Monolith Law Office (Nhật Bản) và KENFOX tăng cường hợp tác pháp lý quốc tế
Thành công hay thất bại trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý tại thị trường nước ngoài phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn đối tác phù hợp. Đối với các công ty muốn mở rộng phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ cho khách hàng của họ tại thị trường nước ngoài, việc tìm kiếm và hợp tác với một đối tác địa phương không chỉ là một bước đi chiến lược, mà còn là yếu tố quyết định sự thành bại của họ trên thị trường đó. Trong môi trường pháp lý như Việt Nam, nơi các quy định ngày càng trở nên đa dạng, biến đổi và phức tạp, giá cả của các công ty cung cấp dịch vụ không còn được coi là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp quốc tế không phải là số lượng văn phòng hay nhân sự mà một đối tác địa phương có hay sở hữu, mà là khả năng chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, sự uy tín và danh tiếng của luật sư hoặc đội ngũ pháp lý mà họ lựa chọn hợp tác. Rõ ràng, điều này đòi hỏi một đối tác địa phương không chỉ am hiểu pháp luật, mà còn phải có khả năng áp dụng những kiến thức đó một cách linh hoạt và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu phức tạp của khách hàng quốc tế.
Hôm nay, ngày 07 tháng 3 năm 2024, Monolith Law Office, một công ty cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín đến từ Nhật Bản, đã trao đổi chính thức với công ty chúng tôi, KENFOX IP & Law Office thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom, bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với KENFOX về các vấn đề pháp lý tại Việt Nam. Động thái này tiếp nối sau khi Monolith Law Office yêu cầu tư vấn chuyên sâu về việc thiết lập chi nhánh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và giải quyết các thách thức pháp lý về xuất nhập khẩu thực phẩm, trong email yêu cầu tư vấn trước đó của Monolith Law Office gửi tới KENFOX vào tháng 6 năm 2023. Đây là bước đệm quan trọng, mở ra cánh cửa cho sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa hai bên, đồng thời khẳng định cam kết của hai bên trong việc cung cấp giải pháp pháp lý toàn diện và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Tham gia cuộc họp có ông Sergio Elias Wilson, ông Lucas Slobodticov đến từ Công ty Monolith Law Office và ông Quân, Giám đốc Sở hữu Trí tuệ (SHTT) và bà Hồng, cộng tác viên cấp cao của KENFOX tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ qua ứng dụng trực tuyến Zoom kéo dài 40 phút, tuy ngắn, nhưng rất có giá trị để hai bên tìm hiểu về nhau. Nhiều câu hỏi khác nhau về các vấn đề pháp lý mà các khách hàng Nhật Bản quan tâm tại Việt Nam đã được đặt ra và chúng tôi đã chia sẻ với nhau về những điểm mạnh của hai công ty. Cả hai bên bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề pháp lý xuyên biên giới.
Đại diện cho KENFOX, ông Quân và bà Hồng, đã tự hào giới thiệu về năng lực của KENFOX trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT, ông Quân nêu bật KENFOX đã và đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, từ các công ty có quy mô nhỏ, trung bình đến các công ty đa quốc gia. Chia sẻ với KENFOX, ông Sergio Elias Wilson cho biết ông là luật sư được phép hoạt động tại ba bang là California, Washington, D.C. và Oregon. Ông Lucas Slobodticov là luật sư đến từ brazil. Monolith Law Office hiện có 17 luật sư và 74 nhân viên, đã và đang quản lý và tư vấn cho hơn 900 khách hàng trong các lĩnh vực như giao dịch xuyên biên giới (Cross Border), Sáp nhập & Mua bán (M&A), luật doanh nghiệp (General Corporate), đầu tư (Investment), Công nghệ thông tin (IT), thông tin cá nhân (Personal Information).
Ông Quân tự hào chia sẻ rằng, trong 20 năm hoạt động trong lĩnh vực SHTT, ông đã tham gia xử lý nhiều vụ tranh chấp cho các thương hiệu lớn của Nhật Bản như: Bridgestone, Nikon, Nikko, Cateye, Hochiki, Kumon.
Ông Sergio Elias Wilson, ông Lucas Slobodticov và ông Quân, bà Hồng nhất trí tiếp tục những nỗ lực để xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên. KENFOX và Monolith sẽ thường xuyên trao đổi các vấn đề pháp lý tại Nhật Bản và Việt Nam để cập nhật, hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong hành trình kinh doanh hướng tới an toàn pháp lý và thành công tại Việt Nam.
By Nguyen Vu QUAN
Partner & IP Attorney
Đọc thêm:
• Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?
• Tại sao nên đăng ký nhãn hiệu và bao bì sản phẩm dưới dạng quyền tác giả tại Việt Nam?
• Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức