KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Bảo vệ Tên Người Nổi Tiếng Dưới Góc Độ Nhãn Hiệu Bài Học Từ Vụ Usain Bolt và Thực Tiễn Việt Nam

Bảo vệ Tên Người Nổi Tiếng Dưới Góc Độ Nhãn Hiệu Bài Học Từ Vụ Usain Bolt và Thực Tiễn Việt Nam

Tải về

Vụ việc Usain Saint Leo Bolt (“Usan Bolt”) phản đối thành công đơn đăng ký nhãn hiệu “” tại Trung Quốc là một ví dụ điển hình về cách Cục SHTT Trung Quốc (“Cục SHTT Trung Quốc”) bảo vệ quyền đối với tên người nổi tiếng, dù Bolt chưa hề đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc. Phán quyết của Cục SHTT Trung Quốc đã tạo ra một tiền lệ đáng chú ý cho các chủ nhãn hiệu đích thực nước ngoài: dù chưa thực hiện thủ tục đăng ký, chủ nhãn hiệu vẫn có thể được pháp luật bảo vệ dựa trên danh tiếng và sự liên kết chặt chẽ với cá nhân đó. Điều đáng nói, Cục SHTT Trung Quốc không chỉ xét đến phần chữ “BOLT” mà còn xem xét cả hình ảnh hoạt hình có nét tương đồng với hình bóng biểu tượng của Usain Bolt, cho thấy sự nhạy bén trong việc nhận diện hành vi “ăn theo” hình ảnh cá nhân.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu vụ việc này diễn ra tại Việt Nam – nơi mà thực tiễn thẩm định nhãn hiệu vẫn còn nặng về nguyên tắc “nộp trước được trước“, liệu một chủ nhãn hiệu nước ngoài chưa đăng ký có thể phản đối thành công? Hay sẽ phải sa lầy vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài qua nhiều cấp xét xử, với kết quả không thể dự đoán?

KENFOX IP & Law Office cung cấp phân tích chuyên sâu về vụ Usain Bolt và so sánh với thực tiễn thẩm định nhãn hiệu tại Việt Nam nhằm giúp các chủ nhãn hiệu đích thực định hình chiến lược bảo hộ nhãn hiệu hiệu quả, tránh những rủi ro không đáng có tại một trong những thị trường đang phát triển năng động nhất khu vực.

Vụ phản đối nhãn hiệu Usain Saint Leo Bolt: Phán Quyết Tiến Bộ Của CỤC SHTT Trung Quốc

Usain Bolt (Người phản đối) đã nộp Đơn phản đối Đơn đăng ký nhãn hiệu số 43691032 (““) thuộc Nhóm 12 (Nhãn hiệu bị phản đối) do Fujian Victoria Machinery Co., Ltd. (Bên bị phản đối) nộp, dựa trên quyền đối với tên của mình. Sau khi xem xét đơn phản đối, Cục SHTT Trung Quốc đã ban hành quyết định từ chối đăng ký Nhãn hiệu bị phản đối.

Quyết định này nêu rõ: “Bằng chứng do Người phản đối cung cấp cho thấy Người phản đối là một vận động viên Jamaica nổi tiếng, người giữ nhiều kỷ lục thế giới trong các nội dung chạy nước rút nam. Với tư cách là nhà vô địch Olympic, “Bolt” đã trở nên nổi tiếng rộng rãi trước ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối. Với việc khán giả Trung Quốc thường gọi người nước ngoài bằng họ của họ, có thể kết luận rằng trong nhận thức của công chúng có liên quan của Trung Quốc, “Bolt” đã hình thành một sự tương ứng độc đáo gắn với Người phản đối. Bên bị phản đối cũng phải nhận thức được điều này. Các chữ cái cấu thành Nhãn hiệu bị phản đối giống hệt với phần tiếng Anh trong tên của Người phản đối, “Bolt”. Bên bị phản đối, khi chưa có sự cho phép của Người phản đối, đã đăng ký từ này làm nhãn hiệu với ý định tìm kiếm lợi ích không chính đáng, điều này có thể dễ dàng gây nhầm lẫn cho công chúng có liên quan tin rằng nhãn hiệu có một mối liên hệ cụ thể với Người phản đối, từ đó làm tổn hại đến quyền đối với tên của Người phản đối“.

Quyết định này của Cục SHTT Trung Quốc thể hiện sự tiến bộ trong việc bảo vệ quyền đối với tên của người nổi tiếng. Dù Usain Saint Leo Bolt chưa đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, việc Cục SHTT Trung Quốc chấp nhận đơn phản đối dựa trên danh tiếng của anh cho thấy họ đã áp dụng linh hoạt các nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là xem xét các yếu tố như:  

  • Mức độ nổi tiếng và sự liên kết: Tên “Bolt” đã có một sự liên kết chặt chẽ, độc đáo và rộng rãi với Usain Saint Leo Bolt trong nhận thức của công chúng Trung Quốc.
  • Thiệt hại tiềm ẩn: Việc đăng ký nhãn hiệu này có thể gây nhầm lẫn cho công chúng, khiến họ tin rằng có mối liên hệ giữa nhãn hiệu và Usain Saint Leo Bolt, từ đó gây tổn hại đến quyền lợi của anh.
  • Ý định xấu: Bên đăng ký nhãn hiệu có ý định chiếm đoạt lợi ích không chính đáng từ danh tiếng của Usain Saint Leo Bolt.

Đáng chú ý hơn, Cục SHTT Trung Quốc xem xét cả yếu tố đồ họa. Mặc dù dấu hiệu “hình” của nhãn hiệu bị phản đối chỉ “nhác nhác” hoặc “na ná” hình bóng mang tính biểu tượng “ của Usain Bolt, và mặc dù nhãn hiệu bị phản đối được đăng ký cho sản phẩm “carriages” (phương tiện vận chuyển, xe cộ), một lĩnh vực rõ ràng không liên quan trực tiếp đến ngành thể thao là nơi Usain Bolt nổi tiếng, Cục SHTT Trung Quốc vẫn mạnh dạn phán quyết rằng đây là dấu hiệu bắt chước, ăn theo hình ảnh này. Điều này cho thấy sự tinh tế và quyết đoán của Cục SHTT Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền SHTT, ngay cả khi các yếu tố không hoàn toàn trùng khớp.   

So Sánh Với Thực Tiễn Thẩm Định Nhãn Hiệu Tại Việt Nam: Đã đến lúc Việt Nam phải nhìn lại cách bảo vệ quyền lợi thực sự của chủ nhãn hiệu

Trong khi quyết định của Cục SHTT Trung Quốc trong vụ Usain Saint Leo Bolt được cộng đồng quốc tế đánh giá là một bước tiến lớn về bảo vệ quyền đối với tên và hình ảnh cá nhân, thực tiễn thẩm định nhãn hiệu tại Việt Nam, đặc biệt là khi nhãn hiệu hay tên gọi chưa được đăng ký, lại cho thấy một bức tranh khác biệt, gây ra những thách thức đáng kể cho các chủ sở hữu nhãn hiệu thực sự, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Mặc dù Luật SHTT Việt Nam, tại Điều 74.2(g) và 74.2(i), đã thiết lập khung pháp lý nhằm cân bằng giữa hai nguyên tắc cơ bản: “ai nộp đơn trước được quyền trước” (first-to-file)“ai sử dụng trước được quyền trước” (first-to-use), nhưng trên thực tế, cơ chế bảo vệ quyền sử dụng trước gần như đang bị vô hiệu hóa. Phần lớn các Đơn phản đối dựa trên quyền sử dụng trước hoặc danh tiếng quốc tế đều bị bác bỏ với lý do quen thuộc: “Chứng cứ chưa đủ mạnh để chứng minh nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi hoặc có danh tiếng tại Việt Nam”, hoặc “quyền nhãn hiệu có tính chất lãnh thổ”, hoặc “các phán quyết nước ngoài chỉ để tham khảo”.

Cách áp dụng máy móc, cứng nhắc và nặng về hình thức chứng cứ đã vô tình đẩy các chủ nhãn hiệu thực sự, đặc biệt là các công ty nước ngoài, vào thế yếu, mặc dù họ là những đối tượng cần được bảo vệ. Thẩm định viên, dù có quyền cân nhắc giữa các nguyên tắc pháp lý, lại thường chọn phương án an toàn: bám chặt vào nguyên tắc “first-to-file” và từ chối mọi lập luận về quyền sử dụng trước nếu không có bộ hồ sơ chứng cứ tuyệt đối hoàn hảo, điều vốn rất khó với các nhãn hiệu chưa chính thức kinh doanh hoặc quảng bá rộng rãi tại Việt Nam.

Hệ quả nghiêm trọng hơn, chính lỗ hổng này đang tiếp tay cho tình trạng đầu cơ nhãn hiệu (trademark squatting) ngày càng phổ biến và tinh vi tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân có dụng ý xấu đã tận dụng triệt để điểm yếu trong hệ thống thẩm định để “đi tắt” giành quyền sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế, dù không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh thực sự nào.

Trong vụ Usain Bolt, Cục SHTT Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc đánh giá phần chữ “BOLT”, mà còn nhìn nhận một cách toàn diện, xét đến cả hình ảnh đồ họa, ý đồ xâm phạm và mức độ danh tiếng toàn cầu của Bolt, dù anh chưa có đăng ký nhãn hiệu nào tại Trung Quốc. Đó là cách tiếp cận tiến bộ, dựa trên bảo vệ thực chất quyền lợi chính đáng và ngăn chặn hành vi đăng ký nhãn hiệu với mục đích trục lợi.

Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi. Nếu không có một sự điều chỉnh kịp thời trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, thì không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà cả môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ chịu hậu quả nặng nề bởi sự bùng phát của các vụ tranh chấp nhãn hiệu kéo dài, tốn kém và tiềm ẩn nhiều bất công.

Lời kết

Vụ Usain Saint Leo Bolt là một minh chứng rõ ràng cho việc các cơ quan SHTT hoàn toàn có thể áp dụng linh hoạt các quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp, vượt ra ngoài khuôn khổ cứng nhắc của nguyên tắc “first-to-file” khi có đủ bằng chứng về danh tiếng và ý đồ xấu. Cục SHTT Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm này của Cục SHTT Trung Quốc để nâng cao chất lượng thẩm định nhãn hiệu. Cục SHTT Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận mềm dẻo hơn, đánh giá tổng thể các yếu tố như danh tiếng quốc tế, hành vi cố ý xâm phạm, và nguy cơ gây nhầm lẫn, thay vì chỉ chăm chăm vào số lượng và chất lượng chứng cứ sử dụng tại Việt Nam.

Bảo vệ danh tiếng và quyền nhãn hiệu của các chủ nhãn hiệu đích thực không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là thước đo cho sự minh bạch và uy tín của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.

Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney

Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney

Đọc thêm