Rút Ngắn Thời Gian Cấp Bằng Sáng Chế Tại Việt Nam: Sử Dụng Kết Quả Thẩm Định Nước Ngoài
Rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế là mục tiêu chiến lược quan trọng đối với các chủ thể sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện là điểm nóng đầu tư nước ngoài, trong khi đó, thời gian thẩm định đơn đăng ký sáng chế thường bị kéo dài, với thời gian xử lý trung bình từ 3 đến 5 năm, thậm chí có thể vượt quá khung thời gian này. Sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng khai thác sáng chế và đạt được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Thời gian xử lý kéo dài làm suy giảm đáng kể thời hạn hiệu lực của bằng sáng chế, khiến doanh nghiệp có ít thời gian hơn để thu hồi vốn đầu tư R&D và tạo ra lợi nhuận sau khi được cấp bằng. Do đó, việc đẩy nhanh quá trình cấp bằng sáng chế là nhu cầu cấp thiết của nhiều chủ sở hữu sáng chế tại Việt Nam.
KENFOX IP & Law Office cung cấp những phân tích chuyên sâu về một trong những quy định mới được ban hành gần đây về việc rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế tại Việt Nam. Theo một diễn biến quan trọng, Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2023, đã chính thức luật hóa việc cho phép sử dụng kết quả thẩm định từ nước ngoài nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình thẩm định sáng chế tại Việt Nam. Theo Điều 16.9, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) hiện có thể xem xét các báo cáo tra cứu và kết quả thẩm định từ các đơn đăng ký sáng chế đồng dạng ở nước ngoài trong quá trình thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam.
Sử dụng kết quả thẩm định từ nước ngoài mang lại lợi ích gì?
Quy định mới này mang đến cơ hội quan trọng cho người nộp đơn rút ngắn thời gian thẩm định đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam. Bằng cách nộp kết quả thẩm định từ các cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài được công nhận, người nộp đơn có thể:
- rút ngắn đáng kể thời gian thẩm định,
- giảm chi phí theo đuổi đơn đăng ký sáng chế, và
- sớm đưa sáng vào khai thác trong thực tế.
Điều kiện sử dụng kết quả thẩm định từ nước ngoài như thế nào?
Để được hưởng cơ chế thẩm định nhanh này, người nộp đơn đăng ký sáng chế phải đáp ứng một số điều kiện quan trọng sau:
- Cơ quan cấp bằng sáng chế được công nhận: Kết quả thẩm định phải do một cơ quan cấp bằng sáng chế được công nhận ban hành. Mặc dù Thông tư không liệt kê rõ ràng các cơ quan cụ thể, nhưng theo thực tế thẩm định sáng chế hiện nay cũng như danh sách dự kiến ban hành sẽ ưu tiên sử dụng kết quả thẩm định từ các cơ quan sáng chế nước ngoài lớn và có uy tín như Văn phòng Sáng chế Châu Âu (EPO), Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cục Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA).
- Đơn đang chờ thẩm định: Đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam phải chưa nhận được kết quả thẩm định nội dung.
- Yêu cầu bảo hộ nước ngoài có khả năng được cấp bằng: Ít nhất một điểm yêu cầu bảo hộ trong kết quả thẩm định nước ngoài đã được đánh giá là đáp ứng điều kiện bảo hộ.
- Các yêu cầu bảo hộ giống nhau: Các điểm yêu cầu bảo hộ trong đơn sáng chế Việt Nam ban đầu hoặc sau khi sửa đổi phải giống với các điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộtrong kết quả thẩm định nước ngoài.
Thủ tục yêu cầu có phức tạp không?
Người nộp đơn có thể nộp Đơn yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nước ngoài, kèm theo tài liệu cần thiết, đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các tài liệu yêu cầu bao gồm:
- Đơn yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định của cơ quan cấp bằng sáng chế nước ngoài;
- Bản sao kết quả thẩm định và bản dịch (nếu cần);
- Các điểm yêu cầu bảo hộ được cơ quan cấp bằng sáng chế nước ngoài đánh giá là đáp ứng điều kiện bảo hộ và bản dịch (nếu cần);
- Các tài liệu được trích dẫn trong kết quả thẩm định nước ngoài (nếu cần);
- Nếu bản mô tả sáng chế đã được sửa đổi, cần nộp bản mô tả sửa đổi, bản thuyết minh chi tiết về các sửa đổi, và các khoản phí theo quy định.
Cục SHTT Việt Nam sẽ xem xét Đơn yêu cầu và nếu được chấp nhận, sẽ sử dụng kết quả thẩm định nước ngoài làm tài liệu tham khảo trong quá trình thẩm định. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thẩm định và có khả năng cấp bằng sáng chế nhanh hơn.
Kết quả thẩm định từ đâu là quan trọng?
Mặc dù Thông tư cho phép sử dụng kết quả thẩm định từ các cơ quan cấp bằng sáng chế khác nhau, nhưng cần lưu ý rằng, Cục SHTT Việt Nam có thể đánh giá kết quả từ các cơ quan khác nhau với mức độ tin cậy khác nhau. Cục SHTT Việt Nam thường dựa vào kết quả thẩm định của các cơ quan cấp bằng sáng chế khác để tinh giản hóa quy trình thẩm định sáng chế, đặc biệt là những cơ quan được biết đến với quy trình thẩm định nghiêm ngặt.
Các cơ quan cấp bằng sáng chế như EPO, USPTO và JPO có uy tín cao về chất lượng thẩm định, và bằng sáng chế được cấp bởi các cơ quan này cho thấy sáng chế đã trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng. Do đó, Cục SHTT Việt Nam có xu hướng tin tưởng hơn vào kết quả thẩm định từ các cơ quan này.
Liệu có thể tham khảo Bằng sáng chế Trung Quốc?
Bằng sáng chế Trung Quốc cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo để đẩy nhanh quá trình thẩm định sáng chế tại Việt Nam. Không có quy định pháp lý nào yêu cầu phải sử dụng duy nhất bằng sáng chế châu Âu cho mục đích đẩy nhanh quá trình thẩm định. Việc nộp yêu cầu bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế Trung Quốc cho Cục SHTT Việt Nam có thể đóng vai trò là bằng chứng hỗ trợ trong quá trình thẩm định, chứng minh rằng sáng chế đã được đánh giá là đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ ở một quốc gia lớn khác.
Trong trường hợp bằng sáng chế Trung Quốc có sửa đổi so với đơn Việt Nam, chủ đơn có thể xem xét sửa đổi yêu cầu bảo hộ của đơn Việt Nam theo yêu cầu bảo của bằng sáng chế Trung Quốc, với lưu ý là loại bỏ các đối tượng không phù hợp theo quy định sáng chế Việt Nam, để đơn sáng chế Việt Nam có thể được sớm cấp bằng độc quyền.
Lời kết
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN mở ra cơ hội cho người nộp đơn đăng ký sáng chế đẩy nhanh quá trình thẩm định tại Việt Nam. Với việc áp dụng chiến lược thúc đẩy đơn dựa trên kết quả thẩm định nước ngoài và tuân thủ các yêu cầu về thủ tục, người nộp đơn có thể rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết để được bảo hộ sáng chế, giúp tăng khả năng các sáng chế của họ được nhanh chóng thương mại hóa và bảo hộ mà không gặp phải những chậm trễ không cần thiết.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Đỗ Thị Phấn |Special Counsel
Đào Thị Thúy Nga | Senior Patent Attorney
Đọc thêm
- Sáng chế phương pháp y học: Cần làm gì để được bảo hộ tại Việt Nam?
- Sáng chế Trung Quốc ở Campuchia: Nắm rõ thời điểm nộp phí duy trì để không mất quyền sáng chế
- Chiến Thuật Evergreening: Kéo Dài Bảo Hộ Sáng Chế, Đổi Mới Hay Cản Trở?
- Những câu hỏi thường gặp về việc đăng ký sáng chế tại Việt Nam
- Novartis AG Chiến Thắng Trong Hành Trình Bảo Vệ Sáng Chế Vildagliptin tại Việt Nam
- Từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam: Lý do và gợi ý cho chủ đơn
- Quyền tạm thời đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam – Những điều bạn cần biết?
- Vượt qua từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam bằng cách nào?
- Tranh chấp về đồng sở hữu sáng chế: Phải làm gì?
- Ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?
- 6 điều cần lưu ý để ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam
- 5 câu hỏi để đánh giá liệu sản phẩm của bạn có xâm phạm sáng chế tại Việt Nam hay không?
- Hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam như thế nào?