Quy Trình Đăng Ký Nhãn Hiệu tại Việt Nam: Vì Sao Bạn Phải Theo Sát Mọi Bước?
Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là nộp đơn và chờ cấp văn bằng. Quy trình này bao gồm nhiều giai đoạn quan trọng như: thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung và cuối cùng là quyết định cấp hoặc từ chối văn bằng bảo hộ. Mỗi bước đều tiềm ẩn các rủi ro pháp lý hoặc kỹ thuật có thể dẫn đến việc trì hoãn, thậm chí từ chối bảo hộ nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời. Thời gian xử lý thông thường kéo dài từ 12 đến 18 tháng, nhưng có thể lâu hơn nếu phát sinh phản đối hoặc ý kiến từ bên thứ ba.
Với kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng, KENFOX IP & Law Office cung cấp dịch vụ đại diện toàn diện, giúp chủ sở hữu nhãn hiệu theo dõi sát từng bước trong quy trình đăng ký, đảm bảo các thủ tục được thực hiện kịp thời, đúng luật và tránh các rủi ro phát sinh.
1. Thẩm định hình thức (khoảng 1 tháng)
- Ngay sau khi nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) sẽ tiến hành thẩm định hình thức trong vòng khoảng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn nhằm kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ, việc nộp phí, lệ phí và sự phù hợp của đơn với các yêu cầu về hình thức. Việc thẩm định bao gồm kiểm tra tính chính xác của thông tin, phân nhóm hàng hóa/dịch vụ đúng theo bảng phân loại Nice, và việc mẫu nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chí cơ bản.
- Nếu đơn có thiếu sót hoặc sai sót, Cục SHTT sẽ ra Thông báo thiếu sót hình thức, yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung (thường trong thời hạn 02 tháng, có thể được gia hạn một lần).
- Nếu đơn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hình thức, Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức.
2. Công bố đơn (khoảng 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ)
- Sau khi được chấp nhận về hình thức, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn khoảng 2 tháng.
- Việc công bố này nhằm thông báo công khai để bên thứ ba có thể nộp đơn phản đối nếu cho rằng nhãn hiệu xâm phạm quyền của họ. Bên thứ ba có thể nộp phản đối trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày công bố. Sau thời hạn này, bên thứ ba vẫn có thể gửi ý kiến của người thứ ba đến Cục SHTT.
3. Thẩm định nội dung (khoảng 9–12 tháng kể từ ngày công bố đơn, nhưng có thể dài hơn)
- Cục SHTT sẽ đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ của nhãn hiệu dựa trên các căn cứ tuyệt đối và tương đối. Điều này bao gồm việc xác định khả năng phân biệt của nhãn hiệu và sự phù hợp với các quy định pháp luật.
- Nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đồng thời yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng. Sau khi người nộp đơn hoàn tất việc nộp lệ phí, Cục SHTT sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
- Nếu có căn cứ từ chối bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do từ chối. Người nộp đơn có thời hạn 3 tháng kể từ ngày ra thông báo để nộp văn bản trả lời, có thể kèm theo lập luận, chứng cứ hoặc đơn sửa đổi. Thời hạn này có thể được gia hạn một lần theo yêu cầu.
4. Nếu công văn phúc đáp không được chấp thuận thì sao?
Nếu sau khi xem xét ý kiến phản hồi của người nộp đơn mà Cục SHTT vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối, cơ quan này sẽ ra Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
[1] Khiếu nại lần thứ nhất tại Cục SHTT (khiếu nại nội bộ)
- Sau khi nhận được Quyết định từ chối, người nộp đơn có quyền nộp đơn khiếu nại lần thứ nhất (còn gọi là khiếu nại nội bộ) trực tiếp tại Cục SHTT.
- Thời hạn: Đơn khiếu nại phải được nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được Quyết định từ chối.
[2] Khiếu nại lần hai tại Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại bên ngoài)
- Nếu sau khi giải quyết khiếu nại lần thứ nhất, Cục SHTT vẫn giữ nguyên quyết định từ chối, hoặc người nộp đơn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, họ có thể nộp đơn khiếu nại lần thứ hai tới Bộ Khoa học và Công nghệ – cơ quan cấp trên trực tiếp của Cục SHTT.
- Thời hạn: Thông thường phải nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu.
[3] Khởi kiện hành chính
- Ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình khiếu nại, người nộp đơn đều có thể lựa chọn không tiếp tục khiếu nại hành chính mà thay vào đó khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền. Ngoài ra, nếu không hài lòng với kết quả khiếu nại, người nộp đơn vẫn có thể tiến hành khởi kiện.
- Thời hạn: Việc khởi kiện hành chính để yêu cầu hủy bỏ Quyết định từ chối của Cục SHTT hoặc của Bộ Khoa học và Công nghệ phải được thực hiện trong thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định bị khiếu kiện.
Lời kết
Đăng ký nhãn hiệu không chỉ là nền móng cho quá trình xây dựng thương hiệu, mà còn là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ tài sản trí tuệ – yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, quy trình này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ và phản ứng kịp thời ở mọi bước, từ việc nộp đơn, thẩm định hình thức, công bố, thẩm định nội dung, cho đến xử lý các từ chối và phản đối. Chỉ một sơ suất nhỏ hoặc sự chậm trễ trong theo dõi cũng có thể khiến doanh nghiệp đánh mất quyền bảo hộ, chịu tổn thất pháp lý, hoặc bị trì hoãn nghiêm trọng trong chiến lược kinh doanh.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, KENFOX IP & Law Office cam kết đồng hành cùng bạn trên toàn bộ hành trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Chúng tôi không chỉ giúp đảm bảo hồ sơ được xử lý đúng quy định, mà còn giúp bạn chủ động ứng phó với mọi tình huống phát sinh – để quá trình bảo hộ nhãn hiệu của bạn trở nên hiệu quả, tiết kiệm và bền vững.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm:
- Nhãn hiệu của bạn bị từ chối bảo hộ tại Việt Nam? Tìm hiểu cách khiếu nại và giành chiến thắng
- Có nên bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối tạm thời tại Việt Nam?
- Vượt qua dự định từ chối đối với đăng ký Quốc tế chỉ định tại Việt Nam – Khó nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc
- Philipp Plein đã khiếu nại Quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào?
- Từ chối bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam, Lào và Campuchia: Ranh giới mong manh giữa nhãn hiệu mang tính mô tả hay chỉ mang tính gợi ý
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Tại sao việc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam của bạn bị từ chối?
- Làm thế nào để khiếu nại thành công từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Campuchia? 6 câu hỏi bạn cần biết
- Khiếu nại thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu xin đăng ký mang tính mô tả tại Việt Nam như thế nào?
- Khi Nào “Tình Tiết Mới” Được Chấp Nhận Trong Khiếu Nại Về Sở Hữu Trí Tuệ Tại Việt Nam?
- Thu thập bằng chứng thuyết phục: Chìa khóa chiến thắng trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam
- Giám định xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam: Bốn điểm quan trọng cần lưu ý
- Phản đối nhãn hiệu hay ý kiến của người thứ ba: Lựa chọn nào tốt hơn?
- Nhãn hiệu dược phẩm bị phản đối tại Việt Nam: Chiến lược nào để bảo vệ thành công?