Sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin – Sự cần thiết hay xâm phạm nhãn hiệu?
Khi mô tả đặc tính, chức năng riêng biệt của một sản phẩm, có thể tham chiếu đến nhãn hiệu của người khác. Ví dụ, quảng cáo rằng, cà phê viên nén của siêu thị là “tương thích với máy pha cà phê Nespresso”. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc sử dụng nhằm mục đích thông tin (Informative use) và xâm phạm nhãn hiệu là khá mong manh.
Chức năng chính của nhãn hiệu là nhằm phân biệt nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (hoặc dịch vụ), vậy tại sao một chủ thể lại gắn nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu khác lên sản phẩm của mình? Trên thực tế, các công ty có thể quyết định tham chiếu đến nhãn hiệu của bên thứ ba khi tìm cách mô tả những đặc tính riêng biệt của sản phẩm hoặc để thể hiện lợi ích hoặc chức năng của các sản phẩm đó. Ví dụ, sự tương thích giữa sản phẩm của họ với sản phẩm của các công ty khác, như trường hợp của một nhà sản xuất cà phê viên nén tương thích với máy pha cà phê mang nhãn hiệu “Nespresso”. Những tham chiếu như vậy được gọi là ‘sử dụng (nhãn hiệu) nhằm mục đích thông tin’ và được quy định tại Điều 14(1)(c) và 14(2) theo Quy định nhãn hiệu thương mại Châu Âu (EUTMR).
Sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin: sự cần thiết và công bằng
Khởi đầu cho việc sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin theo luật EU là trong vụ việc Gillet/LA Laboratories, một phán quyết vào năm 2005 của Tòa án Tư pháp Châu Âu (CJEU). Trong vụ việc này, CJEU đã đưa ra phán quyết rằng việc sử dụng nhãn hiệu của bên thứ ba (không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu) là được phép nếu điều đó là “cần thiết”. Cần thiết có nghĩa là, trong bối cảnh này, nó là phương tiện duy nhất để thông báo chính xác cho công chúng về mục đích, chức năng của một sản phẩm. Nói cách khác, nếu bao bì của cốc cà phê không ghi rằng nó có thể được sử dụng trong máy pha cà phê “Nespresso”, người tiêu dùng sẽ không biết sản phẩm được sử dụng như thế nào.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin cũng phải được thực hiện một cách công bằng và án lệ của EU cũng cung cấp các hướng dẫn về những gì có thể được coi là “công bằng”; cụ thể, việc sử dụng nhãn hiệu của người khác nhằm mục đích thông tin không được phép sử dụng theo những cách sau:
- Tạo ra ấn tượng rằng có mối liên kết thương mại giữa sản phẩm của bạn và nhãn hiệu của công ty khác;
- Lợi dụng đặc điểm phân biệt hoặc danh tiếng của nhãn hiệu của công ty khác một cách không công bằng;
- Làm danh tiếng của công ty khác bị tổn hại;
- Làm cho sản của bạn giống như là sản phẩm nhái hoặc giả nhãn hiệu của công ty khác.
Một vài giải pháp thực tế: Hướng dẫn của chủ sở hữu nhãn hiệu
Trên thực tế, khó có thể xác định điều gì cấu thành hoặc không cấu thành việc sử dụng hợp lý (fair use). Với vai trò là một giải pháp thực tế, một số chủ sở hữu nhãn hiệu đã soạn thảo bộ nguyên tắc cho riêng họ để xác định rõ những gì bên thứ ba, những người không phải là người bán lại chính thức (“người bán lại được ủy quyền”) hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cấp phép, có thể và không thể làm với các nhãn hiệu của họ.
Ví dụ, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể quyết định rằng bên thứ ba được phép sử dụng các từ ngữ trên nhãn hiệu của họ trên cơ sở chiếu thuần túy (in a purely referential context) để chỉ ra rằng các sản phẩm của họ (ví dụ: tai nghe, bộ sạc điện thoại, cốc cà phê hoặc miếng lót, v.v.) tương thích với nhãn hiệu của chủ sở hữu. Thông thường, hướng dẫn của họ cũng sẽ bao gồm hướng dẫn rõ ràng về những gì không được phép thực hiện; ví dụ, vị trí (nổi bật) của các nhãn hiệu hình trong các tài liệu tiếp thị. Những hướng dẫn như vậy dường như khá phù hợp với án lệ về sử dụng hợp lý nhãn hiệu.
Do đó, nếu bạn muốn tham chiếu nhãn hiệu của một công ty khác trên cơ sở sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin, bạn nên kiểm tra xem chủ sở hữu nhãn hiệu đó có đưa ra các nguyên tắc riêng liên quan đến việc sử dụng hợp lý hay không. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể soạn thảo các hướng dẫn như vậy cho việc sử dụng nhãn hiệu của riêng bạn.
Sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin: Hãy thật tinh tế!
Việc sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích thông tin nên được thực hiện một cách tinh tế. Điều này có nghĩa là:
- Nhãn hiệu không được quá nổi bật trên bao bì hoặc bản thân sản phẩm;
- Logo của thương hiệu không được sử dụng (theo nguyên tắc chung) trên bao bì;
- Bao bì nên có bố cục/’giao diện’ khác.
Để đảm bảo không đi quá giới hạn (do not overstep the line), bạn có thể sử dụng một tuyên bố mang tính tổng quát hơn. Ví dụ, một nhà sản xuất cà phê đối thủ có thể xem xét tuyên bố rằng sản phẩm của họ “cũng tương thích với máy pha cà phê của các thương hiệu khác”.
Xem thêm:
- Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về sử dụng nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu chưa phải là điều kiện tiên quyết để chiến thắng tên miền.
- Thư khuyến cáo trong giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ – Cần lưu ý những gì?
- Khiếu nại thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu xin đăng ký mang tính mô tả tại Việt Nam như thế nào?
- Quyền tác giả – vũ khí công hiệu trong ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.