KENFOX IP & Law Office > Sáng chế

Những câu hỏi thường gặp về việc đăng ký sáng chế tại Việt Nam

15. Ai có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam?

Theo Điều 86.1b, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Luật SHTT Việt Nam), tổ chức, cá nhân đã đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho tác giả sáng chế dưới hình thức giao việc, thuê việc có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế do tác giả sáng chế tạo ra trong khi làm việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Do đó, người sử dụng lao động sẽ có quyền sở hữu văn bằng bảo hộ cho những sáng chế đó và được trao độc quyền đối với sáng chế đã được cấp bằng, trong khi người lao động được hưởng một số quyền nhân thân đối với sáng chế ngoài tiền thù lao. Ví dụ, người lao động-tác giả sáng chế sẽ được đứng tên trong các bằng sáng chế có liên quan cũng như trong bất kỳ tài liệu nào mà được công bố hoặc giới thiệu. Người lao động còn được hưởng một số thù lao theo quy định của pháp luật, trong đó được quy định là ít nhất 10% lợi ích thu được từ việc sử dụng sáng chế và 15% số tiền được hưởng từ mỗi lần cấp giấy phép sử dụng sáng chế, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 135.2, Luật SHTT Việt Nam).

Ở Việt Nam, những vụ việc liên quan đến vấn đề thù lao không nhiều. Chúng tôi biết một công ty sản xuất phân bón ở Việt Nam quy định rõ trong văn bản (những) tác giả sáng chế được tuyển dụng sẽ nhận được khoản thù lao ít nhất bằng 20% lợi ích thu được từ việc sử dụng sáng chế. Việc thanh toán có thể được thực hiện theo từng đợt tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên liên quan và được thực hiện trong toàn bộ vòng đời của bằng sáng chế.

Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu quy định này có được tuân thủ trong thực tế hay không vì luật và các quy định liên quan của Việt Nam không có hướng dẫn/quy định nào về cách xác định lợi nhuận thu được từ việc sử dụng sáng chế. Vì không dễ xác định những lợi ích như vậy nên việc các bên thỏa thuận về mức thù lao có vẻ phổ biến hơn.

16. Chỉ cần giấy ủy quyền thôi hay còn cần tài liệu bổ sung nào khác, chẳng hạn như bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Thông thường chỉ yêu cầu giấy ủy quyền. Tuy nhiên, đối với đơn đăng ký sáng chế không có nguồn gốc là đơn PCT và có yêu cầu quyền ưu tiên theo Công ước Paris, thì cần nộp thêm bản sao có chứng thực của tài liệu ưu tiên.

17. Giấy ủy quyền có cần được chứng thực chữ ký không?

Giấy ủy quyền chỉ cần được người đại diện hợp pháp ký tên là đủ, không cần phải chứng thực hay hợp pháp hóa lãnh sự.

18. “Bản sao chứng thực của tài liệu ưu tiên” là gì?

Bản sao chứng thực của tài liệu ưu tiên là bản sao của đơn liên quan hợp lệ được nộp ban đầu và đã được chứng thực (cho mục đích yêu cầu quyền ưu tiên) bởi cơ quan sáng chế ở nước ưu tiên.

19. Các tài liệu có yêu cầu bản cứng không? Hoặc chúng tôi có thể gửi file mềm?

Vui lòng cung cấp cho chúng tôi giấy ủy quyền gốc (và bản sao có chứng thực của tài liệu ưu tiên, nếu được yêu cầu) ở dạng bản cứng. Các tài liệu khác có thể được gửi cho chúng tôi ở định dạng số (file mềm).

20. Quy trình đăng ký sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

a. Sau khi nộp hồ sơ cho Cục SHTT, chúng tôi phải làm gì tiếp theo? Chờ thẩm định hình thức?

Đúng. Đối với các đơn không có nguồn gốc từ đơn PCT, việc thẩm định hình thức sẽ được tiến hành ngay sau khi đơn được nộp cho Cục SHTT. Thủ tục này thông thường kéo dài 01-02 tháng kể từ ngày nộp đơn. Đối với đơn có nguồn gốc từ đơn PCT, thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng thứ 32 sau thời hạn 31 tháng để vào pha quốc gia của Việt Nam.

b. Mỗi bước có yêu cầu gì không? Chẳng hạn như yêu cầu về công bố hay thẩm định nội dung hay bất cứ yêu cầu gì?

Không có yêu cầu về công bố. Việc công bố đơn được tự động thực hiện trong vòng 02 tháng kể từ ngày đơn được chính thức chấp nhận về mặt hình thức (đối với đơn sáng chế có nguồn gốc từ đơn PCT) hoặc trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên (đối với đơn sáng chế không có nguồn gốc từ đơn PCT). Trong trường hợp của đơn sáng chế không có nguồn gốc từ đơn PCT, người nộp đơn có thể nộp công văn yêu cầu công bố sớm tới Cục SHTT để đơn được công bố sớm (tức là được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hình thức).

Yêu cầu thẩm định nội dung phải được nộp cho Cục SHTT, tùy chọn là, ngay tại thời điểm nộp đơn hoặc trong thời hạn 42 tháng đối với đơn sáng chế (hoặc 36 tháng đối với đơn giải pháp hữu ích) tính từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên, nếu có.

Ngoài ra, người nộp đơn có thể nộp các yêu cầu sửa đổi đơn, hoặc phản đối đơn bất kỳ khác hoặc khiếu nại bất kỳ quyết định nào của Cục SHTT.

21. Nếu có báo cáo tra cứu quốc tế (International Search Report – ISR) từ WIPO thì có nên nộp báo cáo đó cho Cục SHTT không? Hay Cục SHTT chỉ yêu cầu báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế?

Các tài liệu PCT (chẳng hạn như báo cáo tra cứu quốc tế hoặc báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế) không phải là tài liệu bắt buộc. Tuy nhiên, các tài liệu này nên được nộp cho Cục SHTT để thuận tiện cho việc thẩm định đơn trong giai đoạn quốc gia.

Có phải dịch ISR sang tiếng Việt trước khi nộp hay không?

Không. ISR không cần phải dịch sang tiếng Việt.

Cục SHTT có sử dụng kết quả ISR này cho quyết định của mình không?

Cục SHTT sử dụng kết quả ISR để tham khảo. Quyết định của Cục SHTT thường dựa trên báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế.

ISR có giúp đẩy nhanh quá trình thẩm định của Cục SHTT hay không?

Không. ISR không làm đẩy nhanh quá trình thẩm định.

22. Thời gian ân hạn nộp đơn sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

Không có thời gian ân hạn đối với việc nộp đơn sáng chế tại Việt Nam.

23. Đối với đơn không có nguồn gốc từ đơn PCT, nếu đơn sáng chế đã được nộp ở nước sở tại, chủ đơn có thể nộp đơn sáng chế đó ở Việt Nam và xin hưởng quyền ưu tiên từ đơn ban đầu không? Có giới hạn thời gian hưởng quyền ưu tiên không?

Nếu quốc gia mà đơn ban đầu được nộp là thành viên của Công ước Paris, thì chủ đơn có thể nộp đơn sáng chế đó ở Việt Nam và xin hưởng quyền ưu tiên từ đơn ban đầu đó. Thời hạn để yêu cầu xin hưởng quyền ưu tiên đối với đơn sáng chế/giải pháp hữu ích là 12 tháng tính từ ngày ưu tiên.

24. Lợi ích của việc xin hưởng quyền ưu tiên ở Việt Nam là gì?

Quyền ưu tiên mang lại những lợi ích sau:

– Tránh được việc bị mất tính mới do sự bộc lộc của đơn ban đầu.

– Tăng khả năng được bảo hộ. Vì Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, tức là trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cho cùng một sáng chế, đơn trong số các đơn đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất sẽ được bảo hộ. Điều này rõ ràng là có lợi cho đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên vì ngày ưu tiên luôn sớm hơn ngày nộp đơn.

25. Việc thanh toán cho một đơn sáng chế như thế nào?

Việc thanh toán (bao gồm phí nhà nước và phí dịch vụ) được thực hiện theo các giai đoạn của quá trình theo đuổi đơn, bao gồm:

– Giai đoạn nộp đơn: Các phí nộp đơn

– Giai đoạn thẩm định đơn: Phí sửa đổi, phí phúc đáp…, nếu có

– Giai đoạn cấp bằng: Phí cấp bằng và phí duy trì năm thứ nhất (nếu đơn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ)

– Giai sau cấp bằng: Phí duy trì hàng năm (từ năm duy trì thứ 2 đến năm bằng hết hạn hiệu lực).

26. Việc nộp phí duy trì từ năm thứ 2 đến các năm tiếp theo như thế nào? Cục SHTT có thông báo cho chúng tôi (thông qua công ty của bạn) hàng năm không? Cục SHTT có cho phép nộp phí một lần cho tất cả các năm cần duy trì không?

Thời hạn nộp phí duy trì năm thứ 2 và các năm tiếp theo trùng với ngày cấp bằng, sẽ được trả hàng năm trong vòng 6 tháng trước thời hạn nộp phí duy trì. Việc nộp phí duy trì này có thể được nộp muộn trong vòng 6 tháng kể từ ngày đến hạn, và phải nộp phí nộp muộn là 10% lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ cho mỗi điểm độc lập trên mỗi tháng nộp muộn.

Cục SHTT sẽ không thông báo cho chủ bằng sáng chế cũng như công ty chúng tôi về việc thanh toán duy trì. Chúng tôi sẽ tự theo dõi thời hạn. Chúng tôi có phần mềm quản lý và đặt cơ chế nhắc thời hạn tự động để kịp thời thông báo cho chủ bằng sáng chế là các khách hàng của chúng tôi về thời hạn duy trì.

Cục SHTT không thu phí duy trì hiệu lực một lần cho tất cả các năm cần duy trì. Thay vào đó, phí duy trì thường được nộp cho Cục SHTT theo từng năm.

27. Loại đơn tách trong hệ thống pháp lý của Việt Nam là gì? Thời điểm nào có thể tách đơn? Trong hệ thống pháp lý của Việt Nam có áp dụng loại đơn “tiếp tục một phần” tương tự như ở Hoa Kỳ không?

Tách đơn sáng chế không được định nghĩa trong Luật SHTT Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục tách đơn có thể được hiểu đơn giản là từ đơn đăng ký ban đầu, chủ đơn chủ động tách hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu phải tách đơn sẽ tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách.

Theo Quy định về Sáng chế Việt Nam, đơn tách có thể được nộp vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình theo đuổi đơn sáng chế (từ khi nộp đơn đến khi cấp bằng độc quyền) nhưng phải nộp trước ngày có Quyết định cấp Bằng độc quyền/Quyết định từ chối cấp Bằng độc quyền. Lưu ý, việc tách đơn không thể được thực hiện trong giai đoạn khiếu nại.

Không có dạng đơn tiếp tục một phần ở Việt Nam.

28. Các quy tắc về việc nộp đơn tách là gì?

Các nguyên tắc áp dụng cho việc nộp đơn tách sáng chế tách như sau:

  • Đơn tách phải mang số đơn mới và được hưởng ngày nộp đơn hoặc (các) ngày ưu tiên (nếu có) của đơn gốc; và được công bố sau khi có quyết định chấp nhận hình thức đơn.
  • Đơn tách không được mở rộng, vượt quá phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc các nội dung đã bộc lộ trong phần mô tả của đơn gốc và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn gốc.
  • Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu.
  • Đơn gốc (sau khi tách) được tiếp tục xử lý theo thủ tục sửa đổi đơn. Trong khi đó, thời hạn thẩm định nội dung đơn tách được thực hiện như thời hạn thẩm định đơn thông thường.
29. Có thể tách đơn nối tiếp được không (ví dụ nộp đơn tách lần hai dựa trên đơn tách lần một)? Có luật hoặc quy tắc nào cho phép các đơn tách nối tiếp không?

Có. Chủ đơn có thể chủ động tách đơn nối tiếp hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT trước khi Cục SHTT ra quyết định từ chối đơn hoặc quyết định cấp bằng độc quyền sáng chế. Quy trình và thủ tục cho việc nộp đơn tách như vậy cũng giống như quy trình và thủ tục nộp đơn tách đã nêu ở trên.

30. Yêu cầu về tính thống nhất của đơn sáng chế là gì?

Đơn sáng chế được coi là có tính thống nhất nếu:

a. Chỉ yêu cầu bảo hộ một đối tượng; hoặc,

b. Yêu cầu bảo hộ cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất và thuộc các trường hợp sau:

  1. Một đối tượng dùng để tạo ra (sản xuất, chế tạo, điều chế) đối tượng kia;
  2. Một đối tượng dùng để thực hiện đối tượng kia;
  3. Một đối tượng dùng để sử dụng đối tượng kia;
  4. Các đối tượng thuộc cùng một dạng, có cùng chức năng để bảo đảm thu được cùng một kết quả.
31. Làm thế nào để vượt qua sự từ chối về tính thống nhất?

Người nộp đơn có thể đưa ra ý kiến phản đối các từ chối về tính thống nhất bằng cách cung cấp các lập luận chứng minh rằng đơn đáp ứng các yêu cầu về sự thống nhất đã nêu ở trên. Theo cách khác, để khắc phục sự từ chối về tính thống nhất, người nộp đơn có thể nộp đơn tách từ đơn gốc.

32. Nếu một phản đối tính thống nhất được đưa ra trong báo cáo tra cứu PCT, với điều kiện là người nộp đơn không trả thêm phí tra cứu cho việc này, thì có bất kỳ tác động nào trong quá trình thẩm định đơn giai đoạn quốc gia không?

Cục SHTT có thể từ chối đơn ở pha quốc gia Việt Nam dựa trên báo cáo tra cứu PCT đó.

33. Thời điểm nộp sửa đổi tự nguyện là khi nào?

Người nộp đơn có thể nộp sửa đổi, bổ sung bất kỳ trong quá trình thẩm định đơn nhưng phải trước khi Cục SHTT ra quyết định từ chối đơn hoặc quyết định cấp bằng độc quyền. Lưu ý, việc sửa đổi đơn không được chấp nhận trong giai đoạn khiếu nại.

34. Có được phép sửa đổi để mở rộng, thay đổi, thu hẹp phạm vi yêu cầu bảo hộ độc lập không?

Mọi sửa đổi không được phép mở rộng, vượt quá phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc các nội dung đã bộc lộ trong phần mô tả của đơn ban đầu và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn gốc. Mọi nội dung mới, nếu được các thẩm định viên của Cục SHTT phát hiện hoặc xác định sau khi quá trình thẩm định nội dung sửa đổi đó, sẽ bị từ chối.

35. Có được phép bổ sung yêu cầu bảo hộ độc lập hoặc phụ thuộc mới trong quá trình theo đuổi đơn không?

Có, với điều kiện là việc bổ sung đó không vượt quá phạm vi của đơn đã nộp ban đầu.

36. Có được phép nộp đơn khiếu nại đối với các Quyết định cho đơn sáng chế được ban hành bởi Cục SHTT không?

Trong quá trình thẩm định, nếu một Quyết định, chẳng hạn như quyết định từ chối đơn, quyết định từ chối cấp, quyết định cấp văn bằng bảo hộ… được ban hành bởi Cục SHTT và người có quyền khiếu nại không đồng ý với quyết định đó, người nộp đơn có quyền nộp khiếu nại các quyết định đó theo các thủ tục khiếu nại.

Cụ thể, người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định được ban hành bởi Cục SHTT có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục SHTT hoặc khởi kiện ra Tòa án nếu không đồng ý với quyết định này trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định này.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại về quyết định từ chối, Cục SHTT ra thông báo về việc chấp nhận hoặc từ chối khiếu nại, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại về quyết định liên quan đến đơn đăng ký sáng chế (khiếu nại lần 1), nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT, người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định có quyền khiếu nại tiếp (khiếu nại lần 2) đến Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện ra Tòa án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1 mà đến thời hạn đó mà khiếu nại lần 1 không được giải quyết hoặc kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần 1. Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 nêu trên hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Tòa án.

37. Các nội dung nào không phải là đối tượng của việc khiếu nại?

Các nội dung sau không thuộc đối tượng khiếu nại:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoặc tách đơn;
  • Các dữ kiện/chi tiết mới chưa được nộp trong quá trình thẩm định mà có thể thay đổi thông báo/quyết định đã kháng cáo;
  • Trong trường hợp người khiếu nại không phải là người nộp đơn, và có những tình tiết mới không thuộc trách nhiệm của Cục SHTT trong quá trình thẩm định, trong trường hợp này, người khiếu nại có quyền yêu cầu thẩm định bổ sung.
38. Đối với sáng chế phần mềm, hãy liệt kê tất cả các đối tượng đủ điều kiện?

Các đối tượng có tên “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính” hoặc “tín hiệu mang chương trình” và bất kỳ từ/cách diễn đạt tương tự hoặc tương đương nào đều không được chấp nhận. Sáng chế phần mềm/chương trình máy tính có thể được cấp bằng sáng chế dưới dạng, ví dụ, phương pháp vận hành một thiết bị thông thường, thiết bị được cài đặt để thực hiện phương pháp đó, phương tiện ghi (hoặc vật ghi) chứa chương trình để thực hiện phương pháp đó.

39. Đề xuất về thực tiễn địa phương của đơn liên quan đến phần mềm?

Có thể xem xét nộp đơn đăng ký bảo hộ cho phần mềm/chương trình máy tính tại Việt Nam dưới dạng “bản quyền”. Theo cách khác, nếu chủ sở hữu vẫn muốn bảo hộ phần mềm/chương trình máy tính đó dưới dạng “sáng chế”, có thể viết lại tên đối tượng bảo hộ, ví dụ, thành “phương tiện có thể đọc được trên máy tính mà lưu trữ chương trình máy tính” trong bản mô tả để đáp ứng các yêu cầu về sáng chế của Việt Nam.

Page: 1 | 2| 3