Khiếu nại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Lazada như thế nào?
Sau đại dịch Covid-19, kinh doanh trên môi trường số vẫn tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ. Người tiêu dùng giờ đây đã quen với việc ngồi tại nhà mà vẫn mua được sản phẩm yêu thích mà không cần trực tiếp đi tới các trung tâm thương mại hay cửa hàng. Sàn giao dịch thương mại điện tử như một cầu nối kết nối và đáp ứng mọi nhu cầu giữa người mua và người bán. Nhưng cũng chính sự bùng nổ giao dịch mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử đang làm đau đầu các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khi cơ chế chống xâm phạm quyền trên các sàn thương mại điện tử còn nhiều bất cập. Trong khi đó, việc có quá nhiều các tài khoản bán hàng online được tạo ra, người tiêu dùng hoa mắt với hàng loạt các quảng cáo, chào mời mà không thể phân biệt được ai mới là chủ thể kinh doanh hợp pháp và đâu là hàng thật.
Làm việc với Shopee và Lazada
Foellie, một thương hiệu nước hoa dành cho nữ giới, đang đối mặt với tình trạng sao chép, mạo danh nhãn hiệu và xâm phạm quyền tác giả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Thông qua một công ty luật của Hàn Quốc, Laorganic, chủ sở hữu nhãn hiệu Foellie đã ủy quyền cho KENFOX IP & Law Office thực hiện các thủ tục luật định để bảo vệ cho thương hiệu này tại Việt Nam. Ngăn chặn nhanh chóng tình trạng quảng cáo, bán hàng giả tràn lan được Laorganic và KENFOX IP & Law Office xác định là hành động cấp thiết, cần được ưu tiên thực hiện trong thời gian sớm nhất để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với uy tín, danh tiếng của thương hiệu Foellie, đồng thời, bảo vệ cho sức khỏe người tiêu dùng.
Với kinh nghiệm gần 20 năm xử lý, chống xâm phạm quyền SHTT, KENFOX IP & Law Office đã kiến nghị các chiến lược nhằm xử lý vấn đề này hiệu quả. Cuộc gặp giữa KENFOX IP & Law Office với Lazada, Shopee, Công ty Luật Hàn Quốc và nhà phân phối chính thức của thương hiệu Foellie đã được tổ chức tại văn phòng của Shopee và Lazada. Dưới đây là một số ảnh chụp trong buổi làm việc.
Trong buổi họp, các bên đã thảo luận thực trạng xâm phạm quyền SHTT trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhấn mạnh các tổn hại mà chủ thể quyền đang phải gánh chịu và nguy cơ, rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Vũ Quân cho biết, để xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT, các sàn giao dịch thương mại điện tử cần phản ứng nhanh hơn nữa đối với các khiếu nại xâm phạm quyền SHTT từ chủ thể quyền, tiếp nhận và thiết lập quy trình xử lý nhanh gọn, thuận tiện, đặc biệt, không thể nhân nhượng hay thỏa hiệp với các chủ thể bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, thậm chí là hàng xách tay vì đó là những mặt hàng trốn thuế, không đóng thuế vào ngân sách nhà nước, gây thất thoát ngân sách. Ngoài ra, Shopee và Lazada cần siết chặt kiểm soát đối với các chủ sở hữu tài khoản được mở ra để bán hàng tại sàn thương mại điện tử. Cụ thể, cần có văn bản cam kết không bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT từ chủ thể mở tài khoản và áp dụng chế tài không cấp hay phê duyệt tài khoản cho những tổ chức/cá nhân nếu bị xử phạt về hành vi xâm phạm quyền SHTT trong một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, có thể yêu cầu tổ chức/cá nhân mở tài khoản phải có văn bản giải trình, cung cấp bằng chứng về hàng hóa được chào bán nếu Shopee hay Lazada nhận được khiếu nại từ chủ thể quyền SHTT.
Đại diện Shopee và Lazada đánh giá cao các ý kiến và kinh nghiệm mà ông Quân chia sẻ. Các bên đã vạch ra các hành động ưu tiên, trong khi vẫn tuân thủ các chính sách khiếu nại xử lý xâm phạm quyền SHTT đc 2 sàn thương mại điện tử thiết lập.
Làm gì khi phát hiện bên thứ ba chào bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên Shopee hay Lazada?
Thực tế, khi phát hiện bên thứ ba quảng cáo, chào bán sản phẩm nghi ngờ là hàng giả hay xâm phạm quyền SHTT được bán trên các sàn thương mại điện tử, chủ thể quyền nên cân nhắc thực hiện quy trình bốn bước sau đây:
Thứ nhất, xác định các giấy ủy quyền bán hàng đã cấp cho các nhà phân phối nào tại Việt Nam.
Thứ hai, xác định danh tính đối tượng bán hàng. Trong phân mô tả sản phẩm trên Shopee hay Lazada, có thể có thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại của bên bán hàng. Bạn cần thu thập thông tin này mới có thể chỉ rõ đối tượng vi phạm trong đơn khiếu nại hoặc đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHTT gửi tới Cơ quan thực thi của Việt Nam.
Thứ ba, gửi đơn khiếu nại đến Lazada hay Shopee trên platform, tuân thủ các yêu cầu, chi tiết trong platform này. Các bạn có thể tham khảo yêu cầu về đơn khiếu nại, các tài liệu cần cung cấp…
Thứ tư, rà soát để tìm ra các đối tượng bán hàng giả trên quy mô lớn, tiến hành các hành động cứng rắn nhằm tạo tác động răn đe, ngăn chặn với các đối tượng vi phạm tiềm năng.
Khiếu nại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Shopee như thế nào?
Xem hướng dẫn quy trình xử lý khiếu nại từ Shopee: tại đây
Tài liệu phải cung cấp cho mỗi lĩnh vực khiếu nại:
1. Đối với “Hàng giả” hay “xâm phạm nhãn hiệu” tại Việt Nam
(i) Thư ủy quyền (nếu người khiếu nại không phải là chủ sở hữu);
(ii) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam;
(iii) Hướng dẫn bằng hình ảnh / Bảng giá;
(iv) Đơn khiếu nại theo mẫu Shopee (được kí tên, đóng dấu và chỉ rõ link sản phẩm/tài khoản người bán bị khiếu nại). => Đơn khiếu nại tải tại đây
2. Đối với xâm phạm “bản quyền” hay xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam
(i) Thư ủy quyền (nếu người khiếu nại không phải là chủ sở hữu)
(ii) Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tại Việt Nam, nếu có
(iii) Bằng chứng hình ảnh
(iv) Đơn khiếu nại theo mẫu Shopee (được kí tên, đóng dấu và chỉ rõ link sản phẩm/tài khoản người bán bị khiếu nại). => Đơn khiếu nại tải tại đây
3. Đối với xâm phạm “Kiểu dáng công nghiệp” tại Việt Nam
(i) Thư ủy quyền (nếu người khiếu nại không phải là chủ sở hữu)
(ii) Giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp
(iii) Đơn khiếu nại theo mẫu Shopee (được kí tên, đóng dấu và chỉ rõ link sản phẩm/tài khoản người bán bị khiếu nại). => Đơn khiếu nại tại đây
4. Đối với xâm phạm “sáng chế” tại Việt Nam
(i) Thư ủy quyền (nếu người khiếu nại không phải là chủ sở hữu)
(ii) Giấy chứng nhận bằng sáng chế
(iii) Đơn khiếu nại theo mẫu Shopee (được kí tên, đóng dấu và chỉ rõ link sản phẩm/tài khoản người bán bị khiếu nại). => Đơn khiếu nại tại đây
Khiếu nại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Lazada như thế nào?
Lazada khuyến khích chủ thể quyền SHTT tại Việt Nam gửi khiếu nại xâm phạm quyền SHTT qua nền tảng IPP. Hãy truy cập tài liệu hướng dẫn tại đây để thực hiện:
Bước đầu tiên, bạn cần đăng ký Nền Tảng IPP “Đăng ký tài khoản nền tảng bảo vệ sở hữu trí tuệ” tại: https://ipp.alibabagroup.com/register.htm?_localeChangeRedirectToken=1
Sau đó, đăng nhập vào: (Nền Tảng IPP)
Hoặc bạn có thể gửi khiếu nại bằng việc điền thông tin vào các trường ở phía cuối của đường link này:
Bởi Nguyen Vu QUAN
Partner & IP Attorney
Xem thêm:
- Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức
- Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ nội dung xâm phạm phạm bản quyền tại Việt Nam như thế nào?
- Chiến Dịch Quyết Liệt Chống Hàng Giả RP7: Làm Sao Để Xử Lý Hiệu Quả Hành Vi Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ tại Việt Nam?
- Cơ chế thông báo và gỡ bỏ vi phạm chống lại các xâm phạm SHTT trên môi trường số tại Việt Nam
- Nguyên tắc lãnh thổ của nhãn hiệu có áp dụng đối với sàn thương mại điện tử đa quốc gia?
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Rủi ro vì sử dụng nhãn hiệu không đúng cách
- Hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu không trung thực ở Việt Nam
- Đâu là chiến lược giành lại nhãn hiệu khi chưa đăng ký tại Việt Nam?
- Sử dụng nhãn hiệu trên website có được coi là bằng chứng hợp lệ để chống lại yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam?