KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > ST25 – Cuộc chiến giữa những cái tên chưa có hồi kết

ST25 – Cuộc chiến giữa những cái tên chưa có hồi kết

Mở đầu 

1. Các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài đăng ký sở hữu đã không còn là hiện tượng hiếm gặp. Công chúng hẳn không thể quên một số vụ việc điển hình như: cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, mì ăn liền Vifon, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, bánh phồng tôm Sa Giang, nước mắm Phú Quốc…bị đăng ký bất hợp pháp ở nước ngoài. Mới đây, dấu hiệu ST25, tên gọi của giống lúa của Việt Nam cho ra sản phẩm gạo thơm ngon, hảo hạng, giành được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế và đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” bị 4 công ty tại Mỹ và 1 công ty tại Australia nộp đơn đăng ký lại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về chiến lược bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Câu chuyện cũ, nhưng bài học luôn mới và còn nguyên giá trị: Nếu không xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu đúng đắn, sớm muộn bạn sẽ phải trả giá đắt. Sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết, nhưng để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ mình.

Dấu hiệu “ST25” cho các sản phẩm “gạo” bị các doanh nghiệp tại California, Hoa Kỳ và Australia đăng ký bảo hộ

2. Từ hàng nghìn năm nay, Việt Nam là quê hương của nền nông nghiệp.Nhờ thời tiết tốt và đất đai màu mỡ, cây lúa đã được trồng ở khắp các cánh đồng ở ba miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam. Hạt gạo từ cây lúa được coi là nguồn lương thực chính của người dân. Việt Nam luôn được xếp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Tính riêng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu xuất khẩu cho thế giới 6,15 triệu tấn gạo, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 3,07 tỷ USD.

 3. Giống lúa với tên gọi “ST25” do ông Hồ Quang Cua và các cộng sự, một nhóm kỹ sư nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và lai tạo thành công đã cho ra sản phẩm gạo có hạt dài, không bạc bụng, khi được nấu, cơm thơm, dẻo, có vị ngọt rất hấp dẫn, có mùi thơm của lá dứa, cơm vẫn dẻo thơm cả khi đã nguội. Ấy thế nhưng, trong khi ông Hồ Quang Cua chưa kịp làm gì, mới đây tên giống lúa “ST25” của ông đã bị 4 công ty tại California xin đăng ký làm “nhãn hiệu” tại Hoa Kỳ và 1 công ty xin đăng ký làm “nhãn hiệu” tại Australia.

4. Trong khi nhãn hiệu “ST25” bị một công ty tại Australia nộp đơn chưa được thẩm định, nhãn hiệu “ST25” tại Mỹ được 4 công ty tại California nộp đã được Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) hoàn tất quy trình thẩm định. Câu chuyện không có gì đáng nói nếu như không có sự không thống nhất trong kết quả thẩm định đối với các nhãn hiệu có chứa thành phần “ST25” được thẩm định bởi các thẩm định viên của USPTO.

5. Theo Thông báo từ chối tạm thời đối với hai nhãn hiệu “” và “” cho các sản phẩm “gạo” thuộc Nhóm 30 dưới tên Công ty Transworld Foods, Inc., thẩm định viên của USPTO kết luận rằng [Các bằng chứng đính kèm khác cho thấy “ST25” dùng để chỉ (gọi tên) một dòng hoặc một giống lúa cụ thể. Tên giống là những tên gọi được sử dụng để xác định/nhận biết các giống hoặc phân loài được trồng trọt của cây sống hoặc hạt giống nông nghiệp. Những tên gọi đó là tên gọi chung và không thể được đăng ký làm nhãn hiệu bởi vì chúng là tên gọi mô tả chung của các loại thực vật hoặc hạt giống mà người tiêu dùng Hoa Kỳ biết đến những giống đó]. Theo đó, USPTO đã yêu cầu Transworld Foods, Inc. “không được độc quyền sử dụng dấu hiệu “ST25 RICE” trong nhãn hiệu xin đăng ký”.

6. Tương tự, trong thông báo từ chối tạm tời đối với nhãn hiệu xin đăng ký “” cho sản phẩm “gạo” thuộc Nhóm 30 dưới tên Công ty Ngon Fish Sauce, Inc., thẩm định viên của USPTO kết luận rằng [Người nộp đơn không được yêu cầu bảo hộ riêng từ “GAO THOM ST25” có nghĩa tiếng Anh là “Fragrant Rice ST25. Bằng chứng đính kèm từ neconomictimes.com cho thấy từ “Fragrant Rice (Gạo Thơm)” được sử dụng để mô tả một đặc tính của gạo Việt Nam và “ST25” là một loại gạo]. Chủ đơn không được bảo hộ độc quyền đối với các từ sau: [“THE WORLD’S BEST RICE GAO THOM ST25 DAC SAN SOC TRANG NGON NHAT THE GIOI 100% TU NHIEN KHONG BEO PHI – KHONG TIEU DUONG NEW CROP 2020 NET WT. 25LBS (11.3 KG)”].

7. Trong các Thông báo dự định từ chối, thẩm định viên của USPTO đã trích dẫn các tài liệu trên Internet làm căn cứ để xác định “ST25” là tên một loại gạo, hay tên một giống cây trồng có nguồn gốc từ Việt Nam để từ chối bảo hộ độc quyền cho dấu hiệu “ST25” chứa trong các nhãn hiệu nêu trên dựa trên nguyên tắc thẩm định nhãn hiệu tại TMEP §1202.12. Trên cơ sở này, nếu thẩm định viên của USPTO xác định rằng từ ngữ được đăng ký làm nhãn hiệu cho các loại cây trồng, hạt giống nông nghiệp, trái cây tươi hoặc rau tươi có chứa tên giống hoặc tên giống cây trồng, thì thẩm định viên phải từ chối nhãn hiệu xin đăng ký hoặc yêu cầu chủ đơn tuyên bố không bảo hộ riêng đối với tên gọi đó bởi vì tên giống của hàng hóa không thực hiện chức năng của nhãn hiệu theo §§1, 2 và 45 của Đạo luật nhãn hiệu, 15 USC §1051, 1052 và 1127.

8. Như vậy, theo Thông báo dự định từ chối đối với 3 nhãn hiệu nêu trên, dấu hiệu “ST25” có trong các nhãn hiệu này được coi là tên một dòng hoặc một giống lúa cụ thể, tên gọi đó là tên gọi chung và không thể được đăng ký làm nhãn hiệu bởi vì chúng là tên gọi mô tả chung của các loại thực vật hoặc hạt giống mà người tiêu dùng Hoa Kỳ biết đến, do đó, không đáp ứng tiêu chuẩn để đăng ký làm nhãn hiệu hàng hóa.

9. Tuy nhiên, kết quả tra cứu tại cơ sở dữ liệu của USPTO chỉ ra rằng, thẩm định viên của USPTO đã không áp dụng các nguyên tắc thẩm định đồng nhất giống như đã áp dụng đối với 3 trường hợp nhãn hiệu nêu trên. Cụ thể, nhãn hiệu “” xin đăng ký cho các sản phẩm “gạo” thuộc Nhóm 30 bởi Công ty I&T ENTERPRISE, INC. theo Đơn số 90009521 đã không bị từ chối bảo hộ vì lý do “ST25” là tên gọi của giống cây trồng được chọn tạo tại Việt Nam. Theo đó, nhãn hiệu “ST25” sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Chính thức (Trademark Official Gazette (TMOG)) của Hoa Kỳ vào ngày 04/05/2021. Theo luật, nếu không có Đơn Phản Đối từ bất kỳ bên thứ ba nào, nhãn hiệu “ST25” sẽ được bảo hộ cho Công ty I&T ENTERPRISE, INC.

Cần làm gì?

10. Theo các chuyên gia về Sở hữu Trí tuệ tại hãng luật KENFOX, với nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp đăng ký Nhãn hiệu tại Hoa Kỳ, trong vụ việc này, vẫn còn cơ hội để các sản phẩm gạo “ST25” của Việt Nam được thương mại hóa an toàn tại Hoa Kỳ nếu USPTO từ chối bảo hộ nhãn hiệu “ST25” của Công ty I&T ENTERPRISE, INC. Trong bối cảnh mà thẩm định viên của USPTO không căn cứ vào các quy định về xung đột giữa tên giống cây trồng và nhãn hiệu để từ chối bảo hộ nhãn hiệu “ST25” của Công ty I&T ENTERPRISE, INC, con đường duy nhất vào thời điểm này là phải nộp Đơn Phản Đối theo quy trình phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ. Tính cấp bách về mặt thời gian phản đối phải được đặc biệt lưu ý vì Đơn Phản Đối chỉ có thể được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày Đơn Nhãn hiệu được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Chính thức của Hoa Kỳ. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ.

11. Trong cuộc thảo luận gần đây, ông Nguyễn Ngọc Cầm, chuyên gia nhãn hiệu của KENFOX cho rằng sự xung đột giữa nhãn hiệu và tên giống cây trồng rất dễ xảy ra. Trong quá trình chọn tạo và phát triển giống cây trồng, tác giả giống cây trồng thường đặt cho giống cây trồng một cái tên. Tên giống cây trồng thường là các tên tự tạo. Trong quá trình thương mại hóa, tên gọi giống cây trồng cũng được sử dụng như là nhãn hiệu để chỉ ra các sản phẩm bắt nguồn từ giống cây trồng đó, dẫn tới việc “Tên giống cây trồng” bị coi là “Nhãn hiệu”. Việc này gây khó khăn cho các thẩm định viên của các Cơ quan Sở hữu Trí tuệ tại nhiều nước trong việc thu thập bằng chứng đáng tin cậy để xác định đối tượng được đăng ký là “Tên giống cây trồng” hay là “Nhãn hiệu” để từ chối hoặc chấp nhận bảo hộ.

12. Ông Nguyễn Ngọc Cầm cho biết thêm: Trong vụ việc nêu trên, Việt Nam có thể cung cấp các tài liệu chứng minh dấu hiệu “ST25” là tên gọi cho giống lúa được phát triển và lai tạo bởi ông Hồ Quang Cua và các cộng sự tại tỉnh Sóc Trăng. “ST25” là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa “ST25”. “ST” là 2 chữ cái đầu tiên của tỉnh “Sóc Trăng”, một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, để chỉ ra địa danh nơi mà giống lúa “ST25” được nghiên cứu và lai tạo. Dấu hiệu “ST25” là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của Giống cây trồng và đã được cấp Bằng bảo hộ Giống cây trồng số 21.VN.2020 tại Việt Nam. Do đó, cần dựa vào các quy định về Giống cây trồng để phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu “ST25” của Công ty I&T ENTERPRISE, INC.

13. Giống cây trồng là một trong ba nhánh đối tượng được bảo hộ quyền Sở hữu Trí tuệ (gồm (i) Quyền tác giả và quyền liên quan, (ii) Quyền Sở hữu Công nghiệp và (iii) Quyền đối với Giống cây trồng). Việt Nam gia nhập Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (“International Union for the Protection of New Varieties of Plants – UPOV“) vào 24/12/2006, hiện là một trong số 77 thành viên của Hiệp hội này. Hoa Kỳ là thành viên của UPOV từ 08/11/1981. Do đó, việc USPTO sử dụng các bằng chứng, tài liệu thu thập được về giống cây trồng để từ chối bảo hộ độc quyền cho dấu hiệu “ST25” được đăng ký dưới dạng “Nhãn hiệu” theo 3 đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty Transworld Foods, Inc. và Công ty Ngon Fish Sauce, Inc. cho sản phẩm “gạo” thuộc Nhóm 30 là hoàn toàn phù hợp.

Bài học rút ra

14. Câu hỏi trọng tâm đặt ra trong vụ việc này có thể là:

  • Lý do vì sao 3 đơn nhãn hiệu có chứa dấu hiệu “ST25” bị từ chối bảo hộ vì là tên gọi của giống cây trồng, trong khi đó, nhãn hiệu “ST25” của Công ty I&T ENTERPRISE, INC. lại không bị từ chối?
  • Hậu quả pháp lý nào nếu các sản phẩm gạo ST25 được xuất khấu sang Hoa Kỳ sau khi nhãn hiệu này được đăng ký dưới tên Công ty I&T ENTERPRISE, INC.?

15. Tên gọi được đề xuất/đặt cho giống cây trồng được chọn tạo và phát triển bởi tác giả giống cây trồng được xem là “Tên giống cây trồng” hay “Tên giống” hay tên gọi hàng hóa. Tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt, không thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu và không được bảo hộ dưới tư cách nhãn hiệu. “ST25” là tên gọi được ông Hồ Quang Cua đặt cho giống lúa mà ông chọn tạo và phát triển, do đó, không đáp ứng tiêu chuẩn để được bảo hộ làm nhãn hiệu, vì nó là tên gọi của giống cây trồng hay tên gọi hàng hóa. Nhưng mọi quy tắc đều có ngoại lệ. Việc thẩm định viên của USPTO từ chối bảo hộ dấu hiệu “ST25” trong 3 đơn nhãn hiệu có chứa “ST25” vì lý do là tên giống cây trồng tại Việt Nam, nhưng lại không ra thông báo từ chối dấu hiệu “ST25” ở một đơn khác gây khó hiểu và dẫn đến kết luận rằng: có sự không thống nhất trong nguyên tắc thẩm định nhãn hiệu của USPTO. Tuy nhiên, sự không thống nhất này vẫn có thể hiểu được vì (i) các đơn nhãn hiệu khác nhau được thẩm định bởi các thẩm định viên khác nhau và (ii) có nhiểu khả năng thẩm định viên này tìm được cơ sở để từ chối, còn thẩm định viên kia thì không.

16. Cho dù “ST25” được coi là “tên gọi” của giống lúa, hoặc, về mặt pháp lý, tên gọi này không đáp ứng các điều kiện để bảo hộ độc quyền làm nhãn hiệu cho bất kỳ ai, việc chậm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ tại các thị trường lớn nơi mà sản phẩm gạo của Việt Nam được xuất khẩu mạnh có thể khiến chủ sở hữu phải trả giá đắt. Việc để cho nhãn hiệu/tài sản trí tuệ của bạn rơi vào tay đối thủ cạnh tranh cũng giống như việc để mất đi công cụ bảo vệ bạn một cách hiệu quả. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu trong tay đối thủ cạnh tranh lúc này như một thứ vũ khí quyền năng. Nó buộc bạn phải ngồi vào bàn đàm phán, phải chấp nhận mua lại nhãn hiệu của chính mình với bất kỳ mức giá nào đối thủ cạnh tranh đỏi hỏi, hoặc là các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bạn sẽ bị các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ và/hoặc tiêu hủy, còn bạn phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện, bị tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại…. Khuyến nghị của chúng tôi là: Cùng với việc phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi trọng việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu theo lộ trình một cách chi tiết và bài bản. Hãy tham vấn mọi bước đi, cách tiếp cận thị trường, các vấn đề pháp lý với các luật sư chuyên sâu về sở hữu trí tuệ để tránh rơi vào các quy trình tố tụng về sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, kéo dài và tốn kém mà không biết được kết quả sẽ ra sao và trong một số viễn cảnh, vẫn tiền mất tật mang.

Nếu bạn cần làm rõ hoặc có câu hỏi nào về bài viết nêu trên, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Xem  thêm: