4 lưu ý quan trọng trong việc bảo hộ chương trình máy tính tại Việt Nam
Chương trình máy tính đang được áp dụng ngày càng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ, đáp ứng một cách hiệu quả cho các nhu cầu và mục đích khác nhau. Cũng như đối với các tài sản trí tuệ khác, chủ thể quyền của chương trình máy tính luôn mong muốn tối ưu hóa mọi biện pháp bảo hộ cho chương trình máy tính mà họ sáng tạo ra để đảm bảo độc quyền sử dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ và thực thi hiệu quả chống lại nạn sao chép trái phép và các hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ.
Sáng chế được định nghĩa theo Điều 4.12 Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 (Luật SHTT) là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Theo định nghĩa trên, nhiều người không phải là chuyên gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ hiểu đơn giản rằng, chương trình máy tính cũng là giải pháp kỹ thuật được nhà lập trình sáng tạo ra để giúp thực hiện và giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống, nên đương nhiên được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.
Chương trình máy tính được bảo hộ thế nào dưới góc độ Luật SHTT của Việt Nam?
Chương trình máy tính, theo Điều 22.1 Luật SHTT, là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các mã lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, Điều 22.1, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định: “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”. Điều 59 Luật SHTT quy định 7 loại đối tượng không được bảo hộ sáng chế, trong đó, chương trình máy tính là một trong những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.
Như vậy, theo quy định tại Điều 22 và Điều 59 Luật SHTT, chương trình máy tính chỉ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả theo Luật SHTT.
Chương trình máy tính có được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam hay không?
Năm 2010, Cục SHTT Việt Nam ban hành Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục SHTT) trong đó thiết lập quy định chi tiết hơn về việc thẩm định đối với đơn sáng chế mà đối tượng là “chương trình máy tính”. Cụ thể, “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.” (Điểm 5.8.2.5)
Quy định nêu trên có mâu thuẫn với Điều 59 Luật SHTT về việc loại trừ “chương trình máy tính” ra khỏi các đối tượng được bảo hộ sáng chế hay không? Câu trả lời là không, vì về cơ bản, điều kiện đặt ra trong quy định này phù hợp với định nghĩa về sáng chế tại Điều 4.12 Luật SHTT.
Ví dụ dưới đây giúp các nhà lập trình và chủ đơn sáng chế hiểu rõ hơn trong trường hợp nào thì chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam, và khi nào thì sẽ bị từ chối bảo hộ.
Không được bảo hộ sáng chế | Được bảo hộ sáng chế |
Một thao tác xử lý dữ liệu được điều khiển bởi chương trình máy tính mà về lý thuyết có thể được thực hiện một cách tương đương nhờ các mạch đặc biệt, và việc thực hiện chương trình luôn kèm theo các hiệu ứng vật lý, chẳng hạn các dòng điện, thì bản thân các hiệu ứng vật lý thông thường như vậy không đủ để làm cho chương trình có đặc tính kỹ thuật. | Một chương trình máy tính, khi chạy trên máy tính, tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các hiệu ứng vật lý thông thường thì chương trình đó có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Hiệu quả kỹ thuật khác này có thể là đã biết trong tình trạng kỹ thuật. Hiệu quả kỹ thuật trong trường hợp nêu trên có thể có trong việc điều khiển một quy trình công nghiệp, trong việc xử lý dữ liệu thể hiện các thực thể vật lý hay trong việc thực hiện chức năng bên trong của chính máy tính hoặc các giao diện của nó dưới tác động của chương trình này và có thể, ví dụ, ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc độ an toàn của quy trình, việc quản lý các tài nguyên của máy tính hoặc tốc độ truyền dữ liệu trên đường truyền. |
Như vậy, có thể hiểu rằng: (i) chương trình máy tính không mặc nhiên được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, (ii) không phải chương trình máy tính nào cũng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế và (iii) chương trình máy tính có thể được bảo hộ sáng chế khi đáp ứng các yêu cầu bảo hộ nhất định.
Bốn lưu ý quan trọng cần ghi nhớ để tối ưu hóa việc bảo hộ chương trình máy tính
1. Chương trình máy tính phải thực sự là một giải pháp kỹ thuật, tạo ra hiệu quả kỹ thuật mới được bảo hộ sáng chế
Chương trình máy tính có thể được coi là có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nếu chương trình này, khi chạy trên máy tính, có thể tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính. Hiểu rộng ra, chương trình máy tính nếu tạo ra hiệu quả kỹ thuật vượt ra ngoài các tương tác vật lý bình thường giữa chương trình (phần mềm) và máy tính (phần cứng) mà nó được chạy, thì có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. Nếu không, đơn đăng ký sáng chế đối với chương trình máy tính sẽ bị từ chối vì đối tượng không được coi là đối tượng được cấp bằng sáng chế.
2. Yêu cầu bảo hộ chương trình máy tính dưới danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam
Ngay cả trong trường hợp chương trình máy tính có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như nêu trên, thì trong yêu cầu bảo hộ, các đối tượng có tên được thể hiện bằng cụm từ như “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính”, hoặc “tín hiệu mang chương trình”, và các cụm từ tương đương khác là không được chấp nhận. Chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng các đối tượng, ví dụ, phương pháp để vận hành một thiết bị thông thường, thiết bị được cài đặt để thực hiện phương pháp, vật ghi chứa chương trình để thực hiện phương pháp.
3. Các nguyên tắc đánh giá đặc tính kỹ thuật cho chương trình máy tính để được bảo hộ sáng chế tại Việt Nam
Thẩm định viên của Cục SHTT sẽ xem xét liệu chương trình máy tính có đặc tính kỹ thuật hay không, có thể tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính hay không để cấp bảo hộ cho sáng chế. Các quy định về hiệu quả kỹ thuật khác, một số dấu hiệu thường gặp có đóng góp cho đặc tính kỹ thuật của sáng chế để tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác và cách thức xử lý trong quá trình thẩm định sáng chế mà đối tượng yêu cầu bảo hộ, về bản chất, là chương trình máy tính đã được chi tiết hóa trong Phụ lục I – Hướng dẫn xác định đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế liên quan đến chương trình máy tính được Cục SHTT ban hành kèm theo Quyết định số 6193/QĐ-SHTT ngày 31/12/2021.
Đáng chú ý, Phụ lục I đã cung cấp các hướng dẫn khá chi tiết, các ví dụ cụ thể giúp cho thẩm định viên cũng như chủ thể quyền hiểu rõ các nguyên tắc đánh giá đặc tính kỹ thuật cho chương trình máy tính, trên cơ sở này, xác định được liệu chương trình máy tính có đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế tại Việt Nam hay không, thông qua các phần sau:
- Đánh giá đặc tính kỹ thuật trong giai đoạn thẩm định hình thức và thẩm định nội dung;
- Các ví dụ về hiệu quả kỹ thuật khác;
- Một số dạng của đối tượng liên quan đến chương trình máy tính, gồm 10 dạng dưới đây:
- Thực hiện phương pháp toán học.
- Trí tuệ nhân tạo và học máy.
- Mô phỏng, thiết kế hoặc mô hình hóa.
- Thực hiện sơ đồ, quy tắc và phương pháp chơi trò chơi.
- Thực hiện phương pháp kinh doanh.
- Mô hình hóa thông tin, hoạt động lập trình và các ngôn ngữ lập trình.
- Truy xuất dữ liệu, các định dạng và cấu trúc.
- Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và truy xuất thông tin.
- Thể hiện thông tin.
- Giao diện người dùng.
4. Nên bảo hộ chương trình máy tính theo cả hai cơ chế: quyền tác giả và sáng chế nếu có thể
Về cơ bản, bản quyền bảo vệ sự thể hiện của ý tưởng, nhưng không bảo vệ bản thân ý tưởng đó và bằng sáng chế bảo vệ các giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình (bất kỳ sản phẩm hay quy trình mới và hữu ích nào, máy móc, sản xuất hoặc thành phần vật chất hoặc bất kỳ cải tiến mới và hữu ích nào của chúng). Bản quyền và bằng sáng chế là những hình thức bảo vệ riêng biệt, nhưng không loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, một chương trình phần mềm máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng bản quyền (cách thức con người tạo ra mã có thể đọc được trên máy tính), bằng sáng chế (một phương pháp, thiết bị hoặc hệ thống hữu ích, mới lạ và không mang tính hiển nhiên) hoặc cả hai.
Pháp luật về SHTT của Việt Nam không ngăn cấm việc đăng ký một đối tượng SHTT dưới hai hoặc ba cơ chế bảo hộ khác nhau. Nói cách khác, một đối tượng có thể được bảo hộ dưới nhiều cơ chế bảo hộ, miễn rằng nó đáp ứng điều kiện bảo hộ theo luật định.
Việc đăng ký chương trình máy tính ở cả hai dạng thức: quyền tác giả và sáng chế có thể gây tốn kém chi phí vào giai đoạn đầu cho chủ sở hữu, nhưng xét dưới góc độ kinh tế và pháp lý một cách lâu dài, đặc biệt khi vấn nạn xâm phạm quyền SHTT đang tràn lan và khó kiểm soát như hiện nay, có thể mang lại nhiều lợi ích hơn trong việc tối ưu hóa chiến lược xác lập và thực thi quyền SHTT. Giấy chứng nhận quyền tác giả và Bằng độc quyền sáng chế đối với chương trình máy tính có thể là các công cụ bổ sung cho nhau, giúp thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả hơn với cả hai chế tài (áp dụng đối với hành vi xâm phạm chương trình máy tính bằng cả hai chế tài xâm phạm quyền tác giả và quyền sáng chế) mang tính răn đe mạnh hơn.
Quyền tác giả phát sinh và xác lập ngay khi tác phẩm được bảo hộ dưới dạng vật chất nhất định dù đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, việc nộp đơn đăng ký bảo hộ đối với tác phẩm nói chung và chương trình máy tính nói riêng là không cần thiết. Trái lại, việc đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam là rất quan trọng. Giấy chứng nhận quyền tác giả do Cục bản quyền cấp là công cụ pháp lý hữu hiệu, là điều kiện cần để yêu cầu sự can thiệp từ cơ quan thực thi tiến hành xử lý xâm phạm. Trong khi đó, nộp đơn đăng ký sáng chế là yêu cầu bắt buộc để được hưởng độc quyền sáng chế trong việc khai thác, thương mại hóa và ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Nếu chọn cả hai cơ chế bảo hộ cho chương trình máy tính, các chủ thể quyền tuyệt đối không nên nộp đơn đăng ký quyền tác giả trước, mà cần ưu tiên các nguồn lực để nộp đơn sáng chế trước hoặc đồng thời với thời điểm nộp đơn đăng ký quyền tác giả, để tránh nguy cơ chương trình máy tính có thể bị coi là mất tính mới – một điều kiện quan trọng cần phải thỏa mãn để các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam.
KENFOX IP & LAW OFFICE, một trong những công ty cung cấp dịch vụ SHTT chuyên nghiệp với sự phát triển vượt bậc và mạnh nhất về dịch vụ sáng chế, cung cấp đầy đủ các dịch vụ SHTT tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và các nước Châu Á khác. Năm 2019, KENFOX lọt vào danh sách 10 Công ty nộp đơn sáng chế hàng đầu trước Cục SHTT. Năm 2020 và 2021, KENFOX lọt vào danh sách 20 Công ty đơn sáng chế hàng đầu Việt Nam. Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu bạn quan tâm đến việc bảo vệ quyền SHTT tại các khu vực pháp lý nêu trên.
Xem thêm: