KENFOX IP & Law Office > Tin tức  > Quyền tác giả – vũ khí công hiệu trong ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Quyền tác giả – vũ khí công hiệu trong ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Tải xuống

Giới thiệu

Trong nhiều trường hợp, một logo có thể đáp ứng tiêu chuẩn để được bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu và/hoặc Quyền tác giả, trong khi đó, một bao bì sản phẩm có thể cùng lúc đáp ứng tiêu chuẩn để được đồng thời bảo hộ dưới cả 3 đối tượng Sở hữu Trí tuệ (SHTT): Nhãn hiệu, Kiểu Dáng Công Nghiệp (KDCN) và Quyền tác giả. Nhiều chủ thể quyền lựa chọn đăng ký Nhãn hiệu và KDCN vì cho rằng thực thi chống xâm phạm dựa trên quyền Nhãn hiệu và KDCN sẽ mạnh hơn và hiệu quả hơn so với Quyền tác giả. Do đó, trong một khoảng thời gian dài, Quyền tác giả chỉ được coi nguồn tài liệu/lập luận bổ trợ trong chiến lược bảo vệ quyền SHTT. Hệ quả là, việc thiết lập/bảo hộ Quyền tác giả tại Việt Nam chưa được đánh giá đúng mức và không được coi trọng.

Tuy nhiên, việc thực thi quyền Nhãn hiệu và KDCN tại Việt Nam gặp không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thời gian thẩm định đơn Nhãn hiệu/KDCN tại Việt Nam thường bị kéo dài. Đối với đơn Nhãn hiệu, thời gian thẩm định thực tế có thể từ 16-18 tháng, thậm chí vài năm nếu Nhãn hiệu bị bên thứ ba phản đối hoặc Nhãn hiệu bị Cục Sở hữu Trí tuệ từ chối bảo hộ. Trong khi đó, ngay khi Nhãn hiệu và/hoặc KDCN của chủ thể quyền được nộp đơn đăng ký, trên thị trường đã lập tức xuất hiện sản phẩm của đối thủ cạnh tranh gắn Nhãn hiệu hoặc mang KDCN tương tự, thậm chí là trùng lặp. Thời gian thẩm định Nhãn hiệu và/hoặc KCND tại Việt Nam bị kéo dài là góp phần không nhỏ gây ra thực trạng nêu trên, đồng thời, còn làm phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực:

• Bên thứ ba lợi dụng khoảng thời gian Nhãn hiệu/KDCN chưa được cấp văn bằng bảo hộ để sử dụng Nhãn hiệu/KDCN của chủ đơn để thương mại hóa các sản phẩm của họ mà không lo bị khởi kiện;

• Dù cho Nhãn hiệu/KDCN (chưa đăng ký) đã được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam và trở thành chỉ dẫn thương mại, Cơ quan thực thi Việt Nam rất dè dặt trong việc áp dụng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh để xử lý hành vi của bên thứ ba;

Bên thứ ba lợi dụng cơ chế bảo hộ Quyền tác giả tiến hành đăng ký Nhãn hiệu hay kiểu dáng bao bì sản phẩm của chủ nhãn hiệu đích thực dưới dạng Quyền tác giả như một cách để cản trở các hoạt động thực thi từ chủ thể quyền, kể cả sau khi Nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tại Việt Nam, việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả đối với một tác phẩm không dễ dàng và thường bị kéo dài.

Đăng ký Nhãn hiệu, Kiểu dáng Công nghiệp hay Quyền tác giả?

Có thể nói, tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có danh tiếng, uy tín luôn là mục tiêu của nạn bắt chước, sao chép, làm giả. Doanh nghiệp càng có uy tín, danh tiếng, càng dễ bị tổn thương bởi những kẻ kinh doanh bất chính. Ngay khi các thiết kế và logo cho một dòng sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín, danh tiếng được tung ra thị trường, lập tức xuất hiện các sản phẩm có thiết kế, mẫu mã, logo tương tự, thậm chí là trùng lặp. Dưới đây là một số ví dụ:

Nhãn hiệu/bao bì hàng hóa có trướcNhãn hiệu/bao bì hàng hóa có sau

 

Tại sao tồn tại thực trạng này? Nguyên nhân có nhiều, như: động cơ trục lợi bất chính của đối thủ cạnh tranh, các quy định của pháp luật Việt Nam chặt chẽ quá mức cần thiết và đôi khi chưa cụ thể về cơ sở thiết lập quyền đối với các đối tượng SHTT, tình trạng tồn đọng đơn Nhãn hiệu/KDCN khiến chủ thể quyền không thể tiến hành các hành động thực thi, thời gian giải quyết các đơn khiếu nại về SHTT bị kéo dài.

Khi chưa thể xác lập quyền đối với Nhãn hiệu/KDCN, nhiều chủ thể quyền chọn cách gửi Thư Cảnh Báo/Thư Khuyến Cáo hay khởi sự các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh. Giành chiến thắng trong cuộc chiến chống cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam không bao giờ dễ dàng. Pháp luật Việt Nam đặt ra các quy định rất ngặt nghèo về nghĩa vụ chứng minh cho chủ sở hữu quyền. Chỉ những chủ thể đã sử dụng chỉ dẫn thương mại “một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được người tiêu dùng biết đến uy tín của chủ thể kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại đó” mới có quyền khởi sự các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh. Muốn vậy, doanh nghiệp phải, căn cứ Điều 19.1(d) Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, cung cấp “các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam”. Việc cung cấp tài liệu theo quy định nêu trên là bất khả thi vì doanh nghiệp lấy đâu ra tài liệu, bằng chứng chứng minh việc sử dụng rộng rãi chỉ dẫn thương mại trong bối cảnh họ vừa tung sản phẩm ra thị trường, ngay sau đó đã xuất hiện các sản phẩm có bao bì, thiết kế tương tự? Liệu các bằng chứng chứng minh (nếu được cung cấp) có đáp ứng quy định về tính “rộng rãi” hay không, “rộng rãi” là như thế nào? Không có quy định/giải thích nào mang tính định lượng về khái niệm “rộng rãi” trong quy định nêu trên.

Thực tế tại Việt Nam chỉ ra rằng chừng nào chưa xác lập quyền đối với Nhãn hiệu/KDCN hoặc chừng nào chưa chứng minh được chỉ dẫn thương mại đã được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động kinh doanh, chừng đó cuộc chiến chống lại nạn ăn cắp/chiếm đoạt tài sản trí tuệ gần như sẽ rơi vào ngõ cụt. Nạn ăn cắp/chiếm đoạt trắng trợn quyền SHTT đã làm nản lòng không ít các nhà đầu tư, chủ nhãn hiệu đích thực và các doanh nghiệp chân chính tại Việt Nam.

Trong khi đăng ký Nhãn hiệu/KDCN có thể kéo dài hơn 1 năm hoặc vài năm, đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam diễn ra khá nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Ngoài việc đáp ứng “tính nguyên gốc” (tức là tác phẩm được bảo hộ trên cơ sở sáng tạo của tác giả, không quan tâm tới tính mới, tính sáng tạo), việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả cho các tác phẩm nộp tại Cục Bản Quyền Tác Giả Việt Nam chủ yếu dựa vào cam kết rằng tác phẩm do chính tác giả sáng tạo ra, không sao chép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Mặt trái của cơ chế đăng ký Quyền tác giả là ở chỗ: Chính cơ chế rất “thoáng” và “mở” trong đăng ký Quyền tác giả, không ít Nhãn hiệu hình hay logo của chủ nhãn hiệu đích thực đã bị sao chép trái phép và đăng ký dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả. Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả được những kẻ kinh doanh bất chính sử dụng như kim bài/lá bùa chống lại các cáo buộc xâm phạm quyền SHTT. Rõ ràng, đây là một kẽ hở pháp luật không nhỏ, đã và đang bị lạm dụng. Điều này chắc chắn sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc tranh chấp, xung đột quyền SHTT, biến chúng trở thành vấn nạn gây nhức nhối nghiêm trọng và không thể kiểm soát.

Giải pháp?

Các quy định về bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam đang được hoàn thiện theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế cao hơn sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA và CPTPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng: Chống xâm phạm SHTT luôn là cuộc chiến không có hồi kết ở bất kỳ quốc gia nào. Do đó, thay vì trông chờ sự thay đổi từ hệ thống pháp luật quốc gia, tự bảo vệ mình chống lại nạn ăn cắp tài sản trí tuệ vẫn là cách tiếp cận khôn ngoan và hiệu quả. Để giảm thiểu các hệ luỵ tiêu cực như đề cập tại Mục (I), chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại, ngoài việc đăng ký Nhãn hiệu và/hoặc KDCN, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp nên thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bảo hộ logo, kiểu dáng bao bì sản phẩm của mình dưới dạng Quyền tác giả tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Chi phí của việc đăng ký quyền tác giả khá thấp, trong khi thời gian được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả rất ngắn, từ 15-20 ngày làm việc sau khi nộp đầy đủ hồ sơ. Pháp luật Việt Nam không có quy định ngăn cấm việc đăng ký một đối tượng SHTT dưới hai hoặc ba dạng quyền SHTT, miễn rằng nó đáp ứng các điều kiện bảo hộ. Trong bối cảnh mà Nhãn hiệu/KDCN chưa được cấp Văn bằng bảo hộ và không dễ để chứng minh “chỉ dẫn thương mại” đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, việc nắm giữ Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả đối với logo hay kiểu dáng bao bì hàng hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ở chỗ:

• Nghĩa vụ chứng minh: Chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam không phải chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tác phẩm đã đăng ký trong tranh chấp, trừ trường hợp có bằng chứng khác theo quy định tại Điều 49.3 Luật SHTT Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam là bằng chứng mặc nhiên về tính hợp lệ của Quyền tác giả đối với tác phẩm. Do đó, nếu Nhãn hiệu của bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả, bạn mặc nhiên được coi là chủ sở hữu đối với Nhãn hiệu đó dưới dạng quyền tác giả.

• Giám định xâm phạm quyền tác giả: Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam là cơ sở pháp lý và là tài liệu bắt buộc phải đó để yêu cầu giám định xâm phạm Quyền tác giả tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho các cáo buộc xâm phạm Quyền tác giả, chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu giám định tại Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (“ECCR”), một cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đưa ra ý kiến ​​chuyên môn về các vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan, được phép thực hiện giám định về các vi phạm bản quyền. Lưu ý rằng: khác với việc bảo hộ nhãn hiệu, bằng chứng về Quyền tác giả được xác lập bên ngoài Việt Nam cũng sẽ được ECCR xem xét. Nói cách khác, Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả do các nước thuộc Công ước Berne cấp có thể được chấp nhận để ECCR đưa ra ý kiến ​​chuyên môn về khả năng vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

• Căn cứ pháp lý khẳng định quyền SHTT: Các cơ quan thực thi của Việt Nam ngần ngại thực hiện các biện pháp thực thi nếu không đệ trình Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả cùng với Đơn yêu cầu xử lý vi phạm Quyền tác giả theo thủ tục hành chính hoặc khởi kiện theo thủ tục dân sự. Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả giúp cơ quan thực thi dễ dàng thụ lý giải quyết vụ việc vi phạm quyền tác giả vì nó ghi nhận đầy đủ thông tin về tác phẩm, về chủ sở hữu/tác giả.

• Tránh nạn ăn cắp/chiếm đoạt nhãn hiệu: Đăng ký sớm tác phẩm tại Việt Nam giúp giảm thiểu rủi ro, nguy cơ bị tổ chức/cá nhân khác chiếm đoạt quyền đăng ký và trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm.

Với các lý do nêu trên, Giấy chứng nhận Quyền tác giả sẽ trở thành vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả để tìm kiếm sự bảo hộ trong các tranh chấp/xâm phạm Nhãn hiệu/KDCN, đặc biệt trong bối cảnh các đối tượng này còn đang trong tình trạng thẩm định, chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

Theo quan sát của chúng tôi, thời gian qua, việc sử dụng Quyền tác giả chống xâm phạm Nhãn hiệu/KDCN tại Việt Nam là một xu hướng mới và có chiều hướng tăng cao do thoả mãn 2 yêu cầu từ chủ thể quyền: (i) Tốc độ/Sự nhanh chóng và (ii) hiệu quả không thua kém việc thực thi dựa trên quyền Nhãn hiệu/KDCN. Sau khi ECCR ra đời vào năm 2016 và đi vào hoạt động mạnh mẽ vào 2 năm gần đây, khi phát hiện xâm phạm, chủ thể quyền có thể sử dụng Quyền tác giả để yêu cầu ECCR cung cấp ý kiến chuyên môn/kết luận giám định về việc có hay không hành vi xâm phạm, trên cơ sở đó, sử dụng các cơ chế bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hành chính và/hoặc dân sự.

Đã có khá nhiều đơn yêu cầu giám định xâm phạm quyền tác giả được nộp cho ECCR. Lực lượng Quản lý Thị trường (“QLTT”) tại một số địa phương sẵn sàng xử lý xâm phạm Quyền tác giả khi chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm Quyền tác giả có kèm theo Kết luận Giám định từ ECCR.

Giấy chứng nhận quyền tác giả đã đủ chưa?

Như một lẽ tự nhiên, khi bạn có vũ khí tối tân để gây chiến, bên kia sẽ cũng sẽ sử dụng công cụ hoặc vũ khí để tự vệ và chống lại bạn. Khi bạn tấn công một ai đó, họ sẽ tự vệ và/hoặc tấn công lại bạn. Tìm cách làm suy yếu, hoặc thậm chí, tấn công hiệu lực Quyền tác giả nhằm giảm nhiệt hoặc dẫn tới hủy bỏ hiệu lực Quyền tác giả hoặc buộc chủ thể quyền đàm phán để cân nhắc dừng các hoạt động thực thi là chiêu thức không còn xa lạ.

Trong một vụ thực thi quyền tác giả được Cơ quan QLTT tỉnh Long An tiến hành gần đây, Kết luận Giám định từ ECCR đã bị bên bị nghi ngờ xâm phạm phản đối, trên cơ sở rằng: Tác phẩm được bảo hộ trong Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có tính nguyên gốc và sáng tạo vì không khác biệt cơ bản so với nhiều hình ảnh đã tồn tại từ trước và sử dụng rộng rãi trong thương mại.

Trong các vụ tranh chấp/xâm phạm phức tạp liên quan đến Quyền tác giả-Nhãn hiệu-KDCN, thực tế cho thấy rằng: Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả đôi khi sẽ chỉ có ý nghĩa như một bằng chứng ban đầu/sơ bộ. Bên thứ ba hoặc đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể tự nhận họ cũng chính là người sáng tạo ra tác phẩm/nhãn hiệu/KDCN đang tranh chấp hoặc phản bác tính hợp pháp của tác phẩm được bảo hộ trên cơ sở tác phẩm không có tính nguyên gốc (giống với nhiều tác phẩm có từ trước);

Nói cách khác, chỉ đệ trình Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả trong một tranh chấp Quyền tác giả-Nhãn hiệu-KDCN có thể sẽ không đủ để chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm đã đăng ký. Trong trường hợp như vậy, để củng cố vững chắc cơ sở pháp lý, tăng vị thế và giành ưu thế khi bên thứ ba/đối thủ cạnh tranh khởi sự một/các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản trí tuệ, chủ sở hữu cần chủ động thu thập, lưu trữ có hệ thống và đệ trình các bằng chứng về việc tự sáng tạo, thiết kế ra tác phẩm một cách độc lập làm căn cứ vững chắc chứng minh quyền tác giả của mình. Các tài liệu có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở:

 Giấy chứng nhận quyền tác giả do Cục Bản Quyền Tác Giả Việt Nam hoặc do Cơ quan quyền tác giả tại một quốc gia thành viên của Công ước Berne cấp;

 Các tài liệu/bằng chứng chứng minh việc tự sáng tạo, quá trình sáng tạo ra tác phẩm để chứng minh quyền sở hữu (ví dụ: bản thảo tác phẩm và hợp đồng thiết kế logo hoặc bao bì sản phẩm); và

 Các bằng chứng khác về việc sử dụng công khai tác phẩm ở trong hoặc ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua bán, tài liệu quảng cáo, phương tiện dịch vụ, phương tiện kinh doanh … mang/gắn tác phẩm … và các tài liệu liên quan chứng minh ngày sử dụng đầu tiên và tình trạng sử dụng lâu dài của tác phẩm.

Lời kết

Xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng tinh vi, tràn lan và vẫn gia tăng ở mức báo động, tựa như nấm mọc sau mưa. Đợi chờ hàng năm để Nhãn hiệu/KDCN được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam không phải là liệu pháp hữu hiệu, nó chắc chắn sẽ đặt bạn/doanh nghiệp của bạn vào những rủi ro và thiệt hại không thể bù đắp. Trong khi đó, khởi sự thủ tục chống cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam đòi hỏi nghĩa vụ chứng minh rất nặng nề. Do đó, tại thời điểm này, chiến lược bảo vệ quyền SHTT nhanh chóng về thời gian và hiệu quả về chi phí, theo chúng tôi là: nên ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để đăng ký Quyền tác giả bên cạnh việc đăng ký Nhãn hiệu/KDCN (nếu phù hợp) trong thời gian sớm nhất, đặc biệt khi Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (“ECCR”) đã thực hiện giám định xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Đọc thêm: