xem xét và ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai một cách đúng đắn, khách quan. Phiên Đối Thoại là cơ hội quý giá mà Luật sư cần tận dụng triệt để nhằm chứng minh quan điểm, lập luận của mình, gây ảnh hưởng tới việc xem xét, ra Quyết định giải quyết khiếu nại theo hướng có lợi cho khách hàng của mình.
23. Theo Đoạn 22 nêu trên, câu hỏi Bên Khiếu Nại quan tâm có thể là: Cần chuẩn bị những gì cho Phiên Đối Thoại đạt hiệu quả theo mong muốn? Phiên Đối Thoại để giải quyết khiếu nại, theo chúng tôi, cũng có thể được xem như một Phiên Tòa Rút Gọn để xét xử một vụ việc, trong đó, Cơ quan giải quyết khiếu nại (Bộ KHCN) trong vai trò là Tòa án/Cơ quan xét xử, Bên Khiếu Nại (Đại diện SHCN của chủ đơn) trong vai trò là Nguyên Đơn và Bên Bị Khiếu Nại (Cục SHTT) trong vai trò là Bị Đơn. Do đó, sẽ có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, nhiều việc phải làm, các bước tiếp cận và chiến lược khôn ngoan cần thực hiện để đảm bảo dành được thắng lợi cho khách hàng! Các luật sư của KENFOX, với kinh nghiệm chuyên sâu trong nhiều vụ việc khiếu nại, sẵn sàng tư vấn chi tiết về các tài liệu cần chuẩn bị cho thủ tục khiếu nại tại Việt Nam (như: Bản Tuyên Thệ, Ý kiến chuyên gia, Bằng chứng sử dụng, Ảnh chụp, lời chứng…) trước khi diễn ra phiên đối thoại, cũng như biết cách cần phân tích nội dung gì, tập trung vào những luận điểm nào, tận dụng hiệu quả các tài liệu hỗ trợ khiếu nại, ứng phó với các tình huống/diễn biến trong khi diễn ra phiên đối thoại một cách linh hoạt để giành lợi thế trong quá trình tranh luận cho khách hàng của mình.
Nếu bạn cần làm rõ hoặc có câu hỏi nào về bài viết nêu trên, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Vui lòng truy cập 👉 để tìm hiểu về một số bài viết khác hoặc truy cập 👉 để đọc bài viết này ở ngôn ngữ Tiếng anh