KENFOX IP & Law Office > Dịch vụ  > Việt Nam  > SHTT  > Bản quyền  > 6 lợi ích khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam – Tại sao tác phẩm nên được đăng ký với Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam?

6 lợi ích khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam – Tại sao tác phẩm nên được đăng ký với Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam?

 

Để phù hợp với Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam cũng quy định tại Điều 6.1 rằng “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Quy định này cho thấy việc đăng ký quyền tác giả không phải là điều kiện tiên quyết để được bảo hộ quyền tác giả và tiến hành các hành động pháp lý. Một tác phẩm đương nhiên được bảo hộ tại Việt Nam mà không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Mặc dù không bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng do nhận thức chưa đầy đủ đối với các quy định pháp luật về quyền tác giả tại Việt Nam, nên việc đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả được khuyến khích mạnh mẽ. Dưới đây là 6 lợi ích của việc sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam:

1. Chủ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam không phải chứng minh quyền sở hữu đối với quyền tác giả và các quyền liên quan trong tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 của Luật SHTT Việt Nam. Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam là bằng chứng hiển nhiên về hiệu lực của quyền tác giả đối với tác phẩm.

2. Việc sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam giúp chủ sở hữu dễ dàng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho người khác, được hưởng thù lao và tiền bản quyền từ việc cho phép bên thứ ba sử dụng tác phẩm đã đăng ký hoặc tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc.

3. Các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được nộp cùng với đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm bản quyền theo thủ tục hành chính hoặc yêu cầu khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả giúp các cơ quan thực thi dễ dàng hơn trong việc thụ lý giải quyết vụ vi phạm quyền tác giả bởi vì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thể hiện đầy đủ thông tin của chủ sở hữu/tác giả.

4. Việc đăng ký quyền tác giả cũng giúp xác định ngày công bố tác phẩm khi xử lý các vấn đề vi phạm. Trong các cáo buộc vi phạm quyền tác giả, một trong những điều quan trọng là truy ngược lại ngày tác phẩm được tạo ra và xuất bản và thời điểm kể từ ngày bắt đầu vi phạm bị cáo buộc.

5. Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (“ECCR”) là cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đưa ra ý kiến giám định về quyền tác giả, quyền liên quan, chịu trách nhiệm giám định hành vi xâm phạm quyền tác giả, không chấp nhận cung cấp ý kiến giám định nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Để nộp đơn yêu cầu giám định từ ECCR, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là tài liệu cần thiết. Xin lưu ý rằng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do một quốc gia không thuộc Công ước Berne vẫn được chấp nhận để ECCR đưa ra ý kiến chuyên môn về khả năng vi phạm quyền tác giả tại Việt Nam.

6. Việc đăng ký sớm tác phẩm tại Việt Nam giúp hạn chế tối đa nguy cơ bị tổ chức/cá nhân khác chiếm đoạt quyền đăng ký và trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm.

Đọc thêm: