KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?

Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?

Download

Vụ án đòi bổi thường số tiền khá lớn, gần 5 tỷ đồng đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả là một trong những vụ án nổi bật thu hút sự chú ý của công chúng và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được xét xử bởi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương vào tháng 8 năm 2022. Theo phán quyết sơ thẩm của Tòa án, bị đơn phải bồi thường gần 5 tỷ đồng cho nguyên đơn do hành vi để cho nhân viên tự ý cài đặt phần mềm thiết kế mà chưa được sự cho phép và không trả tiền bản quyền cho nguyên đơn – là chủ sở hữu quyền tác giả. Bài viết này cung cấp một số diễn biến chính của vụ án, cách mà các bên lập luận, các cơ sở pháp luật được áp dụng, vận dụng trong quá trình lập luận và các nhận định xung quanh vụ án.

Bối cảnh

Nguyên đơn là Công ty P. có trụ sở tại Hoa Kỳ sở hữu phần mềm PTC1 với nhiều phiên bản khác nhau đã được đăng ký quyền tác giả tại Hoa Kỳ vào 27/8/2012 và 06/02/2015. Phát hiện Công ty khóa kéo H sử dụng trái phép phần mềm của mình, Công ty P. đã đã khởi kiện Công ty khóa kéo H (Bị đơn) lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương với yêu cầu chính là đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của bị đơn gây ra dựa trên các bằng chứng sau: (i) Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm PTC1 chứng minh chủ sở hữu hợp pháp thuộc về nguyên đơn; (ii) Vi bằng kiểm tra các máy tính tại Công ty của bị đơn có cài đặt trái phép phần mềm PTC1; (iii) Kết luận của Cơ quan Thanh tra và Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với bị đơn; (iv) Hợp đồng và các chứng từ mua bán thể hiện giá trị thương mại của phần mềm PTC1.

Bị đơn không chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn với lý lẽ rằng bị đơn không sử dụng phần mềm được bảo hộ của nguyên đơn vì mục đích thương mại, nhân viên của bị đơn cài đặt phần mềm của nguyên đơn mà bị đơn (i) không hề hay biết, (ii) không có sự đồng ý, chấp nhận từ bị đơn; (iii) bị đơn không hề chỉ đạo việc cài đặt phần mềm của nguyên đơn, (iv) bị đơn chuyên sản xuất dây khóa kéo, không phải là công ty thiết kế, nên không cần sử dụng phần mềm vào công việc của mình, và (v) việc sử dụng phần mềm của nhân viên của bị đơn có thể chỉ là nhằm mục đích nghiên cứu.

Xem xét các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp, Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn, ngoài các nghĩa vụ dân sự khác, phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền gần 5 tỷ đồng.

Bài học thực tế

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là tài liệu thiết yếu trong việc chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Thông thường, nguyên đơn sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình nếu đã có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp bên kia có chứng cứ chứng minh ngược lại. 

Căn cứ bồi thường thiệt hại

Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ” được coi là một trong các căn cứ để xác định “thiệt hại thực tế” theo pháp luật hiện hành (Điều 205.1(b) Luật SHTT). Trong trường hợp quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đã được chuyển giao cho bên thứ ba tại Việt Nam, chủ sở hữu quyền có thể cung cấp các tài liệu liên quan đến việc chuyển giao đó làm cơ sở để yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại theo mức giá chuyển giao.

Điều 205 Luật SHTT thiết lập các nguyên tắc mở để chủ thể quyền có cơ sở chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đáng chú ý, ngoài giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT, chủ sở hữu quyền còn có thể yêu cầu tòa án buộc bị đơn bồi thường dựa trên “thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn thu được” theo Điều 205.1(a), “mức thiệt hại do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng” theo Điều 205.1(d) và “Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyn sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật” theo Điều 205.1(c) để yêu cầu tòa án buộc bị đơn bồi thường thiệt hại. Các nguyên tắc xác định thiệt hại đã được phân tích chi tiết trong bài viết: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi khởi kiện xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam – Những điều quan trọng cần ghi nhớ.

Chứng minh vi phạm

Bằng chứng vi phạm hợp pháp là tài liệu quan trọng để chứng minh hành vi xâm phạm quyền SHTT và là căn cứ để yêu cầu Tòa án buộc bị đơn bồi thường thiệt hại. Kinh nghiệm từ một số vụ án SHTT gần đây cho thấy, ngoài nỗ lực điều tra chuyên sâu, cách tiếp cận mà chủ thể quyền lựa chọn để thu thập bằng chứng vi phạm, kể cả chứng cứ chứng minh “lợi nhuận mà bị đơn thu được” để yêu cầu bồi thường thiệt hại là nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính trước khi nộp đơn khởi kiện ra tòa. Các cơ quan hành chính như công an, quản lý thị trường tùy theo chức năng của mình có thể bắt giữ hàng hóa vi phạm, truy vấn ngay lập tức đối tượng vi phạm và tạm giữ các sổ sách, kế toán liên quan nếu phát hiện tại thời điểm thanh tra, kiểm tra. Cách tiếp cận này tỏ ra khá hiệu quả trong việc thiết lập chứng cứ vi phạm làm cơ sở để yêu cầu tòa án buộc bị đơn chấp nhận mức bồi thường thiệt hại.

Trong vụ việc này, nguyên đơn đã nộp đơn yêu cầu cơ quan thực thi hành chính tiến hành kiểm tra và lập biên bản, ra kết luận về hành vi vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính, coi đó như bằng chứng vi phạm không thể phủ nhận, từ đó, nộp đơn khởi kiện bị đơn để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bối thường thiệt hại

 Công ty có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp nhân viên của Công ty, thông qua phương tiện làm việc tại Công ty, tự ý thực hiện hành vi sao chép trái phép phần mềm được bảo hộ quyền tác giả. Biện luận rằng lỗi thuộc về nhân viên đã tự ý thực hiện hành vi xâm phạm vì mục đích cá nhân sẽ không thể được chấp nhận để bào chữa cho hành vi vi phạm bản quyền của Công ty.

Thương lượng để giải quyết vụ việc ngoài tòa

 Các tranh chấp pháp lý, bao gồm tranh chấp về quyền SHTT có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trong tố tụng dân sự, bị đơn có thể tận dụng các phiên đối thoại tại tòa hoặc ngoài tòa để củng cố các lập luận, vị thế của mình nhằm đạt được kết quả hòa giải có lợi hơn là chờ đợi và buộc phải thực thi một bản án với thiệt hại nhiều hơn.

Hành vi xâm phạm pháp luật, trong đó có quyền SHTT, có thể được thực hiện do lỗi cố ý hoặc vô ý. Tuy nhiên, bị đơn chưa chắc đã rơi vào vị thế yếu hoàn toàn trong vụ việc này, khi xem xét các yếu tố: (i) Bị đơn không phải là công ty chuyên về thiết kế, nên không có nhu cầu sử dụng phần mềm cho mục đích thiết kế; (ii) Bị đơn không thiết kế khuôn mẫu mà mua khuôn mẫu từ nước ngoài để sử dụng, bằng chứng là Hợp đồng mua bán máy móc thiết bị giữa bị đơn và bên thứ ba; (iii) Nhân viên của bị đơn khai nhận đã tự ý cài đặt phần mềm, chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu của cá nhân mà không ứng dụng gì vào việc sản xuất của công ty; (iv) Xác định thời gian sử dụng phần mềm để xác định mức tiền bản quyền; (v) Xác định lượng thực chất của tác phẩm bị xâm phạm (phần mềm vi phạm một phần hay toàn bộ). Bị đơn có quyền giải trình, bác bỏ hay khiếu nại các cáo buộc xâm phạm ngay từ giai đoạn đầu khi Cơ quan Thanh tra kiểm tra tại cơ sở của bị đơn nhằm phản bác kết luận của cơ quan thực thi về xâm phạm quyền tác giả.

Các luật sư SHTT chuyên sâu chắc chắn sẽ phân tích và tận dụng những tình tiết nêu trên để phủ nhận tính hợp pháp của các yêu cầu khởi kiện hoặc giảm thiểu mức bồi thường thiệt hại do nguyên đơn đưa ra.

Miễn trừ xâm phạm quyền tác giả

Điều 25 Luật SHTT quy định việc tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân thì không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Ở góc độ này, nếu nhân viên của bị đơn chứng minh rằng người này chỉ cài đặt phần mềm trên máy tính cho mục đích sử dụng cá nhân, không áp dụng vào các công việc của công ty và chỉ nhằm mục đích tự tìm hiểu, nghiên cứu, thì các yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể đã không thỏa mãn đầy đủ và do vậy, không có cơ sở để xác định hành vi vi phạm của Công ty khóa kéo H.

Lời kết

Năm (05) tỷ đồng dường như là mức bồi thường lớn nhất từ trước đến nay đối với một vụ tranh chấp bản quyền tại Việt Nam. Một cách ví von, có thể coi đây là con số “biết nói” bởi từ con số này, nhiều nhận định mang tính xã hội có thể rút ra. Trước hết, con số nói lên hiệu quả răn đe đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói riêng, và đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung nhằm ngăn chặn tình trạng chủ thể vi phạm coi thường quyền SHTT vì lợi ích bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm có thể lớn hơn nhiều mức phạt/bồi thường. Một khi đã bị kết luận là hành vi vi phạm pháp luật, thì chủ thể thực hiện hành vi cần phải bị lên án và “trả giá đắt đỏ” do hậu quả mình gây ra. Hơn nữa, bản án của tòa án với mức bồi thường lớn chưa từng thấy có thể được xem là tiền lệ tham khảo để các cơ quan thực thi mạnh tay xử lý xâm phạm quyền SHTT cho các vụ việc tương tự, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh và cam kết của Việt nam trong nỗ lực thực thi quyền SHTT, giúp cho quyền SHTT nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung được công nhận và tôn trọng, tạo niềm tin vào cơ chế bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam nhằm thu hút và đẩy mạnh đầu tư vào đất nước hình chữ S.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển và đa dạng các quan hệ xã hội trong hoạt động thương mại quốc tế, các tranh chấp về quyền SHTT ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Giải quyết tranh chấp về quyền tác giả (một loại tranh chấp dân sự về quyền SHTT) theo thủ tục dân sự tại Tòa án là phương thức bảo vệ quyền hữu hiệu được nhiều chủ thể quyền lựa chọn. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ việc và thủ tục tố tụng dân sự kéo dài, các đương sự khi tham gia vụ án cần tham vấn ý kiến của Luật sư SHTT – người có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực SHTT để đưa ra những phân tích, đánh giá chuyên môn, chuẩn bị các bằng chứng và lý lẽ xác đáng giúp cho đương sự giành lợi thế trước vụ việc và tránh được các hậu quả pháp lý nặng nề.    

By Nguyen Vu QUAN

Partner & IP Attorney

Related Articles: