5 Bí Mật Pháp Lý Để Bảo Vệ Hiệu Quả Giải Pháp Hữu Ích Mà Bạn Cần Biết
Bạn có ý tưởng đột phá hoặc giải pháp kỹ thuật mới mẻ tại Việt Nam và muốn bảo vệ chúng mà không bị vướng mắc bởi các yêu cầu nghiêm ngặt của bảo hộ sáng chế thông thường? Cân nhắc việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức “Giải pháp hữu ích (GPHI)” có thể là giải pháp lý tưởng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của bạn.
Đăng ký bảo hộ các sáng tạo, cải tiến (giải pháp) kỹ thuật dưới hình thức GPHI là phương thức đơn giản và nhanh chóng để bảo vệ quyền SHTT, không đòi hỏi “trình độ sáng tạo” – là một trong những điều kiện tiên quyết như trong trường hợp bảo hộ sáng chế. Sự khác biệt này làm cho GPHI trở thành một lựa chọn hấp dẫn, phù hợp với những giải pháp kỹ thuật mà không đạt được mức độ sáng tạo cao cần thiết để được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế, nhưng vẫn cần được bảo hộ để tạo lợi thế trên thị trường.
KENFOX IP & Law Office cung cấp giải đáp cho 5 vấn đề quan trọng về bảo hộ GPHI tại Việt Nam, giúp bạn không chỉ hiểu rõ hơn về cách quản lý và bảo vệ hiệu quả tài sản trí tuệ của mình, mà còn tối đa hóa giá trị của các ý tưởng mới, hay giải pháp kỹ thuật của bạn tại Việt Nam.
1. Quyền lợi: Chủ sở hữu GPHI được hưởng các quyền và lợi ích nào?
Sau khi đơn GPHI được nộp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của pháp luật về GPHI tại Việt Nam, chủ sở hữu GPHI sẽ được cấp Bằng độc quyền GPHI. Đây là bằng chứng pháp lý chứng minh rằng GPHI đã đăng ký được chính thức nhận sự bảo hộ của pháp luật đối với GPHI đó. Chủ sở hữu GPHI được hưởng các độc quyền sau đây theo Điều 123 của Luật SHTT hiện hành.
[1] Quyền sử dụng: Chủ sở hữu có thể sử dụng GPHI hoặc cho phép người khác sử dụng theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng đó bao gồm (i) Sản xuất sản phẩm được bảo hộ; (ii) Áp dụng quy trình được bảo hộ; (iii) Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; (iv) Lưu hành, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông các sản phẩm quy định tại mục (iii) đã nêu; (v) Nhập khẩu các sản phẩm quy định tại mục (iii) đã nêu.
[2] Quyền ngăn cấm người khác sử dụng: Chủ sở hữu có thể ngăn cản người khác sử dụng GPHI đã đăng ký, trừ các trường hợp ngoại lệ theo pháp luật SHTT.
[3] Quyền định đoạt: Chủ sở hữu có quyền quyết định việc chuyển nhượng hoặc cấp phép sử dụng giải pháp hữu ích cho người khác theo ý muốn của mình.
Những quyền này không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh, mở rộng cơ hội kinh doanh và tăng nguồn thu từ các hợp đồng cấp phép hoặc bán quyền sử dụng GPHI để chủ sở hữu đa hóa lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ, mà còn giúp họ củng cố vị thế pháp lý, xử lý nhanh chóng các hành vi xâm phạm quyền SHTT, từ đó giảm thiểu tổn thất kinh tế và duy trì uy tín trên thị trường.
2. Nghĩa vụ: Chủ sở hữu GPHI có nghĩa vụ gì?
Sau khi được cấp Bằng độc quyền GPHI, để tránh nguy cơ mất quyền SHTT đối với GPHI, đảm bảo quyền lợi và duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có một số nghĩa vụ pháp lý cần thực hiện như sau:
[1] Nộp phí duy trì hiệu lực hàng năm: Chủ sở hữu GPHI phải nộp phí duy trì hiệu lực trong vòng 6 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực mỗi năm, trong khoảng thời gian bảo hộ. Đơn duy trì hiệu lực có thể nộp muộn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực và chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp thêm lệ phí duy trì hiệu lực muộn. Nếu không đóng phí này, bằng độc quyền có thể bị chấm dứt hiệu lực theo Điều 95.1(a) Luật SHTT.
[2] Trả thù lao cho tác giả sáng chế: Chủ sở hữu GPHI có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng tạo ra GPHI theo quy định. Điều này đảm bảo rằng tác giả nhận được đền bù xứng đáng cho sự sáng tạo của họ. Điều 135 của Luật SHTT quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên, chủ sở hữu GPHI có nghĩa vụ trả thù lao, bao gồm: 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được từ việc sử dụng GPHI và 15% tổng số tiền thu được trước thuế từ mỗi giao dịch chuyển giao quyền sử dụng. Trong trường hợp có nhiều nhà tác giả, mức thù lao này được dành cho các đồng tác giả và sẽ được phân chia theo thỏa thuận giữa các đồng tác giả.
[3] Sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ: Chủ sở hữu GPHI có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh và dinh dưỡng của nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội (Điều 136 Luật SHTT). Khi phát sinh nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu GPHI không thực hiện nghĩa vụ đó, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao GPHI đó cho người khác mà không cần sự cho phép từ chủ sở hữu GPHI.
Hiểu rõ các nghĩa vụ cần thực hiện sau khi được cấp Bằng độc quyền GPHI giúp chủ sở hữu GPHI chủ động quản lý và giảm thiểu khả năng tranh chấp pháp lý, tránh được nguy cơ mất độc quyền, tối ưu hóa và bảo vệ các lợi ích kinh tế từ quyền SHTT.
3. Ưu thế: Đăng ký GPHI mang lại các ưu thế gì?
Bằng độc quyền GPHI mang lại nhiều ưu thế cho chủ sở hữu cả về mặt pháp lý và kinh tế, bao gồm:
[1] Độc quyền: Chủ sở hữu có quyền thương mại duy nhất đối với các GPHI của mình, ngăn chặn việc người khác sử dụng GPHI đó trái pháp luật.
[2] Thực thi: Việc đăng ký GPHI cung cấp bằng chứng vững chắc về quyền sở hữu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi kiện hoặc thực thi chống lại các hành vi xâm phạm.
[3] Răn đe: Bằng độc quyền GPHI là công cụ pháp lý hiệu quả giúp răn đe và ngăn chặn những người có ý định vi phạm, giảm thiểu nguy cơ sử dụng trái phép do nhận thức rõ ràng về các rủi ro pháp lý liên quan.
[4] Doanh thu: Việc đăng ký GPHI mở ra nhiều con đường để tạo ra doanh thu thông qua việc sử dụng trực tiếp, khai thác quyền sở hữu, cấp phép hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng cho bên thứ ba. Điều này không chỉ phục hồi chi phí đầu tư, tăng cường giá trị kinh tế của GPHI mà còn góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
4. Hành động chiến lược sau đăng ký GPHI: Chủ sở hữu cần làm gì?
Xem xét các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu GPHI cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu cần thực hiện các hành động chiến lược dưới đây để đảm bảo, bảo vệ GPHI đã đăng ký.
[1] Sử dụng GPHI trong hoạt động kinh doanh: Sử dụng và khai thác thương mại GPHI càng nhiều càng tốt để tạo doanh thu cho chủ sở hữu cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng.
[2] Theo dõi các sáng chế được nộp đơn mới: Chủ sở hữu cần theo dõi sát sao các đơn đăng ký GPHI mới trong cùng lĩnh vực hoặc các lĩnh vực có liên quan. Cách tiếp cận này không chỉ giúp chủ sở hữu nhận diện sớm các trường hợp vi phạm tiềm ẩn mà còn cho phép chủ sở hữu chủ động can thiệp bằng các biện pháp pháp lý như nộp đơn phản đối, cung cấp ý kiến của người thứ ba, hay yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền GPHI nếu cần.
[3] Thực thi phù hợp: Trong trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm hoặc sử dụng trái phép GPHI, chủ sở hữu cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp pháp lý như gửi thư cảnh báo, đàm phán để giải quyết vấn đề, hoặc tiến hành khởi kiện khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi.
Việc áp dụng những chiến lược này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, chủ sở hữu cũng cần lưu ý đến thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ để đảm bảo các hoạt động chiến lược được lên kế hoạch hợp lý, đảm bảo hiệu quả đầu tư vào bảo hộ và khai thác giải pháp hữu ích.
5. Kéo dài thời hạn độc quyền cho chủ sở hữu sáng chế/GPHI: Có được không và làm thế nào?
Việc kéo dài/mở rộng quyền độc quyền của chủ văn bằng bảo hộ sáng chế/GPHI, thường được gọi là chiến lược “evergreening“, một kỹ thuật phổ biến mà các chủ sở hữu sáng chế áp dụng để tối đa hóa khả năng thu hồi chi phí đầu tư đã dùng cho nghiên cứu và phát triển. Evergreening có thể là bất kỳ chiến lược pháp lý, kinh doanh và công nghệ nào mà các nhà sản xuất (chủ sở hữu) sử dụng để kéo dài thời gian tồn tại của các bằng sáng chế/GPHI sắp hết hạn của họ nhằm giữ lại doanh thu từ chúng.
Trên thế giới, không ít sáng chế được xây dựng không dựa trên các giải pháp hoàn toàn mới mà là những thay đổi nhỏ hoặc cải tiến của sản phẩm hoặc quy trình đã được bảo hộ trước đó. Pháp luật Việt Nam không ngăn cấm chủ sở hữu phát triển, cải tiến các giải pháp kỹ thuật đã có và đăng ký chúng để được bảo hộ, miễn là những cải tiến này đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo luật định. Chẳng hạn, một công ty có thể sáng tạo một loại thuốc mới và sau đó, ngay sát thời điểm bằng sáng chế gốc sắp hết hạn, họ có thể nhận được bằng sáng chế cho một phiên bản cải tiến của thuốc đó, chẳng hạn như một phương thức mới để sản xuất thuốc, một dạng bào chế mới, hoặc một liều lượng mới.
Có một số cách khác nhau để thực hiện chiến lược evergreening như sau:
[1] Thực hiện những thay đổi nhỏ: Thay đổi các yếu tố như vật liệu được sử dụng, thiết kế sản phẩm hoặc phương pháp sản xuất sản phẩm đã được bảo hộ trước đó.
[2] Nộp đơn xin bảo hộ cho các ứng dụng mới: Tìm kiếm các ứng dụng mới cho giải pháp kỹ thuật đã được bảo hộ trong các ngành hoặc thị trường khác nhau.
[3] Đăng ký các phương pháp cải tiến: Phát triển và đăng ký các phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả hoặc an toàn của sản phẩm hoặc quy trình đã được bảo hộ.
Nếu thiết lập được một chiến lược evergreening hiệu quả và đi đúng hướng, chủ sở hữu sáng chế có thể đạt được sự mở rộng phạm vi bảo hộ cho các giải pháp kỹ thuật của mình và kéo dài thời gian hưởng độc quyền lâu hơn so với việc chỉ phụ thuộc vào sự bảo hộ của bằng độc quyền gốc. Điều này giúp tăng cường quyền lợi và tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu sáng chế.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý đối với chiến lược evergreening là các thay đổi hoặc cải tiến dù nhỏ nhưng vẫn phải đáp ứng ở mức độ tối thiểu của các điều kiện bảo hộ, tức là phải mang tính mới và ít nhất không phải là hiểu biết thông thường, hoặc tốt hơn là có bước tiến quan trọng về kỹ thuật và có ý nghĩa kinh tế lớn để đảm bảo được cấp bằng sáng chế/GPHI mới. Nếu không, các đơn đăng ký mới có thể bị từ chối do thiếu tính mới và/hoặc sáng tạo do đã bị bộc lộ trước đó bởi chính bằng độc quyền gốc mà các đơn đăng ký mới được dựa trên, dẫn đến việc lãng phí thời gian và nguồn lực. Do đó, chủ sở hữu nên cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích và rủi ro trước khi quyết định áp dụng chiến lược này.
Hãy liên hệ KENFOX IP & Law Office để được tư vấn về việc bảo hộ hiệu quả sáng chế của bạn tại Việt Nam. Đội ngũ của KENFOX, với kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu rộng, am hiểu sâu sắc về pháp luật sở hữu trí tuệ, cam kết cung cấp cho bạn những lời khuyên tận tâm và chính xác nhất, giúp sáng chế của bạn không chỉ vượt qua mọi rào cản pháp lý mà còn được bảo vệ một cách toàn diện tại Việt Nam.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Đào Thị Thúy Nga | Senior Patent Attorney
- Kiện Xâm Phạm Sáng Chế Tại Việt Nam – Bài Học Gì Cho Doanh Nghiệp?
- Sáng chế phương pháp y học: Cần làm gì để được bảo hộ tại Việt Nam?
- Từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam: Lý do và gợi ý cho chủ đơn
- Quyền tạm thời đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam – Những điều bạn cần biết?
- Vượt qua từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam bằng cách nào?
- Tranh chấp về đồng sở hữu sáng chế: Phải làm gì?
- Ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?
- Bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế quan trọng như thế nào trong bảo hộ sáng chế tại Việt Nam?
- Thảo luận về các chiến lược thực thi sáng chế tại Việt Nam với Công ty HJ Vina
- 5 câu hỏi để đánh giá liệu sản phẩm của bạn có xâm phạm sáng chế tại Việt Nam hay không?
- Hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam như thế nào?
- Tách đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam – Những điều bạn cần biết?
- Khôi phục quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam – Có thể bạn chưa biết
- Sửa đổi bản mô tả sáng chế tại Việt nam – Những điều chủ đơn không được bỏ quên
- 4 lưu ý quan trọng trong việc bảo hộ chương trình máy tính tại Việt Nam
- Thư khuyến cáo trong giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – Cần lưu ý những gì?