Đăng ký bản quyền cho bao bì hàng hóa tại Việt Nam: Có thể xử lý xâm phạm không?
Thiết kế bao bì sản phẩm có thể được đăng ký như một tác phẩm để được hưởng quyền tác giả. Chủ sở hữu, Công ty công nghệ ở Thâm Quyến, Trung Quốc sau khi được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Bản quyền, đã thương mại hóa sản phẩm gắn “thiết kế bao bì” đó. Như vậy, “thiết kế bao bì” này hoạt động như một dấu hiệu (nhãn hiệu) để công chúng, người tiêu dùng nhận diện nguồn gốc của sản phẩm chăm sóc răng miệng của công ty này với các sản phẩm cùng loại của các tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp này có thể khẳng định rằng, “thiết kế bao bì” được đăng ký quyền tác giả cũng được hưởng quyền bảo hộ về sở hữu trí tuệ giống như nhãn hiệu. Liệu nhận định này có đúng không? Nếu vậy, chỉ cần đăng ký bản quyền thì không cần phải đăng ký nhãn hiệu nữa?
KENFOX IP & Law Office cung cấp các phân tích, nhận định trong một vụ án xâm phạm bản quyền được xét xử bởi Tòa án Trung Quốc, từ đó, rút ra các nhận định quan trọng trong việc xây dựng chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Bối cảnh
Công ty công nghệ ở Thâm Quyến là một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chăm sóc răng miệng, đã sáng lập nhiều thương hiệu nổi tiếng và bán chạy trên mạng như “Kem đánh răng Cá mập XXX”. Công ty này đã đăng ký quyền tác giả cho thiết kế bao bì liên quan dưới dạng tác phẩm. Theo trang chi tiết sản phẩm của kem đánh răng “XXX Thai”, nhà sản xuất của loại kem này là Công ty XXX Diệp ở Quảng Châu, công ty này cũng là chủ sở hữu nhãn hiệu “XXX Thai”, và trong tên liên kết sản phẩm đều sử dụng các cụm từ như “Kem đánh răng Cá mập XXX” để quảng bá.
Công ty công nghệ ở Thâm Quyến cho rằng hành vi của Công ty XXX Diệp và nhà phân phối XXX Hòa Thương Hành đã xâm phạm quyền tác giả của mình, nên đã yêu cầu tòa án ra phán quyết buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, Công ty XXX Diệp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt với số tiền 6 triệu Nhân dân tệ, còn nhà phân phối XXX Hòa Thương Hành phải bồi thường 30 nghìn Nhân dân tệ.
Phán quyết của tòa án
Tòa án Nhân dân Sơ cấp số Một thành phố Đông Quan sau khi xét xử xác định rằng: Bị đơn là Công ty XXX Diệp đã sản xuất sản phẩm bị kiện và trưng bày, bán sản phẩm đó trên cửa hàng trực tuyến của mình mà không được phép, đã xâm phạm quyền sao chép, quyền phân phối và quyền truyền đạt đến công chúng qua mạng của nguyên đơn đối với tác phẩm liên quan. Bị đơn XXX Hòa Thương Hành đã xâm phạm quyền phân phối và quyền truyền đạt qua mạng của nguyên đơn đối với tác phẩm đó. Tòa án đã tuyên Công ty XXX Diệp phải bồi thường cho nguyên đơn 6 triệu Nhân dân tệ, còn XXX Hòa Thương Hành phải bồi thường 30 nghìn Nhân dân tệ.
Ngoài ra, tòa án cho rằng Công ty XXX Diệp đã cố ý thực hành vi xâm phạm với tình tiết nghiêm trọng, đồng thời từ chối cung cấp sổ sách kế toán và tài liệu liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm vi phạm theo yêu cầu của tòa án, cấu thành hành vi cản trở việc chứng minh. Công ty này còn nhiều lần nộp các bằng chứng giả mạo, không khai báo trung thực các tình tiết của vụ án, không chịu sửa sai, hành vi của họ đã vi phạm nguyên tắc trung thực và thiện chí trong tố tụng dân sự, gây cản trở nghiêm trọng đến việc xét xử của tòa án nhân dân. Do đó, tòa án đã quyết định xử phạt hành chính Công ty XXX Diệp với số tiền 200 nghìn Nhân dân tệ nhằm mục đích răn đe.
Một số điều cần ghi nhớ
1. Thiết kế bao bì sản phẩm có thể được bảo hộ đồng thời bởi pháp luật về quyền tác giả (với tư cách là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) và pháp luật về sở hữu công nghiệp (với tư cách là nhãn hiệu), nếu đáp ứng các điều kiện riêng biệt của từng loại quyền. Công ty công nghệ ở Thâm Quyến đã sử dụng quyền tác giả để khởi kiện Công ty XXX Diệp và nhà phân phối XXX Hòa Thương Hành vì đã xâm phạm quyền tác giả khi gắn/sử dụng “thiết kế bao bì sản phẩm” được bảo hộ quyền tác giả.
2. Tuy nhiên, nhận định rằng “thiết kế bao bì sản phẩm” sau khi được đăng ký quyền tác giả cũng được bảo hộ như một nhãn hiệu là chưa hoàn toàn đúng, và cho rằng “chỉ cần đăng ký bản quyền là không cần đăng ký nhãn hiệu” là không đúng về mặt pháp lý.
3. Sự khác biệt cơ bản giữa quyền tác giả và quyền đối với nhãn hiệu:
4. Phạm vi bảo hộ và điều kiện cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với thiết kế bao bì sản phẩm được xác định như thế nào?
Khi thiết kế bao bì được đăng ký quyền tác giả:
- Nó được bảo hộ với tư cách là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, chủ yếu bảo vệ hình thức cụ thể, không phải chức năng nhận diện thương mại.
- Nếu người khác sao chép y nguyên hoặc gần như y nguyên thiết kế đó để sản xuất hoặc phân phối, hành vi đó có thể cấu thành xâm phạm quyền tác giả.
- Tuy nhiên, nếu bên kia thay đổi vài chi tiết nhỏ để tránh bị coi là “sao chép”, hoặc tạo ra thiết kế tương tự về ấn tượng thương mại nhưng không giống về hình thức cụ thể, thì việc sử dụng đó có thể không bị coi là xâm phạm bản quyền, nhưng lại có khả năng gây nhầm lẫn về nhãn hiệu – và đây là phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.
5. Vì sao nên đăng ký nhãn hiệu cho thiết kế bao bì có tính nhận diện?
Nếu bao bì có chức năng giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, thì:
- Đăng ký nhãn hiệu là cách duy nhất để bảo hộ chức năng này một cách trực tiếp.
- Quyền tác giả không bảo hộ chức năng phân biệt thương mại của bao bì – tức là nếu chỉ đăng ký bản quyền mà không đăng ký nhãn hiệu, thì chủ sở hữu có thể mất quyền yêu cầu xử lý hành vi bị cho là vi phạm của tổ chức, cá nhân sử dụng bao bì tương tự nhưng không sao chép y nguyên.
- Trong thực tiễn, nhiều chủ sở hữu của các thương hiệu nổi tiếng đều vừa đăng ký quyền tác giả cho thiết kế bao bì sản phẩm và vừa đăng ký nhãn hiệu để có được sự bảo hộ toàn diện. Lý do thú vị là, bên thứ ba có thể không sao chép y nguyên thiết kế (tránh được xâm phạm bản quyền), nhưng lại sử dụng một thiết kế tương tự gây nhầm lẫn trên sản phẩm cùng loại, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về nguồn gốc sản phẩm (xâm phạm nhãn hiệu). Ngược lại, một bên có thể sao chép thiết kế đó cho mục đích khác không liên quan đến sản phẩm cùng loại nhưng vẫn là hành vi xâm phạm bản quyền.
Tóm lại, việc đăng ký bản quyền cho thiết kế bao bì là cần thiết để bảo hộ chống sao chép tác phẩm đó, nhưng không thể thay thế cho việc đăng ký nhãn hiệu nếu mục đích của doanh nghiệp là bảo vệ chức năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm của thiết kế đó trên thị trường và chống lại hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ngược lại, việc đăng ký nhãn hiệu cũng không thay thế hoàn toàn cho việc đăng ký bản quyền. Để có sự bảo hộ mạnh mẽ và toàn diện nhất cho thiết kế bao bì vừa có tính sáng tạo nghệ thuật vừa đóng vai trò nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp nên xem xét đăng ký cả quyền tác giả và quyền nhãn hiệu tại Việt Nam.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm
- Nhãn hiệu của bạn bị từ chối bảo hộ tại Việt Nam? Tìm hiểu cách khiếu nại và giành chiến thắng
- Có nên bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối tạm thời tại Việt Nam?
- Vượt qua dự định từ chối đối với đăng ký Quốc tế chỉ định tại Việt Nam – Khó nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc
- Philipp Plein đã khiếu nại Quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào?
- Từ chối bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam, Lào và Campuchia: Ranh giới mong manh giữa nhãn hiệu mang tính mô tả hay chỉ mang tính gợi ý
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Tại sao việc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam của bạn bị từ chối?
- Làm thế nào để khiếu nại thành công từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Campuchia? 6 câu hỏi bạn cần biết
- Khiếu nại thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu xin đăng ký mang tính mô tả tại Việt Nam như thế nào?
- Khi Nào “Tình Tiết Mới” Được Chấp Nhận Trong Khiếu Nại Về Sở Hữu Trí Tuệ Tại Việt Nam?
- Thu thập bằng chứng thuyết phục: Chìa khóa chiến thắng trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam
- Giám định xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam: Bốn điểm quan trọng cần lưu ý
- Phản đối nhãn hiệu hay ý kiến của người thứ ba: Lựa chọn nào tốt hơn?
- Nhãn hiệu dược phẩm bị phản đối tại Việt Nam: Chiến lược nào để bảo vệ thành công?