KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Tải về

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (ABEI), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Cục An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 đã thực hiện việc vô hiệu hóa quyền truy cập đối với hàng chục trang web vi phạm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Trước đó, năm 2018, Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án hình sự liên quan đến website www.phimmoi.net – một trang web đăng tải trái phép hàng nghìn bộ phim và chương trình truyền hình, có lưu lượng truy cập lớn thứ 17 tại Việt Nam với 60 triệu đến 80 triệu lượt truy cập mỗi tháng, với mức thu phí một ô quảng cáo lên đến 25 triệu/tuần, chưa kể cả những TVC xuất hiện trước khi chiếu phim thu về con số 20.000 đồng/1.000 lượt xem, do Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tại tỉnh Lâm Đồng) là chủ sở hữu, cùng Cao Thanh Lai và Cao Duy Anh (đều ngụ tại Đồng Nai) với vai trò là lập trình viên và quản trị website.

 Những nỗ lực chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một bước đột phá đáng khích lệ, đáng khen ngợi, đặt nền móng ban đầu cho công cuộc làm sạch thị trường bản quyền hiện nay. Nhưng theo IIPA, các tác phẩm sáng tạo vẫn đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, tràn lan và thiếu kiểm soát. Những trang web vi phạm bản quyền cùng các dịch vụ cung cấp thiết bị và ứng dụng vi phạm bản quyền xuất hiện trôi nổi trên thị trường đã biến Việt Nam thành thiên đường vi phạm bản quyền.

Thực trạng vi phạm bản quyền và việc thực thi xử lý vi phạm ở Việt Nam

 Việt Nam được xem là một thị trường công nghiệp sáng tạo đầy hứa hẹn. Xây dựng chính sách và thiết lập các cơ chế để bảo vệ và thực thi quyền SHTT là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Sau khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã tiếp tục tham gia Hiệp ước Bản quyền WIPO (WCT) vào ngày 17 tháng 11 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 17 tháng 2 năm 2022) và Hiệp ước Bản ghi âm và Biểu diễn WIPO (WPPT). Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn trong việc thi hành án hình sự. Các tiêu chuẩn xử lý vi phạm phù hợp với CPTPP và hoàn thiện phù hợp với các chuẩn mực toàn cầu, cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Cục Bản quyền Việt Nam, tổ chức quản lý tập thể, đã và đang được quan tâm.

 Tuy vậy, trong báo cáo hàng năm Đặc biệt 301 về quyền SHTT công bố năm 2022, Việt Nam cùng 11 quốc gia gồm: Argentina, Chile, Trung Quốc, Ecuado, Ấn Độ, Indonesia, Mê hi cô, Liên bang Nga, Nam Phi, Ukraine vẫn nằm trong danh sách các nước cần ưu tiên theo dõi. Theo báo cáo này, vi phạm bản quyền trực tuyến (Online piracy) là một trong những vấn nạn diễn ra tràn lan ở Việt Nam. Sử dụng các ứng dụng, trang mạng trực tuyến ngày một tăng sau khi đại dịch Covid 19 bùng nổ đang dần trở thành xu hướng và biến Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng to lớn cho ngành công nghiệp sáng tạo, cũng như cho nhiều nhà cung cấp nội dung hợp pháp. Tuy nhiên, những bất cập khi tiếp cận với thị trường cùng việc xử lý xâm phạm SHTT chưa thực sự hiệu quả đã ngăn cản việc hiện thực hóa tiềm năng này.

Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng

Xâm phạm bản quyền âm nhạc:

Hai phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là phát trực tuyến (stream-ripping) và dịch vụ lưu trữ và chia sẻ tệp (cyberlockers)

Các đối tượng vi phạm trực tuyến (piracy operators) liên quan đến những website xâm phạm bản quyền trực tuyến phổ biến trên thế giới, như: 123movies (trước khi trang website gốc đóng cửa), fmoviesChiasenhac, đã thực hiện các hành vi gây thiệt hại đáng kể cho thị trường trong nước và biến Việt Nam trở thành thiên đường xâm phạm bản quyền. Hiện vẫn chưa thể tìm được cách thức thực thi rõ ràng hoặc hiệu quả để chống lại các trang web này hoặc các đối tượng vi phạm thực sự đứng sau nó. Các nội dung trái phép (illegal contents) có thể được tiếp cận thông qua các trang web cho phép tải xuống, mạng ngang hàng (P2P), trang liên kết, trang phát trực tuyến, công cụ tìm kiếm, dịch vụ lưu trữ tệp, các ứng dụng, đặc biệt, các nội dung trái phép còn có thể được tìm thấy trên các trang mạng truyền thông xã hội nổi tiếng như Instagram, Facebook, Zalo, Tik Tok… Thông qua Thiết bị vi phạm bản quyền (PD) và các tài nguyên lưu trữ tệp nền tảng miễn phí, bao gồm cả tài nguyên từ Facebook và Google, những kẻ vi phạm lợi dụng để cung cấp, chia sẻ hoặc phát sóng trực tiếp nhiều loại nội dung, thông tin khai thác trái phép từ các nhà bán lẻ trực tuyến cũng như các cửa hàng truyền thống đã được cấp phép.

Phát trực tuyến (stream-ripping) là hình thức vi phạm bản quyền âm nhạc phổ biến nhất ở Việt Nam, với hơn 26,7 triệu lượt truy cập (26.7 million visits) trong quý 3 năm 2021. Ba website xâm phạm bản quyền trực tuyến nổi bật nhấ tại Việt Nam là: https://www.y2mate.com/, https://en.savefrom.net/https://www.y2meta.com/ với lượng truy cập từ Việt Nam trong quý 3 năm 2021 lần lượt là 12,3 triệu, 3,7 triệu và 1,6 triệu. Các trang web này cung cấp cho người dùng khả năng tải xuống bất hợp pháp các bản nhạc từ YouTube dưới dạng MP3.

Dịch vụ lưu trữ và chia sẻ tệp (Cyberlockers) cũng là một phương thức vi phạm bản quyền khá phổ biến, lượt truy cập lên tới 13,7 triệu lượt trong quý 3 năm 2021. Ngoài hai website cung cấp dịch vụ lưu trữ và chia sẻ tệp vi phạm được xác định là Mega.nzzippyshare.com với lượng truy cập từ Việt Nam trong quý 3 năm 2021 lần lượt là 6,5 triệu và 0,75 triệu, thì https://chiasenhac.vn/ với 3,9 triệu lượt truy cập vào cúng thời kỳ là trang web tiếng Việt lâu đời trong nước tập trung vào nội dung nhạc vi phạm bản quyền cũng được xem là mối đe dọa lớn.

Xâm phạm bản quyền điện ảnh:

Ngoài âm nhạc, thì phim ảnh cũng là một lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền trực tuyến rất nhiều. Những trang web này sẽ cung cấp quyền truy cập trái phép vào các bộ phim và phim truyền hình nổi tiếng của cả trong nước và nước ngoài mà không hề mất phí. Ví dụ như trang web vi phạm bản quyền khét tiếng Fmovies (còn được gọi là Bmovies hoặc Bflix) được cho là bắt nguồn từ Việt Nam. Việc xử lý vi phạm bản quyền đã có khởi sắc khi vào tháng 8 năm 2021, người sáng lập và hai nhân viên của trang web Phimmoi – một trong những trang web chuyên cung cấp xem phim trái phép phổ biến ở Việt Nam đã bị cảnh sát Việt Nam xác định, gọi đến thẩm vấn và bị khởi tố hình sự vì “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Các miền của trang web này đã không thể truy cập trực tuyến; website phim lậu này không chịu dừng lại mà còn cho ra đời thêm nhiều tên miền mới như phimmoiz.net, phimmoizz.net, phimmoizzz.netzphimmoi.com, phimmoii.org, zphimmoi.tv, phimmoi.be… Hy vọng rằng, việc xử phạt đối với Phimmoi sẽ tạo ra nhiều tín hiệu mới cho việc xử lý triệt để hành vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh diễn ra nhiều năm trở lại đây đối với một số trang web phổ biến khác như https://bylutv.com/, Motchill.nethttps://dongpphim.com/.

Đáng chú ý, hiện nay, người dùng tại Việt Nam đã không thể truy cập website trỏ từ tên miền < Motchill.net> do đã bị chặn do vi phạm pháp luật (tấn công mạng, lừa đảo, vi phạm bản quyền, dịch vụ không phép…) hoặc chính sách của tổ chức bởi: Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – National Cyber Security Centre (NCSC) – một tổ chức thuộc Bộ Thông tin truyền thông của Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có thể báo cáo tình trạng xâm phạm bản quyền trực tuyến tới NCSC thông qua: https://canhbao.ncsc.gov.vn/#!/

Dịch vụ vi phạm bản quyền truyền hình giao thức Internet (IPTV) rất phổ biến ở châu Âu cũng là một trong những hình thức xâm phạm bản quyền ở thị trường Việt Nam như BIPTV.bestBestBuy / PTV.store. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trái phép này như Abyss.to (trước đây là Hydrax.net) – chuyên cung cấp dịch vụ “Google pass through”, tức là một dịch vụ cho phép người dùng thông qua Google Drive hoặc kéo và thả tệp vào trang của trang web để đưa video lên mạng. Sau đó, dịch vụ sẽ làm xáo trộn vị trí của nội dung được lưu trữ để ngăn chặn việc xử lý vi phạm và bảo vệ danh tính của người điều hành trang web. Abyss.to cũng cung cấp khả năng nhúng video với trình phát phương tiện Abyss trên các trang web riêng biệt miễn phí, mặc dù người xem được xem các quảng cáo bởi Abyss.to – đây là một dịch vụ được rất nhiều các trang web vi phạm bản quyền như 123movies.fun, gostream.site, solarmoviez.nuyesmovies.to đã từng sử dụng hoặc hiện đang sử dụng. Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này khác có nguồn gốc tại Việt Nam là Fembed ra mắt vào đầu năm 2018, doanh nghiệp này cũng cấp một dịch vụ quản lý nội dung và được các trang web phát trực tuyến phim vi phạm bản quyền sử dụng phổ biến.

Xâm phạm bản quyền sách điện tử:

Qua các vụ kiện do nhà xuất bản yêu cầu ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian gần đây cho thấy một tỷ lệ phần trăm đáng kể các trang web có nhà khai thác tại Việt Nam (mặc dù thủ phạm đã cố gắng che giấu vị trí thực của họ) đã có hành vi vi phạm bản quyền sách điện tử, ngân hàng đề thi và hướng dẫn sử dụng giải pháp, gây ra những vấn đề đáng kể cho các nhà xuất bản. Có thể kể đến như ccbooks.org là một trang web vi phạm ở Việt Nam, đã bị khởi kiện, phải đền bù số tiền lên tới 400.000 đô la và buộc phải ngừng hoạt động trang web; Hoặc ebooksshelf.comitsebooks.com là các trang web vi phạm cũng do một bị đơn Việt Nam điều hành, phải đền bù số tiền trị giá 1,8 triệu đô la; ebooksshelf.com bị ngừng hoạt động, nhưng itsebooks.com vẫn hoạt động bất chấp lệnh vĩnh viễn của tòa án; và trang etextworld.com là một trang web được sáng lập bởi một nhóm người Việt Nam bị phán quyết ngừng hoạt động trang web, trao trả tên miền cho bên nguyên đơn và phải đền bù thiệt hại lên tới 3,15 triệu đô la.

Biện pháp cưỡng chế của Cơ quan Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (ABEI) nhằm vô hiệu hóa quyền truy cập vi phạm bản quyền:  Thông qua làm việc với bên chủ sở hữu bản quyền đã được cấp phép, ABEI của MIC đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với các trang web vi phạm và gần đây nhất là việc tiến hành chặn các trang web vi phạm nghiêm trọng bản quyền chủ sở hữu bản quyền truyền hình Việt Nam. Hiện đã có hơn 70 trang web vi phạm bị ABEI và MCST chặn tại Việt Nam. Có thể nói đây là một bước đột phá nhưng vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện khi vẫn còn có nhiều trang web vi phạm khác ở Việt Nam vẫn có thể truy cập được và vẫn không tránh khỏi việc gây thiệt hại cho thị trường nước ngoài, bao gồm cả thị trường Hoa Kỳ. Thủ tục, quy trình gửi trang web của các chủ sở hữu bản quyền cũng khá rắc rối khi họ phải gửi kèm tài liệu hướng dẫn quy trình và giải thích cách các trang web sẽ bị chặn và đưa ra các yêu cầu để ISP tuân thủ.

Thiết bị vi phạm bản quyền (Piracy Devices – PDs) và Ứng dụng: Như đã nói đến ở trên, PD là một phương tiện quan trọng giúp các nội dung, thông tin, hình ảnh vi phạm bản quyền được phát tán rộng rãi trên khắp thế giới và Việt Nam. Với những ưu điểm như rẻ và dễ sử dụng, có thể cung cấp nhiều loại nội dung trái phép và có thể mua, cài đặt dễ dàng sẵn từ các nhà bán lẻ trực tuyến cũng như các cửa hàng truyền thống thì PD đã không còn xa lạ với các trang web xâm phạm bản quyền ở Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam bên cạnh việc tăng cường xử lý các vi phạm xâm phạm bản quyền, còn cần phải thực hiện ngăn chặn các thiết bị PD cũng như xử lý các địa điểm buôn bán, phân phối, các nhà cung cấp cài đặt các ứng dụng, không tạo điều kiện vi phạm cho các trang web.

 Xử lý các hành vi quay lén phim chiếu rạp: Có những người sử dụng máy quay phim để ghi hình lại một cách bất hợp pháp với những bộ phim được công chiếu tại rạp chiếu phim bất chấp quy định đã được đặt ra. Đây là hành vi xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn và gây thiệt hại rất lớn cho nhà làm phim. Các bản ghi hình trái phép sau đó sẽ được bán lại hoặc phát trực tiếp trên khắp các web xâm phạm bản quyền trực tuyến ở khắp thế giới. Điều này phá vỡ mắt xích quan trọng trong khâu sản xuất và phân phối các tác phẩm nghe nhìn, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ và ngành kinh doanh rạp chiếu phim địa phương. Vì vậy Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể hơn cùng các chế tài tương ứng để để giải quyết vấn đề này. 

Tổ chức quản lý tập thể: Được thành lập để đại diện cho các nhà sản xuất băng đĩa, RIAV, nhằm chống lại các rào cản gây bất lợi cho các nhà sản xuất và phân phân phối âm nhạc nước ngoài cũng như các nhà sản xuất âm nhạc nhỏ lẻ trong nước. Trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có nêu ra các hạn chế và giới hạn đối với các pháp nhân nước ngoài và liên doanh cũng như tư cách thành viên của họ trong các CMO được thành lập như hiệp hội cần được loại bỏ. Ngoài ra, để nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý tập thể, cân bằng lợi ích của chủ sở hữu bản quyền và người dùng như nhau, thành lập một tổ chức đại diện cho tất cả các nhà sản xuất, nước ngoài và trong nước, thì Cục Bản quyền tác giả Việt Nam nên tiếp xúc và tham gia với các nhà sản xuất âm nhạc nước ngoài nhằm hoạt động có hiệu quả mà vẫn phù hợp với các thông lệ quốc tế nhất.

Một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam

 Về cách hành động thực thi:

  • Các kênh trực tuyến như Phimmoi hoặc Chiasenhac đã bị xử lý, tuy nhiên, thời hạn xử lý quá dài, các chế tài chưa đủ sức răn đe. Việt Nam cần thiết lập cơ chế hiệu quả để các quan chức thực thi, bao gồm Bộ TT&TT, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MCST) và Bộ Công an (MPS), Cảnh sát Công nghệ cao/quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và các đơn vị cảnh sát liên quan, tăng cường số lượng và phối hợp hiệu quả xử lý vi phạm trực tuyến bảo đảm các mệnh lệnh hành chính được thực thi đúng đắn.
  • Việc tiến hành xử lý vô hiệu hóa quyền truy cập vào các trang web vi phạm tại Việt Nam cần mau chóng được làm rõ và xây dựng các khung pháp luật liên quan đến nghị định này, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc được hoàn thành và không mất chi phí liên quan.

Về pháp luật:

  • Gia nhập và phê duyệt WPPT theo yêu cầu của CPTPP.
  • Việc giải thích khái niệm “quy mô thương mại” cùng với những tiêu chí đi kèm phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế nên được nhanh chóng xem xét và bổ sung. Việc hình sự hóa “các hành vi thực hiện không vì lợi ích thương mại hoặc lợi ích tài chính nhưng có tác động bất lợi đáng kể đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc quyền liên quan trong thị trường cần được cân nhắc để đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các bên liên quan trong xử lý vi phạm bản quyền trực tuyến được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra cần lưu ý và phân tích các dữ liệu thị trường một cách thực tế để đảm bảo rằng ngưỡng tiền tệ đưa ra có thể được đáp ứng.
  • Bổ sung sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), với những quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đổi mới các quy định cần thiết khác trong Bộ luật Hình sự qua đó ban hành các Nghị quyết, Nghị định và các thông tư hướng dẫn chi tiết các tiêu chí, khái niệm trong luật.
  • Thiết lập khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt đồng phòng chống vi phạm kỹ thuật số, cụ thể như sau: (i) đảm bảo các quyền biểu diễn ra trước công chúng và độc quyền cung cấp bản ghi âm của  nhà sản xuất bản ghi âm đượcbảo hộ và, không bị hạn; (ii) quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người trung gian cung cấp dịch vụ trên internet các biện pháp xử phạt nếu không tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo rằng các bến cảng an toàn (safe harbors) theo Luật Công nghệ thông tin chỉ áp dụng cho các dịch vụ thụ động và trung lập; (iii) Linh hoạt trong việc tiếp nhận và thu thập chứng cứ liên quan đến xử lý các trang web xâm phạm bản quyền., quay phim sân khấu bất hợp pháp, vi phạm bản quyền phát trực tiếp, thiết bị vi phạm bản quyền (PD) và các ứng dụng, các thiết bị và phần mềm giúp truy cập vào các trang web vi phạm; (iv) tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm bản quyền, đảm bảo việc thực hiện xử lý vi phạm của  các cơ quan chức năng có hiệu quả bao gồm cả việc đóng hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập các trang web vi phạm (v) Hoàn thiện cơ chế một cửa, cắt giảm các thủ tục rườm rà để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của chủ sở hữu về việc xử lý vi phạm bản quyền, (vi) Tổng hợp và liệt kê chính xác tất cả các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm thực sự phù hợp với WPPT; và (vii) Mở rộng các điều khoản liên quan đến biện pháp bảo vệ kỹ thuật (TPMS) để  bao quát cả các biện pháp kiểm soát quyền truy cập.

Tiếp cận thị trường:

  • Nghị định 06 nên loại bỏ yêu cầu về sự hiện diện tại Việt Nam và không nên áp đặt thêm các rào cản nào khác đối với thương mại điện tử.
  • Đảm bảo rằng việc tự phân loại nội dung được phổ biến trên Internet được quy định trong dự thảo Luật Điện ảnh; đầu tư nước ngoài, hạn ngạch sàng lọc và hạn ngạch phát sóng không bị hạn chế quá nhiều; và loại bỏ quỹ dành cho các phim có tính phân biệt được rút ra từ các phòng vé của phim nhập khẩu.
  • Không nên hạn chế về số lượng kênh truyền hình nước ngoài có trả phí trong các quy định về truyền hình có trả phí; đặt ra các quy định cụ thể về vấn đề quảng cáo ở các địa phương, tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của truyền hình có trả phí; và các rào cản khác liên quan đến việc sản xuất, nhập khẩu và phân phối tài liệu có bản quyền.
  • Để nâng cao tính tự quyết và khả năng quản lý các quyền mà được nhà nước bảo hộ của các nhà sản xuất âm nhạc thì cần có một tổ chức thu phí được thành lập giữa các nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước để bên cạnh đó cần loại bỏ tất cả các hạn chế và rào cản đối với các pháp nhân nước ngoài và liên doanh cũng như sự tham gia của họ vào các tổ chức quản lý tập thể (CMO).

Luật bản quyền và các vấn đề liên quan

Ở Việt Nam Luật SHTT (sửa đổi lần cuối năm 2009), Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017), Thông tư liên tịch (2012) và Nghị định xử lý vi phạm hành chính (số 131) được sửa đổi bổ sung năm 2017) là những văn bản pháp luật chính để điều chỉnh việc bảo vệ và thực thi quyền tác giả áp dụng song song với Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngày 15 tháng 11 năm 2020 Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và ngay sau đó đã tiến hành sửa đổi, bổ sung và công bố dự thảo sửa đổi Luật SHTT vào đầu tháng 12 năm 2020. Các sửa đổi lần này chủ yếu tập trung vào các biện pháp bảo vệ quyền lợi theo tiêu chí của Hiệp ước Internet WIPO. Theo yêu cầu của CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do của Việt Nam với EU, chính phủ Việt Nam tiếp tục gia nhập WCT vào ngày 17 tháng 11 năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 17 tháng 2 năm 2022) và WPPT. Và Việt Nam đang trên con đường hoàn thiện các quy phạm pháp luật phù hợp với các hiệp ước này.

Bộ luật Hình sự được thực thi hiệu quả phù hợp với các cam kết quốc tế là điều rất quan trọng: Để phù hợp với Hiệp định TRIPS của WTO và Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ, hành vi vi phạm bản quyền “với quy mô thương mại” đã được hình sự hóa tại Bộ luật Hình sự của Việt Nam có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018, là một bước tiến mới trong việc đưa ra các chế tài mạnh mẽ hơn so với trước. Tuy nhiên thế nào là “với quy mô thương mại”, các tiêu chí để đánh giá một hành vi vi phạm bản quyền là hành vi với quy mô thương mại thì Bộ luật Hình sự hay các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa được đề cập đến. Nhìn vào một diễn biến tích cực khi nghị quyết để đưa ra hướng dẫn giải thích “quy mô thương mại” và cách tính toán đánh giá ngưỡng tiền tệ đang được Tòa án nhân dân tối cao xây dựng dự thảo. Tuy nhiên, vẫn chưa có thời gian cụ thể công bố dự thảo, và trong bối hiện nay thiết nghĩ Tòa án Nhân dân Tối cao cần ban hành ngay lập tức Nghị quyết này. Bên cạnh đó, hệ thống các quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam và Luật SHTT (điều 28 và 35) vẫn chưa có sự thống nhất trong xử lý vi phạm và hình sự hóa hành vi vi phạm bản quyền, chưa đưa ra được biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với vi phạm bản quyền đang xảy ra tràn lan tại quốc gia này.

Một số vấn đề còn tồn đọng trong bản Dự thảo sửa đổi Bộ luật Sở hữu trí tuệ (SHTT): Mặc dù đã mang lại đổi mới trong các quy định pháp luật, nhưng dự thảo Bộ luật SHTT vẫn để lại một số vấn đề và câu hỏi chưa được giải đáp, bao gồm cả việc đưa ra các nội dung phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên như BTA, TRIPS. Các vấn đề đó có thể tóm tắt như sau:

  • Thời hạn bảo hộ: Theo yêu cầu của Điều 4.4 BTA, thời hạn bảo hộ tác phẩm là 70 năm sau khi tác giả qua đời, hoặc ít nhất 75 năm (hoặc 100 năm kể từ khi định hình) từ sau khi tác phẩm ra đời. Còn Luật SHTT đưa ra thời hạn bảo hộ các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết nếu có đồng tác giả, thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
  • Quyền sở hữu của nhà sản xuất bản ghi âm: Luật SHTT nên được sửa đổi để liệt kê rõ ràng và riêng biệt các quyền độc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm để phù hợp với tiêu chí của WPPT. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm trong việc sao chép, phân phối, cho thuê và cung cấp đều đã được nhắc đến tại Điều 30 Luật SHTT, nhưng thay vì liệt kê cụ thể thì nhà làm luật lại một cách chung chung toàn diện nên vô tình gây sự nhầm lẫn cho người thi hành và áp dụng luật. Ngoài ra, những quyền được nhắc đến ở Điều 30 trên cũng phải đảm bảo tính nhất quán với các hành vi vi phạm quyền sở hữu của nhà sản xuất bản ghi âm được quy định tại điều 35 luật này.

Các biện pháp bảo vệ công nghệ (TPMS): Một số vấn đề liên quan đến TPM cần được giải quyết, bao gồm: (i) Phạm vi của các điều khoản PMS có thực sự đủ rộng để bao quát toàn bộ các biện pháp kiểm soát truy cập để các TPM hoạt động có hiệu quả; (ii) Điều 28.14 của Luật SHTT vẫn còn mang nặng lý thuyết và thiếu tính thực tế, rất khó để áp dụng vì vậy nên xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi; và (iii) Một lỗ hổng rất lớn nhưng khó nhận thấy trong Luật SHTT là bản quyền bản ghi âm lại không được áp dụng lệnh cấm buôn bán các thiết bị vi phạm pháp luật mà lại chỉ được áp dụng đối với tác phẩm.

  • Hệ thống phân cấp quyền: Đây là một điểm đáng lưu ý khi hệ thống phân cấp về các loại quyền trong sở hữu trí tuệ tại Điều 17 (4) của Luật SHTT. Để đảm bảo phù hợp với tiêu chí cung cấp các quyền độc quyền nhất định cho các chủ thể quyền lân cận, bao gồm nhà sản xuất, người biểu diễn và tổ chức phát sóng, theo các hiệp định quốc tế, bao gồm cả Hiệp định TRIPS của WTO. Điều 17(4) nên được bãi bỏ.
  • Các trường hợp ngoại lệ: Một số ngoại lệ và giới hạn trong Luật SHTT hiện hành vẫn còn quá rộng và lới lỏng cho các chủ thể liên quan, dẫn đến việc không thống nhất với Điều 13 của Hiệp định TRIPS của WTO và Điều 4.8 của BTA. Ví dụ: các trường hợp ngoại lệ cho “mục đích thông tin công cộng và giáo dục”, cũng như nhập khẩu các bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cho mục đích cá nhân, là quá rộng. Hơn nữa, việc áp dụng giấy phép cho tất cả các tác phẩm ngoại trừ các tác phẩm điện ảnh là không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy các ngoại lệ đối với tác phẩm và quyền liên quan được đề cập đến trong dự thảo Luật SHTT cần được kiểm tra tính tương thích với nguyên tắc kiểm tra ba bước (ví dụ: Điều khoản TRIPS 13 và Điều khoản BTA 4.8).
  • Quyền sở hữu bản quyền: Để xác định chủ sở hữu bản quyền, Luật SHTT vẫn duy trì quy định các tổ chức và cá nhân đầu tư hoặc tài trợ cơ sở vật chất và kỹ thuật giúp hoàn thành tác phẩm điện ảnh và tác phẩm kịch là chủ sở hữu của các bản quyền đó. Duy trì quy định này chính là điểm tốt nhất giúp hệ thống các quy phạm pháp luật liên quan đến xác định chủ sở hữu bản quyền phù hợp với các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Điều 203 lại không đưa ra được những trường hợp khác về quyền sở hữu bản quyền. Điều này đi ngược lại với các quy định trong BTA (Điều 3.2), WTO TRIPS (Điều 9 (1)) và Công ước Berne (Điều 5, 15): Quyền tác giả tồn tại ngay cả trong trường hợp không có hình thức thể hiện nào.

Dự thảo Ngoại lệ về bản sao dùng cho mục đích cá nhân quá rộng: Điều 25 (1) (a) quy định các ngoại lệ về bản sao dùng cho mục đích cá nhân rõ ràng không áp dụng cho các tác phẩm điện ảnh và cũng không đưa ra được các tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với quốc tế.

  • Xử lý hàng hóa vi phạm vào mục đích phi thương mại có thật hợp lý: Điều 202 (5) và 214 (3) của Luật SHTT quy định rằng hàng hóa và phương tiện sản xuất vi phạm bị thu giữ sẽ được phân phối hoặc sử dụng cho “mục đích phi thương mại”, thay vì bị tiêu hủy. Mặc dù về bản chất quy định này rất khả quan nhưng nó lại không phù hợp với các nghĩa vụ của BTA (Điều 12.4) của Việt Nam và Hiệp định TRIPS.

Nghị định số 22/2018 và rủi ro gây mất quyền của nhà sản xuất bản ghi âm: Ban hành vào tháng 4 năm 2018, cung cấp các hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật SHTT tại điều 32 Nghị định số 22/2018 đã cung cấp một danh sách đầy đủ về các loại địa điểm nơi bản ghi âm âm thanh có thể được sử dụng để biểu diễn công khai theo Điều 33 của Luật SHTT. Vì vậy điều luật này đã vô tình làm hạn chế quyền biểu diễn công cộng của những địa điểm khác không được trong danh sách. Những địa điểm như: câu lạc bộ đêm, vũ trường, phòng hòa nhạc, phòng triển lãm, công viên, phòng tập thể dục và tiệm làm tóc sử dụng bản ghi âm thường xuyên là rất phổ biến trên thực tế thì không có trong danh sách và việc bỏ sót các doanh nghiệp này là không công bằng. Vậy nếu họ sử dụng bản ghi âm thì có phải là trái quy định của pháp luật hay không khi không có tên trong danh sách. Danh sách còn đề cập đến các địa điểm bao gồm “các cơ sở cung cấp … các dịch vụ môi trường kỹ thuật số”, có thể hiểu đây là các địa điểm cung cấp internet nhưng vì quy định chữ rõ ràng và cụ thể nên rất dễ bị hiểu nhầm thành các địa điểm sử dụng bản ghi âm trực tuyến. Như vậy sẽ làm giảm mức độ bảo vệ sự độc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm trong việc sử dụng kỹ thuật số bản ghi âm của họ.         

Trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet (ISP): Nhiệm vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi có trường hợp vi phạm bản quyền tác giả xảy ra trên internet được quy định tại Thông tư liên tịch 07/2012 / TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định (“Thông tư 07”) chỉ đơn giản là gỡ nội dung vi phạm đã đăng trên trang web và ngừng cung cấp dịch vụ cho bên vi phạm. Trên thực tế, điều luật này đã được áp dụng rất triệt để nhưng chỉ sử dụng cho các dịch vụ và các trang web trực tiếp vi phạm trong phạm vi hẹp.

Dự thảo Luật SHTT đưa ra Điều 198b mới, tuy nhiên điều vẫn không giải quyết được những khó khăn hiện tại mà các chủ sở hữu quyền phải đối mặt trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên Internet. Việc chủ sở hữu bản quyền liên hệ trực tiếp với ISP để gỡ bỏ nội dung vi phạm là điều không được cho phép. Các nội dung vi phạm chỉ được gỡ bỏ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Có thể thấy cơ chế còn khá gò bó khi phải thông qua cơ quan nhà nước để chấm dứt hành vi vi phạm, để cải thiện việc bảo vệ bản quyền trực tuyến và đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt nhất, những nội dung vi phạm nên lập tức bị gỡ bỏ mà không cần quá nhiều thủ tục rườm rà. Trách nhiệm pháp lý của những người liên quan vẫn chưa được quy định rõ, cụ thể là trách nhiệm của các nhà trung gian, nên sự hợp tác giữa các bên vẫn còn rất lỏng lẻo.

Ngoài việc cho phép các chủ thể được cấp quyền sở hữu tự mình yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm, thì Thông tư 07 cần làm rõ thêm một số các điều sau:  Điều 5.5 khi đưa ra một loạt các trường hợp mà ISP sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những thiệt hại do vi phạm bản quyền như cung cấp; truyền hoặc phân phối nội dung số mà không được phép của chủ thể quyền; sửa đổi, cắt bớt hoặc sao chép nội dung mà không được phép của chủ thể quyền, cố tình phá vỡ hoặc bỏ qua TPM; và hoạt động như một nguồn phân phối thứ cấp nội dung vi phạm thì cũng phải đưa ra các quy định đảm bảo rằng ISP sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm bản quyền của người dùng nếu ISP có một trong các hành vi gây tác động lớn đến việc vi phạm bản quyền như sau: Có hiểu biết về vi phạm bản quyền và bản quyền, nhưng vẫn tiếp tay cho hành vi vi phạm và không có ý định ngăn cản hoặc cố ý tạo điều kiện cho hành vi vi phạm được thực hiện. Ngoài ra, Thông tư 07 nên tăng phạm vi áp dụng truy cứu trách nhiệm với chủ thể trung gian cho tất cả các trang web vi phạm hướng tới Việt Nam. Không nên giới hạn trong các trang web được lưu trữ tại Việt Nam vì tên miền có thể được đăng ký dù là ở bất kì đâu.

Trách nhiệm của bên trung gian còn được quy định tại Luật Công nghệ Thông tin (số 67/2006) (“Luật CNTT”). Điều 16, 18 và 19 Luật này quy định rằng bên trung gian cần thực hiện kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền ngay khi phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan chức năng. Các điều khoản này nên được sửa đổi sao cho các dịch vụ cũng cần được thực hiện khi có yêu cầu của chủ sở hữu quyền. Bên cạnh đó, Luật này còn đề cập đến nơi lưu trữ tạm thời thông tin số trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên cũng cần tập trung vào làm rõ lưu trữ tạm thời chỉ áp dụng cho các dịch vụ thụ động và trung lập, và các dịch vụ dựa vào các chỗ an toàn cũng có nghĩa vụ ngừng truy cập hoặc xóa nội dung vi phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ngoài ra cũng quy định về tăng mức độ xử phạt nếu như người vi phạm tái phạm và các biện pháp ngăn chặn khác.

Cần cải cách Tòa án:  Tòa án Nhân dân Tối cao cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo và công bố Nghị quyết hướng dẫn về thủ tục và chứng cứ cũng như hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự, các biện pháp chế tài thích hợp trong các trường hợp vi phạm bản quyền và “Sổ tay SHTT dành cho Thẩm phán Việt Nam.”  Ngoài ra nên nâng cao trình độ chuyên môn thẩm phán, cảnh sát và công tố viên, mỗi người đều sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa các vụ án hình sự ra xét xử trước tòa án.

Việc xử lý vi phạm bản quyền tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống thực thi pháp luật và khung pháp lý hiện hành của Việt Nam cần có sự thay đổi đáng kể để ngăn chặn thực trạng vi phạm bản quyền trực tuyến hiện nay. Dù có rất nhiều các bằng chứng liên quan đến hành vi vi phạm nghiêm trọng do các chủ sở hữu quyền cung cấp nhưng vì sự phối hợp chưa thực sự hiệu quả giữa các bộ và cơ quan liên quan, nên việc xử lý vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Các thủ tục hành chính và hình sự còn rườm rà và chậm chạp, với quy định phải đưa ra bằng chứng trước khi tiến hành hoạt động xử phạt đã phần nào tạo một rào cản khó khăn khi các vi phạm trên thực tế đã rất rõ ràng nhưng để xác định đó là trang web vi phạm thì chưa đủ chứng cứ. Ngoài ra việc tiến hành các hành động dân sự trong các trường hợp xâm phạm bản quyền này gần như là không thể vì khó khăn trong việc xác định đối tượng/danh tinh người vi phạm, địa chỉ IP và các địa chỉ email liên quan được biết đến. Tuy nhiên trách nhiệm quan trọng nhất vẫn nằm ở phía các cơ quan thực thi, bao gồm các đơn vị công an, liên quan, MPS và ABEI thuộc Bộ Thông tin truyền thông, cần phải theo dõi các khiếu nại vi phạm, tiến hành các hoạt động xử lý, ngăn chặn một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe đối với các trang web vi phạm. Có thể thấy hành động xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số trong thời gian gần đây là một bước đi tích cực, nhưng vẫn còn phải xem liệu hành động này có tạo ra hiệu quả răn đe đến với các dịch vụ vi phạm bản quyền khác đang hoạt động và liệu đã thực sự chấm dứt được hành vi vi phạm bản quyền của trang web đó hay chưa.

Bài viết được tổng hợp và hoàn thành dựa trên dữ liệu báo cáo đặc biệt 301 của IIPA – không phản ánh quan điểm của chúng tôi.

Xem thêm: