KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Bình Minh kiện Bình Minh Việt: Những nhận định giá trị nào có thể rút ra?

Bình Minh kiện Bình Minh Việt: Những nhận định giá trị nào có thể rút ra?

Tải về

Phần lớn đều tin rằng, khi quyền lợi bị xâm phạm, kết luận giám định từ cơ quan chuyên môn như Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (“Viện KHSHTT”) chính là “kim chỉ nam”, là căn cứ khoa học vững chắc nhất để tòa án đưa ra phán quyết công tâm. Thế nhưng, vụ tranh chấp nhãn hiệu kéo dài giữa “gã khổng lồ” ngành nhựa Bình Minh và “tân binh” Bình Minh Việt vừa qua lại đặt ra một câu hỏi lớn, khiến không ít người phải suy ngẫm: Điều gì xảy ra khi kết luận “có xâm phạm” từ cơ quan giám định đầu ngành lại bị tòa án xem là “chỉ để tham khảo”? Có phải “lá chắn” chuyên môn mà chủ thể quyền vẫn tin tưởng đang mất đi giá trị vốn có trong phòng xử án?

Vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh và Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt là một minh chứng điển hình cho sự phức tạp đó. Dù có trong tay Kết luận Giám định khẳng định hành vi xâm phạm từ Viện KHSHTT và cả Quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ cơ quan quản lý thị trường, Nhựa Bình Minh vẫn liên tiếp gặp bất lợi tại tòa. Tại sao một vụ việc tưởng chừng “rõ như ban ngày” lại có những diễn biến khó lường như vậy? Phán quyết của tòa án dựa trên những căn cứ nào khi “gạt bỏ” kết luận giám định – một nguồn chứng cứ được công nhận rộng rãi tại Việt Nam?

KENFOX IP & Law Office cung cấp các các phân tích, nhận định có giá trị thực tiễn từ vụ án này để chủ thể quyền cân nhắc xây dựng chiến lược bảo hộ nhãn hiệu một cách hiệu quả tại Việt Nam.

1. Bối cảnh

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (thành lập năm 1977) là chủ sở hữu hợp pháp của các nhãn hiệu như “ỐNG NHỰA BÌNH MINH”, “BM Plasco NHỰA BÌNH MINH”, được bảo hộ theo các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 180399 (), 180400 (), 73870 () do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.

Phát hiện Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt (thành lập 2025) sử dụng tên doanh nghiệp “” và các dấu hiệu “” “BÌNH MINH VIỆT”, “NHỰA BÌNH MINH VIỆT” trên sản phẩm ống nhựa PVC, bao bì, biển hiệu và các phương tiện kinh doanh khác, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã hành động rất bài bản.

  • Điều tra: Nguyên đơn đã điều tra, thu thập bằng chứng bị đơn sử dụng của tên doanh nghiệp và các dấu hiệu “BÌNH MINH VIỆT”, “NHỰA BÌNH MINH VIỆT” trên sản phẩm ống nhựa PVC, bao bì, biển hiệu và các phương tiện kinh doanh khác.
  • Yêu cầu giám định:  Nộp đơn yêu cầu Viện KHSHTT – cơ quan giám định chuyên môn hàng đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ – thực hiện giám định. Viện KHSHTT ban hành Kết luận Giám định nhãn hiệu số NH249-23YC/KLGĐ ngày 28/3/2023, theo đó, kết luận: (i) Dấu hiệu “NHUA BINH MINH VIET” gắn trên sản phẩm ống nhựa PVC của Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Nguyên đơn và (ii) Các dấu hiệu “BINH MINH VIET” và logo BVM của Bị đơn cũng là yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của Nguyên đơn.
  • Đề nghị xử lý hành chính: Ngày 28/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Long An) đã “kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa” tại Công ty TNHH vật liệu xây dựng – điện nước Quốc Tài (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), tạm giữ 43 ống nhựa nhãn hiệu “NHUA BÌNH MINH VIET” do Công ty Nhựa Bình Minh Việt. Cục QLTT tỉnh Long An đã giám định hành vi vi phạm về nhãn hiệu và tên thương mại Bình Minh Việt tại Viện KHSHTT. Theo đó, Viện KHSHTT Kết luận Giám định số NH737-23TC ngày 31/8/2023 kết luận dấu hiệu “NHUA BÌNH MINH VIET” trên ống nhựa của Công ty Nhựa Bình Minh Việt “là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 77 Nghị định 65/2023) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 180400 của Công ty Nhựa Bình Minh.
  • Công ty Nhựa Bình Minh Việt cho rằng số ống nhựa mà Cục QLTT tỉnh Long An lập biên bản tạm giữ là hàng tồn của đại lý thuộc lô hàng từ tháng 6/2023, đã có thông báo chấm dứt sản xuất và thu hồi từ ngày 10/8/2023. Hiện công ty đang SX theo logo mới “BVM CONG TY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET. Tuy nhiên, ngày 02/10 Viện KHSHTT đã có kết quả giám định sở hữu công nghiệp số NH826-23YC. Theo đó, dấu hiệu “BVM” gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 77 Nghị định 65/2023) đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho nhóm 19 theo GCNĐKNH) số 73870 của Công ty Nhựa Bình Minh.
  • Cục QLTT tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng đã kinh doanh sản phẩm ống nhựa của Bị đơn về hành vi buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Nguyên đơn.
  • Thanh tra Bộ KH&CN cũng kết luận việc sử dụng yếu tố “NHỰA BÌNH MINH” trong tên doanh nghiệp và trên sản phẩm của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Nhựa Bình Minh Việt đổi tên, cụ thể: loại bỏ chữ “Bình Minh” ra khỏi tên công ty để tránh nhầm lẫn với Công ty Nhựa Bình Minh.

Dưới góc độ pháp lý SHTT thông thường, với một loạt các bằng chứng gồm nhãn hiệu được bảo hộ, sản phẩm vi phạm và đặc biệt là Kết luận Giám định từ Viện KHSHTT cùng Quyết định xử phạt hành chính, yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của Nguyên đơn, vụ kiện của Nhựa Bình Minh lẽ ra phải có một lợi thế rất lớn. Kết luận Giám định của Viện KHSHTT được xem là ý kiến chuyên môn có giá trị cao, dựa trên các tiêu chí đánh giá khoa học và khách quan về khả năng gây nhầm lẫn, đối tượng và phạm vi bảo hộ.

2. Phán quyết bất ngờ từ Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm

Tuy nhiên, diễn biến tại Tòa án lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Tòa án Nhân dân TP.HCM (Sơ thẩm) đã bác bỏ yêu cầu của Nguyên đơn. Tòa cho rằng:

Nguyên đơn chỉ được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Bình Minh”, không bao gồm cụm từ “nhựa Bình Minh Việt”. Do đó, yêu cầu Bị đơn loại bỏ toàn bộ dấu hiệu “Bình Minh” là không có căn cứ. Đây là một lập luận gây nhiều tranh cãi, bởi lẽ việc đánh giá xâm phạm thường dựa trên yếu tố gây nhầm lẫn tổng thể chứ không chỉ giới hạn ở việc có được bảo hộ độc quyền cả cụm từ bị cho là xâm phạm hay không.

Tòa tuyên bố Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt của QLTT chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. Điều này thực sự gây sốc cho giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp.

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM (Phúc thẩm): Đã y án sơ thẩm, bác kháng cáo của Nguyên đơn. Tòa phúc thẩm tập trung vào các yếu tố khác biệt về hình thức.

Tòa cho rằng mặc dù cùng chứa dấu hiệu “BÌNH MINH”, nhưng logo (BM so với BVM), nhãn hàng, kích thước, kiểu chữ, thông tin nguồn gốc hàng hóa của hai bên là hoàn toàn khác nhau, do đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tòa ghi nhận việc Bị đơn đã đăng ký bản quyền tác giả cho logo BVM và đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục SHTT chấp nhận hợp lệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chấp nhận đơn hợp lệ chỉ là bước đầu, chưa phải là cấp văn bằng bảo hộ, và quan trọng hơn, việc đăng ký sau không thể hợp pháp hóa hành vi xâm phạm quyền đã được xác lập trước đó.

3. Vấn đề nhức nhối: Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt vi phạm của các cơ quan thực thi hành chính bị coi nhẹ

Phán quyết của cả hai cấp tòa, đặc biệt là việc xem nhẹ giá trị của Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt vi phạm của các cơ quan thực thi hành chính, đã tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại.

Nếu Quyết định xử phạt từ các Cơ quan thực thi hành chính, kết luận từ cơ quan giám định đầu ngành, dựa trên phân tích khoa học, lại chỉ được xem là “tham khảo“, vậy vai trò thực sự của hoạt động giám định SHTT có ý nghĩa gì? Điều này có thể làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống giám định và cơ chế bảo vệ quyền SHTT.

Tranh chấp SHTT, đặc biệt là về nhãn hiệu, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu về luật pháp, thị trường, và tâm lý người tiêu dùng để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn. Việc Tòa án tự mình đánh giá mà không dựa vào (hoặc thậm chí bác bỏ) kết luận chuyên môn, hoặc không trưng cầu giám định lại nếu có nghi ngờ, có thể dẫn đến những phán quyết thiếu khách quan và cơ sở vững chắc, như quan điểm của Viện Kiểm sát đã nêu tại phiên phúc thẩm. Viện Kiểm sát đã đề nghị sửa án sơ thẩm, cho rằng có đủ cơ sở xác định hành vi xâm phạm dựa trên Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt hành chính của QLTT Long An, đồng thời chỉ ra bản án sơ thẩm đã “vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ“.

Việc Tòa án ban hành phát quyết đi ngược lại hoàn toàn các kết luận, quyết định xử phạt của cơ quan SHTT (như Kết luận Giám định, Quyết định xử phạt), bất chấp mọi nỗ lực chứng minh trước đó, đồng nghĩa với việc phủ nhận toàn bộ công sức và nguồn lực đã bỏ ra, buộc chủ thể quyền phải tiếp tục hao tổn nguồn lực khổng lồ trong cuộc đua pháp lý đầy tốn kém và mệt mỏi, chỉ để thuyết phục Tòa án về một sự thật vốn đã được chứng minh.

4. Đánh giá khả năng gây nhầm lẫn: Dựa trên nguyên tắc nào?

Tòa phúc thẩm tập trung vào sự khác biệt về logo, kiểu chữ, kích thước… để kết luận không gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, dưới góc độ luật SHTT, việc đánh giá khả năng gây nhầm lẫn cần xem xét tổng thể các yếu tố dựa trên quy định của pháp luật (Điều 26.8, Thông tư 23/2023/TT-BKHCN và Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP), bao gồm:

  • Mức độ tương tự của các dấu hiệu: Yếu tố “Bình Minh” là thành phần chính, dễ đi vào nhận thức và có khả năng phân biệt cao trong tên gọi của cả hai bên. Liệu các yếu tố khác biệt về hình ảnh có đủ sức để loại trừ sự nhầm lẫn về nguồn gốc doanh nghiệp khi thành phần tên gọi chính lại tương tự nhau trên cùng một loại sản phẩm (ống nhựa PVC)?
  • Mức độ tương tự của sản phẩm/dịch vụ: Cả hai công ty đều sản xuất và kinh doanh ống nhựa PVC, là sản phẩm hoàn toàn trùng khớp.
  • Mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu bị xâm phạm: Nhãn hiệu “Bình Minh” của Nguyên đơn là một thương hiệu lâu năm và có uy tín trên thị trường vật liệu xây dựng. Mức độ nổi tiếng càng cao thì phạm vi bảo hộ càng rộng và khả năng người tiêu dùng bị nhầm lẫn khi thấy một dấu hiệu tương tự xuất hiện càng lớn.
  • Kênh phân phối và đối tượng người tiêu dùng: Cần xem xét liệu sản phẩm của hai bên có được bán qua cùng kênh phân phối, hướng tới cùng đối tượng khách hàng hay không.

Việc Tòa án quá chú trọng vào hình thức tiểu tiết rõ ràng đã bỏ qua sức ảnh hưởng bao trùm và tính quyết định của thành phần chữ “Bình Minh”, vốn là yếu tố cốt lõi gây tranh cãi.

5. Những điều cần lưu ý từ vụ án đối với chủ thể quyền SHTT

Từ vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau:

  • Kết luận Giám định SHTT: Mặc dù vẫn là một công cụ quan trọng và cần thiết, nhưng không nên coi Kết luận Giám định là yếu tố duy nhất và chắc chắn đảm bảo chiến thắng trong một vụ kiện xâm phạm SHTT. Chủ thể quyền cần chuẩn bị tâm lý rằng Tòa án có thể có những đánh giá độc lập, thậm chí trái ngược, và cần xây dựng hệ thống lập luận, bằng chứng đa dạng, vững chắc hơn nữa, không chỉ dựa vào kết luận giám định.
  • Chiến lược đăng ký bảo hộ nhãn hiệu toàn diện đề ngăn ngừa nạn “ký sinh thương mại”: Xây dựng chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ của mình một cách chủ động, thông minh là cách tốt nhất để ngăn chặn nạn “ký sinh thương mại”. Không chỉ đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu chính, cốt lõi, giờ là lúc doanh nghiệp cần cân nhắc đăng ký cả logo, slogan, các dấu hiệu hình ảnh đặc trưng, thậm chí các biến thể của nhãn hiệu dưới nhiều hình thức khác nhau (nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình, nhãn hiệu kết hợp) để tạo ra “hệ sinh thái SHTT” đủ mạnh nhằm thiết lập nhiều “lớp” bảo vệ, tạo ra hàng rào pháp lý vững chắc hơn, ngăn chặn hiệu quả tình trạng ăn cắp SHTT đang diễn ra vô cùng nhức nhối và tinh vi như hiện nay tại Việt Nam. Việc Nhựa Bình Minh Việt đăng ký bản quyền tác giả cho logo và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cũng cho thấy chiến lược xây dựng “lá chắn pháp lý” của họ.
  • Lường trước tính phức tạp, chi phí và sự khó đoán của tố tụng SHTT: Theo đuổi một vụ kiện SHTT, đặc biệt khi có những diễn giải pháp lý khác nhau, là một quá trình tốn kém về thời gian, chi phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện mọi khía cạnh, lợi ích và rủi ro trước khi quyết định khởi kiện hoặc theo đuổi kháng cáo.
  • Không ngừng giám sát thị trường và thực thi quyền một cách chủ động: Việc Nhựa Bình Minh phát hiện và yêu cầu xử lý hành chính sớm là hoàn toàn đúng đắn. Dù kết quả tại Tòa không như mong đợi, việc giám sát liên tục và có hành động pháp lý kịp thời (kể cả biện pháp hành chính) vẫn rất quan trọng để ngăn chặn hành vi xâm phạm lan rộng, thu thập bằng chứng và thể hiện quyết tâm bảo vệ thương hiệu của mình.

Lời kết

Vụ tranh chấp giữa Nhựa Bình Minh và Nhựa Bình Minh Việt không đơn thuần là cuộc đối đầu pháp lý giữa hai doanh nghiệp, mà là một phép thử lớn đối với tư duy pháp lý trong bối cảnh thương hiệu đã trở thành đại diện cho niềm tin của người tiêu dùng. Thắng – thua trong vụ kiện này không chỉ được quyết định bởi bản án, mà còn phản ánh cách mà hệ thống pháp luật Việt Nam đang thiết lập các chuẩn mực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường cạnh tranh và niềm tin thị trường.

Thực tế phán quyết bất ngờ của vụ kiện – nơi mà các kết luận giám định chuyên môn và quyết định xử phạt hành chính đều bị coi nhẹ – đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp rằng, trong môi trường pháp lý hiện tại, việc bảo vệ thương hiệu và bảo vệ niềm tin người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn việc sở hữu các giấy tờ pháp lý hợp lệ. Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ những giới hạn của hệ thống thực thi và chuẩn bị toàn diện từ chiến lược bảo hộ, chiến lược tố tụng đến việc ứng phó linh hoạt với các bất cập pháp lý trên thực tế.

Trong bối cảnh nạn “ký sinh thương mại” ngày càng tinh vi, doanh nghiệp không chỉ cần chủ động xây dựng chiến lược bảo hộ nhãn hiệu ngay từ đầu, mà còn phải thiết lập các công cụ pháp lý đủ mạnh để tự vệ trước mọi hành vi xâm phạm. Việc kiên trì thực thi quyền một cách bài bản, đa dạng, cùng với việc lường trước những diễn biến phức tạp của thực tiễn pháp lý tại Việt Nam, trở thành yêu cầu sống còn. Đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức và tìm kiếm sự tư vấn chuyên sâu từ các luật sư SHTT chính là yếu tố then chốt để bảo vệ tối ưu tài sản trí tuệ quý giá của doanh nghiệp trong hành trình dài hạn.

Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney

Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney

Đọc thêm