Từ Trung Quốc đến Việt Nam: Bí Mật Kinh Doanh Bị Đánh Cắp – Doanh nghiệp cần lưu ý những gì?
Bạn sẽ làm gì nếu bí mật kinh doanh (“BMKD”) mà bạn dày công vun đắp bỗng nhiên bị đánh cắp bởi chính những người tin tưởng nhất – nhân viên của bạn? BMKD là vũ khí lợi hại giúp doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh và gặt hái thành công. Tuy nhiên, nguy cơ đánh cắp bí mật luôn rình rập, đe dọa sự tồn vong của bất kỳ doanh nghiệp nào. Xâm phạm bí mật kinh doanh không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho doanh nghiệp mà còn phá hoại uy tín, làm suy giảm lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Mới đây, Tòa án Nhân dân Vũ Hán đã đưa ra phán quyết trong vụ án xâm phạm BMKD, liên quan đến Dou Moumou và Li Moumou. Cả hai cá nhân này đã phải trả giá đắt cho hành vi vi phạm, bất chấp đạo đức kinh doanh khi đánh cắp bí mật kỹ thuật của Công ty Hao để trục lợi bất chính.
Vụ án tại Trung Quốc: Thủ đoạn đánh cắp bí mật kinh doanh tinh vi
Dou Moumou và Li Moumou từng là đồng nghiệp tại Công ty Hao. Li Moumou, với vai trò phụ trách kỹ thuật, có quyền truy cập vào các BMKD quan trọng của công ty. Thay vì bảo vệ thông tin này, Li Moumou đã chia sẻ bí mật với Dou Moumou. Cùng nhau, họ thành lập công ty riêng và sử dụng các BMKD đánh cắp để sản xuất sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với công ty cũ của họ.
Hành vi trái phép này giúp họ sản xuất và bán các sản phẩm sao chép, gây thiệt hại to lớn cho Công ty Hao và vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh của Trung Quốc. Do đó, Công ty Hao đã khởi kiện 2 nhân viên cũ của họ.
Bác bỏ các cáo buộc trong vụ kiện, Li Moumou cho rằng mình có được BMKD thông qua việc đọc ngược các sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, bằng chứng trong vụ án chứng minh rằng người này có thể tiếp xúc với các bí mật kỹ thuật liên quan đến vụ án, bí mật kỹ thuật thu được thực tế là do quá trình tiếp xúc và nắm giữ trong thời gian làm việc tại công ty, không phải là kỹ thuật phân tích ngược xét dưới góc độ pháp lý. Bị cáo Dou Moumou và Li Moumou đã làm việc cùng nhau trong Công ty Hao. Dou Moumou biết rằng Li Moumou là người phụ trách kỹ thuật cho vị trí sản xuất của Công ty Hao, có thể tiếp cận bí mật kỹ thuật của công ty, nên đề xuất Li Moumou thành lập Công ty Rui Moumoo, sản xuất cùng loại sản phẩm với công ty cũ của họ.
Sau khi thẩm tra kỹ lưỡng các bằng chứng do nguyên đơn cung cấp, Tòa án đã bác bỏ lập luận của bị đơn, khẳng định cả hai đã liên kết chặt chẽ để thực hiện hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nguyên đơn. Cả hai bị cáo đều đóng vai trò chủ chốt trong vụ án và phải chịu hình phạt thích đáng.
Bí mật kinh doanh: Xâm phạm thì bị xử lý như thế nào tại Việt Nam?
BMKD là đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp và được bảo hộ theo quy định về sở hữu công nghiệp. BMKD là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh [Điều 4.23 Luật SHTT]. BMKD được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo vệ bí mật kinh doanh mà không cần phải đăng ký bảo hộ. Như vậy, cơ chế xác lập quyền đối với BMKD tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng với pháp luật thế giới.
Hành vi nào bị coi là xâm phạm MBKD
Hành vi xâm phạm BMKD được xếp vào hai nhóm hành vi, gồm: (i) “cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi theo Nghị định 46/2024/NĐ-CP và (ii) “cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại” theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP.
Như vậy, cùng là hành vi xâm phạm BMKD nhưng chủ thể vi phạm có thể bị xử lý theo một trong hai cơ chế của pháp luật Việt Nam. Thông thường, việc lựa chọn cơ chế xử lý phù hợp phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng vụ việc dựa trên các yếu tố như: (i) Mục đích của hành vi vi phạm: Hành vi xâm phạm nhằm mục đích thu lợi cạnh tranh cho bản thân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị hại hay hành vi xâm phạm không nhằm mục đích cạnh tranh, ví dụ như trả thù, tống tiền và (ii) Tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi: Gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị hại, có ảnh hưởng rộng lớn đến thị trường (hành vi nghiêm trọng) hay gây thiệt hại ít ỏi, ảnh hưởng hạn chế.
Dưới góc độ Sở hữu Trí tuệ, Điều 127.1 Luật SHTT quy định 6 hành vi bị coi là xâm phạm BMKD:
[i] Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
[ii] Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
[iii] Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
[iv] Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
[v] Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được từ hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh;
[vi] Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm theo quy định.
Dưới góc độ thương mại, Điều 45.1(a) Luật cạnh tranh 2018 quy định quy định 2 hành vi bị coi là xâm phạm BMKD:
[i] Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
[ii] Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Chế tài nào áp dụng đối với hành vi xâm phạm BMKD
Các tổ chức, cá nhân xâm phạm bí mật kinh doanh có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính và/hoặc dân sự. Cụ thể:
Chế tài hành chính:
Dưới góc độ Sở hữu Trí tuệ, việc thực hiện hành vi xâm phạm BMKD theo quy định tại Điều 127.1 Luật SHTT bị áp dụng các chế tài hành chính quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ, sửa đổi theo Nghị định 46/2024/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, dưới góc độ cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại, mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân là từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Chế tài dân sự:
Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ như Hợp đồng, kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hay bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ sở hữu BMKD có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án xét xử hành vi xâm phạm BMKD theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tại Việt Nam, nguy cơ xâm phạm BMKD của công ty hoặc các tổ chức kinh doanh do nhân viên, người lao động là khá cao. Điều này là do tính chất công việc, họ có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu, quy trình bí mật của công ty. Do đó, pháp luật Việt Nam còn thiết lập các quy định riêng để điều chỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của người lao động khi xâm phạm BMKD. Cụ thể, Điều 125 Bộ luật lao động 2019 quy định rằng Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là sa thải.
Ngoài ra, người lao động nếu có hành vi vi phạm thỏa thuận về bảo vệ BMKD thì phải sẽ bồi thường theo thoả thuận của hai bên hoặc theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan được quy định tại Điều 4.3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về xử lý bồi thường thiệt hại khi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Bảo vệ bí mật kinh doanh: Những hành động doanh nghiệp cần thực hiện
Khắc phục những những lỗ hổng trong việc bảo vệ bí mật kinh giúp doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ khiến cho bí mật kinh doanh bị bộc lộ hoặc đánh cắp. Doanh nghiệp cần thiết lập chiến lược bảo mật toàn diện để bảo vệ tối đa BMKD của mình.
[1] Thỏa thuận bảo mật / Không tiết lộ (Non-Disclosure Agreement – NDA)
Áp dụng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) có thể là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ bí mật kinh doanh của công ty. NDA cần quy định chi tiết nghĩa vụ bảo mật của các bên ký kết, bao gồm những thông tin nào được coi là bí mật, cách thức bảo vệ thông tin, và các biện pháp xử lý nếu vi phạm (như bồi thường thiệt hại, chấm dứt hợp đồng). NDA giúp các bên ký kết nhận thức rõ ràng hơn về giá trị của thông tin bí mật và nghĩa vụ, trách nhiệm, hậu quả pháp lý nếu xâm phạm BMKD. Điều này giúp răn đe các hành vi xâm phạm BMKD và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
[2] Các hành động khác
Ngoài việc áp dụng NDA, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật kinh doanh khác vì
NDA chỉ có hiệu lực khi các bên ký kết tuân thủ đúng nghĩa vụ bảo mật. Nếu thông tin bí mật bị tiết lộ do nguyên nhân khác (ví dụ như hack máy tính), NDA không thể bảo vệ công ty.
- Xây dựng hệ thống bảo mật chặt chẽ: Doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống bảo mật chặt chẽ như: Hạn chế quyền truy cập vào bí mật kinh doanh chỉ cho những nhân viên thực sự cần thiết. Sử dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật như mật khẩu, mã hóa dữ liệu, tường lửa… để bảo vệ thông tin. Theo dõi và giám sát hoạt động truy cập vào BMKD. Cập nhật phần mềm và hệ thống bảo mật thường xuyên.
- Nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên: BMKD luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm phạm bởi chính nội bộ nhân viên. Việc tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về tầm quan trọng của BMKD, quy định rõ ràng về hành vi vi phạm BMKD và các biện pháp kỷ luật, khuyến khích cán bộ nhân viên báo cáo các hành vi vi phạm BMKD cũng là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho nội bộ doanh nghiệp về bảo vệ BMKD. Nhờ vậy, họ ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ BMKD và hạn chế tối đa nguy cơ vi phạm. Doanh nghiệp cần đầu tư đúng mức cho hoạt động đào tạo về BMKD.
- Thực hiện các biện pháp an ninh: Doanh nghiệp cần kiểm soát và hạn chế việc mang tài liệu, thiết bị lưu trữ bí mật kinh doanh ra ngoài công ty, kiểm soát việc sao chép, in ấn và lưu trữ BMKD, xóa bỏ BMKD khi không còn cần thiết và bảo vệ an ninh vật lý tại nơi lưu trữ BMKD.
- Thực hiện các biện pháp pháp lý: Việc ghi chép và lưu giữ bằng chứng về hành vi vi phạm, đồng thời khởi kiện hoặc yêu cầu xử lý vi phạm với cơ quan chức năng có thể tạo tác động răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai, tạo tiền lệ pháp lý, giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và đòi lại công lý.
Lời kết
Bí mật kinh doanh không chỉ đơn thuần là thông tin, mà còn là mồ hôi, nước mắt và tâm huyết của doanh nghiệp. Bất kỳ hành vi đánh cắp hay tiết lộ BMKD đều là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật, đồng thời gây ra những tổn thất to lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Áp dụng chiến lược bảo mật, dù toàn diện đến đâu cũng chỉ giúp hạn chế tối đa, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn mọi rủi ro trước nguy cơ bị mất BMKD. Nhưng cần nhớ rằng, phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Đỗ Thị Phấn |Special Counsel
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm
- Xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam: Biện pháp nào hiệu quả?
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi khởi kiện xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam – Những điều quan trọng cần ghi nhớ
- Chống Xâm Phạm SHTT Hiệu Quả: Tại Sao Cần Bảo Hộ Dưới Nhiều Hình Thức Tại Việt Nam?
- Lật tẩy đường dây hàng giả thực phẩm chức năng: Khởi tố hình sự vụ hàng giả nhãn hiệu của Hàn Quốc
- Bị kiện vì sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ không đúng cách
- Làm Gì Nếu Nhãn Hiệu Của Bạn Bị Đăng ký Trái Phép Tại Việt Nam?
- Nhãn hiệu chữ Trung Quốc: Vẫn được bảo hộ hay đã “hết thời”?
- Sản phẩm mới sắp ra mắt: Đừng để kiểu dáng sản phẩm bị “đánh cắp”!
- Dụng Ý Xấu – Bí Quyết Chứng Minh Dụng Ý Xấu Và Giành Lại Nhãn Hiệu
- Chứng cứ trong các vụ án Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam
- Thu thập bằng chứng thuyết phục: Chìa khóa chiến thắng trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam