Thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hải quan tại Campuchia: Những điều bạn cần biết
Campuchia hiện chưa thiết lập hệ thống giám sát hải quan, điều này có nghĩa là cơ quan hải quan vẫn chưa thể nhận được bất kỳ yêu cầu giám sát hải quan nào liên quan đến các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Nhưng điều này có nghĩa gì đối với những chủ thể quyền SHTT đã và đang tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích của họ tại Campuchia? Có bất kỳ biện pháp pháp lý nào có sẵn cho họ không? Trên thực tế, vẫn có nhiều cách để hải quan Campuchia tham gia vào việc thực thi chống xâm phạm quyền SHTT và một trong những cách thức này là nộp đơn yêu cầu ghi nhận quyền phân phối độc quyền. Bài viết này sẽ khám phá tùy chọn này dưới góc nhìn chi tiết hơn và thảo luận về tác động đối với chủ thể quyền SHTT đang hoạt động tại Campuchia.
Nhập khẩu song song tại Campuchia – Được phép hay xâm phạm nhãn hiệu?
Theo Điều 11 của Luật liên quan đến nhãn hiệu, tên thương mại và hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Vương quốc Campuchia (2002) quy định về “Đăng ký và các quyền phát sinh từ việc đăng ký”, chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ có độc quyền sử dụng, nghĩa là việc bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu của chủ thể quyền mà không có sự đồng ý trước sẽ cấu thành hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Trong trường hợp đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền khởi kiện ra tòa đối với bất kỳ người nào xâm phạm nhãn hiệu khi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn cho hàng hóa/dịch vụ tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ.
Cần lưu ý rằng theo Điều 11.3, “Các quyền phát sinh thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu sẽ không mở rộng đối với các hàng hóa đã được đưa ra thị trường tại Vương quốc Campuchia bởi chủ sở hữu đã đăng ký hoặc có sự đồng ý của chủ sở hữu đó”. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu nhãn hiệu không có quyền sử dụng các hành động pháp lý để chống lại các hàng hóa chính hãng mà đã được đưa ra thị trường tại Vương quốc Campuchia. Do đó, điều đó cũng có nghĩa là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể tiến hành các hành động pháp lý chống lại bên thứ ba “nhập khẩu” hàng hóa chính hãng được sản xuất bởi chủ sở hữu nhãn hiệu từ nước ngoài vào Campuchia. Nói cách khác, hành vi nhập khẩu hàng hóa/sản phẩm gắn nhãn hiệu ngay cả khi các hàng hóa/sản phẩm đó là hàng thật vào Campuchia mà không có sự đồng ý trước của chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị coi là vi phạm nhãn hiệu.
Như vậy, nhập khẩu song song là không được phép ở Campuchia. Do đó, đây là một trong những cách thức để chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu Hải quan Campuchia (Tổng cục Hải quan) thu giữ hàng nhập khẩu song song.
Làm thế nào để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu song song hoặc hàng giả tại biên giới Campuchia?
Để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu song song hoặc hàng giả tại Campuchia, chủ sở hữu nhãn hiệu phải đăng ký “quyền phân phối độc quyền” với Bộ Thương mại. Sau khi hồ sơ này được chấp nhận, chủ sở hữu nhãn hiệu và nhà phân phối độc quyền được chỉ định của chủ sở hữu nhãn hiệu đó có quyền độc quyền và có thể thực thi được quyền này để nhập khẩu và phân phối hàng hóa mang nhãn hiệu liên quan tại Campuchia. Hồ sơ này có giá trị trong 02 (hai năm) và có thể được gia hạn. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu muốn chấm dứt quyền phân phối độc quyền, họ có thể rút lại hồ sơ bất cứ lúc nào.
Sau khi quyền phân phối được đăng ký, các biện pháp thực thi có thể được bắt đầu khi hàng hóa được nhập khẩu hoặc phân phối tại Campuchia bởi một bên không phải là nhà phân phối độc quyền đã đăng ký. Các quy định hiện hành không hạn chế các nhà phân phối độc quyền chỉ định các nhà phân phối thứ cấp, như vậy nhà phân phối độc quyền về cơ bản hoạt động như một nhà nhập khẩu độc quyền, với các quyền phân phối bổ sung được cấp cho các tổ chức khác ở Campuchia. Trong trường hợp như vậy, các thỏa thuận quản lý các mạng phân phối này cần được diễn đạt rõ ràng để chứng minh các quyền mà chủ sở hữu trí tuệ cấp cho nhà phân phối độc quyền và các nhà phân phối thứ cấp của họ.
Sau khi chấp nhận yêu cầu ghi nhận nhà phân phối độc quyền, Bộ Thương mại Campuchia sẽ cấp giấy độc quyền (đối với nhà phân phối độc quyền tại Campuchia) và gửi một bản cho Hải quan Campuchia, Cảnh sát kinh tế và các cơ quan hữu quan. Bằng cách này, các nhân viên Hải quan Campuchia có thể dễ dàng và trực tiếp kiểm tra tên của nhà nhập khẩu dựa trên cơ sở dữ liệu về quyền phân phối độc quyền được ghi nhận để xác định xem liệu một lô hàng có thể cần phải tạm dừng để chờ hành động tiếp theo hay không. Không cần cơ quan chức năng giám định hàng thật hay hàng giả, họ đơn giản chỉ cần xác nhận rằng đơn vị nhập khẩu có phải là nhà phân phối độc quyền đã được ghi nhận hay không. Nếu nhà nhập khẩu không được liệt kê là nhà phân phối độc quyền, nhân viên hải quan sẽ chỉ cần tạm dừng thủ tục hải quan đối với lô hàng và thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu để thực hiện các hành động tiếp theo.
Khi nào thì Thông báo về giấy độc quyền được ban hành?
Bộ Thương mại sẽ cấp giấy độc quyền (dành cho nhà phân phối độc quyền tại Campuchia) và gửi một bản cho Hải quan Campuchia, Cảnh sát kinh tế và các cơ quan hữu quan trong vòng 02 (hai) tháng kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Cần những giấy tờ để đăng ký độc quyền phân phối tại Campuchia để chống xâm phạm quyền SHTT?
Các tài liệu yêu cầu để ghi nhận độc quyền bao gồm:
(i) Đơn yêu cầu độc quyền được ký bởi chủ đơn và được chứng thực bởi Công chứng viên. (xem biểu mẫu tiếng anh ).
(ii) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Campuchia.
(iii) Bản sao chứng từ GTGT (Công ty Campuchia được chỉ định là nhà phân phối độc quyền).
(iv) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phiếu thông tin công ty (Công ty Campuchia chỉ định là nhà phân phối độc quyền).
(v) Bản sao tình trạng công ty.
(vi) Tờ khai yêu cầu được ký bởi chủ tịch công ty được chỉ định làm nhà phân phối độc quyền.
Lời kết
Mặc dù Campuchia hiện chưa có hệ thống giám sát hải quan về xâm phạm quyền SHTT, nhưng vẫn có nhiều cách để chủ thể quyền có thể phối hợp với hải quan Campuchia để thực thi chống vi phạm SHTT ở Campuchia. Điều này có thể được thực hiện bằng cách gửi yêu cầu ghi nhận quyền phân phối độc quyền lên Bộ Thương mại. Sau khi được phê duyệt, Bộ Thương mại sẽ ban hành Thông báo về việc ghi nhận độc quyền (dành cho nhà phân phối độc quyền tại Campuchia) và chuyển các bản sao của thông báo tới Hải quan Campuchia, Cảnh sát Kinh tế và các cơ quan hữu quan khác. Quy trình này đảm bảo rằng chủ thể quyền SHTT nhận được sự quan tâm cần thiết từ các cơ quan thực thi pháp luật của Campuchia, giúp phát hiện và thu giữ kịp thời hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ở Campuchia, cho dù chúng được nhập khẩu thông qua hải quan hay xuất hiện trên thị trường.
By Nguyen Vu QUAN
Partner & IP Attorney
Xem thêm: