Đăng ký hay là mất, bài học đắt giá từ vụ tranh chấp kiểu dáng công nghiệp điển hình ở Việt Nam
Được thành lập vào năm 1884, Tập đoàn Piaggio là một nhà sản xuất xe của Ý, chuyên sản xuất các loại xe hai bánh có động cơ với nhiều thương hiệu khác nhau như Piaggio, Vespa, Gilera, Aprilia, Moto Guzzi, Derbi và Scarabeo.
Kể từ khi thành lập công ty (sau đây gọi là“Piaggio Việt Nam”) tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam vào năm 2007, Tập đoàn Piaggio đã thiết lập sự hiện diện thương mại mạnh mẽ trong cả nước. Sau 2 năm, Piaggio Việt Nam chính thức đưa nhà máy đầu tiên vào hoạt động, chuyên sản xuất và lắp ráp xe cơ giới hai bánh với quy mô 50.000-100.000 xe máy/năm. Mặc dù có mức giá khá cao, nhưng dòng xe tay ga LX Vespa đã nhanh chóng được giới đam mê xe máy Việt Nam, đặc biệt là người có thu nhập cao và giới trẻ yêu thích bởi chất lượng cao và thiết kế thẩm mỹ. Vespa LX được xem là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp của giới chơi xe máy. Nhờ vậy, Vespa LX luôn lọt top những chiếc xe máy bán chạy nhất trong các dòng Vespa tại Việt Nam.
Sự phổ biến và ưa chuộng Vespa LX của người tiêu dùng Việt Nam một mặt làm tăng doanh số bán hàng cho Piaggio Việt Nam, nhưng mặt khác lại kích thích hoạt động kinh doanh bất chính của các đối thủ.
Một thương hiệu xe máy mới có tên “Diamond Blue” đã ra mắt và khuấy đảo thị trường Việt Nam với nhiều màu sắc vàng, trắng, đen, xanh lam, xanh lục lam với thiết kế khá giống với xe tay ga Vespa LX của Piaggio Việt Nam. Nhiều người có thu nhập thấp đã chọn mua xe tay ga Diamond Blue vì giá thấp hơn, nhưng sản phẩm lại hình dáng bên ngoài tương đồng với Vespa LX của Piaggio Việt Nam.
Ngay lập tức, Piaggio Việt Nam bắt đầu cuộc chiến pháp lý đối với xe tay ga Diamond Blue khi cho rằng thiết kế Diamond Blue rất giống thiết kế xe tay ga của chính hãng vốn nổi tiếng trong giới người tiêu dùng nhiều năm, và do vậy, đã sao chép thiết kế kiểu dáng của xe tay ga Vespa LX và vi phạm một cách trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ của Piaggio Việt Nam.
Xe tay ga Diamond Blue được sản xuất và lắp ráp bởi một công ty địa phương có tên “Công ty Cổ phần Lisohaka” (sau đây gọi là “Lisohaka”), một công ty liên kết của “Công ty Máy móc và Xe máy Vinashin”. Các bộ phận, linh kiện và động cơ khác nhau cho xe tay ga Diamond Blue được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáng chú ý là động cơ của xe tay ga Diamond Blue mang nhãn hiệu “Honda” được cho là nhập khẩu từ Shanghai Sundiro Honda Motorcycle, một nhà máy của Honda đặt tại Trung Quốc. Mặc dù sở hữu kiểu dáng sản phẩm giống xe tay ga Vespa LX của Piaggio Việt Nam, nhưng đại diện của Lisohaka đã khẳng định lại kiểu dáng công nghiệp của xe tay ga Diamond Blue là hoàn toàn hợp pháp vì họ đã đăng ký kiểu dáng với Cục SHTT Việt Nam.
Sau khi nhận được kiến nghị của Piaggio Việt Nam, một số cơ quan chức năng tại Việt Nam đã tiến hành thu giữ xe tay ga Diamond Blue trong khi Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi “Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ” đã cấp cho xe tay ga Diamond Blue.
Để bác bỏ các cáo buộc xâm phạm quyền SHTT, Lisohaka chủ động xin ý kiến giám định về khả năng vi phạm giữa xe tay ga Vespa LX của Piaggio Việt Nam và xe ga Diamond Blue của Lisohaka tại Viện nghiên cứu sở hữu trí tuệ Việt Nam (“VIPRI“). VIPRI là một cơ quan giám định độc lập của nhà nước có nhiệm vụ đưa ra ý kiến chuyên môn về một hành vi vi phạm bị cáo buộc. Trên thực tế, ý kiến chuyên môn của VIPRI có thể được yêu cầu bởi chủ sở hữu quyền SHTT, người bị cáo buộc vi phạm hoặc cơ quan thực thi trong các thủ tục thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, dựa trên đó họ xác định xem có hành động tiếp theo hay không (ví dụ: đệ trình vụ việc cho cơ quan thực thi Việt Nam để xử lý, phản bác lại các khiếu nại về xâm phạm quyền SHTT hoặc quyết định thụ lý để xử lý).
VIPRI, sau khi xem xét vụ việc, đã đưa ra kết luận giám định rằng chưa thể kết luận có hành vi vi phạm do Piaggio Vietnam không có bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam đối với xe tay ga Vespa LX của họ. Theo nghĩa rộng hơn, Piaggio Việt Nam không có lý do gì để cho rằng Lisohaka đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Piaggio Việt Nam, mặc dù nhiều người thừa nhận rằng chiếc xe tay ga Diamond Blue là sản phẩm nhái lại chiếc xe tay ga Vespa LX của Piaggio Việt Nam.
Những điều cần ghi nhớ
1. “Mất bò mới lo làm chuồng” đã trở thành câu nói phổ biến của cộng đồng SHTT tại Việt Nam, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gần đây. Ngày nay, việc đăng ký với dụng ý xấu hoặc ăn cắp ý tưởng thiết kế của một sản phẩm diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù kiểu dáng công nghiệp Vespa LX là tài sản nổi tiếng của Tập đoàn Piaggio, nhưng không được bảo hộ quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, do đó các cơ quan thực thi của Việt Nam không có căn cứ để bảo vệ quyền lợi của pháp nhân Ý nói trên.
Đối với một chiếc xe tay ga mà hình thức bên ngoài cung cấp tất cả hoặc một phần nhận dạng thương hiệu cho người tiêu dùng, như Vespa LX, bảo vệ hình dáng bề ngoài cũng quan trọng như bảo vệ nhãn hiệu. Sự thành công của một sản phẩm thường bị ảnh hưởng bởi hình dáng bên ngoài của nó. Trong xu thế người tiêu dùng thường hướng đến tính thẩm mỹ của sản phẩm, vẻ ngoài của một sản phẩm thời trang thường có thể tương đương hoặc đôi khi, còn quan trọng hơn chức năng của nó. Ngày nay, một sản phẩm có mẫu mã đẹp thu hút nhiều người tiêu dùng hơn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới.
Đây hẳn là câu chuyện đớn đau cho Tập đoàn Piaggio, tập đoàn đã đầu tư nguồn lực tài chính đáng kể vào việc quảng bá và xây dựng thương hiệu, hình ảnh nhưng lại bỏ qua một khâu quan trọng là ưu tiên đăng ký kiểu dáng công nghiệp như một điều kiện tiên quyết để kinh doanh tại Việt Nam. Các đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ không bỏ qua các cơ hội hấp dẫn và không có lý do gì để chần chừ trong việc khai thác sai lầm của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ để trục lợi.
2. Giống như nhãn hiệu và sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chỉ có hiệu lực tại Việt Nam khi mà chủ sở hữu đã được đăng ký. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam cho phép chủ sở hữu độc quyền sản xuất thương mại, tiếp thị và bán sản phẩm của mình trong thời hạn tối đa là 15 năm. Chỉ khi được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, là chủ sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng mới có thể sử dụng các biện pháp hành chính, dân sự hoặc kiểm soát biên giới để chống lại hành vi bị nghi ngờ là xâm phạm.
3. VIPRI không phải là cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam. Cơ quan này có trách nhiệm cung cấp ý kiến chuyên môn/kết luận giám định về hành vi vi phạm bị cáo buộc. Ý kiến chuyên môn/kết luận giám định của VIPRI đóng vai trò là bằng chứng quan trọng và hiệu quả cần được tìm kiếm trước khi đệ trình một vụ nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT cho các cơ quan thực thi của Việt Nam để xử lý.
Xem thêm:
- Bảo hộ dưới dạng quyền kiểu dáng công nghiệp hay quyền tác giả, có thể bạn chưa biết !
- Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm theo Hệ thống La Hay – chìa khóa thành công cho doanh nghiệp tại Việt Nam
- ST25 – Cuộc chiến giữa những cái tên chưa có hồi kết
- Bị kiện vì sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ không đúng cách
- Quyền tác giả đánh bại quyền nhãn hiệu – Một vụ việc hay để hiểu hơn về lợi ích của đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam