KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Stream-Ripping: Việt Nam và Cuộc Chiến Chống Sao Chép Nội Dung Trực Tuyến

Stream-Ripping: Việt Nam và Cuộc Chiến Chống Sao Chép Nội Dung Trực Tuyến

Tải về

Bạn có biết rằng mỗi khi bạn tải nhạc hoặc video từ YouTube bằng các công cụ không chính thức, bạn đang tham gia vào một hoạt động có thể vi phạm bản quyền? Từ những bản nhạc, video đến các chương trình truyền hình được tải xuống mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu và sự sáng tạo của các nghệ sĩ. “Stream ripping” (sao chép nội dung trực tuyến) không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Những tác động tiêu cực mà nạn sao chép nội dung trực tuyến gây ra cho các nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung có thể rất nghiêm trọng và khó lường.

Thực trạng “Stream ripping” tại Việt Nam hiện nay ra sao, các chế tài nào có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm bản quyền và các giải pháp nào có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền tác giả sẽ được KENFOX IP & Law Office giải đáp trong bài viết này.

1. Stream ripping: Thực trạng sao chép nội dung trực tuyến hiện nay tại Việt Nam ra sao?

Stream ripping” trong tiếng Việt có thể được gọi là “rip luồng” hoặc “rip nội dung trực tuyến” hay “sao chép nội dung trực tuyến”.

“Sao chép nội dung trực tuyến” hay “Stream ripping“, đề cập đến việc sử dụng phần mềm hoặc dịch vụ web để chuyển đổitải xuống nội dung từ các phương tiện truyền thông trực tuyến, như video, bản nhạc, hoặc các chương trình truyền hình, từ các trang web như YouTube, Spotify và các nền tảng khác, nơi nội dung này thường chỉ được dùng để xem hoặc nghe tạm thời. Về bản chất, hành vi này cho phép người dùng lưu trữ vĩnh viễn nội dung trực tuyến vào thiết bị của họ, cho phép họ truy cập nội dung này ngoại tuyến mà không cần phải có giấy phép hoặc sự đồng ý từ chủ sở hữu bản quyền. Hành vi này thường được coi là vi phạm bản quyền vì nó vi phạm các thỏa thuận cấp phép và cơ chế pháp lý bảo vệ bản quyền nhằm điều chỉnh cách phân phối và truy cập nội dung.

Thuật ngữ “ripping” (“sao chép”) trong bối cảnh kỹ thuật số đề cập đến quá trình trích xuất dữ liệu âm thanh hoặc video từ các nguồn như CD, DVD, phương tiện truyền phát trực tuyến, hoặc các nguồn phương tiện kỹ thuật số khác, và chuyển đổi nó thành định dạng tệp có thể được lưu trữ, phát và quản lý trên máy tính hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. “Ripping” thường được sử dụng để chuyển nội dung từ phương tiện vật lý như CD sang định dạng kỹ thuật số thuận tiện hơn, ví dụ như MP3 cho âm thanh hoặc MP4 cho video. Điều này cho phép người dùng dễ dàng truy cập, sắp xếp và truyền tải nội dung trên các thiết bị cá nhân mà không cần phương tiện vật lý gốc.

Mặc dù việc “ripping” (“sao chép”) cho mục đích cá nhân có thể được coi là “hợp pháp” ở một số khu vực pháp lý theo các quy định về miễn trừ trách nhiệm khi sử dụng “hợp lý”, việc này có thể trở thành “bất hợp pháp” nếu nội dung sao chép được phân phối mà không có sự cho phép hoặc vi phạm các quy định trong luật bản quyền.

Theo báo cáo mới nhất của Nghiên cứu Người tiêu dùng Âm nhạc năm 2023 do Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI) thực hiện, Việt Nam có tỷ lệ nghe nhạc lậu cao nhất thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một tỷ lệ đáng báo động là 66% người dân Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 44 thừa nhận họ thường xuyên nghe nhạc lậu, tỷ lệ này gấp hơn hai lần mức trung bình toàn cầu là 29%. Phương thức phổ biến nhất là sao chép nội dung trực tuyến, hay còn gọi là “Stream ripping”, với 63% người được hỏi thừa nhận đã tải nhạc không được cấp phép từ các trang như YouTube thông qua các website và ứng dụng không được phép như Y2MateSnapTube. Ngoài ra, 35% số người được hỏi đã dùng các công cụ khóa mạng để tiếp cận nội dung âm nhạc bất hợp pháp, và 29% đã lựa chọn các trang BitTorrent như ThePirateBay. Đáng chú ý, Y2Mate, một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất, đã chứng kiến hơn 53 triệu lượt truy cập từ Việt Nam trong năm 2023. Số liệu này là một hồi chuông cảnh báo về mức độ phổ biến của việc vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam, đồng thời là một lời kêu gọi cấp thiết đối với các nhà làm luật và ngành công nghiệp âm nhạc trong nỗ lực kiềm chế tình trạng này.

Y2Mate, một trong bảy trang web trích xuất nội dung trực tuyến hàng đầu thế giới, được cho là vận hành từ Việt Nam, gây chú ý lớn trong cộng đồng mạng. Dù đã tự nguyện áp dụng biện pháp chặn truy cập theo vị trí địa lý (geoblocking) cho người dùng từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp và Đức để tuân thủ quy định, trang web này vẫn có thể truy cập được tại những quốc gia đó. Đáng chú ý, để né tránh các hạn chế, nhà điều hành đã tạo ra các trang sao chép nội dung trực tuyến thay thế, làm dấy lên những câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nội dung số và các thách thức trong việc thực thi quyền SHTT.

2. Chế tài: Tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền bị xử phạt như thế nào?

Các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan được quy định lần lượt tại Điều 28Điều 35 Luật SHTT năm 2022. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể được chia thành 3 nhóm: (i) nhóm hành vi xâm phạm quyền nhân thân; (ii) nhóm hành vi xâm phạm quyền tài sản; (iii) nhóm hành vi xâm phạm các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.

Theo các quy định hiện hành, chủ sở hữu quyền tác giả có thể yêu cầu cơ quan thực thi có thẩm quyền áp dụng các chế tài hành chính, dân sự, hoặc hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả. Chế tài áp dụng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và bản chất của hành vi xâm phạm.

[1] Chế tài hành chính: Như xử phạt tiền, tịch thu hàng hóa giả mạo, tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Mức phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bản quyền phụ thuộc vào loại hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện.

STTChủ thể vi phạmMức phạt tiền tối đaGhi chú
1Cá nhân250.000.000 đồngNghị định 131/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
2Tổ chức500.000.000 đồng

[2] Chế tài dân sự: Bao gồm các biện pháp như yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, hoặc các biện pháp khắc phục khác.

Quyền SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng là một quyền dân sự về tài sản nên bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm đến quyền tác giả. Tuy nhiên, do bản chất vô hình của các tài sản trí tuệ, cơ chế bảo vệ và xử lý các vi phạm này có những đặc thù riêng biệt so với các loại tài sản hữu hình khác. Luật SHTT không chỉ định ra các hình thức trách nhiệm pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, mà còn nhằm mục đích khôi phục thiệt hại cho những người có quyền bị vi phạm.

STTChế tài dân sựChi tiếtGhi chú
1Buộc chấm dứt hành vi xâm phạmNgười vi phạm phải ngừng ngay lập tức mọi hành động xâm phạm quyền SHTTLuật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022
Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2Buộc xin lỗi, cải chính công khaiNgười vi phạm phải thực hiện xin lỗi và cải chính công khai thông qua các phương tiện truyền thông nhằm khôi phục danh dự, uy tín của chủ sở hữu quyền
3Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sựBao gồm các nghĩa vụ như khôi phục tình trạng ban đầu hoặc thực hiện các hành vi cụ thể khác để khắc phục hậu quả vi phạm
4Buộc bồi thường thiệt hạiBao gồm việc bồi thường thiệt hại, cả vật chất lẫn tinh thần. Nguyên đơn cần chứng minh thiệt hại thực tế và căn cứ xác định mức bồi thường theo Điều 205 của Luật SHTT
5Buộc tiêu hủy hoặc phân phối không nhằm mục đích thương mạiCác hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện chủ yếu dùng để sản xuất, kinh doanh sản phẩm vi phạm phải được tiêu hủy hoặc phân phối không nhằm mục đích thương mại, đảm bảo không ảnh hưởng tới khả năng khai thác quyền của chủ sở hữu.

[3] Chế tài hình sự: Áp dụng trong trường hợp các hành vi xâm phạm phạm quyền SHTT được coi là tội phạm theo Bộ luật Hình sự. 

Pháp luật SHTT quy định: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTTcó đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (Điều 212 Luật SHTT).

Bên cạnh đó, tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể:

CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
Điều KhoảnHành Vi Vi PhạmHình Phạt
Điều 225.1
  • Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phân phối đến công chúng các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
  • Phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.
  • Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 225.1
  • Phạm tội có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
  • Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Điều 225.3Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN
Điều 225.4(a)
  • Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phân phối đến công chúng các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Điều 225.4(b)
  • Phạm tội có tổ chức§  Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, hoặc§  Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm
Điều 225.4(c)Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng
  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc
  • Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3. Giải pháp: Nâng cao hiệu quả xử lý vấn nạn xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam bằng cách nào?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc bảo vệ quyền tác giả đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà các hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi. Cần nhận thức rõ ràng rằng, bảo vệ quyền tác giả không chỉ là bảo vệ người sáng tạo mà còn góp phần vào sự phát triển văn hóa và kinh tế của đất nước. Một hệ thống pháp luật được tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo và đổi mới, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Để bảo vệ quyền lợi cho các nhà sáng tạo và tác giả, chủ thể quyền SHTT và các cơ quan thực thi của Việt Nam cần thiết lập một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa các biện pháp pháp luật, công nghệ và sự giáo dục cộng đồng. Cụ thể:

  • Tăng cường tuyên truyền và giáo dục pháp luật: Việc tuyên truyền và giáo dục công chúng về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tác giả là hết sức cần thiết. Phổ biến rộng rãi các quy định của Luật SHTT thông qua các chiến dịch truyền thông, chương trình giáo dục cộng đồng, và tài liệu hướng dẫn để nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của công chúng.
  • Thắt chặt quản lý và thanh tra: Các cơ quan thực thi cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đặc biệt là đối với các nền tảng số và kinh doanh trực tuyến, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ứng dụng công nghệ trong giám sát và thực thi pháp luật, như sử dụng phần mềm để theo dõi và ngăn chặn việc phát tán nội dung bất hợp pháp trên mạng.
  • Sửa đổi và tăng mức phạt: Cần thiết kế lại hệ thống chế tài để đảm bảo tính răn đe và công bằng. Đề xuất sửa đổi luật hiện hành để tăng mức phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe. Đồng thời, các luật chuyên ngành nên cụ thể hóa trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, nhất là trên môi trường số.
  • Xây dựng hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trong việc bảo hộ quyền tác giả, để hưởng lợi từ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như đảm bảo thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Cải tiến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Tạo lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp để xử lý nhanh chóng và hiệu quả các vụ việc vi phạm.

Lời kết

Việt Nam đã thực hiện những bước tiến vượt bậc trong việc bảo vệ quyền SHTT trong việc bảo vệ quyền SHTT khi gia nhập Hiệp ước Bản quyền WIPO (WCT) và Hiệp ước Biểu diễn và Bản ghi âm của WIPO (WPPT), còn được gọi là Hiệp ước Internet WIPO, vào năm 2022. Sự kiện này, cùng với việc cải tổ sâu rộng Luật SHTT, cho thấy nỗ lực và quyết tâm không ngừng của chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc tăng cường bảo vệ quyền tác giả. Nhưng chống vi phạm bản quyền là cuộc chiến không có hồi kết ở hầu hết các khu vực pháp lý trên thế giới. Các đối tượng xâm phạm, với những thủ đoạn và công nghệ ngày càng tinh vi, đang không ngừng thách thức giới hạn của luật pháp, qua mặt các cơ quan thực thi và chủ sở hữu quyền. Rõ ràng, điều này đòi hỏi nỗ lực liên tục, đồng bộ và cả một chiến lược toàn diện mới có thể kiềm chế, ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam.

KENFOX IP & Law Office, với kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu rộng, đã và đang hỗ trợ thành công cho nhiều chủ thể quyền SHTT trong việc xử lý, thực thi quyền SHTT. Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần một đại diện SHTT chuyên nghiệp xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam.

Partner & IP Attorney

Đọc thêm: