KENFOX IP & Law Office > Dịch vụ  > Việt Nam  > SHTT  > Sáng chế  > Bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế quan trọng như thế nào trong bảo hộ sáng chế tại Việt Nam?

Bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế quan trọng như thế nào trong bảo hộ sáng chế tại Việt Nam?

Tải về

Mở đầu

Sáng chế là một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Để được bảo hộ tại Việt Nam, sáng chế phải được được đăng ký và cấp Bằng độc quyền sáng chế bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“Cục SHTT”). Do đó, quyền sáng chế có tính chất lãnh thổ, có nghĩa là, một sáng chế được bảo hộ ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không mặc nhiên phát sinh quyền tại Việt Nam.

Bản mô tả sáng chế được xem là tài liệu quan trọng nhất của sáng chế. Theo quy định, tất cả các bản mô tả bằng ngôn ngữ nước ngoài (thông thường là tiếng Anh) phải được dịch sang tiếng Việt. Mặc dù bản mô tả bằng ngôn ngữ nước ngoài được nộp kèm theo đơn đăng ký sáng chế, thẩm định viên của Cục SHTT chỉ xem xét, đánh giá, thẩm định khả năng bảo hộ của sáng chế dựa trên bản mô tả bằng tiếng Việt (bản dịch tiếng Việt của bản mô tả). Thẩm định viên không có nghĩa vụ phải kiểm tra tính chính xác hay so sánh giữa bản mô tả bằng tiếng nước ngoài với bản dịch tiếng Việt. Bằng độc quyền sáng chế được cấp chỉ chứa bản mô tả tiếng Việt mà không có bản mô tả bằng tiếng nước ngoài. Phạm vi bảo hộ của sáng chế phụ thuộc vào phạm vi yêu cầu bảo hộ của bản mô tả sáng chế, đây là phần được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Cơ quan thực thi căn cứ vào phạm vi bảo hộ hay yêu cầu bảo hộ của bản mô tả sáng chế để phân tích, đánh giá về tính trùng lặp hay tương đương giữa sáng chế được bảo hộ với sản phẩm/quy trình nghi ngờ xâm phạm.

Do đó, có thể nói, sáng chế có được bảo hộ đúng với bản chất của nó hay không, có khả năng thực thi chống lại hành vi xâm phạm sáng chế hay không phụ thuộc vào chất lượng của bản dịch tiếng Việt bản mô tả sáng chế. Việc dịch sai hoặc dịch không sát nghĩa bản mô tả sáng chế có thể khiến bản mô tả sáng chế rơi vào trạng thái “vô giá trị” hay “có cũng như không”.

Sai lầm trong bản dịch mô tả sáng chế

Nguyên nhân:

Trong những năm gần đây, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến bước nhảy vọt về số lượng đơn xin đăng ký bảo hộ sáng chế nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực, dường như không bắt kịp với sự phát triển này. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực sáng chế tại Việt Nam thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt và/hoặc không đủ trình độ chuyên môn, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm để hiểu và dịch đúng các bản mô tả sáng chế.

Bên cạnh đó, các sáng chế ngày càng chạm tới các lĩnh vực kỹ thuật mới, tiên tiến hơn, giải quyết các vấn đề rắc rối hơn. Hẳn nhiên, bản mô tả các sáng chế đó chứa đựng nhiều thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài rất phức tạp, hầu như chưa được dịch nghĩa trong các từ điển song ngữ của Việt Nam, chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ hay những biệt ngữ (jargon) sử dụng trong ngôn ngữ gốc luôn gây không ít khó khăn cho người dịch. Người dịch sáng chế, nếu không có nền tảng kỹ thuật tốt, có thể hiểu không đúng bản chất kỹ thuật của sáng chế và hiểu không đúng thuật ngữ sử dụng trong bản mô tả, kết quả là, nhiều thuật ngữ chuyển từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt chưa đúng, chưa sát nghĩa hoặc chưa phản ánh hết được bản chất của sáng chế. Điều này có thể gây khó khăn cho các thẩm định viên của Cục SHTT trong quá trình thẩm định đơn và nghiêm trọng hơn, có thể phá hủy toàn bộ công sức, tiền bạc của chủ đơn và tác giả sáng chế nước ngoài mà không có cách nào để cứu vãn khi văn bằng bảo hộ đã được cấp. Theo quy định, chủ văn bằng bảo hộ có thể sửa đổi bản mô tả sáng chế theo hướng thu hẹp phạm vi bảo hộ sáng chế, cụ thể là giảm bớt một hoặc một số điểm độc lập hoặc phụ thuộc thuộc phạm vi (yêu cầu) bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ, nhưng không được phép sửa chữa các sai sót liên quan đến bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế, sau khi văn bằng bảo hộ đã được cấp tại Việt Nam. Tất nhiên, nếu các sai sót trong bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế được phát hiện trước khi Cục SHTT ra thông báo từ chối hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho sáng chế, theo Điểm 17 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, chủ đơn có thể chủ động yêu cầu sửa đổi, bổ sung để khắc phục các sai sót đó.

Hậu quả:

Hiểu sai ý nghĩa và phạm vi bảo hộ của sáng chế: Phần lớn các bản mô tả sáng chế bằng tiếng nước ngoài đều chứa những thuật ngữ chuyên môn hoặc biệt ngữ để phản ánh các vấn đề kỹ thuật phức tạp mà sáng chế giải quyết. Sự khác biệt về ngôn ngữ luôn là một khó khăn mang tính tự nhiên, đặc biệt khi một từ bằng ngôn ngữ nước ngoài thường có nhiều nghĩa khác nhau, đòi hỏi người dịch cần lựa chọn sao cho phù hợp với từng bối cảnh sử dụng.  Việc dịch thuật bản mô tả sáng chế hay các tài liệu của đơn sáng chế còn nhiều thách thức hơn vì nó chứa đựng cả 2 yếu tố, kỹ thuật và pháp lý. Các từ đa nghĩa bằng ngôn ngữ nước ngoài có thể gây bối rối, khiến cho người dịch không biết chọn thuật ngữ tiếng Việt nào tương đương, chưa kể trong bản mô tả sáng chế hoàn toàn có chứa các biệt ngữ mà người dịch không thể tìm được các thuật ngữ tiếng Việt tương ứng. Trong bối cảnh này, người dịch hoàn toàn có nguy cơ diễn đạt, giải thích mơ hồ hoặc nghiêm trọng hơn, là dịch sai hay dịch sang tiếng Việt làm thay đổi hoàn toàn bản chất, ý nghĩa và phạm vi bảo hộ của sáng chế.   

Sửa đổi, bổ sung, thay đổi nội dung bản dịch không phù hợp khiến đơn đăng ký sáng chế bị từ chối bảo hộ: Việc sửa đổi đối với các tài liệu nộp đơn sáng chế, bao gồm bản mô tả sáng chế, có thể thực hiện được, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản rằng: việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong phần mô tả của đơn đăng ký sáng chế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nội dung bản dịch làm mở rộng phạm vi yêu cầu bảo hộ có thể khiến cho đơn sáng chế có thể bị từ chối bảo hộ.

Các dạng sửa đổi sau đây không được chấp nhận: (i) Đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn sửa đổi là đối tượng không có trong đơn ban đầu;  (ii) Đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn sửa đổi chứa (các) dấu hiệu kỹ thuật không được phần mô tả của đơn ban đầu minh hoạ một cách đầy đủ; (iii) Bản chất của đối tượng nêu trong đơn sửa đổi khác bản chất của đối tượng nêu trong đơn ban đầu; (iv) Thông tin mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng xem xét trong đơn sửa đổi khác thông tin mô tả trong đơn ban đầu và thông tin đó không thể xác định được một cách rõ ràng và trực tiếp từ thông tin mô tả trong đơn ban đầu.

Những bổ sung sau không được chấp nhận: (i) Đưa vào yêu cầu bảo hộ và/hoặc phần mô tả các dấu hiệu kỹ thuật không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu (kể cả hình vẽ) và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu; (ii) Bổ sung thông tin không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu (kể cả hình vẽ) và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu để bộc lộ rõ sáng chế hoặc bộc lộ đầy đủ yêu cầu bảo hộ; (iii) Nội dung bổ sung là các dấu hiệu kỹ thuật liên quan đến thông số về kích thước thu được bằng cách đo thông số về kích thước trên các hình vẽ; (iv) Đưa vào chi tiết/thành phần bổ sung không được đề cập đến trong các tài liệu ban đầu của đơn mà điều này dẫn đến những hiệu quả đặc biệt không có trong đơn ban đầu; (v) Bổ sung những hiệu quả (lợi ích) mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể xác định được từ đơn ban đầu.

Những thay đổi sau đây không được chấp nhận: (i) Thay đổi dấu hiệu kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật thay đổi này không được bộc lộ hoặc không được xác định một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu; (ii) Đưa vào các nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể; (iii) Kết hợp các dấu hiệu riêng biệt của đơn ban đầu lại thành một dấu hiệu mới trong khi mối quan hệ giữa chúng không được bộc lộ trong đơn ban đầu. (iv) Thay đổi dấu hiệu nào đó trong phần mô tả để làm cho các dấu hiệu kỹ thuật thay đổi khác với các dấu hiệu kỹ thuật nêu trong bản mô tả ban đầu.

Gánh nặng chi phí dịch thuật cho chủ đơn sáng chế: Chủ đơn sáng chế có thể phải chịu thêm các khoản phí nếu bản dịch tiếng Việt của bản mô tả không tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Vấn đề này thường xảy ra khi chủ đơn sáng chế tự dịch hoặc tự thuê một tổ chức, cá nhân không có chuyên môn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và/hoặc lĩnh vực kỹ thuật liên quan tiến hành dịch độc lập, sau đó, sử dụng bản dịch đó để tiến hành nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua đại diện sở hữu trí tuệ. Trong nhiều trường hợp, do bản dịch được tự dịch hoặc tự thuê dịch như vậy không đáp ứng hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức bản mô tả sáng chế, chủ đơn sáng chế buộc phải thuê đại diện sở hữu trí tuệ rà soát và thậm chí là dịch lại, làm phát sinh thêm phí cho chủ đơn sáng chế.

Khi dịch bản mô tả sáng chế từ ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt, nếu người dịch là người không có chuyên môn hoặc không có kinh nghiệm về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và/hoặc lĩnh vực kỹ thuật có liên quan thì thường xảy ra một số lỗi sau đây:

Thiếu bộ phận hoặc nội dung cấu thành bản mô tả:

Theo quy định, bản mô tả sáng chế phải bao gồm: phần mô tả sáng chế, phạm vi bảo hộ sáng chế (hay yêu cầu bảo hộ), phần tóm tắt, và hình vẽ (nếu cần). Phần mô tả phải bao gồm: tên sáng chế, lĩnh vực sử dụng sáng chế, tình trạng kỹ thuật của sáng chế, bản chất kỹ thuật của sáng chế, mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có), mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế, và ví dụ thực hiện sáng chế (nếu có). Mỗi phần của bản mô tả sáng chế cần phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về hình thức và có đầy đủ các nội dung theo quy định. Bản mô tả sáng chế bằng ngôn ngữ nước ngoài đôi khi bị thiếu một hoặc một số phần đó, hoặc các phần bị thiếu nội dung theo quy định. Trong trường hợp này, nếu người dịch không nắm rõ quy định và tư vấn cho chủ đơn sửa đổi bản mô tả trước khi nộp đơn thì sẽ dẫn đến việc bản dịch bản mô tả sáng chế không đáp ứng quy định và đơn sẽ bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.

 Từ ngữ không được Việt hóa:

Người dịch không chuyển các từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, đặc biệt là các thuật ngữ hóa học, chẳng hạn như: “glycine” (cần được Việt hóa thành “glyxin”, thay vì giữ nguyên dạng gốc là “glycine”), “allyl proline” (cần được Việt hóa thành “alyl prolin”, thay vì là “allyl proline”)…

 Thuật ngữ chuyên môn không đúng với quy định:

Nhiều thuật ngữ chuyên môn cần phải được sử dụng chính xác trong bản mô tả sáng chế, ví dụ như các thuật ngữ: “người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật”, “theo điểm … hoặc điểm …”, “theo điểm bất kỳ trong số các điểm từ điểm… đến điểm…”, “sáng chế đề cập đến…”, “sáng chế đề xuất….”; các đề mục trong bản mô tả: “Lĩnh vực sử dụng sáng chế”, “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế”, “Bản chất kỹ thuật của sáng chế”, “Mô tả vắn tắt các hình vẽ”, “Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế”, “Ví dụ thực hiện sáng chế”;… Các thuật ngữ chuyên môn có thể được thể hiện theo các cách khác nhau trong ngôn ngữ nước ngoài nhưng khi được dịch sang tiếng Việt, các thuật ngữ này phải được thể hiện đúng với quy định. Trong nhiều trường hợp, do không nắm được quy định hoặc thiếu kiến thức về lĩnh vực này, người dịch có thể dịch không chính xác các thuật ngữ chuyên môn.

Làm hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế: Phạm vi bảo hộ của sáng chế được xác định theo yêu cầu bảo hộ trong bằng độc quyền sáng chế với sự bổ trợ (giải thích, làm rõ) và thống nhất với phần “tình trạng kỹ thuật của sáng chế”, phần “bản chất kỹ thuật của sáng chế”, phần “mô tả chi tiết các phương án ưu tiên thực hiện sáng chế” và hình vẽ. Yêu cầu bảo hộ được thể hiện bằng tập hợp các đặc điểm kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt với đối tượng đã biết.

Khi nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam, chủ đơn nước ngoài phải nộp bản dịch tiếng Việt của bản mô tả kèm theo đơn đăng ký sáng chế. Bản mô tả bằng tiếng nước ngoài có thể nộp kèm theo đơn, tuy nhiên, tài liệu này chỉ được dùng làm tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho quá trình thẩm định của thẩm định viên. Việc xét cấp văn bằng bảo hộ không phụ thuộc vào bản mô tả bằng tiếng nước ngoài, mà hoàn toàn căn cứ vào bản dịch tiếng Việt của bản mô tả nộp kèm theo đơn đăng ký sáng chế. Bản mô tả sáng chế cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến sáng chế, giải pháp kỹ thuật mới được tạo ra, cách thức vận hành sáng chế và phạm vi bảo hộ của sáng chế. Trong bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế, tính chính xác của bản dịch là vô cùng quan trọng, một dấu phẩy đặt sai vị trí, chẳng hạn, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc thu hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế.

Gây trở ngại hoặc không thể thực thi quyền sáng chế: Quyền sáng chế có thể thực thi bằng biện pháp hành chính và/hoặc dân sự tại Việt Nam. Khi xem xét một sản phẩm/quy trình bị cáo buộc có rơi vào phạm vi bảo hộ của sáng chế hay không, tòa án hoặc cơ quan giám định phải xem xét phạm vi bảo hộ của sáng chế để xác định mức độ, nội dung, khối lượng mà sáng chế được bảo hộ, trên cơ sở đó, so sánh, phân tích tính trùng lặp hoặc tương đương giữa sản phẩm/quy trình nghi ngờ xâm phạm với sáng chế được bảo hộ. Nói cách khác, để xác định được có yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế hay không, cần xác định được “ranh giới” giữa xâm phạm và không xâm phạm sáng chế. Nhiều chuyên gia sáng chế tin rằng, phạm vi bảo hộ sáng chế càng rộng, sáng chế càng có khả năng ngăn chặn các hành vi xâm phạm. Ở chiều ngược lại, phạm vi bảo hộ sáng chế bị làm hẹp đi sẽ khiến cho chủ bằng sáng chế được hưởng mức độ, phạm vi bảo hộ ít hơn so với mức độ, phạm vi mà lẽ ra họ đã được hưởng.

Việc dịch bản mô tả sáng chế không cẩn thận hoặc không khéo léo có thể khiến cho phạm vi bảo hộ sáng chế bị thu hẹp ngoài mong muốn. Một ví dụ điển hình là cách sử dụng và dịch giới từ tiếng Anh “in”, đây là từ xuất hiện thường xuyên trong các bản mô tả tiếng Anh. Trong tiếng Anh, từ “in” mang nghĩa tiếng Việt là “trong, ở trong, ở, tại”. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu người dịch chỉ dịch rập khuôn từ “in” là “trong, ở trong”, thay vì dịch với hàm ý rộng hơn là “ở” hoặc “tại”, điều này có thể khiến cho phạm vi bảo hộ sáng chế bị bó hẹp hoặc giới hạn, dẫn tới khả năng không thể thực thi chống xâm phạm nếu một đặc điểm kỹ thuật nào đó của sản phẩm nghi ngờ xâm phạm không đặt “trong, ở trong” mà ở vị trí khác, chẳng hạn như, “ở trên” hoặc “ở ngoài”.

Nguy cơ bị hủy bằng sáng chế: Theo dự thảo Luật SHTT sửa đổi dự kiến được Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2022, Bằng độc quyền sáng chế còn có thể bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực khi “Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế”. Điều này được hiểu rằng, bản dịch tiếng Việt của bản mô tả sáng chế nếu được xác định đã vượt quá/rộng hơn nội dung đã bộc lộ trong phần mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn, Bằng độc quyền sáng chế đó có nguy cơ bị hủy bỏ hiệu lực theo yêu cầu của bên thứ ba.

Khuyến nghị

Bản mô tả sáng chế là tài liệu thể hiện tri thức và những vấn đề kỹ thuật được tác giả sáng chế đề cập và giải quyết. Bản mô tả sáng chế bằng ngôn ngữ nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và Bằng độc quyền sáng chế được cấp dựa hoàn toàn vào bản mô tả bằng tiếng Việt. Có thể nói, bản mô tả bằng tiếng Việt là yếu tố quyết định số phận của sáng chế khi chủ bằng sáng chế muốn thương mại hóa hay thực thi quyền, giải quyết các tranh chấp, xung đột hay xâm phạm quyền sáng chế. Có những điều tưởng như rất nhỏ trong bản dịch của bản mô tả, nhưng lại là vấn đề rất lớn khi xảy ra tranh chấp, xung đột hoặc xâm phạm sáng chế.

Dịch là việc chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cẩn trọng của người dịch. Trong lĩnh vực sáng chế, dịch bản mô tả sáng chế sang tiếng Việt còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Người dịch không những cần được đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành, còn phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực kỹ thuật kết hợp với khả năng am hiểu ngôn ngữ để tránh dịch sai, dịch không sát nghĩa và/hoặc thu hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế. Ngoài ra, người dịch sáng chế phải luôn ý thức và nắm rõ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam để bản dịch tiếng Việt của bản mô tả đáp ứng các quy định (chẳng hạn như, đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc bản mô tả, phạm vi bảo hộ của sáng chế không được quá rộng cũng như không bị thu hẹp so với bản mô tả bằng ngôn ngữ nước ngoài), giúp cho chủ bằng sáng chế được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp từ việc bảo hộ sáng chế.

Để giảm thiểu lỗi phát sinh từ bản dịch sáng chế, ngoài việc xem xét kỹ bản mô tả, người dịch sáng chế cần áp dụng cách tiếp cận cởi mở, không ngần ngại trao đổi chủ đơn sáng chế nhằm làm sáng tỏ các điểm còn mơ hồ hay chưa rõ ràng để hiểu đầy đủ và đúng đắn bản chất của sáng chế, phục vụ cho việc dịch chuẩn xác.

Các chuyên gia sáng chế tin rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu thuật ngữ, phân loại lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế để tham chiếu cho các bản mô tả có bản chất tương tự, liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu cũng là cách thức hiệu quả để đảm bảo tính thống nhất của các thuật ngữ, tiết kiệm công sức, tránh sai sót và nâng cao chất lượng của bản dịch. Cuối cùng, nhờ cơ sở dữ liệu như vậy, chi phí cho việc dịch bản mô tả sẽ được cắt giảm và lúc này, chủ bằng sáng chế là người được hưởng lợi, đặc biệt khi, theo cách tính thông thường, chi phí dịch thuật bản mô tả chiếm tới 60-70%, thậm chí là 80-90% tổng phí đăng ký sáng chế tại Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Vũ QUÂN, Partner

Xem thêm: