Nhãn Hiệu Chứa Tên Gọi Của Tổ Chức Quốc Tế: KENFOX đã làm thế nào để khiếu nại thành công nhãn hiệu bị từ chối tại Campuchia?
Trên thực tế, những nhãn hiệu có chứa yếu tố là tên địa lý hoặc tên viết tắt của tổ chức liên chính phủ thường bị cơ quan đăng ký từ chối, với lý do vi phạm quy định cấm sử dụng biểu tượng, quốc huy, tên gọi của nhà nước hoặc tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, mới đây, KENFOX IP & Law Office đã thành công hỗ trợ chủ sở hữu nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Hệ thống Madrid trong việc đảo ngược quyết định từ chối tạm thời do Cục Sở hữu Trí tuệ Campuchia (DIP) ban hành đối với nhãn hiệu “CONEASEAN” – thuộc Đăng ký quốc tế số 1523889, bảo hộ cho các sản phẩm thuộc Nhóm 16 và 30.
Rào cản pháp lý: Việc sử dụng “ASEAN” và giới hạn đối với biểu tượng của các tổ chức liên chính phủ (IGO)
Ngay từ giai đoạn thẩm định ban đầu, Cục Sở hữu Trí tuệ Campuchia đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu với lý do nhãn hiệu có chứa từ “ASEAN”, vốn là tên viết tắt của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, một tổ chức liên chính phủ (IGO). Dẫn chiếu Điều 4(d) của Luật Nhãn hiệu Campuchia, Cục SHTT Campuchia cho rằng việc tích hợp tên gọi hoặc biểu tượng đại diện cho tổ chức liên chính phủ vào nhãn hiệu là hành vi bị luật cấm tuyệt đối. Trên cơ sở đó, nhãn hiệu bị kết luận là không đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ tại Campuchia.
Chiến lược phản hồi: Khẳng định tính phân biệt, áp dụng học thuyết nhãn hiệu thống nhất và dẫn chiếu tiền lệ quốc tế
Trước thông báo từ chối của Cục SHTT Campuchia, KENFOX đã trình bày các lập luận pháp lý chặt chẽ và thuyết phục, nhấn mạnh rằng nhãn hiệu “CONEASEAN” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bảo hộ. Cụ thể, lập luận tập trung vào những điểm chính sau:
- Nhãn hiệu “CONEASEAN” là từ ngữ được sáng tạo độc lập, không mang yếu tố mô phỏng hoặc liên tưởng trực tiếp đến bất kỳ tổ chức hay thực thể nào, đặc biệt là các tổ chức liên chính phủ.
- Về cả mặt hình ảnh lẫn ngữ âm, “CONEASEAN” được phát âm là /CO-NEA-SEAN/, hoàn toàn khác biệt so với “ASEAN”.
- Không hàm ý sự chứng nhận, tài trợ hay liên kết với bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào;
- Được trình bày dưới dạng chữ tiêu chuẩn, không có yếu tố đồ họa hoặc cách điệu dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Để tăng cường sức thuyết phục cho lập luận của mình, KENFOX còn cung cấp bằng chứng so sánh về việc nhãn hiệu tương tự đã được đăng ký thành công tại nhiều quốc gia khác trên thế giới mà không gặp phải bất kỳ sự từ chối nào tương tự. Điều này đã làm nổi bật sự thiếu nhất quán trong quyết định từ chối của Campuchia so với các tiêu chuẩn thẩm định nhãn hiệu quốc tế, đặc biệt là học thuyết nhãn hiệu thống nhất. Theo học thuyết này, giá trị của một nhãn hiệu phải được đánh giá dựa trên tổng thể của nó, thay vì chỉ tập trung vào việc phân tích từng thành phần riêng lẻ.
Kết Quả: Chính thức chấp thuận bảo Hộ cho nhãn hiệu “CONEASEAN”
Sau quá trình thẩm định toàn diện trên cơ sở hồ sơ pháp lý và hệ thống bằng chứng thuyết phục do KENFOX cung cấp, Cục Sở hữu Trí tuệ Campuchia đã ra quyết định hủy bỏ thông báo từ chối tạm thời. Thay vào đó, cơ quan này ban hành Quyết định công nhận khả năng đăng ký của nhãn hiệu “CONEASEAN”, chính thức trao cho nhãn hiệu quyền được bảo hộ tại Campuchia.
Thành công này không đơn thuần là sự ghi nhận đối với tính sáng tạo và đặc trưng của một nhãn hiệu, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho hiệu quả của chiến lược khiếu nại được xây dựng bài bản, có chiều sau. Đồng thời, vụ việc đã mở ra hướng tiếp cận mới, góp phần định hình cách tiếp cận mới trong việc đánh giá khả năng đăng ký của các nhãn hiệu có yếu tố liên quan đến tổ chức quốc tế, một phạm trù từng được xem là “vùng cấm” trong nhiều hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ.
Lời kết
Kết quả tích cực trong vụ việc “CONEASEAN” là minh chứng rõ ràng rằng một thông báo từ chối ban đầu không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa bảo hộ đã khép lại. Ngay cả khi nhãn hiệu có chứa yếu tố tương đồng với tên gọi hoặc từ viết tắt của các tổ chức liên chính phủ (IGO), cơ hội đăng ký vẫn hoàn toàn khả thi, miễn là nhãn hiệu thể hiện được tính phân biệt rõ ràng, không gây nhầm lẫn về mặt nhận thức, và được hỗ trợ bởi hệ thống lập luận pháp lý chặt chẽ cùng các tiền lệ quốc tế có giá trị tham chiếu.
Thành công mà KENFOX mang lại cho khách hàng trong vụ việc này chỉ là một chiến thắng pháp lý thuyết phục, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự kiên định, hiểu biết và chiến lược đúng đắn hoàn toàn có thể biến những rào cản tưởng chừng không thể vượt qua thành cơ hội để thiết lập tiền lệ, mở đường cho các nhãn hiệu sáng tạo vươn xa trong môi trường pháp lý quốc tế ngày càng khắt khe và biến động.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm
- Từ chối nhãn hiệu tại Campuchia: Làm Thế Nào “MONTECONO” Vượt Qua Hai Nhãn Hiệu Đối Chứng?
- 4 Chiến Lược Khiếu Nại Hiệu Quả Khi Nhãn Hiệu Bị Từ Chối Ở Campuchia và Những Gợi Mở Cho Nhà Đầu Tư Quốc Tế
- Từ Chối Nhãn Hiệu Ở Campuchia: Lộ Trình Xử Lý Từ Chối Nhãn Hiệu như thế nào?
- Tranh chấp nhãn hiệu với tên thương mại: Giải quyết thế nào tại Campuchia?
- Hệ Thống Madrid Và Những Rủi Ro Tiềm Ẩn: 4 Năm Giành Lại Thương Hiệu Từ Bờ Vực Thất Bại Tại Campuchia
- Làm thế nào để khiếu nại thành công từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Campuchia? 6 câu hỏi bạn cần biết
- Từ chối bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam, Lào và Campuchia: Ranh giới mong manh giữa nhãn hiệu mang tính mô tả hay chỉ mang tính gợi ý
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Từ chối nhãn hiệu chữ tiếng Trung Quốc tại Việt Nam: Lỗ hổng pháp lý hay quy định đã lỗi thời?
- Bình Minh kiện Bình Minh Việt: Những nhận định giá trị nào có thể rút ra?
- Thư Đồng Ý: Chìa Khóa Vượt Qua Từ Chối Nhãn Hiệu Của Cục SHTT?
- Quy trình thẩm định nhãn hiệu và các căn cứ phổ biến khiến cho nhãn hiệu bị từ chối tại Việt Nam
- Thu thập bằng chứng thuyết phục: Chìa khóa chiến thắng trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam