Thư Chấp Thuận Trong Đăng Ký Nhãn Hiệu Tại Việt Nam: KENFOX Đã Giúp Khách Hàng Vượt Qua Từ Chối Bảo Hộ Nhãn Hiệu Như Thế Nào?
Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam (Luật SHTT) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 65/2023/NĐ-CP và Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, không có bất kỳ điều khoản nào quy định rằng “Thư chấp thuận” (Letter of Consent – LOC) có thể tự động loại trừ nguy cơ gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu, hoặc mặc nhiên dẫn đến việc chấp thuận đơn đăng ký nhãn hiệu khi tài liệu này được nộp. Việc thiếu vắng một cơ chế pháp lý rõ ràng cho Thư chấp thuận đã tạo ra khoảng trống pháp lý đáng kể, khiến quy trình thẩm định trở nên khó dự đoán và thiếu nhất quán, đặc biệt đối với những trường hợp mà chủ đơn đã nỗ lực thương lượng và đạt được sự đồng thuận từ chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng.
Trên thực tế, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn có thể bác đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu đánh giá rằng sự tương tự giữa hai nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng – bất kể sự tồn tại của LOC. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, Thư chấp thuận chỉ được xem như một tài liệu tham khảo, mang tính hỗ trợ về mặt lập luận, chứ không mang tính quyết định hay ràng buộc pháp lý đối với kết quả thẩm định.
Trường hợp điển hình từ KENFOX IP & Law Office: ATTURRA và Altura
Tuy nhiên, gần đây, KENFOX IP & Law Office đã hỗ trợ thành công một khách hàng đến từ Australia – vượt qua Thông báo từ chối bảo hộ do Cục SHTT ban hành, với lý do nhãn hiệu “ATTURRA” bị cho là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng “ALTURA” đã được bảo hộ.
Để đạt được kết quả này, KENFOX IP & Law Office đã thực hiện một phân tích chuyên sâu và toàn diện về các yếu tố cấu thành nhãn hiệu, bao gồm:
- Khác biệt về cấu trúc và hình thức thể hiện: Nhãn hiệu “ATTURRA” gồm 7 chữ cái viết in hoa, trong đó chữ “T” và “R” lặp lại hai lần. Trong khi đó, nhãn hiệu “Altura” gồm 6 chữ cái, chỉ chữ “A” đầu tiên viết in hoa và các chữ cái còn lại viết thường, không có sự lặp lại ký tự. KENFOX IP & Law Office lập luận rằng sự khác biệt này tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ và giảm nguy cơ gây nhầm lẫn.
- Khác biệt về ngữ âm: Nhãn hiệu “ATTURRA” được phát âm là /æt – tɜː– ra/, còn nhãn hiệu “Altura” được phát âm là /ɔːl – tʃə – ra/. Mặc dù cả hai đều có ba âm tiết, nhưng hai âm tiết đầu hoàn toàn khác biệt, góp phần củng cố khả năng phân biệt rõ ràng.
- Khác biệt về ý nghĩa: “ATTURRA” là một từ tự tạo, không có trong bất kỳ từ điển hay ngôn ngữ nào, trong khi “Altura” có nghĩa là “cao” theo tiếng nước ngoài, mang tính mô tả cho các dịch vụ. Sự khác biệt về ý nghĩa này là một yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt.
- Bản chất chuyên biệt của các dịch vụ: Các dịch vụ thuộc Nhóm 42 của nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng đều là các dịch vụ khoa học, công nghệ, nghiên cứu và thiết kế liên quan đến công nghệ thông tin, máy tính và phần mềm, đòi hỏi chuyên môn cao. Người sử dụng các dịch vụ này là những đối tượng có hiểu biết nhất định, không phải người tiêu dùng thông thường, do đó họ sẽ có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp, giảm khả năng nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu có sự khác biệt rõ ràng.
- Thư chấp thuận: Chủ nhãn hiệu đối chứng đã đồng ý cấp thư chấp thuận cho chủ đơn, theo đó khẳng định không phản đối, khiếu nại việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu xin đăng ký.
Trên cơ sở các lập luận thuyết phục này của KENFOX, Cục SHTT đã ra Thông báo chấp thuận bảo hộ cho nhãn hiệu “ATTURRA” vào ngày 30/06/2025.
Một số điều cần lưu ý
1. Cục SHTT Việt Nam xem xét thư chấp thuận theo từng trường hợp cụ thể (case-by-case basis). Việc có thư đồng ý chưa đủ để khẳng định không có khả năng gây nhầm lẫn, không đồng nghĩa với việc loại trừ hoàn toàn khả năng gây nhầm lẫn, cũng không tạo ra nghĩa vụ pháp lý buộc Cục SHTT phải cấp văn bằng bảo hộ.
Trong quá trình thẩm định, Cục vẫn sẽ đánh giá độc lập và toàn diện để đảm bảo rằng sự đồng tồn tại của hai nhãn hiệu sẽ không gây nhầm lẫn nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là, sự tồn tại của Thư chấp thuận chỉ là một yếu tố tham khảo, chứ không phải cơ sở pháp lý bắt buộc khiến Cục SHTT phải chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký.
2. Sự đồng ý của chủ nhãn hiệu đối chứng là là một yếu tố có trọng lượng, nhưng yếu tố quan trọng hơn, mang tính quyết định lại nằm ở năng lực phân tích và chiến lược lập luận pháp lý của luật sư sở hữu trí tuệ. Thông báo từ chối bảo hộ của Cục SHTT thường được ban hành dựa trên các tiêu chí đánh giá chặt chẽ theo quy định pháp luật, nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn ngừa khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trên thị trường. Do đó, giá trị của thư chấp thuận chủ yếu nằm ở việc thể hiện sự thiện chí.
Để vượt qua rào cản này, vai trò quan trọng của luật sư sở hữu trí tuệ trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng là không thể phủ nhận. Các phân tích pháp lý sâu sắc, các lập luận chặt chẽ về cấu trúc, ngữ âm, ý nghĩa của nhãn hiệu làm rõ khả năng phân biệt thực sự giữa các nhãn hiệu, cùng với những phân tích am hiểu về sự khác biệt hoặc tính chất chuyên biệt của hàng hóa/dịch vụ liên quan, sẽ giúp củng cố quan điểm rằng, hai nhãn hiệu có thể tương tự ở một số khía cạnh, nhưng sự tương tự đó là chưa đủ để tạo ra nguy cơ gây nhầm lẫn đáng kể hoặc về tổng thể, chúng hoàn toàn có thể phân biệt được.
Lời kết
Trong bối cảnh pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có quy định về giá trị pháp lý của Thư chấp thuận, việc vượt qua nhãn hiệu đối chứng trong quá trình đăng ký nhãn hiệu không thể chỉ dựa vào thiện chí giữa các bên. Thư chấp thuận, dù mang tính hỗ trợ, vẫn chỉ là một phần trong bức tranh pháp lý phức tạp, nơi mà sự thành công phụ thuộc chủ yếu vào khả năng phân tích toàn diện, lập luận chặt chẽ, và chiến lược tiếp cận thông minh của luật sư sở hữu trí tuệ để vượt qua những rào cản từ Cục SHTT, ngay cả khi nhãn hiệu đối mặt với nguy cơ bị từ chối do xung đột với nhãn hiệu đối chứng.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm
- Thư Chấp Thuận Nhãn Hiệu Trong Nội Bộ Tập Đoàn: Phân Tích Pháp Lý, Thực Tiễn Và Khuyến Nghị
- Nhãn hiệu của bạn bị từ chối bảo hộ tại Việt Nam? Tìm hiểu cách khiếu nại và giành chiến thắng
- Có nên bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối tạm thời tại Việt Nam?
- Vượt qua dự định từ chối đối với đăng ký Quốc tế chỉ định tại Việt Nam – Khó nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc
- Philipp Plein đã khiếu nại Quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào?
- Từ chối bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam, Lào và Campuchia: Ranh giới mong manh giữa nhãn hiệu mang tính mô tả hay chỉ mang tính gợi ý
- Cách tiếp cận để vượt qua từ chối bảo hộ Nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với Nhãn hiệu đối chứng đã hết hiệu lực tại Việt Nam
- Tại sao việc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Việt Nam của bạn bị từ chối?
- Làm thế nào để khiếu nại thành công từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Campuchia? 6 câu hỏi bạn cần biết
- Khiếu nại thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu xin đăng ký mang tính mô tả tại Việt Nam như thế nào?
- Khi Nào “Tình Tiết Mới” Được Chấp Nhận Trong Khiếu Nại Về Sở Hữu Trí Tuệ Tại Việt Nam?
- Thu thập bằng chứng thuyết phục: Chìa khóa chiến thắng trong bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam
- Giám định xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam: Bốn điểm quan trọng cần lưu ý
- Phản đối nhãn hiệu hay ý kiến của người thứ ba: Lựa chọn nào tốt hơn?
- Nhãn hiệu dược phẩm bị phản đối tại Việt Nam: Chiến lược nào để bảo vệ thành công?