Luật pháp và thực tế: Rào cản yêu cầu bồi thường trong các vụ vi phạm bản quyền ở Việt Nam
Giá chuyển giao quyền sử dụng sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những căn cứ pháp lý được quy định tại Điều 205.1(b) của Luật SHTT Việt Nam để xác định yêu cầu bồi thường trong các vụ tranh chấp SHTT. Tuy nhiên, trong một vụ kiện xâm phạm SHTT đáng chú ý gần đây, cả hai cấp toà án – sơ thẩm và phúc thẩm đã đồng loạt bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên “giá chuyển giao” quyền SHTT. Vụ kiện không chỉ làm dấy lên những tranh luận không dứt về tính phức tạp của quy trình pháp lý, mà còn nêu bật một thách thức đáng kể trong việc xác định cơ sở và phương pháp để Tòa án định đoạt yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tại sao quá trình đòi bồi thường thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền SHTT lại nan giải như vậy? Để làm rõ câu hỏi này, chúng tôi điểm qua một vài nét về vụ tranh chấp, trên cơ sở đó, rút ra những bài học giá trị, giúp cho những chủ thể quyền nắm rõ hơn về cơ chế và thực tiễn liên quan đến khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong các vụ xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam.
Bối cảnh
Bên vi phạm là một công ty cung cấp trang thiết bị giáo dục có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị phát hiện sử dụng trái phép chương trình máy tính chuyên dụng của một công ty phần mềm Hoa Kỳ. Sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công ty Việt Nam đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng (khoảng 1.300 USD). Chương trình máy tính vi phạm đã bị gỡ bỏ theo quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Công ty phần mềm Hoa Kỳ đã đệ đơn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu bồi thường hơn 500.000 USD, con số này tương đương với giá trị của chương trình máy tính nguyên mô-đun bị sao chép trái phép. Đáng chú ý, phần mềm này đã được các đại lý phân phối hợp pháp tại Việt Nam với mức giá tương đương. Không dừng lại ở đó, nguyên đơn còn yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai và thanh toán chi phí pháp lý lên đến 300 triệu đồng (khoảng 13.000 USD).
Cả tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định quyền SHTT của nguyên đơn đã bị xâm phạm, nhưng bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại, với lý do nguyên đơn không chứng minh được những tổn thất vật chất cụ thể, như tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại theo quy định của Điều 204.1(a) của Luật SHTT.
Bài học rút ra
Giá chuyển giao – một căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các vụ xâm phạm quyền SHTT
Điều 205, Luật SHTT trao cho chủ thể quyền SHTT các cơ sở, cơ chế để yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao gồm thiệt hại về vật chất (dựa trên tổn thất về tài sản, thu nhập, lợi nhuận của bên vi phạm, giá chuyển giao hoặc các tổn thất vật chất khác), thiệt hại về tinh thần và chi phí hợp lý để thuê luật sư. Đáng chú ý, Điều 205.1(b) của Luật SHTT công nhận “giá chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT” là cơ chế pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để làm rõ về giá chuyển giao quyền SHTT, Điều 2, mục I phần B của Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP quy định rằng: Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT quy định tại điểm b khoản 1 Điều 205 của Luật sở hữu trí tuệ được xác định theo một trong các cách như sau: “b.2) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ giả định được xác định theo phương pháp xác định số tiền mà bên có quyền (bên nguyên đơn) và bên được chuyển giao (bên bị đơn) có thể đã thoả thuận vào thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, nếu các bên tự nguyện thoả thuận với nhau về khoản tiền đó”.
Cụ thể, nếu nguyên đơn chứng minh được quyền sử dụng đối tượng SHTT đã được chuyển giao cho bên thứ ba tại Việt Nam, thì có thể cung cấp cho tòa án các tài liệu liên quan như thỏa thuận chuyển giao, hóa đơn và chứng từ xác nhận việc chuyển giao quyền SHTT cho bên thứ ba (người được chuyển giao). Các tài liệu này là bằng chứng cho thấy quyền sử dụng đối tượng SHTT đã thực sự được chuyển giao cho bên thứ ba tại Việt Nam. Với việc đưa ra bằng chứng cụ thể này, chủ sở hữu quyền SHTT tại Việt Nam có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên “giá chuyển giao quyền SHTT”. Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật có thể buộc bị đơn phải bồi thường cho chủ sở hữu quyền SHTT một số tiền tương đương với giá chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT đã được ấn định.
Biện pháp pháp lý này thiết lập một cơ chế rõ ràng cho chủ thể quyền SHTT, đảm bảo họ có thể bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, việc cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn, bất chấp các quy định rõ ràng của Điều 205.1(b), cho thấy những thách thức khi theo đuổi các biện pháp tố tụng. Vụ việc được chuyển lên Tòa án Tối cao cho thấy tính phức tạp, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải thích và áp dụng luật một cách nhất quán.
Vụ việc nêu trên cho thấy người nắm giữ quyền SHTT phải chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ và xây dựng chiến lược pháp lý một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Ngay cả khi có những quy định pháp luật định rõ ràng, cũng cần phải có sự tham gia của các luật sư SHTT có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú để đảm bảo cơ hội chắc chắn hơn cho quy trình khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, vụ kiện này còn cho thấy tầm quan trọng của sự kiên trì trong việc kháng cáo các phán quyền chưa thỏa đáng để việc các quy định của pháp luật về SHTT được diễn giải một cách đúng đắn.
Giải thích của tòa án và các thách thức
Trong vụ án nêu trên, tòa án bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dựa trên “giá chuyển giao quyền SHTT”. Cụ thể, tòa án từ chối thừa nhận lập luận của nguyên đơn rằng thiệt hại có thể xảy ra khi xem xét các cơ hội kinh doanh bị mất, đặc biệt là khả năng bán chương trình máy tính cho bị đơn với mức giá tương đương với mức giá mà các khách hàng khác trong cùng thị trường đã trả trước đó.
Rất có thể thẩm phán đã tuân theo một nguyên tắc đã có từ lâu để nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp vi phạm quyền SHTT tại Việt Nam, nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế và trực tiếp do người vi phạm gây ra. Điều này có nghĩa là cung cấp cho tòa án bằng chứng cụ thể chứng minh những tổn thất hữu hình, chẳng hạn như thiệt hại về tài sản, giảm thu nhập, giảm lợi nhuận, cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ hoặc các chi phí chính đáng phát sinh để ngăn ngừa và khắc phục thiệt hại. Chứng cứ được đưa ra phải cụ thể, hợp pháp, xác lập được mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh.
Mặc dù “giá chuyển giao quyền SHTT” nêu tại Điều 205.1(b) cung cấp một phương pháp rõ ràng cho chủ thể quyền SHTT để yêu cầu bồi thường thiệt hại, việc từ chối của tòa án gây bối rối và làm dấy lên mối lo ngại đáng kể đối với chủ thể quyền SHTT đang theo đuổi việc kiện đòi bồi thường trong các vụ vi phạm ở Việt Nam.
Tình huống này nêu ra thách thức: nguyên đơn phải thiết lập mối liên hệ trực tiếp, rõ ràng giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh nếu họ muốn chứng minh thành công yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình.
Đối với những người nắm giữ quyền SHTT ở Việt Nam, vụ việc này trở thành bài học có giá trị và là một lời nhắc nhở quan trọng: Chỉ dựa vào những khả năng mang tính lý thuyết, chẳng hạn như cơ hội kinh doanh bị mất, có thể không đủ để chứng minh tổn thất thực tế bị mất nếu không các có bằng chứng cụ thể hơn. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có tài liệu rõ ràng, chính xác về mặt pháp lý và có sự tham gia của các luật sư SHTT có chuyên môn sâu rộng. Hiểu được bối cảnh pháp lý và sự cần thiết của bằng chứng chắc chắn có thể nâng cao đáng kể khả năng thành công của chủ thể quyền SHTT trong việc đòi bồi thường thiệt hại, ngay cả trong bối cảnh hệ thống pháp luật phức tạp của Việt Nam.
Phán quyết đối lập của Tòa án
Trong một vụ vi phạm quyền SHTT đáng chú ý khác, một công ty Hoa Kỳ đã khởi sự vụ kiện vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Điều thú vị là, trong trường hợp này, tòa án đã chấp nhận bằng chứng liên quan đến “giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT” làm cơ sở hợp lệ và thừa nhận đó là tổn thất vật chất thực tế mà chủ sở hữu quyền SHTT phải gánh chịu. Theo đó, tòa án đã tuyên mức bồi thường lên tới gần 5 tỷ đồng cho chủ thể quyền SHTT khi xét xử vụ án kiện hành vi vi phạm bản quyền xảy ra tại Việt Nam. Vụ việc này nêu bật sự tương phản rõ rệt của các quyết định tư pháp trong bối cảnh pháp luật Việt Nam. Trong khi một số tòa án công nhận và đề cao tầm quan trọng của “giá chuyển giao quyền SHTT” như một tiêu chí hợp pháp để đánh giá thiệt hại, bằng chứng là khoản bồi thường đáng kể được đưa ra trong vụ kiện này, thì những tòa án khác, như đề cập trong vụ việc trên, đã bác bỏ các yêu cầu tương tự, gây bối rối và lo ngại cho những người nắm giữ quyền SHTT. Sự khác biệt trong các phán quyết này nhấn mạnh sự cần thiết phải có tính nhất quán và rõ ràng hơn trong việc giải thích và áp dụng pháp luật SHTT để đảm bảo đối xử công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Để biết thêm chi tiết, hãy xem bài viết của chúng tôi có tiêu đề “Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?”
Lời kết
Vụ kiện đòi bồi thường nêu trên rõ ràng không chỉ là một cuộc chiến về tiền bạc, mà quan trọng hơn, nó là cuộc đấu tranh để làm sáng tỏ một cơ chế bồi thường đã được luật định. Việc giải thích và áp dụng cơ chế bồi thường dựa trên “giá chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT” có thể khác nhau giữa các tòa án ở Việt Nam, dẫn đến kết quả không giống nhau cho các vụ việc có bản chất tương tự. Các phán quyết của tòa án ở hai cấp xét xử phản ánh cách tiếp cận, lập trường nghiêm ngặt và có phần cứng nhắc của các thẩm phán khi yêu cầu bằng chứng về các tổn thất vật chất thực tế, thay vì bằng chứng về các tổn thất cơ hội kinh doanh tiềm tàng, khiến việc xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường trở thành một thách thức khó vượt qua.
Sự hiểu biết hạn chế về luật SHTT và cơ chế bồi thường có thể dẫn đến những phán quyết không phù hợp khi xét đến mức độ phức tạp ngày càng lớn của các tranh chấp, xâm phạm SHTT. Do đó, đạt được thành công trong yêu cầu bồi thường trong các vụ kiện về SHTT là một nỗ lực đầy thách thức, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đáng kể như chất lượng và tính đầy đủ của bằng chứng được đưa ra trước tòa, các lập luận pháp lý do các bên liên quan đệ trình, cũng như sự am hiểu và chuyên môn của các thẩm phán về luật SHTT. Đây chính là nguyên nhân tạo ra các cách giải thích, diễn giải pháp luật khác nhau của các thẩm phán, khiến cho kết quả của các vụ kiện trở nên khó lường.
Trong bối cảnh các tranh chấp về SHTT ngày càng phức tạp và biến đổi không ngừng, các luật sư SHTT có chuyên môn sâu rộng đóng vai trò quan trọng hành trình bảo vệ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Với 14 năm hoạt động, KENFOX đã và đang hỗ trợ các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước xử lý thành công nhiều vụ xâm phạm, tranh chấp quyền SHTT phức tạp tại Việt Nam. Năm 2023, KENFOX đã giành được thắng lợi trong một vụ kiện liên quan đến quyền SHTT cho một trong những siêu tập đoàn dược phẩm của Việt Nam. Xem chi tiết bài viết tại: “Nhãn hiệu và tên thương mại: Bài học nào từ vụ kiện nhãn hiệu dược phẩm gần đây tại Việt Nam?”. Thành công này không chỉ phản ánh sự chuyên nghiệp và hiểu biết sâu sắc về luật SHTT của đội ngũ KENFOX, mà còn khẳng định uy tín và năng lực của chúng tôi trong việc xử lý những thách thức pháp lý phức tạp nhất.
Tác giả: Nguyễn Vũ QUÂN
Partner & IP Attorney
Xem thêm:
- Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ nội dung xâm phạm phạm bản quyền tại Việt Nam như thế nào?
- Bồi thường gần 5 tỷ đồng do xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam: Những bài học cần rút ra?
- Cuộc chiến chống xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam – tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức