Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam: 5 hình thức đầu tư phổ biến
Các nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn kinh doanh tại Việt Nam có thể thực hiện các thủ tục để đầu tư theo các hình thức và cơ chế quy định tại Điều 21 Luật đầu tư năm 2020 thông qua việc thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư vào doanh nghiệp hiện có, triển khai dự án đầu tư, đến hợp tác kinh doanh thông qua hợp đồng BCC, và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của chính phủ Việt Nam. KENFOX IP & Law Office giới thiệu 5 hình thức đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam.
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam
Các nhà đầu tư Trung Quốc (dù là cá nhân hay tổ chức) có quyền đầu tư thành lập các doanh nghiệp mới hay tổ chức kinh tế tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư 2020 (bao gồm Công ty Cổ phần, Công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, Công ty Hợp danh, Doanh nghiệp Tư nhân, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã).
1.1. Xác định các điều kiện để thành lập tổ chức kinh tế
Để thực hiện đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức thành lập “tổ chức kinh tế” có vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc cần tuân thủ các điều kiện đầu tư cụ thể theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, bao gồm:
[1] Điều kiện tiếp cận thị trường: Cần xem xét “Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường” (84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, gồm: 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện) để xác định xem lĩnh vực hoạt động dự kiến của nhà đầu tư Trung Quốc có thuộc các Danh mục nêu trên hay không. Trong thuộc Danh mục, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện về hình thức đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, năng lực tài chính, cùng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Nếu không thuộc Danh mục, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như với nhà đầu tư trong nước.
[2] Điều kiện đảm bảo an ninh và quốc phòng: Nhà đầu tư cần tuân thủ các quy định về đảm bảo an ninh quốc phòng (Điều 7, Phụ lục 4, Điều 66.4 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
[3] Quy định về sử dụng đất: Nhà đầu tư cần tuân thủ các điều kiện sử dụng đất và điều kiện nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực nhạy cảm như đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển, theo quy định của Luật Đất đai.
1.2. Quy trình thành lập tổ chức kinh tế
Sau khi đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện đầu tư, quy trình thành lập tổ chức kinh tế bằng vốn Trung Quốc diễn ra qua ba bước chính:
Bước 1: Xác định loại dự án cần xin quyết định chủ trương đầu tư
Dự án đầu tư nước ngoài có thể được chia thành 2 loại: một loại cần phải xin quyết định chủ trương đầu tư, loại còn lại không phải xin quyết định chủ trương đầu tư. Do vậy, nếu các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, việc đầu tiên là phải xem dự án đó có thuộc trường hợp phải xin quyết định chủ trương đầu tư hay không. Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án nằm ngoài các trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020. Trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 34, 35 và 36 Luật đầu tư.
Bước 2: Nộp hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“IRC”), văn bản này chứng nhận nhà đầu tư đã được phê duyệt về mặt dự án và được phép tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp IRC theo quy định tại Điều 37.1 và 23.1 Luật đầu tư. Cụ thể, 2 trường hợp sau đây phải xin cấp IRC: (a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; (b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (gồm 3 trường hợp: (i) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; (ii) Có tổ chức kinh (có vốn đầu tư nước ngoài) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; và (iii) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy (có vốn đầu tư nước ngoài) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).
Tài liệu cần cung cấp:
*** Đối với hồ sơ cấp IRC cho dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
Tài liệu yêu cầu: Các tài liệu theo quy định tại Điều 36.1 Nghị định 31/2021/NĐ-CP [Điều 36. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư: 1. Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại Điều 33.1 của Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư].
Nơi nộp hồ sơ: Nộp cho hai cơ quan là Sở KHĐT hoặc Bản quản lý khu công nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định 31/20021
*** Đối với hồ sơ cấp IRC cho dự án đầu tư thuộc quyền quyết định của Thủ tướng chính phủ
Tài liệu yêu cầu: Tương tự Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Số lượng hồ sơ: 08 bộ hồ sơ
Thời gian xử lý:
Xin chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lưu ý: Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan đăng ký đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho toàn bộ dự án.
*** Đối với hồ sơ cấp IRC cho dự án đầu tư thuộc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội
Tài liệu yêu cầu: Tương tự hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Số lượng hồ sơ: 20 bộ hồ sơ
Thời gian xử lý:
Xin chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
- Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định để trình Chính phủ.
- Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.
- Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương.
Xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 3: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC), là bước cuối cùng để được cấp phép hoạt động kinh doanh chính thức tại Việt Nam.
Sau khi được cấp IRC, nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp để xin cấp ERC. Theo đó, hồ sơ gồm: (i) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (ii) Điều lệ công ty; (iii) Danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông; (iv) Danh sách người đại diện theo ủy quyền; (v) Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân nếu thành viên sáng lập là cá nhân; (vi) Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập; văn bản cử người đại diện theo ủy quyền kèm bản sao một trong các giấy tờ chứng thực của người đó; (vii) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trên tại Sở Kế hoạch & Đầu tư. Sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ cấp ERC cho nhà đầu tư.
2. Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Đối với các loại hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng cần tuân thủ quy định tại điều 24 Luật Đầu tư.
Bước đầu tiên, nhà đầu tư cần xác định xem mình có phù hợp với các điều kiện về đầu tư theo pháp luật Việt Nam hay không. Các điều kiện về đầu tư dành cho nhà đầu tư Trung Quốc theo hình thức đầu tư này cũng giống với các điều kiện của hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam (tức là đáp ứng 3 điều kiện theo Điều 24.2 Luật đầu tư về: (i) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Bảo đảm quốc phòng an ninh và (iii) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận, quyền sử dụng đất…).
Trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tỷ lệ từ 50% trong doanh nghiệp Việt Nam trở xuống và thực hiện kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện, thì nhà đầu tư chỉ cần thực hiện việc chuyển nhượng/góp vốn, kê khai thuế thu nhập từ chuyển nhượng nếu có. Sau đó doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh với hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn/mua lại lớn hơn 50% vốn điều lệ, thì cần thực hiện các thủ tục sau:
(1) Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp Việt nam tại Cơ quan đăng ký đầu tư;
(2) Thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
(3) Thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp;
(4) Thực hiện thủ tục xin cấp IRC đối với những ngành nghề kinh doanh yêu cầu cần có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần tuân thủ quy định tại Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC của nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam là việc nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam nhằm phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không cần thành lập tổ chức kinh tế. Đây được coi là hình thức hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân mới.
Sau khi hai bên đồng ý tất cả các điều khoản trong hợp đồng và hoàn thành ký hết hợp đồng BCC, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư theo Hợp đồng BCC.
4. Thực hiện dự án đầu tư
Để thực hiện dự án đầu tư, Điều 23 Luật Đầu tư quy định: Tổ chức kinh tế cần đáp ứng điều kiện và tiến hành các thủ tục theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
(ii) Có tổ chức kinh tế (có vốn đầu tư nước ngoài) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
(iii) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế (có vốn đầu tư nước ngoài) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư muốn thực hiện đầu tư vào Việt Nam bằng vốn Trung Quốc cũng có thể thực hiện đầu tư thông qua hình thức “Thực hiện dự án đầu tư”
Theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương IV Luật Đầu tư năm 2020, để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư thông qua các hình thức như: (1) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu; (2) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai; (3) Chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp được quy định tại khoản 3 và 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020.
Bước 2: Xác định chủ thể có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư)
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ được quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020
Bước 4: Đợi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư
Bước 5: Triển khai dự án đầu tư sau khi được chấp thuận
5. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể thực hiện đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức ký kết hợp đồng PPP.
Hợp đồng PPP (Public – Private – Partnership) hay còn gọi là hợp đồng đối tác công tư là loại hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư tư nhân (trong nước hoặc nước ngoài) nhằm quản lý, thực hiện, vận hành các dự án phát triển về cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công.
Nhà đầu tư Trung Quốc có thể tham gia vào dự án PPP thông qua nhiều hình thức khác nhau như:: (1) Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Build-Transfer – BT); (2) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh Doanh (Build-Transfer-Operate – BTO); (3) Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build-Operate-Transfer – BOT); (4) Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (Build-Transfer-Lease – BTL); (5) Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (Build-Own-Operate – BOO); (6) Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (Build-Lease-Transfer – BLT); (7) Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (Operate-Maintain – O&M) và các loại hợp đồng khác tuỳ theo quyết định của Thủ tướng.