KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ nội dung xâm phạm phạm bản quyền tại Việt Nam như thế nào?

Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ nội dung xâm phạm phạm bản quyền tại Việt Nam như thế nào?

Tải về

Sau khi Luật Sở hữu Trí tuệ được sửa đổi lần ba vào năm 2022, các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Trong số các điều khoản đáng chú ý, Điều 198b đã đưa ra một số quy định mang tính đột phá, theo đó, các Nhà cung cấp dịch vụ trung gian (Intermediate Service Provider – ISP) phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan bởi người dùng nền tảng của họ. Sau đó, ngày 26/4/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết các biện pháp thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

1. Trách nhiệm của các ISP

Khi nhận được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn, thường ở dạng Thư khuyến cáo, từ chủ sở hữu bản quyền hoặc quyền liên quan (bên yêu cầu), cùng với các tài liệu chứng minh (tài liệu về quyền sở hữu bản quyền) và bằng chứng (bằng chứng về hành vi xâm phạm), thông qua công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc chặn quyền truy cập vào nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, ISP có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề kịp thời.

2. Các ISP xử lý yêu cầu gỡ bỏ tài liệu xâm phạm bản quyền như thế nào?

ISP sẽ thực hiện một trong các hành động sau:

Gỡ bỏ hoặc ngăn chặn tạm thời: Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, nhà cung cấp dịch vụ trung gian sẽ tạm thời gỡ bỏ hoặc chặn quyền truy cập tới nội dung kỹ thuật số được yêu cầu (tức là nội dung bị cáo buộc xâm phạm bản quyền) và thông báo cho cả bên yêu cầu và bên được yêu cầu.

Xử lý phản đối từ bên bị yêu cầu: Nếu không nhận được phản đối từ bên bị yêu cầu/bên nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT trong vòng 10 ngày làm việc sau khi tạm gỡ bỏ hoặc chặn tạm thời, ISP sẽ tiến hành gỡ bỏ hoặc ngăn chặn vĩnh viễn nội dung thông tin số xâm phạm quyền. Trong trường hợp có phản đối, ISP phải khôi phục quyền truy cập trong vòng 72 giờ và chuyển văn bản phản đối cho bên yêu cầu.

Duy trì nội dung số: Nếu bên yêu cầu không khởi kiện dân sự hoặc không yêu cầu cơ quan thực thi xử lý hành vi bị cho là xâm phạm kể từ khi ISP chuyển tiếp tài liệu, chứng cứ cho bên yêu cầu, thì ISP phải tiếp tục duy trì nội dung số đã bị tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn.

Tuân thủ các phán quyết: Nếu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thụ lý vụ kiện hoặc yêu cầu, thì ISP phải thực hiện theo quyết định đó.

3. Chủ thể quyền cần cung cấp những gì?

[1] Thông tin của các bên: Cung cấp đầy đủ thông tin về bên yêu cầu và bên được yêu cầu (tức là bên bị cáo buộc xâm phạm), bao gồm tên; địa chỉ hiện tại; địa chỉ email; số điện thoại liên hệ; số Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân; số đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập hoặc giấy phép thành lập đối với tổ chức, hoặc tài liệu liên quan để xác định tư cách các chủ thể liên quan.

[2] Chứng cứ về quyền sở hữu: Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền bao gồm: (i) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định; hoặc (ii) Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

[3] Cam kết trách nhiệm pháp lý: Văn bản có chữ ký số của bên yêu cầu hoặc bên được yêu cầu cam kết chịu mọi trách nhiệm pháp lý về việc xóa, chặn hoặc phản đối, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan.

[4] Bằng chứng xâm phạm: Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 78 Nghị định, kèm theo bằng chứng về thiệt hại.

Các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:

(i) Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan);

(ii) Tài liệu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi âm, ghi hình đối tượng bị xem xét;

(iii) Bản giải trình, so sánh giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

(iv) Biên bản, lời khai, vi bằng, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

[5] Chi tiết nội dung: Bên yêu cầu cung cấp thông tin về địa chỉ trang web, đường link dẫn đến nội dung kỹ thuật số xâm phạm và mô tả về nội dung xâm phạm. Đối với bên bị yêu cầu, cần cung cấp thông tin về địa chỉ trang web, đường link dẫn đến nội dung kỹ thuật số bị gỡ bỏ hoặc bị chặn tạm thời.

[6] Giấy ủy quyền: Cung cấp Giấy ủy quyền hợp pháp nếu bên yêu cầu hoặc bên được yêu cầu thực hiện thông qua người đại diện.

4. Ý nghĩa pháp lý

Yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn là bằng chứng cho thấy nhà cung cấp dịch vụ trung gian biết được nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, từ đó ngăn ngừa các vi phạm gián tiếp có thể xảy ra từ chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

5. Trách nhiệm đối với hồ sơ giả mạo

Bên cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có liên quan khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Lời kết

Cơ chế thông báo gỡ bỏ được nêu tại Điều 114 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tình trạng xâm phạm bản quyền đang phổ biến hiện nay tại Việt Nam. Cơ chế này đảm bảo phản hồi nhanh chóng và hiệu quả đối với các trường hợp xâm phạm bản quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xóa hoặc chặn nhanh chóng nội dung được cho là xâm phạm. Phản ứng nhanh chóng này được coi là quan trọng trong việc ngăn chặn sự tổn hại đến quyền của chủ sở hữu bản quyền.

Bên cạnh những khía cạnh tích cực, vẫn tồn tại những lo ngại liên quan đến việc thực hiện hiệu quả cơ chế này. Cụ thể, câu hỏi đặt ra là, liệu việc “phản đối” của bên bị nghi ngờ xâm phạm, dù không có cơ sở, có ngay lập tức dẫn đến việc các ISP hết trách nhiệm và đẩy quả bóng sang cho chủ thể quyền, buộc họ phải khởi kiện hoặc yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý hành vi bị cho là xâm phạm hay không? Tất nhiên, đảm bảo sự cân bằng về quyền và lợi ích giữa các ISP, chủ sở hữu bản quyền và người dùng trong một điều luật là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt, việc buôn bán hàng hóa trên môi trường số, các trang web thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ, nội dung số… đang nở rộ như hiện nay. Ngoài ra, hiệu quả của cơ chế gỡ bỏ theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP còn phụ thuộc vào khả năng phản hồi và sự hợp tác của các ISP, chủ sở hữu bản quyền và các bên liên quan. Việc giải quyết những vấn đề phức tạp này là rất quan trọng để hoàn thiện và củng cố cơ chế gỡ bỏ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả trên môi trường số.

By Nguyen Vu QUAN

Partner & IP Attorney

Đọc thêm:

Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?
“Sử dụng hợp lý” tác phẩm hay “xâm phạm quyền tác giả”? Ranh giới cần phân định
Tại sao nên đăng ký nhãn hiệu và bao bì sản phẩm dưới dạng quyền tác giả tại Việt Nam?
Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức