Vụ kiện rượu vodka Stolichnaya tại Việt Nam: Đâu là những vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ cần xem xét?
Tải về
Thương hiệu rượu vodka Nga, vốn được xem là biểu tượng của văn hóa, chất lượng và sự sang trọng, đang đối mặt với những thách thức pháp lý nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các nhãn hiệu vodka nổi tiếng như Stolichnaya đã phơi bày những vấn đề nhức nhối trong việc bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vụ kiện gần đây tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giữa Spirits International B.V. (SPI) và FKP Sojuzplodoimport (FKP) đã một lần nữa khơi lại những tranh cãi gay gắt về quyền SHTT, đặt ra những câu hỏi quan trọng về các nguyên tắc pháp lý cơ bản như: Tiêu chí xác định quyền sở hữu một nhãn hiệu, vai trò của các hiệp định quốc tế về SHTT, và khả năng của hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp xuyên quốc gia phức tạp. Vụ kiện không chỉ đặt ra những vấn đề pháp lý nan giải mà còn phản ánh những biến động phức tạp trong quá trình chuyển đổi kinh tế – xã hội của Nga sau khi Liên Xô tan rã.
KENFOX IP & Law Office cung cấp các thông tin xung quanh vụ việc để giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận diện các thách thức trong việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam, trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp toàn diện và hiệu quả.
Bối cảnh vụ kiện
Năm 2017, SPI đã đệ đơn kiện yêu cầu Tòa án nhân dân TP Hà Nội hủy bỏ các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (“Cục SHTT”) về việc không công nhận SPI là chủ sở hữu của bốn nhãn hiệu đăng ký quốc tế: “MOSKOVSKAYA”, “STOLICHNAYA”, “SOVIET WINE PARKLING” và “RUSSKAYA”. SPI khẳng định rằng họ đã sở hữu hợp pháp các nhãn hiệu này từ năm 1999 thông qua một quá trình chuyển nhượng minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình chuyển nhượng các nhãn hiệu này không hề đơn giản. Các nhãn hiệu nêu trên được đăng ký từ thời Liên Xô cũ, dưới tên của doanh nghiệp nhà nước WO Sojuzplodoimport. Sau khi Liên Xô tan rã, các quyền sở hữu này đã trở thành tâm điểm của những tranh chấp pháp lý dai dẳng không hồi kết.
Trở lại nhiều năm trước đó, năm 1999 Cục SHTT đã chính thức ghi nhận SPI là chủ sở hữu 04 đăng ký quốc tế nói trên dựa trên thông báo về thay đổi chủ sở hữu từ Văn phòng Quốc tế WIPO.
Năm 2010, khi chưa xảy ra tranh chấp, SPI đã yêu cầu giám sát hải quan đối với các sản phẩm rượu vodka mang nhãn hiệu “STOLICHNAYA” mà họ là chủ sở hữu. Ngày 2-12-2010, Đội Kiểm soát bảo vệ quyền SHTT (Đội 4), đã phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội bắt giữ và xử lý lô hàng 14.400 chai rượu Vodka nhãn hiệu “STOLICHNAYA” và giả chất lượng của công ty TNHH dịch vụ và Thương mại Kiên Anh (“Công ty Kiên Anh”), trị giá hàng hoá 350 triệu đồng. Điều đáng nói là, sản phẩm giả mạo này lại được nhập khẩu từ chính Nga, nơi mà FKP tuyên bố là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu. Tháng 10-2011 UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định xử phạt với mức tiền phạt 517 triệu đồng, đồng thời tịch thu, buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.
Chính điều này là căn nguyên làm trầm trọng thêm các tranh chấp giữa SPI và FKP, châm ngòi cuộc chiến giành quyền sở hữu các nhãn hiệu rượu vodka nêu trên tại Việt nam. Vài năm sau, các đại lý của SPI tại Việt Nam thông báo sản phẩm vodka “STOLICHNAYA” của họ đã bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ. Lý do là vì, trước đó, Cục SHTT, theo yêu cầu của FKP, đại diện cho lợi ích của Liên bang Nga, đã ra quyết định không công nhận chuyển nhượng nhãn hiệu đã thực hiện từ lâu giữa SPI và một công ty nhà nước Nga từ những năm 1990. Việc Cục SHTT không công nhận quyền sở hữu của SPI đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Các đại lý của SPI tại Việt Nam nhanh chóng gặp phải khó khăn khi sản phẩm của họ bị tạm giữ, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Bức tranh cuộc chiến thương hiệu vodka “STOLICHNAYA” trên thế giới
Trên thế giới, trong một phán quyết quan trọng, Tòa án Phúc thẩm La Hay (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết rằng quyền sở hữu hợp pháp đối với hai thương hiệu rượu vodka nổi tiếng “Stolichnaya” và “Moskovskaya” thuộc về Liên Bang Nga. Ông Yuri Shefler, tỷ phú người Nga, chủ sở hữu của SPI bị cáo buộc đã có được quyền sở hữu các thương hiệu rượu vodka này một cách bất hợp pháp trong những năm rối ren sau sự sụp đổ của Liên Xô. Cụ thể, ông Yuri Shefler và công ty SPI bị cáo buộc mua lại bất hợp pháp quyền đối với các nhãn hiệu vodka “Stolichnaya” và “Moskovskaya” trong quá trình cổ phần hóa của những năm 1990 đầy biến động khi Liên Xô tan rã.
Ông Yuri Shefler và SPI lập luận rằng tiền thân của FKP là công ty nhà nước Nga VAO Sojuzplodoimport, đã được tư nhân hóa vào năm 1992 và ông đã mua lại hợp pháp công ty này (với các nhãn hiệu) vào năm 1997.
Tuy nhiên, Tòa án Phúc thẩm La Hay khẳng định không có bất kỳ một công ty nhà nước Nga nào được tư nhân hóa một cách hợp pháp, do vậy, các nhãn hiệu này vẫn thuộc Liên bang Nga. Các tài liệu hiện có để chứng minh quá trình “tư nhân hóa” không đáng tin cậy về giá trị pháp lý. Quá trình được cho là tư nhân hóa diễn ra trong giai đoạn “rối ren” khi Liên bang Xô Viết sụp đổ và nhiều tài sản nhà nước bị bán một cách bất hợp pháp.
- Phán quyết của Tòa án Phúc thẩm La Haye (24/07/2012): Tòa phúc thẩm xác nhận phán quyết sơ bộ của Tòa án quận Rotterdam năm 2006 có lợi cho Nga, khẳng định rằng việc tư nhân hóa FKP không hợp lệ và SPI không giành được các nhãn hiệu một cách thiện chí, trung thực. Do đó, các nhãn hiệu vẫn thuộc về Nga.
- Phán quyết của Tòa án Tối cao (20/12/2013): Tòa án tối cao giữ nguyên phán quyết của tòa phúc thẩm và chuyển vụ án trở lại Tòa án quận Rotterdam để tiếp tục phiên tòa chính.
- Phán quyết của Tòa án quận Rotterdam (25/03/2015): Tòa án quận Rotterdam ra lệnh cho SPI chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho Nga, chịu phạt 100.000 euro và phạt bổ sung 50.000 euro mỗi ngày nếu không tuân thủ. Quyết định này tạo tiền lệ cho các vụ kiện tương tự khác trên toàn thế giới.
Tòa án cũng cấm SPI vi phạm các nhãn hiệu STOLICHNAYA và MOSKOVSKAYA, đồng thời hủy bỏ các nhãn hiệu từ và hình ảnh STOLICHNAYA và MOSKOVSKAYA mà SPI đã đăng ký.
Diễn biến phiên tòa tại Việt Nam
Ngày 27/9/2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ kiện của SPI. Tại phiên tòa, SPI lập luận rằng họ đã được chuyển nhượng các nhãn hiệu một cách hợp pháp từ Công ty VAO Sojuzplodoimport, sau đó đổi tên thành ZAO Sojuzplodoimport, và cuối cùng chuyển nhượng cho SPI.
Tuy nhiên, FKP, đại diện cho lợi ích của Liên bang Nga, đã cung cấp các bằng chứng từ phán quyết của Tòa án trọng tài tối cao Liên bang Nga vào năm 2001 và 2002, cho rằng việc chuyển nhượng này là không hợp pháp. Theo các phán quyết này, việc chuyển nhượng nhãn hiệu từ VAO Sojuzplodoimport cho SPI là hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu một cách gian dối và không có căn cứ pháp lý.
Phán quyết của tòa án Việt Nam
Ngày 30/9/2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của SPI. Tòa án khẳng định rằng SPI không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh tính hợp pháp của quá trình chuyển nhượng nhãn hiệu. Có thể thấy từ phán quyết của tòa rằng:
- Việc chuyển giao các nhãn hiệu tại Nga: Các nhãn hiệu được đăng ký từ thời Liên Xô cũ không thể được chuyển nhượng một cách hợp pháp sang cho SPI, do quá trình chuyển nhượng này đã vi phạm các quy định pháp luật của Liên bang Nga.
- Quyết định của các tòa án quốc tế: Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tham khảo các phán quyết của Tòa án Hà Lan và Áo, cho thấy các tòa án này cũng không công nhận việc chuyển nhượng của SPI là hợp pháp. Điều này củng cố lập luận rằng SPI không có quyền sở hữu hợp pháp đối với các nhãn hiệu nói trên.
- Chủ đề của tranh chấp: Tòa án bác bỏ lập luận của SPI rằng Cục SHTT Việt Nam đã sai phạm khi không thông báo cho SPI về yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của FKP thông qua Văn phòng Quốc tế của WIPO. Tòa án cho rằng vấn đề chủ yếu của tranh chấp này là xác định ai là chủ sở hữu hợp pháp của các nhãn hiệu, mà điều này phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan có thẩm quyền của Nga.
Các vấn đề trong vụ kiện đã được xem xét toàn diện và thỏa đáng hay chưa?
Một trong những vấn đề cốt lõi của vụ kiện là tính hợp pháp của việc chuyển nhượng nhãn hiệu từ VAO Sojuzplodoimport sang SPI năm 1999. Để đánh giá tính hợp pháp này, cần xem xét bối cảnh pháp lý của Nga tại thời điểm đó, đặc biệt là các quy định về tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và chuyển giao tài sản. Ngoài ra, việc tuân thủ các thủ tục hành chính và các quy định về đăng ký nhãn hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng. Việc so sánh các quy định pháp luật của Nga với các quy định của Việt Nam và các hiệp ước quốc tế sẽ giúp làm rõ hơn về tính hợp pháp của giao dịch này.
Các vấn đề pháp lý dưới đây cần được làm rõ, xem xét để giải quyết thỏa đáng cuộc chiến pháp lý mà cả SPI và FKP không muốn bỏ cuộc.
[i] Thời kỳ Liên Xô và giai đoạn đầu tư nhân hóa
- Quyền sở hữu ban đầu của các nhãn hiệu thuộc về ai? Có bằng chứng nào chứng minh VVO Sojuzplodoimport là chủ sở hữu hợp pháp không?
- Quy trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Nga sau khi Liên Xô tan rã diễn ra như thế nào? Có quy định cụ thể nào về việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ trong quá trình này không?
- Liệu việc chuyển nhượng nhãn hiệu từ VVO Sojuzplodoimport sang VAO Sojuzplodoimport có tuân thủ các quy định pháp luật của Nga tại thời điểm đó.
Trả lời các câu hỏi nêu trên sẽ giúp xác định rõ nguồn gốc của các nhãn hiệu và những thay đổi về quyền sở hữu trong giai đoạn đầu.
[ii] Việc chuyển nhượng nhãn hiệu cho SPI
- Tình trạng pháp lý của các nhãn hiệu trong thời kỳ Liên Xô và sau khi Liên Xô tan rã diễn ra như thế nào?
- Việc chuyển nhượng nhãn hiệu năm 1999 từ VAO Sojuzplodoimport sang SPI có tuân thủ luật pháp Nga tại thời điểm đó không? (VAO Sojuzplodoimport có quyền hợp pháp để chuyển nhượng nhãn hiệu cho SPI không? SPI đã cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc thanh toán và các thỏa thuận liên quan đến việc chuyển nhượng này chưa? Có đầy đủ các hợp đồng, biên bản giao nhận và các tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng nhãn hiệu không? Những bằng chứng nào đã được SPI cung cấp để chứng minh tính hợp pháp của việc sở hữu và chuyển nhượng nhãn hiệu?)
- WIPO đã có những ghi nhận nào về quá trình chuyển nhượng nhãn hiệu? Có bất kỳ thông báo nào của WIPO liên quan đến tranh chấp này không?
- Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký đầy đủ với Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) và được công nhận quốc tế như thế nào?
- Các thông báo hoặc liên lạc từ WIPO liên quan đến các thay đổi quyền sở hữu và sự tuân thủ với các hiệp định quốc tế đã được thực hiện như thế nào?
- SPI đã thực hiện những hoạt động kinh doanh nào liên quan đến nhãn hiệu này sau khi nhận chuyển nhượng?
- Các bằng chứng mà SPI đưa ra có đủ sức thuyết phục để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình không?
- Tòa án đã đánh giá tính đáng tin cậy và hợp pháp của các tài liệu hỗ trợ cho yêu cầu của SPI về quyền sở hữu hợp pháp như thế nào?
- Các bằng chứng mà FKP đưa ra có đủ sức thuyết phục để bác bỏ quyền sở hữu của SPI không?
[iii] Tranh chấp pháp lý và các phán quyết của tòa án
- Các phán quyết của tòa án Nga, tòa án Hà Lan và các tòa án quốc tế khác có giá trị pháp lý như thế nào tại Việt Nam?
- Liệu các phán quyết này đã được công nhận và thi hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định quốc tế?
- Cục SHTT Việt Nam đã xem xét các phán quyết này khi đưa ra quyết định của mình chưa?
- Có tiền lệ nào trong luật pháp Việt Nam về việc công nhận và thi hành các phán quyết của tòa án quốc tế hay không? Quy trình như thế nào?
[iv] Vai trò của Cục SHTT Việt Nam
- Cục SHTT Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình pháp lý đối với các nhãn hiệu được chỉ định bảo hộ tại Việt Nam theo hệ thống Madrid cho các bên liên quan trong vụ việc này như thế nào?
- SPI có được thông báo đầy đủ về yêu cầu hủy bỏ của FKP hay không? Nếu không, các sai sót trong quy trình là gì?
- Các quyết định của Cục SHTT về việc công nhận quyền sở hữu nhãn hiệu có tuân thủ các quy định của luật SHTT, quy trình của Việt Nam và các điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam là thành viên hay không?
- Quyết định của Cục SHTT có dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc và các bằng chứng được cung cấp bởi các bên không?
Lời kết
Cuộc chiến pháp lý về nhãn hiệu Stolichnaya tại Việt Nam không chỉ là một vụ kiện đơn thuần mà còn phản ánh những vấn đề lớn hơn về quyền SHTT, đan xen nhiều yếu tố pháp lý, kinh tế và lịch sử, đòi hỏi tòa án phải có kiến thức sâu rộng về pháp luật, kinh nghiệm xét xử và sự cẩn trọng trong việc đánh giá các bằng chứng. Vụ việc bắt nguồn từ thời Liên Xô, trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi và có liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng. Việc làm rõ lịch sử hình thành và chuyển nhượng quyền sở hữu của các nhãn hiệu là vô cùng cần thiết.
Vụ kiện không chỉ liên quan đến pháp luật về SHTT của Việt Nam mà còn liên quan đến các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là các quy định về nhãn hiệu. Vụ kiện không chỉ đòi hỏi tòa án phải am hiểu sâu sắc luật pháp trong nước mà còn phải có cái nhìn bao quát về luật pháp quốc tế để hiểu, áp dụng đúng các quy định pháp luật và đảm bảo tính công bằng và khách quan của phán quyết.
Các bên trong vụ kiện chắc chắn sẽ cung cấp nhiều loại bằng chứng khác nhau, từ các tài liệu pháp lý, hợp đồng đến các bằng chứng chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu. Tòa án cần đánh giá kỹ lưỡng tính xác thực và tính thuyết phục của từng loại bằng chứng.
Vụ kiện nêu trên nhiều khả năng sẽ không dừng lại, các tranh chấp này vẫn sẽ tiếp tục. Do đó, tòa án cần phân tích để sàng lọc và đánh giá thông tin một cách toàn diện, sử dụng các phương pháp khoa học để đánh giá tính xác thực và tính thuyết phục của các bằng chứng mà các bên cung cấp. Tòa án cũng cần tham khảo các công ước, điều ước quốc tế về SHTT và các phán quyết của các tòa án quốc tế khác để đảm bảo ban hành một phán quyết thỏa đáng trong vụ kiện giữa SPI và FKP.
Quyết định của tòa án sẽ không chỉ là một dấu chấm hết cho vụ kiện mà còn là một dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam. Phán quyết trong vụ kiện này không chỉ ảnh hưởng đến các bên tranh chấp mà còn tạo ra tiền lệ quan trọng trong việc bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam, đồng thời định hình cách tiếp cận của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của họ tại thị trường Việt Nam, ảnh hưởng đến cách thức giải quyết các tranh chấp về SHTT trong tương lai. Do đó, phán quyết của Tòa án cần phải đảm bảo tính công bằng, khách quan và có cơ sở pháp lý vững chắc.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đinh Trang Ly | Associate
Đọc thêm:
- Tòa án SHTT chuyên trách: “Cuộc cách mạng” trong giải quyết tranh chấp SHTT tại Việt Nam
- Giám định sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam: Vai trò và số liệu thống kê của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ
- Phản đối và hủy bỏ nhãn hiệu tại Việt Nam dựa trên bằng chứng về sử dụng rộng rãi – Những lưu ý để giành thắng lợi trong các tranh chấp nhãn hiệu
- Hệ Thống và Cách Thức Hoạt Động của Tòa Án Nhân Dân Việt Nam
- Thương mại điện tử đang được định hình lại theo Nghị định 85/2021 như thế nào?
- Bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sắp ra mắt: Làm thế nào để tối ưu?
- Chống Xâm Phạm SHTT Hiệu Quả: Tại Sao Cần Bảo Hộ Dưới Nhiều Hình Thức Tại Việt Nam?
- Xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam: Biện pháp nào hiệu quả?
- Chiến Dịch Quyết Liệt Chống Hàng Giả RP7: Làm Sao Để Xử Lý Hiệu Quả Hành Vi Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ tại Việt Nam?
- Giám định xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam: Bốn điểm quan trọng cần lưu ý
- Các nhà cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ nội dung xâm phạm phạm bản quyền tại Việt Nam như thế nào?
- Chiến lược sử dụng chứng cứ trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
- Sàn giao dịch thương mại điện tử có phải chịu trách nhiệm pháp lý về xâm phạm Sở hữu Trí tuệ?