Đầu cơ nhãn hiệu – xu hướng báo động cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Mất nhãn hiệu là mất quyền tiếp cận thị trường. Sản phẩm chính hãng được sản xuất bởi chủ nhãn hiệu đích thực lại có thể trở thành “hàng giả” nếu nhãn hiệu bị đối thủ cạnh tranh đăng ký chiếm giữ. Các chủ thể đầu cơ nhãn hiệu trái phép thậm chí còn sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký làm công cụ pháp lý để tấn công lại chủ nhãn hiệu đích thực. Vụ việc dưới đây là ví dụ điển hình, dù đã xảy ra khá lâu, nhưng còn nguyên giá trị thực tiễn và là bài học đắt giá cho mọi doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam khi nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và đầu cơ nhãn hiệu ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.
Bối cảnh
HWASUNG là tên thương mại và nhãn hiệu của công ty HWASUNG sử dụng cho các sản phẩm dây điện. HWASUNG, một công ty Hàn Quốc cùng với 2 công ty Hàn Quốc khác là SEOUL và SIMEX đã góp vốn thành lập Công ty cáp điện SH-VINA, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Hàn Quốc, tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Công ty Thiên Phú, một công ty đặt tại Hà Nội Việt Nam đăng ký nhãn hiệu HWASUNG cho các sản phẩm dây điện, cáp điện và các sản phẩm điện thuộc nhóm 09 và được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh năm 2005. Ngay sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu, Công ty Thiên Phú đã nộp đơn tới Đội quản lý thị trường của Hà Nội yêu cầu kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hoá gồm dây cáp điện và cáp điện thoại mang nhãn hiệu SH-HWASUNG của Công ty Duy Tân và Công ty Duy Yên. Đây là hai đại lý tiêu thụ lớn nhất của Công ty SH-VINA.
Công ty SH-VINA, trong biên bản giải trình, cho biết dây cáp điện mang nhãn hiệu HWASUNG đã được Công ty HWASUNG nhập và tiêu thụ tại Việt Nam thông qua một số đại lý từ năm 2002 đến 2006. Việc nhập khẩu này chỉ dừng lại kể từ khi Công ty SH-VINA sản xuất tại Việt Nam. Dây cáp điện do SH-VINA sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu “SH-HWASUNG”. Tuy nhiên, đến tháng 05 năm 2006, Công ty mới nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) để đăng ký nhãn hiệu “SH-HWASUNG” cho các sản phẩm dây, cáp điện và các thiết bị điện thuộc nhóm 09. Nhãn hiệu này đã bị từ chối đăng ký với lý do trùng với nhãn hiệu HWASUNG đã được cấp cho Công ty Thiên Phú đã đăng ký trước đó.
Tháng 9/2006, để đòi lại quyền đối với nhãn hiệu, Công ty SH-VINA đã nộp đơn đề nghị Cục SHTT huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HWASUNG đã cấp Công ty Thiên Phú với lý do nhãn hiệu này trùng với tên thương mại của Công ty HWASUNG của Hàn Quốc và nhãn hiệu HWASUNG đã được sử dụng tại thị trường Việt Nam trước khi Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký.
Trước tình trạng tranh chấp trong việc xác lập quyền diễn ra đồng thời với việc yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, Đội quản lý thị trường đã có thông báo tạm ngừng việc xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với Công ty SH-VINA. Lý do của việc tạm ngưng là đang có sự tranh chấp về quyền đăng ký nhãn hiệu của Công ty SH-VINA và Công ty Thiên Phú.
Ngày 28.11.2007, Cục SHTT đã ra quyết định huỷ bỏ đăng ký nhãn hiệu “HWASUNG” đã cấp cho Công ty Thiên Phú.
Năm 2013, sau 8 năm kể từ khi nộp đơn, cuối cùng Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu “SH-HWASUNG”, chính thức ghi nhận Công ty SH-VINA là chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Lời kết
Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam là thủ tục khá đơn giản và không tốn kém. Cơ chế này tạo điều kiện dễ dàng cho chủ nhãn hiệu đăng ký xác lập quyền sở hữu cho nhãn hiệu của họ tại Việt Nam, nhưng cũng chính sự thuận lợi này đang bị lợi dụng, lạm dụng. Không ít chủ nhãn hiệu phải sa lấy vào các cuộc chiến pháp lý dai dẳng để đòi lại nhãn hiệu của chính mình. Không ít các trường hợp sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu của người khác, bên đầu cơ nhãn hiệu quay lại yêu cầu chủ nhãn hiệu đích thực mua lại nhãn hiệu với mức giá không tưởng, thậm chí gây áp lực bằng cách yêu cầu cơ quan thực thi bắt giữ hàng hóa của chủ nhãn hiệu đích thực.
Cuộc chiến tranh chấp nhãn hiệu kéo dài 8 năm dù cho hồi kết có lợi cho chủ nhãn hiệu, chắc chắn đã tiêu tốn không ít nguồn lực tài chính, thời gian và thậm chí cả cơ hội kinh doanh, phát triển thị trường của “SH-HWASUNG” tại Việt Nam.
Hãy đăng ký nhãn hiệu sớm nhất có thể, đây là chiến lược căn bản mà nhiều chủ nhãn hiệu, vì coi nhẹ, nên đã phải trả cái giá không hề rẻ. Với bối cảnh bùng nổ các tranh chấp sở hữu trí tuệ như hiện nay và đặc biệt nạn đánh cắp tài sản trí tuệ của người khác ngày một tinh vi, chủ nhãn hiệu còn phải thiết lập chiến lược giữ bí mật về nhãn hiệu với mọi tổ chức, cá nhân liên quan cho tới khi đơn đăng ký nhãn hiệu đó được nộp tại Cục SHTT để tránh viễn cảnh nhãn hiệu bị bên thứ ba lợi dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để độc chiếm nhãn hiệu.
Đọc thêm:
- Đầu cơ nhãn hiệu – xu hướng báo động cho các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Tại sao nên đăng ký nhãn hiệu và bao bì sản phẩm dưới dạng quyền tác giả tại Việt Nam?
- 8 khuyến nghị quan trọng khi xử lý các vụ đầu cơ tên miền tại Việt Nam
- Chiến Dịch Quyết Liệt Chống Hàng Giả RP7: Làm Sao Để Xử Lý Hiệu Quả Hành Vi Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ tại Việt Nam?
- Chống hàng giả: 8 cách thường sử dụng của người bán hàng trực tuyến tại Việt Nam
- Xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự tại Việt Nam: Những điều cần lưu ý
- Rủi ro đối với người kinh doanh hàng “xách tay”/ “hàng nhập lậu” vào Việt Nam
- Bán hàng chính hãng cũng có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam? Vì sao?
- Chiến lược sử dụng chứng cứ trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
- Đâu là chiến lược giành lại nhãn hiệu khi chưa đăng ký tại Việt Nam?
- Bị kiện vì sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ không đúng cách
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi khởi kiện xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam – Những điều quan trọng cần ghi nhớ