Phán quyết quan trọng về trách nhiệm liên đới trong vụ xâm phạm sáng chế tại Thái Lan
Liệu việc đăng ký một sản phẩm là “sáng chế” có đủ để bảo vệ doanh nghiệp khỏi cáo buộc xâm phạm sáng chế? KENFOX IP & Law Office cung cấp các thông tin chi tiết về vụ kiện giữa Công ty Dược phẩm H. Lundbeck A/S và hai Công ty Unisun và Công ty Medline của Thái Lan để làm sáng tỏ vấn đề này và mang đến những lưu ý quan trọng về trách nhiệm liên đới trong xâm phạm sáng chế, mức độ bồi thường thiệt hại, cũng như những thách thức trong việc thực thi quyền đối với sáng chế tại Thái Lan.
Bối cảnh
Thái Lan – Tháng 1/2024, Tòa Phúc thẩm Chuyên trách tại Thái Lan đã ra phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm, qua đó xác định hai công ty dược phẩm trong nước, Unisun và Medline, phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi xâm phạm quyền sáng chế đối với thuốc chống trầm cảm escitalopram của H. Lundbeck A/S. Tòa Phúc thẩm khẳng định kết luận của tòa sơ thẩm rằng các công ty này đã thực hiện hành vi sản xuất, bán và phân phối sản phẩm thuốc nói trên tại Thái Lan mà không có sự cho phép từ chủ sở hữu bằng sáng chế. Theo đó, Unisun và Medline phải bồi thường thiệt hại cho Lundbeck với số tiền 106.500 Krone Đan Mạch (tương đương khoảng 15.500 USD), cùng với các chi phí pháp lý và án phí liên quan.
Vụ kiện bắt đầu từ tháng 6/2020 khi H. Lundbeck A/S khởi kiện Unisun và Medline với cáo buộc rằng các công ty này đã sản xuất, bán và phân phối dược phẩm escitalopram tại Thái Lan trái phép. Lundbeck cũng lập luận rằng Unisun và Medline đã đăng ký escitalopram là sáng chế tại Thái Lan với Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA), qua đó lợi dụng quy trình này để tránh đấu thầu và bán trực tiếp sản phẩm cho các bệnh viện cũng như các cơ quan nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến thị phần của Lundbeck.
Ban đầu, H. Lundbeck A/S đã yêu cầu mức bồi thường thiệt hại hơn 4 triệu Krone Đan Mạch (khoảng 584.000 USD) và đề nghị áp dụng các biện pháp khắc phục, như: chấm dứt hành vi xâm phạm, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm và thu hồi hồ sơ sáng chế tại NSTDA. Tuy nhiên, Tòa án Sở hữu trí tuệ và Thương mại Quốc tế Trung ương chỉ tuyên cho Lundbeck một khoản bồi thường thấp hơn đáng kể, là 1,1 triệu Baht Thái Lan (tương đương khoảng 30.100 USD), bao gồm: 500.000 THB chi phí thực thi và 600.000 THB tiền lãi bị mất. Tòa án cũng bác bỏ các yêu cầu khác của Lundbeck, chẳng hạn như: yêu cầu thu hồi hồ sơ tại NSTDA, có khả năng do bằng sáng chế của Lundbeck tại Thái Lan đã hết hiệu lực.
Không đồng ý với phán quyết sơ thẩm, cả Unisun và Medline đều nộp đơn kháng cáo. Hai công ty này lập luận rằng mức bồi thường thiệt hại dựa trên mất lợi nhuận là quá cao, trong khi H. Lundbeck A/S yêu cầu tăng mức bồi thường tổng thể. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, chỉ điều chỉnh số tiền bồi thường thành đồng Krone Đan Mạch theo yêu cầu của Lundbeck.
Những điều cần lưu ý
- Xác nhận trách nhiệm liên đới: Phán quyết của tòa án khẳng định rằng các bên tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm vi phạm đều có thể phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi xâm phạm quyền sáng chế.
- Hạn chế về mức bồi thường thiệt hại tại Thái Lan: Mặc dù H. Lundbeck A/S đã yêu cầu mức bồi thường thiệt hại đáng kể, số tiền được tòa án phán quyết lại ở mức tương đối thấp, phản ánh cách tiếp cận thận trọng của tòa án Thái Lan trong việc giải quyết các vụ kiện liên quan đến xâm phạm quyền sáng chế.
- Vấn đề đối với yêu cầu bảo hộ “sáng chế”: Vụ việc cho thấy rằng việc đăng ký một sản phẩm như là “sáng chế” với Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) không giúp các công ty được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm sáng chế. Các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nên thận trọng trong việc giám sát các yêu cầu bảo hộ như vậy và tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp khi cần thiết.
- Thời hạn bảo hộ sáng chế: Việc bằng sáng chế của Lundbeck đã hết hiệu lực có thể là lý do khiến tòa án từ chối một số biện pháp khắc phục, chẳng hạn như yêu cầu thu hồi hồ sơ tại Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA). Do đó, các chủ sở hữu sáng chế cần quản lý vòng đời của sáng chế một cách cẩn trọng và thực hiện các biện pháp thực thi kịp thời để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Khả năng kháng cáo: Việc cả hai bên đều nộp đơn kháng cáo đối với quyết định ban đầu cho thấy nguy cơ kéo dài các tranh chấp pháp lý trong các vụ kiện về xâm phạm bằng sáng chế. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nên sẵn sàng cho các quy trình tố tụng có khả năng kéo dài và phức tạp tại Thái Lan.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Đọc thêm
- Sáng chế phương pháp y học: Cần làm gì để được bảo hộ tại Việt Nam?
- Sáng chế Trung Quốc ở Campuchia: Nắm rõ thời điểm nộp phí duy trì để không mất quyền sáng chế
- Chiến Thuật Evergreening: Kéo Dài Bảo Hộ Sáng Chế, Đổi Mới Hay Cản Trở?
- Những câu hỏi thường gặp về việc đăng ký sáng chế tại Việt Nam
- Novartis AG Chiến Thắng Trong Hành Trình Bảo Vệ Sáng Chế Vildagliptin tại Việt Nam
- Từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam: Lý do và gợi ý cho chủ đơn
- Quyền tạm thời đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam – Những điều bạn cần biết?
- Vượt qua từ chối bảo hộ sáng chế tại Việt Nam bằng cách nào?
- Tranh chấp về đồng sở hữu sáng chế: Phải làm gì?
- Ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam như thế nào?
- 6 điều cần lưu ý để ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam
- 5 câu hỏi để đánh giá liệu sản phẩm của bạn có xâm phạm sáng chế tại Việt Nam hay không?
- Hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam như thế nào?