KENFOX IP & Law Office > Dịch vụ  > Việt Nam  > SHTT  > Kiểu dáng công nghiệp  > Phản đối đơn đăng ký Kiểu dáng Công nghiệp: Bí quyết nào để phản đối thành công?

Phản đối đơn đăng ký Kiểu dáng Công nghiệp: Bí quyết nào để phản đối thành công?

Tải về

Khi phát hiện kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được nộp đơn đăng ký bởi đối thủ cạnh tranh có thể gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của mình, bạn có quyền nộp Đơn Phản Đối, chính thức lên tiếng chống lại việc cấp Văn bằng bảo hộ cho Đơn đăng ký KDCN đó. Để đảm bảo Đơn Phản Đối thành công, bạn cần thực hiện các bước cụ thể và chiến lược hiệu quả phù hợp với các quy định của pháp luật về Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam.

KENFOX IP & Law Office, với 15 năm kinh nghiệm tư vấn và xử lý các vụ tranh chấp SHTT phức tạp, cung cấp một số khuyến nghị hữu ích giúp bạn phản đối Đơn đăng ký KDCN tại Việt Nam để ngăn chặn khả năng các KDCN đó ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích hợp pháp của bạn tại Việt Nam.

1. Quyền nộp đơn phản đối

Bất kỳ ai cũng có thể nộp Đơn Phản Đối việc đăng ký KDCN nếu họ cho rằng kiểu dáng đó không đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ.

2. Thời hạn nộp đơn phản đối

Đơn Phản Đối phải được nộp tới Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (“Cục SHTT”) trong vòng 04 tháng kể từ ngày công bố đơn đăng ký KDCN trên Công bố Sở hữu Công nghiệp (Điều 112a.1(b) Luật SHTT). Điều này có nghĩa rằng thời hạn nộp Đơn Phản Đối có hạn, vì vậy bạn cần hành động nhanh chóng ngay khi phát hiện Đơn đăng ký KDCN của đối thủ có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình. Đơn Phản Đối cấp bằng độc quyền KDCN phải được nộp trong thời hạn luật định. Bỏ lỡ thời hạn đồng nghĩa với việc mất quyền phản đối.

3. Cơ sở pháp lý

Đơn phản đối Đơn đăng ký KDCN có thể được nộp tới Cục SHTT dựa trên các căn cứ sau:

  • Quyền đăng ký: Chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với KDCN (thông qua các hồ sơ đăng ký sáng chế, thương hiệu liên quan đến KDCN. Bằng chứng về việc sử dụng, sản xuất, thương mại hóa kiểu dáng công nghiệp của bạn (hóa đơn, biên lai, hình ảnh, video,…).)
  • Quyền ưu tiên: Cung cấp bằng chứng về quyền ưu tiên nếu có.
  • Điều kiện bảo hộ (tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp): Chứng minh rằng KDCN của bên bị phản đối không đáp ứng điều kiện bảo hộ, chẳng hạn như thiếu tính mới hoặc tính sáng tạo (bằng cách so sánh trực tiếp kiểu dáng công nghiệp của bạn và kiểu dáng của đối thủ cạnh tranh. Chứng minh sự tương đồng về thiết kế, tính năng, hoặc các yếu tố khác. Phân tích điểm khác biệt (nếu có) và lý giải tính không đáng kể của những điểm khác biệt này). Bạn phải đảm bảo rằng tất cả các tài liệu, bằng chứng được sử dụng để phản đối đều có hoặc được tạo ra trước thời điểm đối thủ nộp đơn đăng ký KDCN
  • Các vấn đề khác liên quan đến Đơn đăng ký KDCN (KDCN gây phương hại đến trật tự, an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội).

4. Đánh giá căn cứ và tính xác đáng của ý kiến phản đối

Ý kiến phản đối được coi là có căn cứ nếu kèm theo tài liệu chứng minh hợp lệ. Đối với các vấn đề về điều kiện bảo hộ, ý kiến phản đối phải chứng minh được:

  • Bộc lộ: Bạn cần cung cấp tài liệu đầy đủ để chứng minh rằng KDCN xin đăng ký đã được công bố hay bộc lộ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn bị phản đối.
  • Không khác biệt đáng kể: Chứng minh KDCN bị phản đối không khác biệt đáng kể so với KDCN có trước.

Ý kiến phản đối được coi là “xác đáng” nếu:

  • Ý kiến có căn cứ và lập luận của bạn là chính đáng.
  • Cơ sở pháp lý chính xác, viện dẫn quy định pháp luật phù hợp.
  • Kiểu dáng công nghiệp đối chứng phù hợp, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp bị phản đối.

Ý kiến phản đối được coi là “không xác đáng” nếu:

  • Không có căn cứ hoặc lập luận không chính đáng.
  • Cơ sở pháp lý không chính xác hoặc viện dẫn quy định pháp luật sai lệch.
  • Kiểu dáng công nghiệp đối chứng không phù hợp, không ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp bị phản đối.

5. Thẩm định đơn phản đối

Cục SHTT sẽ đánh giá tính hợp lệ của bằng chứng và lập luận nêu trong Đơn Phản Đối.

  • Nếu Đơn Phản Đối được đánh giá là có cơ sở, Cục SHTT sẽ ban hành Thông báo và gửi cho người nộp đơn đăng ký KDCN và yêu cầu họ phản hồi trong thời hạn 02 tháng. Trong trường hợp cần thiết, Cục SHTT có thể thông báo cho bạn về ý kiến phản hồi của chủ đơn KDCN và yêu cầu bạn phản hồi lại trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thông báo.
  • Nếu Đơn Phản Đối được đánh giá là không có cơ sở, Cục SHTT sẽ thông báo cho cho bạn lý do bác bỏ Đơn Phản Đối.

Trong trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu từ cả hai bên, Cục SHTT có thể mời người nộp đơn và bạn đến để đối thoại trực tiếp nhằm làm rõ vấn đề phản đối.

Xử lý trường hợp tranh chấp liên quan đến quyền nộp đơn

  • Nếu ý kiến của bạn liên quan đến “quyền đăng kýcủa chủ đơn KDCN và Cục SHTT không thể xác định được ý kiến phản đối của bạn là có cơ sở hay không, bạn sẽ được thông báo để nộp đơn giải quyết vụ việc tại Tòa án.
  • Nếu bạn không nộp đơn khởi kiện trong thời hạn 02 tháng và không nộp cho Cục SHTT bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Cục SHTT coi như bạn đã rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối. Nếu nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án từ bạn trong thời hạn này, Cục SHTT sẽ tạm dừng việc xử lý đơn để để chờ kết quả giải quyết tranh chấp từ Tòa án và sau đó xử lý đơn theo kết quả đó.

Lời kết

Sân chơi” kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là khi đối thủ cạnh tranh “nhòm ngó” và sao chép ý tưởng của bạn. Đơn đăng ký KDCN trái phép chính là “vũ khí” mà họ sử dụng để “chiếm đoạt” thành quả sáng tạo của bạn. Do đó, nộp Đơn Phản Đối là một cách thức hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của bạn. Để tăng khả năng thành công trong việc phản đối đơn đăng ký KDCN, bạn cần cung cấp đầy đủ bằng chứng và lập luận chặt chẽ. Sử dụng các ví dụ cụ thể, viện dẫn các tiền lệ, và tài liệu chứng minh thuyết phục có thể tăng sức nặng cho lập luận của bạn. Việc phản hồi kịp thời các thông báo hay ý kiến của Cục SHTT và người nộp đơn đăng ký KDCN sẽ giúp Cục SHTT có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn về đơn đăng ký KDCN, hiểu rõ hơn về các khía cạnh liên quan đến KDCN xin đăng ký, trên cơ sở đó, đưa ra quyết định chính xác trong việc bảo hộ hay từ chối Đơn đăng ký KDCN.

Nguyễn Vũ Quân| Partner, IP Attorney