KENFOX IP & Law Office > Xử lý các khiếu nại liên quan đến SHTT tại Việt Nam theo Cơ chế Hội đồng Tư vấn

Xử lý các khiếu nại liên quan đến SHTT tại Việt Nam theo Cơ chế Hội đồng Tư vấn

 

Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 của Việt Nam tạo ra một khuôn khổ pháp lý có giá trị để hợp lý hóa quy trình khiếu nại, cho phép Cơ quan giải quyết khiếu nại thành lập một ban tư vấn riêng để trợ giúp trong giai đoạn thứ hai của quá trình giải quyết khiếu nại (khiếu nại lần 2). Cụ thể, khoản 2 Điều 26 Luật Khiếu nại [đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại]. Đối với các khiếu nại liên quan đến SHTT, theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN (điểm 22.8), tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc, Cơ quan giải quyết khiếu nại có thể lấy ý kiến của các chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn.

Ngày 12 tháng 2 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 362/QD-SHTT về Quy chế hoạt động tư vấn trong giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là “Quy chế”) để thêm thông tin về vấn đề này.

KENFOX xin cung cấp nội dung tóm tắt của Quy định dưới đây.

 

1. Phạm vi áp dụng

Quy chế áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan với Cục SHTT; Hội đồng tư vấn do Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam thành lập và yêu cầu các chuyên gia độc lập tư vấn về các vấn đề pháp lý và kỹ thuật cũng như các giải pháp trong quá trình giải quyết khiếu nại SHTT. Thành viên của Hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia độc lập hoặc cá nhân khác có trình độ chuyên môn phù hợp.

Những chuyên gia độc lập là người có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, được lựa chọn từ danh sách chuyên gia sở hữu trí tuệ do Cục trưởng Cục SHTT phê duyệt và từ các nguồn khác (trường hợp trong danh sách đó không có chuyên gia phù hợp).

Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam căn cứ vào nội dung, tính chất của vụ khiếu nại SHTT mà quyết định thành lập Hội đồng tư vấn hoặc trưng cầu ý kiến của chuyên gia độc lập.

 

2. Nội dung

Hội đồng tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn độc lập có thể tư vấn về các vấn đề pháp lý và kỹ thuật cũng như cách tiếp cận của họ đối với những vấn đề sau:

(i) Quyền nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp;

(ii) Khả năng bảo hộ của đối tượng sở hữu công nghiệp;

(iii) Phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

(iv) Cách thức xác định hành vi không trung thực và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp;

(v) Đánh giá tính chất, mức độ phù hợp với lập luận của chứng cứ do người khiếu nại cung cấp;

(vi) Các nội dung khác do Cục trưởng quyết định.

 

3. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tư vấn

Hội đồng tư vấn được thành lập theo quyết định của Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam, bao gồm từ năm đến bảy thành viên tuỳ theo nội dung và tính chất của khiếu nại. Hội đồng tư vấn bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác là chuyên gia. Một cán bộ của Phòng Thực thi và Giải quyết Khiếu nại của Cục SHTT sẽ đóng vai trò là thư ký hành chính của Hội đồng Tư vấn.

 

Các thành viên của Hội đồng tư vấn có trách nhiệm sau đây:

  • Chủ tịch quyết định thời gian họp của Hội đồng tư vấn; chủ trì và điều hành các hoạt động của Hội đồng tư vấn; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng tư vấn; ký biên bản và các văn bản khác có liên quan của Hội đồng tư vấn; chịu trách nhiệm chung về việc đề xuất phương án giải quyết khiếu nại; đề nghị Cục SHTT đối thoại trực tiếp với bên khiếu nại, bên bị khiếu nại và những người có liên quan; khảo sát hiện trường đối với các vụ việc khiếu nại có tính chất đặc thù phức tạp, khiếu nại đông người theo quy định của pháp luật nếu thấy cần thiết, v.v.
  • Khi Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch và báo cáo kết quả cuộc họp với Chủ tịch; giúp Chủ tịch chỉ đạo và triển các nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn trong các phiên họp; kiểm tra, đôn đốc các thành viên Hội đồng tư vấn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng tư vấn; v.v.
  • Các thành viên khác tham gia đầy đủ các cuộc họp và hoạt động của Hội đồng tư vấn khi được triệu tập; có quyền trình bày, tranh luận và biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng tư vấn; có quyền giữ quan điểm của mình.

 

Theo quy định của pháp luật và thông lệ Việt Nam, chuyên gia tư vấn độc lập có nghĩa vụ đưa ra quan điểm của mình về vấn đề khiếu nại một cách trung thực, khách quan và công bằng.

 

Các khiếu nại trong lĩnh vực SHTT khá phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên có thể mất vài năm mới được giải quyết, đặc biệt khi các khiếu nại phức tạp và số lượng khiếu nại chờ giải quyết hiện nay khá cao. Một lý giải cho việc giải quyết khiếu nại SHTT ở Việt Nam kéo dài là do Cục SHTT Việt Nam thiếu nguồn nhân lực phụ trách giải quyết khiếu nại. Liệu việc ban hành Quyết định số 362/QĐ-SHTT về việc ban hành Quy chế hoạt động tư vấn trong giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp có thể đóng vai trò là một phương thức hiệu quả để giải quyết khiếu nại SHTT hay không vẫn còn là một câu hỏi. Tuy nhiên, việc ban hành Quy chế trên đã mang lại nhiều hy vọng cho những người hành nghề SHTT và chủ sở hữu rằng các khiếu nại về SHTT, đặc biệt là các khiếu nại phức tạp sẽ được giải quyết hiệu quả và nhanh chóng hơn.

 

Để biết thêm chi tiết về các khiếu nại liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, vui lòng liên hệ với KENFOX tại info@kenfoxlaw.com hoặc kenfox@kenfoxlaw.com.