KENFOX IP & Law Office > Related Matters in Vietnam  > Cơ chế thông báo và gỡ bỏ vi phạm chống lại các xâm phạm SHTT trên môi trường số tại Việt Nam

Cơ chế thông báo và gỡ bỏ vi phạm chống lại các xâm phạm SHTT trên môi trường số tại Việt Nam

English

Tải xuống

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, trong đó một số lượng lớn các trang thông tin điện tử giả mạo vi phạm tiếp tục hoạt động và phát triển phổ biến. Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, thứ nhất là do thiếu các quy định pháp luật hoặc các quy định pháp luật hiện hành không hiệu quả, và thứ hai là việc thực thi yếu kém. Theo cách hiểu thông thường, Thông báo Gỡ bỏ Vi phạm đề cập đến các tình huống trong đó chủ sở hữu quyền có thể gửi thông báo đến Nhà cung cấp dịch vụ Internet (“ISP”), nhà cung cấp dịch vụ công cụ tìm kiếm hoặc nhà cung cấp dịch vụ liên kết, thông báo cho họ về nội dung vi phạm có liên quan đang được tải lên vào chỗ lưu trữ thông tin của ISP và người thông báo cung cấp bằng chứng sơ bộ để chứng minh; ISP, khi nhận được thông báo, có thể không buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu ISP loại bỏ kịp thời các nội dung bị cáo buộc vi phạm hoặc ngắt kết nối các liên kết, khi đáp ứng tất cả các điều khoản miễn trừ khác. Cơ chế Thông báo và Gỡ bỏ được cho là không chỉ cho phép các bên trong tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giải quyết một cách thiện chí mà còn giúp giảm bớt gánh nặng tư pháp và tăng hiệu quả tư pháp.

Câu hỏi về cách thức hoạt động của cơ chế thông báo và gỡ bỏ trên thực tế ở Việt Nam đang được các bên liên quan đến quyền SHTT rất quan tâm. Vui lòng xem phần Hỏi -Đáp của chúng tôi dưới đây để biết thêm thông tin về chủ đề này.

1. Dịch vụ trung gian ở Việt Nam là gì?

Dịch vụ trung gian bao gồm 5 loại, cụ thể:

(i) Dịch vụ viễn thông,

(ii) Dịch vụ Internet,

(iii) Dịch vụ mạng xã hội trực tuyến,

(iv) Dịch vụ tìm kiếm thông tin số, và

(v) Dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử (Xem Điều 3.1 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19 tháng 6 năm 2012)

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Việt Nam là ai?

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Việt Nam bao gồm 5 đơn vị, cụ thể là:

(i) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP),

(ii) Doanh nghiệp viễn thông;

(iii) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số, bao gồm cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử;

(iv) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

(v) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số.

(Xem Điều 3.2 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19 tháng 6 năm 2012)

3. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chính tại Việt Nam là ai?

Có 9 ISP chính như sau:

(i) CMC Telecom (website: https://cmctelecom.vn/)

(ii) FPT (website: https://www.fpt.com.vn)

(iii) Hanoi Telecom (website: https://vnptonline.com.vn/)

(iv) Công ty Netnam  (website: https://netnam.com/)

(v) Tổng Công ty Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (website: https://www.spt.vn/)

(vi) Công ty Truyền số liệu Việt Nam (website: https://www.vnnic.vn/)

(vii) Công ty Viettel (website: http://viettel.com.vn)

(viii) Vinaphone    (website: https://www.vinaphone.com.vn/)

(ix) VNPT (website: https://www.vnpt.com.vn/)

4. Các văn bản pháp luật nào điều chỉnh các hoạt động thương mại điện tử hay dịch vụ trung gian tại Việt Nam?

Các giao dịch và/hoặc hoạt động thương mại điện tử được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chính sau đây:

Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

• Luật Thương mại 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005.

• Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 10/12/2018.

• Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018.

• Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018.

• Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

• Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 về quản lý website thương mại điện tử, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018.

• Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018.

5. Trách nhiệm của ISP đối với xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam là gì?

ISP tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm sau trong trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số như sau:

(i) Chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

(ii) Gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

(iii) Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

(iv) Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau:

       (a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

       (b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

       (c) Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

       (d) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

(Xem Điều 5.2 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19 tháng 6 năm 2012).

6. Những “giới hạn an toàn” hay “bến cảng an toàn” (safe harbors) – những trường hợp ISP được miễn trừ trách nhiệm – Sự khác biệt trong Luật Công nghệ thông tin và Luật an ninh mạng

Luật Công nghệ thông tin của Việt Nam hiện hành quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về nội dung bất hợp pháp của bên thứ ba miễn là họ xóa nội dung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc cá nhân, nếu nội dung đó liên quan đến thông tin cá nhân của họ. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian không có nghĩa vụ phải theo dõi hoặc giám sát thông tin kỹ thuật số của các bên khác hoặc điều tra các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh từ quá trình truyền hoặc lưu trữ thông tin kỹ thuật số của các tổ chức và cá nhân khác, trừ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Tuy nhiên, trong bốn trường hợp được nêu dưới đây, nhà cung cấp dịch vụ trung gian sẽ buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý, nghĩa là, biện pháp bảo vệ bến cảng an toàn nêu trên sẽ không áp dụng nếu các nhà cung cấp dịch vụ trung gian: (i) sửa đổi nội dung thông tin được đăng trên nền tảng của họ; (ii) không tuân thủ các quy định quản lý quyền truy cập hoặc cập nhật nội dung; (iii) thu thập dữ liệu một cách bất hợp pháp thông qua việc lưu trữ thông tin tạm thời; hoặc (iv) tiết lộ thông tin bí mật.

Ở góc độ Luật An ninh mạng, pháp luật Việt Nam lại đặt ra các quy định khác biệt, dường như phủ nhận học thuyết/quy định về “giới hạn an toàn” hay “bến cảng an toàn”, theo đó, yêu cầu tất cả các trang web, cổng thông tin điện tử (bao gồm cả nền tảng trung gian) hoặc các chuyên trang trên mạng xã hội của các cơ quan/tổ chức/cá nhân phải: (i) không cung cấp, đăng hoặc truyền tải các thông tin bị cấm/vi phạm; (ii) ngăn chặn việc chia sẻ thông tin bị cấm/vi phạm; và (iii) gỡ bỏ thông tin bị cấm/vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo từ các cơ quan có liên quan. Với các quy định hiện hành của Luật an ninh mạng, có thể hiểu rằng ISP có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp hành chính và kỹ thuật để ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và gỡ bỏ thông tin bị cấm/vi phạm do người dùng đăng tải/chia sẻ trên nền tảng.

7. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể gửi “thông báo gỡ bỏ vi phạm” cho ISP khi phát hiện vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam không?

Mặc dù bạn có thể cân nhắc gửi “thông báo gỡ bỏ vi phạm” tới ISP, yêu cầu ISP gỡ bỏ vi phạm quyền tác giả của bạn, nhưng ở giai đoạn hiện tại (khi Luật SHTT sửa đổi vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến), do đó ISP không có nghĩa vụ phải tuân thủ yêu cầu của bạn. Theo Điều 5.2.3 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL, các ISP tại Việt Nam chỉ phải gỡ bỏ và xóa các vi phạm quyền tác giả khỏi các nguồn/phương tiện dịch vụ internet của họ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan thực thi có thẩm quyền của Việt Nam. Điều này có nghĩa là ISP sẽ gỡ bỏ vi phạm quyền tác giả chỉ sau khi vụ việc được cơ quan thực thi có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận và xác nhận có vi phạm xảy ra. Theo nghĩa rộng hơn, bạn cần đệ trình vụ việc (về khiếu nại/cáo buộc vi phạm quyền tác giả) cho cơ quan thực thi có thẩm quyền của Việt Nam để giải quyết theo hoặc/cả thủ tục hành chính hoặc/và thủ tục dân sự để cơ quan có thẩm quyền thực thi của Việt Nam có thể yêu cầu IPS gỡ bỏ tài liệu vi phạm.

Do các quy định trong các văn bản dưới luật tại Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL, các ISP tại Việt Nam không thể trực tiếp hành động chống lại các trang thông tin điện tử giả mạo hoặc xâm phạm quyền tác giả/vi phạm quyền tác giả trên môi trường số mà không có sự tham gia/can thiệp của chính phủ.

Cơ chế “thông báo và gỡ bỏ” hiện tại của Việt Nam đã cản trở các hành động thực thi nhằm ngăn chặn và chống xâm phạm quyền tác giả/vi phạm quyền tác giả trên môi trường số một cách hiệu quả và kịp thời. Do đó, cơ chế “thông báo và gỡ bỏ” của Việt Nam đã nhận rất nhiều chỉ trích trong các báo cáo của EUROCHAM, IIPA và AUSCHAM, cùng nhiều báo cáo khác.

Nhiều quốc gia, chẳng hạn Hoa Kỳ, đã áp dụng cơ chế “thông báo và gỡ bỏ” rất tiến bộ, theo đó chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp gửi thông báo (thông báo gỡ bỏ) tới ISP cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử chứa tài liệu vi phạm. ISP đang cho thuê chỗ lưu trữ nội dung được yêu cầu xóa nội dung đó ngay lập tức khi nhận được thông báo. Ngoài ra, ISP phải thông báo cho người bị cáo buộc vi phạm rằng nội dung của họ đã bị xóa và giải thích lý do. Người bị cáo buộc vi phạm có thể gửi thông báo phản đối tại thời điểm này. Để thông báo phản đối có hiệu lực, thông báo phản đối đó phải bao gồm thông tin liên hệ của người dùng, đặc điểm nội dung đã bị xóa, tuyên bố chịu trách nhiệm nếu khai man rằng người dùng tin rằng nội dung đã bị xóa do nhầm lẫn, đồng ý với thẩm quyền xét xử của tòa án liên bang Hoa Kỳ và chữ ký của người dùng. Nếu người bị cáo buộc vi phạm không đệ trình thông báo phản đối nêu trên hoặc nếu thông báo phản đối được coi là không hợp lệ, chủ sở hữu quyền tác giả không bắt buộc phải thực hiện thêm bất kỳ hành động nào. ISP phải thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả nếu thông báo phản đối hợp lệ được đệ trình. Chủ sở hữu quyền tác giả sau đó có thể khởi kiện trước tòa. Nếu đơn kiện được nộp trong một khoảng thời gian cụ thể, ISP sẽ bị cấm tải lại tài liệu lên cho đến khi toán án đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, nếu thông báo phản đối hợp lệ được gửi và chủ sở hữu quyền tác giả không thực hiện hành động pháp lý trong khoảng thời gian quy định, nội dung sẽ được khôi phục trên môi trường số.

Cơ chế “thông báo gỡ bỏ” nêu trên của Mỹ mang lại kinh nghiệm quý báu cho không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước đang phát triển khác trong việc đối phó với nạn vi phạm quyền tác giả/vi phạm quyền tác giả trên môi trường số vẫn đang gia tăng ở mức báo động.

Trách nhiệm của ISP theo quy định tại dự thảo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam dự kiến thông qua năm 2022

Với việc ký kết các hiệp định thương mại lớn trong thời gian gần đây (bao gồm EVFTA, CPTPP, RCEP và UKVFTA), Việt Nam đã ban hành một dự thảo sửa đổi Luật SHTT khác vào năm 2020 mặc dù Luật SHTT mới được sửa đổi và thông qua vào năm 2019. Đáng chú ý trong dự thảo Luật năm 2020 là đề xuất tăng trách nhiệm của ISP. Cụ thể, theo dự thảo Luật, ISP ngoài các yêu cầu khác, phải [Nhanh chóng xóa hoặc chặn quyền truy cập vào thông tin khi biết rằng đó là bất hợp pháp, khi nhận được yêu cầu bằng văn bản từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật] (xem toàn văn Điều 198 (b) của dự thảo Luật SHTT bên dưới). Dự thảo Luật SHTT dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào năm 2022. Mặc dù điều khoản nêu trên vẫn chưa có hiệu lực và nếu được giữ nguyên trong luật, nhiều việc làm sẽ phải được thực hiện để chi tiết hóa cách thực thi quy định đó nhằm tạo điều kiện thích hợp và tránh lạm dụng cơ chế “thông báo và gỡ bỏ” cũng như chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ của (i) người thông báo và (ii) người phản đối thông báo, nhiều chủ thể quyền SHTT xem quy định này là một bước phát triển tích cực và đáng kể trong quá trình bảo vệ quyền SHTT chống lại hành vi xâm phạm trên môi trường số tại Việt Nam.

Một số giải pháp 

Trong khi chờ đợi dự thảo Luật SHTT có hiệu lực, các chủ thể quyền SHTT có thể theo đuổi các biện pháp hành chính khác để nhanh chóng chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên môi trường số. Bạn có thể tìm thêm thông tin chi tiết từ các bài viết của chúng tôi trong các liên kết sau:

https://kenfoxlaw.com/coping-with-counterfeit-trading-on-e-commerce-websites-platforms-in-vietnam

 https://kenfoxlaw.com/handling-of-trademark-infringement-found-in-an-e-commerce-website-in-vietnam-some-noteworthy-points/

 https://kenfoxlaw.com/what-should-be-aware-about-the-liabilities-of-internet-service-providers-to-deal-with-ip-infringement-in-vietnam


Điều 198(b) dự thảo Luật SHTT Việt Nam năm 2020:

Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để đưa tác phẩm lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng tác phẩm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian bao gồm:

a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet;

b) Doanh nghiệp viễn thông;       

c) Doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng, cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số;

d) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

e) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số;

f) Các doanh nghiệp khác do Chính phủ quy định.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình thuộc một trong các trường hợp sau:

a)  Truyền dẫn thông tin do người sử dụng dịch vụ đăng tải/cung cấp trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng; cung cấp truy cập mạng viễn thông và mạng Internet công cộng (“thuần túy chỉ truyền dẫn – mere conduit”);

b)  Truyền dẫn thông tin được lưu trữ tự động, lưu trữ trung gian và lưu trữ tạm thời do người sử dụng dịch vụ đăng tải/cung cấp trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng chỉ nhằm mục đích làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn đến những người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ (“caching/bộ nhớ đệm”), với điều kiện là nhà cung cấp phải:

(i)  Không thay đổi thông tin trừ khi vì lý do kỹ thuật, công nghệ; sử dụng kỹ thuật công nghệ được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để có được dữ liệu trong việc truyền dẫn theo quy định tại điểm này không ảnh hưởng đến nội dung thông tin được truyền dẫn.

(ii)  Tuân thủ các điều kiện về tiếp cận thông tin;

(iii) Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến truyền dẫn thông tin; (được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp công nhận và sử dụng rộng rãi);

(iv) Không được can thiệp bằng việc sử dụng hợp pháp công nghệ được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi để lấy dữ liệu về việc sử dụng thông tin; và

(v) Gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập thông tin đã được lưu trữ khi biết hoặc nhận được thông báo rằng thông tin được lưu trữ tạm thời đã được gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập tại nguồn khởi đầu truyền dẫn/trang khởi phát; hoặc

c)  Việc lưu trữ thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ (“hosting/cho thuê chỗ lưu trữ”) với điều kiện là nhà cung cấp:

(i)  Không biết về thông tin bất hợp pháp; và

(ii) Nhanh chóng gỡ bỏ hoặc chặn truy cập thông tin khi biết được thông tin đó là bất hợp pháp khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ thể quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Các quy định tại khoản 3 Điều này không áp dụng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tự quản lý dịch vụ của mình hoặc tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm.

5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm:

a) Lưu trữ nội dung thông tin số trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình chỉ mang tính chất trung chuyển, tạm thời, tự động, có thời hạn, đủ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc truyền tải nội dung thông tin số.

b) Chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

c) Gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ thể quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

d) Cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

dd) Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

e) Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau:

(i) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

(ii)  Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

(iii) Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp công nghệ do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

(iv) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

g) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không trực tiếp liên quan đến việc cung cấp nội dung thông tin mà chỉ cung cấp tính năng truyền tải thông tin, không có quyền đọc, kiểm soát thông tin truyền tải trên mạng (doanh nghiệp viễn thông) phải thực hiện các quy định tại các điểm a, b, d, dd và điểm e khoản này trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

h) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trực tiếp tạo ra môi trường, công cụ đăng tải, chia sẻ, cung cấp nội dung thông tin đến người dùng (dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, trang thông tin điện tử, dịch vụ nền tảng (platform)…). Ngoài việc thực hiện các quy định tại các điểm a, b, c, dd và điểm e khoản này, còn phải thực hiện các trách nhiệm sau:

(i) Xây dựng công cụ rà soát, giám sát nội dung đăng tải, chia sẻ trên nền tảng của mình và gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan;

(ii) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cam kết thực hiện trách nhiệm bảo đảm sử dụng hợp pháp nội dung thông tin số đưa lên đăng tải trên hệ thống mạng Internet và mạng viễn thông;

(iii) Cảnh báo trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan;

(iv)  Chịu trách nhiệm liên đới về vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan nếu như không gỡ bỏ, xử lý nội dung thông tin vi phạm sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

6. Nội dung thông tin số quy định tại Điều này là tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ theo Luật này được thể hiện dưới dạng số.