Nhãn hiệu chữ Trung Quốc: Vẫn được bảo hộ hay đã “hết thời”?
Câu hỏi này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc tại Việt Nam. Trước năm 2005, các nhãn hiệu chỉ có chữ Trung Quốc vẫn được xem là có khả năng phân biệt tự thân và được cấp Văn bằng bảo hộ (“VBBH”) nếu đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bảo hộ. Việc bảo hộ nhãn hiệu chỉ chứa chữ Trung Quốc phù hợp với quy định về pháp luật Sở hữu Công nghiệp (“SHCN”) có hiệu lực từ năm 1982 đến năm 2005.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022 (“Luật SHTT 2005”) đã có những thay đổi đáng kể, dẫn đến nhiều tranh luận về việc liệu nhãn hiệu chữ Trung Quốc có còn được bảo hộ tại Việt Nam hay không.
Thay đổi từ Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005
Sau khi Luật SHTT 2005 được ban hành và có hiệu lực, các nhãn hiệu “chỉ chứa chữ Trung Quốc” sẽ không được bảo hộ dưới tư cách nhãn hiệu. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đã đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chữ Trung Quốc trước đó.
Tranh chấp về nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc
Một số chủ đơn khi đăng ký nhãn hiệu kết hợp chứa “một thành phần có khả năng phân biệt” và “chữ Trung Quốc” cho rằng: Do Luật SHTT hiện hành của Việt Nam không còn bảo hộ riêng “chữ Trung Quốc”, nên nhãn hiệu xin đăng ký cần được đồng tồn tại với nhãn hiệu chứa “chữ Trung Quốc” đã và đang được bảo hộ trước khi có Luật SHTT năm 2005. Việc Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu kết hợp với lý do rằng “chữ Trung Quốc” trong nhãn hiệu xin đăng ký trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu “chữ Trung Quốc” đã được bảo hộ theo luật pháp về SHCN trước đây là không thực sự hợp lý. Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký (có chứa chữ Trung Quốc trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu “chữ Trung Quốc” đã và đang được bảo hộ) có thể dẫn đến vi phạm quyền SHTT của các chủ sở hữu nhãn hiệu chữ Trung Quốc đó, đồng thời gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Quan điểm về việc bảo hộ nhãn hiệu chữ Trung Quốc
Dưới góc độ này, KENFOX IP & Law Office cung cấp một số nhận định về vấn đề nêu trên như sau:
Xét dưới góc độ luật pháp về SHTT, trừ khi bị chấm dứt hay hủy bỏ hiệu lực, nhãn hiệu đã được cấp VBBH vẫn được bảo hộ, bảo vệ và thực thi đầy đủ theo pháp luật Việt Nam.
Luật pháp ở bất kỳ quốc gia nào đều có thể thay đổi theo thời gian, để phù hợp với thực tiễn hoặc các giác độ khác mà các nhà làm luật cân nhắc. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của pháp luật, bao gồm việc bảo vệ quyền SHTT, luôn được thượng tôn. Đối với nhãn hiệu đã được đăng ký hợp lệ trước khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực, quyền SHTT của chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn được bảo hộ, bất kể điều kiện bảo hộ theo luật pháp hiện hành có thay đổi.
Ngoài ra, một điểm quan trọng khác mà các chủ đơn đăng ký nhãn hiệu cần lưu ý là, theo điều khoản chuyển tiếp trong Luật SHTT 2005: “căn cứ huỷ bỏ hiệu lực các văn bằng bảo hộ thì chỉ áp dụng quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ”. Điều khoản chuyển tiếp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nhãn hiệu “chỉ chứa chữ Trung Quốc” đã được bảo hộ trước khi có Luật SHTT 2005. Theo đó:
- Nhãn hiệu có chứa chữ Trung Quốc đã đăng ký trước thời điểm có hiệu lực của Luật SHTT 2005 vẫn được xem là có giá trị và được bảo vệ, ngay cả khi nó không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ theo quy định hiện tại.
- Các nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc, nếu đã được cấp VBBH trước năm 2005, vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và quyền lợi được bảo hộ, trừ khi VBBH đó bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp Văn bằng bảo hộ.
- Chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi, bao gồm quyền sử dụng, quyền cho phép sử dụng, hay chuyển nhượng nhãn hiệu, hay quyền ngăn cấm hành vi xâm phạm, quyền chuyển nhượng,
Nói một cách rõ ràng hơn, mặc dù các điều kiện bảo hộ có thể đã thay đổi sau khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực, các nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc đã được đăng ký và thỏa mãn các điều kiện bảo hộ vào thời điểm cấp văn bằng vẫn sẽ tiếp tục được bảo hộ. Điều này đồng nghĩa với việc chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn được hưởng đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật tại thời điểm xác lập quyền đối với nhãn hiệu đó.
Việc chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký chứa “chữ Trung Quốc” trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu “chữ Trung Quốc” đã và đang được bảo hộ trước khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực sẽ tước đi các quyền lợi hợp pháp mà chủ sở hữu nhãn hiệu hiện đang hưởng. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của tài sản trí tuệ mà còn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về SHTT, biến một tài sản có giá trị trở nên vô giá trị, gây ra sự bất công và làm suy yếu hệ thống bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.
Tóm lại, lập luận rằng “Do Luật SHTT hiện hành của Việt Nam không còn bảo hộ riêng “chữ Trung Quốc”, nên nhãn hiệu xin đăng ký cần được đồng tồn tại với nhãn hiệu chứa “chữ Trung Quốc” đã và đang được bảo hộ trước khi có Luật SHTT năm 2005” là không phù hợp. Nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chữ Trung Quốc có thể được xem xét bảo hộ nếu có khả năng phân biệt đủ mạnh và phù hợp với các quy định hiện hành. Điều này không có nghĩa là nhãn hiệu đó sẽ được đồng tồn tại một cách tự động với nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc đã được bảo hộ trước Luật SHTT 2005.
Nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chữ Trung Quốc: Một số lưu ý quan trọng
Mặc dù chữ Trung Quốc không được bảo hộ riêng, để tránh các từ chối ảnh hưởng tiêu cực đến việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, các chủ đơn cần lưu ý như sau:
- Nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chữ Trung Quốc không được xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể khác.
- Nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chữ Trung Quốc phải có khả năng phân biệt với các nhãn hiệu của người khác đã và đang được bảo hộ.
- Chữ Trung Quốc trong nhãn hiệu xin đăng ký không được trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “chữ Trung Quốc” đã và đang được bảo hộ.
Nếu nhãn hiệu xin đăng ký tại thời điểm hiện tại xung đột và/hoặc có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ hay các đặc tính khác của nhãn hiệu so với nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu khác (kể cả trường hợp nhãn hiệu đối chứng đó chỉ chứa “chữ Trung Quốc”, đã được đăng ký từ rất lâu và hiện không thỏa mãn điều kiện bảo hộ theo pháp luật hiện tại như nói ở trên), nhãn hiệu xin đăng ký sẽ bị từ chối bảo hộ. Chủ đơn không thể lập luận rằng, lẽ ra nhãn hiệu xin đăng ký cần được bảo hộ hay phải được đồng tồn tại với nhãn hiệu đối chứng có trước.
Lời kết
Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc tại Việt Nam vẫn đang là một chủ đề nóng và thu hút nhiều tranh luận và quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù Luật SHTT 2005 đã có những thay đổi quan trọng, không bảo hộ các nhãn hiệu “chỉ chứa chữ Trung Quốc”, nhưng điều này không có nghĩa rằng những nhãn hiệu này đã “hết thời”. Các nhãn hiệu đã được đăng ký trước năm 2005 vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và được bảo vệ theo luật định.
Do đó, các doanh nghiệp sở hữu những nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc được bảo hộ trước thời điểm có hiệu lực của Luật SHTT 2005 vẫn có thể tiếp tục sử dụng và hưởng các quyền lợi bảo hộ mà pháp luật quy định. Quyền SHTT của họ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi sau này của luật pháp, trừ khi nhãn hiệu bị chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực.
Với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, KENFOX IP & Law Office hiểu rõ những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong việc bảo hộ quyền SHTT. Chúng tôi đã hỗ trợ thành công nhiều khách hàng trong việc duy trì và bảo vệ quyền lợi đối với các nhãn hiệu chứa chữ Trung Quốc, ngay cả khi có sự thay đổi trong luật pháp. Với sự am hiểu sâu sắc về quy định pháp luật và khả năng xử lý linh hoạt trước các thay đổi pháp lý, KENFOX cam kết đồng hành cùng bạn, giúp bạn xác lập và bảo vệ quyền SHTT một cách hiệu quả tại Việt Nam.
Nguyễn Vũ QUÂN | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm:
- Bị kiện vì sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ không đúng cách
- Có nhãn hiệu cũng không thể xử lý hành vi vi phạm của người khác, vì đâu nên nỗi?
- Xung đột tên thương mại – nhãn hiệu tại Việt Nam: Giải quyết thế nào?
- Xử lý hiệu quả xung đột giữa nhãn hiệu và bản quyền tại Việt Nam theo Điều 73.7 Luật SHTT như thế nào?
- Nhãn hiệu và tên thương mại: Bài học nào từ vụ kiện nhãn hiệu dược phẩm gần đây tại Việt Nam?
- Phản đối nhãn hiệu ở Việt Nam: Căn cứ pháp lý nào và làm sao để áp dụng hiệu quả?
- Hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu không trung thực ở Việt Nam
- Phản đối và hủy bỏ nhãn hiệu tại Việt Nam dựa trên bằng chứng về sử dụng rộng rãi – Những lưu ý để giành thắng lợi trong các tranh chấp nhãn hiệu
- Lợi Dụng Uy Tín, Danh Tiếng Của Chủ Nhãn Hiệu Đích Thực: Chứng Minh Thế Nào?
- Đăng Ký Nhãn Hiệu Tại Việt Nam: Những Điều Bạn Cần Biết
- Dụng Ý Xấu – Bí Quyết Chứng Minh Dụng Ý Xấu Và Giành Lại Nhãn Hiệu
- Chứng minh người nộp đơn “biết” hoặc “có cơ sở để biết” trong các vụ việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu như thế nào?
- Thực tiễn về nhãn hiệu – sử dụng quyền tác giả có trước đối với việc phản đối và chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu
- Sử dụng nhãn hiệu hoặc sẽ mất quyền nhãn hiệu
- Đầu cơ nhãn hiệu – xu hướng báo động cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
- Chiến lược sử dụng chứng cứ trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
- Đăng Ký Nhãn Hiệu Với Dụng Ý Xấu – Làm Sao Chứng Minh Ý Định, Động Cơ Của Người Nộp Đơn