KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Chiến lược sử dụng chứng cứ trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Chiến lược sử dụng chứng cứ trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Tải về

Giới thiệu

Nguyên tắc “nghĩa vụ chứng minh” là điều cần thiết đối với bất kỳ tranh chấp pháp lý nào và các vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các vụ việc gần đây ở Việt Nam cho thấy nguyên đơn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đáp ứng nguyên tắc này, đặc biệt là khi đưa ra bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu của họ.

Trong một số lượng lớn các vụ kiện về SHTT, yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn bị tòa án bác bỏ vì bằng chứng xác định thiệt hại bị xem là không hợp pháp [1]. Điển hình, có vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không công nhận tài liệu do nguyên đơn cung cấp là chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, trong khi ở cấp phúc thẩm, các tài liệu đó được coi là chứng cứ hợp pháp [2]. Trong một vụ án khác, tài liệu do nguyên đơn cung cấp được xem là chứng cứ tại cấp sơ thẩm, nhưng ở cấ p xét xử cao hơn, tài liệu đó bị xem là không có căn cứ [3].

Những mâu thuẫn này trong việc chấp nhận chứng cứ đặt ra những câu hỏi quan trọng về vai trò của chứng cứ trong vụ kiện SHTT và những thách thức mà nguyên đơn phải đối mặt trong việc đáp ứng nghĩa vụ chứng minh. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải tìm hiểu về tính pháp lý và thực tiễn của chứng cứ để biết được chúng tác động như thế nào đến việc bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam.

Chứng cứ và những lưu ý quan trọng

Chứng cứ là gì?

Chứng cứ là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Mục đích chính của các chứng cứ này là giúp Tòa án thiết lập căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không.

Các nguồn tài liệu nào được xem là chứng cứ tại Việt Nam?

Tòa án Việt Nam chỉ coi tài liệu là chứng cứ nếu chúng có nguồn gốc từ một trong 10 (mười) nguồn được liệt kê dưới đây:

    1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
    2. Vật chứng.
    3. Lời khai của đương sự.
    4. Lời khai của người làm chứng.
    5. Kết luận giám định.
    6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
    7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
    8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
    9. Văn bản công chứng, chứng thực.
    10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Trong một số vụ việc về SHTT gần đây do các cơ quan thực thi hành chính thụ lý và/hoặc do tòa án Việt Nam xét xử, chủ thể quyền thường sử dụng dịch vụ Thừa phát lại [4] để lập Vi bằng [5] ghi nhận lại các chứng cứ. Đây là một cách tiếp cận hợp lý bởi thực tế là các yêu cầu về nguồn hay tính hợp pháp của chứng cứ rất dễ bị tòa án hay đương sự phản đối/từ chối chấp nhận. Tại Việt Nam, Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Chứng cứ phải đảm bảo có các thuộc tính nào để được chấp nhận tại Việt Nam?

Trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào, chứng cứ được coi là một yếu tố quan trọng và cần thiết vì nó là cơ sở giúp Tòa án xem xét tính đúng đắn của sự việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Vì vậy, chứng cứ luôn cần phải chứa 03 thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Tính khách quan: chứng cứ không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người – không được tạo ra chứng cứ.

Tính liên quan: chứng cứ phải liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ việc.

Tính hợp pháp: chứng cứ phải được thu thập, lưu trữ, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu theo trình tự và quy trình pháp lý. Ví dụ: chứng cứ phải là một trong các nguồn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và phải được giao nộp trong thời gian luật định.

Nguồn chứng cứ phải đáp ứng các điều kiện gì ở Việt Nam?

Không phải tất cả các nguồn chứng cứ đều được chấp nhận làm bằng chứng; chúng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể:

    1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
    2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
    3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
    4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
    5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
    6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
    7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
    8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
    9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
    10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
    11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

Băng ghi âm và ghi hình [6] có được xem là chứng cứ tại Việt Nam không?

Các bản ghi âm chỉ được chấp nhận làm bằng chứng nếu chúng “được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan của việc thu âm, thu hình đó”. Nghĩa là, các bản ghi âm phải được kèm theo một bản ghi nội dung cụ thể của băng, có đầy đủ chữ ký của các bên hoặc các bên đều thừa nhận trước Tòa án giọng nói trong băng ghi âm là của mình, ngày giờ diễn ra sự việc.

Tin nhắn có được coi là chứng cứ hay tại Việt Nam không?

Tin nhắn sẽ được coi là chứng cứ nếu chúng được các bên thừa nhận hoặc được tòa án công nhận.

Việc giao nộp chứng cứ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc nào?

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, nguyên tắc chung là đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời điểm giao nộp. Cụ thể:

Về trình tự/thủ tục: Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi/ hình thức/ nội dung/ đặc điểm của tài liệu,chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

Các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Về thời hạn giao nộp tài liệu/chứng cứ:

Trong thủ tục sơ thẩm, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán chủ tọa vụ án ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

Trường hợp Toà án yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ mà đương sự không giao nộp vì có lý do chính đáng sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Trong trường hợp Tòa án không yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ hoặc chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Trong thủ tục phúc thẩm, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: (a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; (b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Trong thủ tục giám đốc thẩm, đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

Từ các quy định nêu trên, đương sự có quyền cung cấp, giao tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong phạm vi thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo tục sơ thẩm. Tòa án chỉ chấp nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp:

  Đối với tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp, đương sự phải chứng minh được “lý do chính đáng” cho việc chậm giao nộp.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà Tòa án không yêu cầu giao nộp, đương sự phải chứng minh được mình đã “không thể biết được” các tài liệu, chứng cứ này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, nếu thẩm phán xác định rằng tài liệu, chứng cứ đã nộp  chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc, thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là liệu đã có tiền lệ nào cho việc tòa sơ thẩm từ chối nhận tài liệu/chứng cứ của các bên sau khi đã hết thời hạn nộp hay chưa. Thực tế cho thấy, không ít vụ án cấp sơ thẩm không xem xét chứng cứ trễ hạn. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật TTDS 2015, đương sự có thể yêu cầu Tòa án chấp nhận tài liệu/chứng cứ trễ hạn dựa vào:

Điều 259.1 Bộ Luật Tố tụng dân sự, quy định “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”, thì Hội đồng xét xử phải tạm dừng phiên tòa. Như vậy, dù việc chứng minh và cung cấp tài liệu/chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự, nhưng Tòa án cũng không thể phó mặc để xét xử vụ án khi chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án. Một điều hiển nhiên là khi tài liệu, chứng cứ bị thiếu thì ngay cả khi đang xét xử, tòa án cũng phải tạm dừng phiên tòa để thu thập chứng cứ bổ sung. Như vậy, không có lý do gì để từ chối chứng cứ do đương sự giao nộp tại phiên toà, kể cả trường hợp nộp muộn nếu chứng cứ đó có tính chất quyết định và có thể làm thay đổi kết quả vụ án.

Tranh luận về nghĩa vụ của tòa án trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nếu không xem xét chứng cứ nộp muộn, Tòa án sẽ ra bản án không đúng với sự thật khách quan.

Làm thế nào để thu thập chứng cứ?

Điều 97 BLTTDS 2015 quy định các biện pháp thu thập chứng cứ mà đương sự được thực hiện nhằm đảm bảo các chứng cứ có được mang tính hợp pháp. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

    1. Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
    2. Thu thập vật chứng;
    3. Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;
    4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;
    5. Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;
    6. Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;
    7. Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;
    8. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Toà án có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

    1. Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
    2. Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
    3. Trưng cầu giám định;
    4. Định giá tài sản;
    5. Xem xét, thẩm định tại chỗ;
    6. Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
    7. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
    8. Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
    9. Các biện pháp khác theo quy định.

Thu thập chứng cứ do bên thứ ba nắm giữ bằng cách nào?

Đương sự chủ động yêu cầu bên thứ ba cung cấp tài liệu/chứng cứ:

Về nguyên tắc, các đương sự cần chủ động thu thập, cung cấp bằng chứng, chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, nếu chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nắm giữ thì đương sự có quyền yêu cầu họ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ, đương sự phải làm văn bản yêu cầu ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp; lý do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu.

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định yêu cầu bên thứ ba cung cấp tài liệu/chứng cứ hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ:

Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được, thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.

Bên yêu cầu Tòa án Việt Nam thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn cụ thể nêu rõ vấn đề cần chứng minh; các tài liệu, chứng cứ cần thu thập; và lý do họ không thể tự thu thập chúng. Họ cũng phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.

Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp cho Tòa án khi đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Chứng cứ được cơ quan nào đánh giá và tuân theo các nguyên tắc nào?

Tòa án có trách nhiệm đánh giá chứng cứ. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

Lời kết

Rõ ràng, chứng cứ là vấn đề chính trong tố tụng dân sự. Toàn bộ quá trình chứng minh của nguyên đơn và bị đơn đều tập trung vào vấn đề chứng cứ; về cơ bản thì mỗi cấp tố tụng đều được quyết định bởi chứng cứ. Chứng cứ giúp đương sự làm sáng tỏ sự thật, xác lập căn cứ xác đáng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng có thể đánh giá tính chính xác của sự việc để đưa ra phán quyết công bằng, khách quan và giải quyết vụ án một cách chính xác, đúng pháp luật. Chứng cứ có thể được coi là tài liệu cơ bản quyết định sự thành bại của nguyên đơn/bị đơn trong một vụ kiện. Thực tế, các trường hợp thắng hoặc thua dựa trên chứng cứ.

Vì vậy, hiểu rõ về chứng cứ, nguồn chứng cứ nào được chấp nhận tại tòa án Việt Nam, những thuộc tính của chứng cứ, thời hạn nộp chứng cứ và cách thu thập chứng cứ là rất quan trọng nếu các bên liên quan muốn tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường hoặc biện hộ của mình là hợp pháp.

[1] Trong vụ Đinh Công NĐ kiện Công ty V vì sử dụng trái phép 387 video giảng dạy, nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc bị đơn bồi thường thiệt hại vật chất theo cách tính: 1.500.000 đồng x 387 video = 580.500.000 đồng (trong đó, số tiền 1.500.000 đồng được tính theo công sức và chất xám của nguyên đơn và giá thị trường tương đương, trên cơ sở tham khảo Hợp đồng ký kết giữa nguyên đơn với 1 bên thứ ba là Tổng công ty viễn thông Viettel). Tuy nhiên, đối tượng theo Hợp đồng trên không phải là 387 video đang tranh chấp. Đồng thời, nguyên đơn còn yêu cầu bồi thường thiệt hại về cơ hội kinh doanh đối với 50 video dạy tin học mà nguyên đơn đã có đối tác thứ 3 là Topica thương lượng mua bán, cụ thể: 3.000.000 đồng x 50 video = 150.000.000 đồng. Bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần là 15.000.000 đồng.

Tuy nhiên, cả tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn do (i) việc cung cấp Hợp đồng hợp tác với Viettel không phù hợp (do đối tượng trong Hợp đồng không phải là 387 video đang tranh chấp) để chứng minh thiệt hại/tổn thất thực tế cho nguyên đơn, (ii) các tài liệu/email của nguyên đơn không thể hiện việc nguyên đơn và Topica sẽ tiến hành ký kết Hợp đồng hay việc Hợp đồng sẽ khôn được thực hiện do hành vi xâm phạm của bị đơn và (iii) việc bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, ngăn chặn hành vi xâm phạm không được xem là thiệt hại tinh thần của nguyên đơn.

[2] Trong vụ Đinh Công NĐ kiện Công ty V vì sử dụng trái phép 387 video giảng dạy, tòa phúc thẩm đã công nhận các tài liệu gồm: [(i) tập hình ảnh được in ra giấy, gồm 387 trang chụp lại cảnh các video bài giảng bị đăng lên website của bị đơn và (ii) 01 đĩa CD gồm: 387 video ghi lại sự việc bị đơn đã đăng tải các video đểquảng cáo; 01 tập tin chứa 387 liên kết để chuyến đến các video bài giảng trên website của bị đơn] là chứng cứ hợp lệ dù trước đó, tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ có giá trị pháp lý. Nói cách khác, theo quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm, các chứng cứ của nguyên đơn đã cung cấp là không có giá trị pháp lý để chứng minh hành vi xâm phạm.

[3] Trong vụ Công ty Thành Đồng kiện Cơ sở sản xuất Ngọc Thanh vì xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế “Bạt chắn nắng mưa tự cuốn”. Tòa án phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa sơ thẩm xét xử lại vì chứng cứ trong vụ án được nguyên đơn cung cấp và đã được tòa án sơ thẩm chấp nhận không chứng minh được mối liên kết giữa sản phẩm được mua và bị đơn, đồng thời, nhận định rằng: Trong quá trình giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm  chỉ làm thủ tục lập biên bản đánh giá, so sánh sản phẩm Bạt chắn nắng mưa tự cuốn trong vụ kiện, chứ không làm thủ tục giám định. Tại phiên toàn phúc thẩm các bên không thừa nhận các bản ảnh mà cơ quan thẩm định đã kết luận.

[4] Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan

[5] Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác

[6] Trong vụ Đinh Công NĐ kiện Công ty V vì sử dụng trái phép 387 video giảng dạy, tòa phúc thẩm đã công nhận các tài liệu gồm: [01 đĩa CD gồm: 387 video ghi lại sự việc bị đơn đã đăng tải các video đểquảng cáo; 01 tập tin chứa 387 liên kết để chuyến đến các video bài giảng trên website của bị đơn] là chứng cứ hợp lệ. Tòa án nhận định: Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 và khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự, tài liệu nghe được, nhìn được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm vănbản trình bày của người có tài liệu đó về việc xuất xứ tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình. Xét thấy, tại Bản tự khai ngày 21/12/2015 (bút lục 245), ông NĐ đã giải trình như sau: “Vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, tôi phát hiện loạt video về dạy toán tiểu học và loạt video về dạy tin học của tôi trên website 360do.cn và đồng thời được đăng tải trên hai kênh youtube của mình đã bị website vietgiaitri.com do Công ty Việt Giải Trí làm chủ sở hữu xâm phạm. Tôi đã quay lại toàn bộ 387 video của mình mà vietgiaitri.com đã xâm phạm, đồng thời, in màn hình các video đã bị xâm phạm để đóng thành tập làm bằng chứng trước toà”. Như vậy, các tài liệu do ông NĐ cung cấp phù hợp quy định của pháp luật nên được coi là chứng cứ hợp lệ.

By Nguyen Vu QUAN

Partner & IP Attorney