KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam: 6 sai lầm cần tránh và bí quyết đăng ký thành công

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam: 6 sai lầm cần tránh và bí quyết đăng ký thành công

Tải về 

Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) độc đáo chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt và thu hút khách hàng cho sản phẩm của doanh nghiệp. Để bảo vệ thành quả sáng tạo này và tối ưu hóa lợi nhuận, việc đăng ký bảo hộ KDCN là vô cùng quan trọng. Nhưng khi nào nên nộp đơn đăng ký KDCN, trước hay sau khi đăng ký nhãn hiệu, đăng ký trước hay sau khi tung sản phẩm ra thị trường, những KDCN nào có thể đăng ký và không thể đăng ký là những vấn đề mà không phải doanh nghiệp nào cũng nắm chắc. Một thực tế đang xảy ra đối với doanh nghiệp hiện nay là, do không hiểu rõ các quy định vể bảo hộ KDCN ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã lãng phí thời gian, chi phí khi đơn đăng ký KDCN bị từ chối bảo hộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và lợi ích kinh tế của họ.

KENFOX IP & Law Office, với 15 năm kinh nghiệm tư vấn và xử lý các vụ tranh chấp SHTT phức tạp, phân tích và chỉ ra 6 sai lầm phổ biến nhất để giúp doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ bị từ chối và tối ưu hóa chiến lược bảo hộ KDCN tại Việt Nam.

1. Lãng phí nguồn lực khi đăng ký KDCN không thể lưu thông độc lập

Một số đối tượng không thể lưu thông độc lập:

Cục SHTT đã từ chối bảo hộ nhiều đơn đăng ký KDCN trên cơ sở Điều 4.13 Luật SHTT 2022: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp”. Kiểu dáng công nghiệp phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bộ phận có thể tách rời để lưu thông độc lập. Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập. Điều này có nghĩa là, (i) Chỉ sản phẩm hoàn chỉnhcác bộ phận của sản phẩm có thể tách rời để lưu thông độc lập mới có thể đăng ký KDCN, và (ii) Nếu một phần trên sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm thì không có khả năng lưu thông độc lậpdo đó không thể đăng ký bảo hộ KDCN.

2. Những KDCN nào không thuộc phạm vi bảo hộ?

Không phải bất kỳ hình dáng bên ngoài nào của sản phẩm cũng được bảo hộ dưới dạng KDCN. Việc nộp đơn đăng ký các KDCN sau đây sẽ bị từ chối bảo hộ.

[i] Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp

Về cơ bản, hình dánh bề ngoài công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp thường được xác định bởi chức năng và kỹ thuật xây dựng hơn là tính thẩm mỹ. Việc bảo hộ KDCN cho những công trình này có thể cản trở sự phát triển chung của ngành xây dựng và kiến trúc.

[ii] Đối tượng có hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có

Hình dáng của sản phẩm được quyết định bởi chức năng và kỹ thuật của sản phẩm, do đó ít có yếu tố sáng tạo. Việc bảo hộ kiểu dáng cho những đối tượng này có thể dẫn đến việc tạo ra thế độc quyền, hạn chế sự cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, cản trở sự đổi mới, sáng tạo và phát triển chung của ngành

[iii] Hình dáng bên ngoài của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng

[iv] Đối tượng vi phạm chính sách của Nhà nước về SHTT: Kiểu dáng của máy làm tiền giả, bom thư hoặc các sản phẩm mang tích kích động bạo lực, chiến tranh, chia rẻ dân tộc, tôn giáo; kiểu dáng mang tính khiêu dâm, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội…..

[v] Kiểu dáng của các sản phẩm mang hình ảnh chân dung các lãnh tụ Việt Nam và các nước khác, biểu tượng của quốc gia, cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc gia và quốc tế nếu không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Tính mới – Lỗi “chết người” cần tránh để bảo hộ KDCN

Tính mới là một trong những điều kiện tiên quyết để một KDCN được bảo hộ. Nếu KDCN không đáp ứng tiêu chí tính mới, đơn đăng ký KDCN sẽ bị từ chối và doanh nghiệp sẽ mất đi quyền được bảo hộ độc quyền. Việc đảm bảo tính mới cho KDCN không chỉ là yếu tố bắt buộc để được bảo hộ KDCN mà còn giúp tránh những rủi ro như mất tính mới, bị từ chối bảo hộ, và lãng phí thời gian cũng như tài chính đầu tư vào quá trình đăng ký.

Mới ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện ở các nước khác thì sao? KDCN yêu cầu “tính mới tuyệt đối”, nghĩa là chưa được công bố hay bộc lộ ở bất kỳ đâu trước ngày nộp đơn đăng ký. Theo Điều 65 Luật SHTT, KDCN được coi là có tính mới nếu nó khác biệt đáng kể với những KĐCN đã được bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ. Điều này bao gồm các KDCN được sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài.

Việc chào bán sản phẩm ra thị trường trước khi đăng ký sẽ khiến KDCN mất đi tính mới và không được bảo hộ. Hậu quả là doanh nghiệp sẽ không được bảo hộ quyền đối với KDCN của mình, mất quyền độc quyền khai thác, có thể bị sao chép, nhái kiểu dáng một cách dễ dàng. Đưa sản phẩm ra thị trường dưới bất kỳ hình thức nào trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng, bao bì sản phẩm sẽ khiến cho kiểu dáng tiếp cận được với công chúng và như vậy, không còn “tính mới” để được bảo hộ. Thiết kế bao bì, kiểu dáng sản phẩm “không khác biệt cơ bản” với các sản phẩm đang có trên thị trường cũng khiến cho sản phẩm bị coi là không có “tính mới”. Để tránh tình trạng này, doanh nghiệp nên “tra cứu khả năng bảo hộ” của kiểu dáng sản phẩm do mình thiết kế ra, tiến hành “nộp đơn” đăng ký bảo hộ KDCN trước khi sản phẩm được công bố hoặc bán ra thị trường. Việc này đảm bảo rằng KDCN vẫn duy trì tính mới và được pháp luật bảo vệ.

 

4. Sai sót trong ảnh chụp, bản vẽ KDCN khiến đơn đăng ký bị từ chối

Phạm vi bảo hộ KDCN được xác định theo Bằng độc quyền KDCN, quyết định chấp nhận bảo hộ KDCN đăng ký quốc tế hoặc bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Điều 76, Nghị định 65/2023/NĐ-CP). Bộ ảnh chụp là tài liệu mà chủ đơn phải nộp khi đăng ký KDCN mà căn cứ vào đó, Cục SHTT có cơ sở để hiểu rõ, tiến hành thẩm định, đánh giá xem KDCN đó có đáp ứng các điều kiện bảo hộ hay không.

Do đó, bộ ảnh chụp hay bản vẽ trong hồ sơ đăng ký KDCN là tài liệu quan trọng nhất, cần thể hiện các chi tiết, tỷ lệ, đặc điểm cấu tạo của KDCN một cách trực quan, dễ hiểu. Ảnh chụp, bản vẽ KDCN là tài liệu để Cục SHTT so sánh, đối chiếu với ảnh chụp, bản vẽ của các KDCN đã có để đánh giá tính đáp ứng các điều kiện bảo hộ của KDCN (tính mới, tính sáng tạo, khả năng phân biệt và bảo hộ KDCN).

Bộ ảnh chụp sai sót có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như đơn đăng ký bảo hộ KDCN bị từ chối bảo hộ, phạm vi bảo hộ KDCN bị thu hẹp và có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý giữa chủ đơn và các bên liên quan.

Trên thực tế, Cục SHTT đã từ chối bảo hộ nhiều KDCN do bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ không đáp ứng yêu cầu:

[i] Ảnh chụp/bản vẽ không thống nhất, có ảnh chụp trong bản vẽ và ngược lại.

[ii] Ảnh chụp/ bản vẽ bị vỡ, bị mờ, không rõ nét, không sắc nét. Ảnh chụp/bản vẽ cần có chất lượng tốt để thể hiện chính xác hình dáng KDCN. Hình ảnh/bản vẽ không rõ ràng có thể dẫn đến hiểu lầm, gây khó khăn cho việc đánh giá.

[iii] Ảnh chụp/bản chứa nét đứt hoặc bị mất nét.

[iv] Thiếu ảnh chụp/bản vẽ ở một hay một số góc chiếu nhất định.

[v] Ảnh chụp/bản vẽ không cùng tỷ lệ. Hình ảnh/bản vẽ cần được vẽ/chụp theo đúng tỷ lệ để đảm bảo tính chính xác về kích thước, hình dạng của KĐCN. Sai lệch về tỷ lệ có thể dẫn đến hiểu lầm và ảnh hưởng đến đánh giá.

[vi] Ảnh chụp/bản vẽ không cùng một chiều

[vii] Ảnh chụp/bản vẽ có các hình chiếu không chính diện

 

[viii] Nền ảnh chụp/bản vẽ không có màu đồng nhất, không tương phản với màu KDCN. Trên ảnh chụp/bản vẽ bị nhầm lẫn với đối tượng khác.

[ix] Ảnh chụp/bản vẽ không thể hiện KDCN ở cùng một trạng thái sử dụng được chọn

5. Tránh những “bẫy” khiến bản mô tả KDCN bị từ chối

Một bản mô tả KDCN không đạt yêu cầu có thể khiến đơn đăng ký bị từ chối, hệ quả là, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ một loạt nghĩa vụ như: bổ sung, sửa đổi bản mô tả và công văn trả lời trong thời hạn luật định, thậm chí, một số trường hợp chủ đơn phải trả phí phát sinh. Nghiêm trọng hơn, nếu việc sửa đổi, bổ sung không đáp ứng, đơn đăng ký KDCN sẽ bị từ chối bảo hộ.

Theo quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, bản mô tả KDCN sẽ bị coi là không đạt yêu cầu trong nhiều trường hợp. Để tránh những “bẫy” này, doanh nghiệp cần lưu ý như sau:

  • Tên KDCN phải phù hợp với sản phẩm: Tên KDCN phải mô tả chính xác sản phẩm và không được gây nhầm lẫn với sản phẩm của doanh nghiệp khác.
  • Lĩnh vực sử dụng KDCN phải chính xác: Lĩnh vực sử dụng KDCN phải phù hợp với mục đích sử dụng của sản phẩm.
  • Liệt kê tên ảnh chụp/bản vẽ chính xác: Tên ảnh chụp/bản vẽ phải mô tả chính xác nội dung của ảnh/bản vẽ.
  • Mô tả đầy đủ các đặc điểm bên ngoài của KDCN: Mô tả phải bộc lộ rõ ràng và đầy đủ các đặc điểm bên ngoài của KDCN, bao gồm hình dạng, kích thước, cấu tạo, hoa văn, màu sắc, v.v.
  • Mô tả khớp với ảnh chụp/bản vẽ: Mô tả phải khớp với nội dung của ảnh chụp/bản vẽ.
  • Chỉ rõ các kiểu dáng trong đơn: Nếu đơn đăng ký có nhiều kiểu dáng, bản mô tả cần nêu rõ các kiểu dáng này là các phương án hay là một bộ sản phẩm.
  • Phạm vi bảo hộ hợp lệ: Phạm vi bảo hộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (đối tượng không được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam hoặc hoặc không có phần phạm vi bảo hộ)

6. Đừng chủ quan với Hồ sơ đơn đăng ký KDCN

  • Thông tin không thống nhất giữa các tài liệu liên quan trong hồ sơ như tờ khai, giấy ủy quyền, tài liệu ưu tiên, bản mô tả …
  • Giấy ủy quyền không hợp lệ: phạm vi ủy quyền thiếu hoặc không đúng, ngày ký ủy quyền sau ngày nộp đơn, thiếu chữ ký…
  • Thông tin không hợp lệ: phân loại sai, chủ đơn là pháp nhân,…
  • Thiếu một hoặc nhiều thông tin bắt buộc trong tờ khai
  • Chưa nộp đủ phí, lệ phí quốc gia cho đơn đăng ký KDCN.
  • Bổ sung tài liệu không đúng thời hạn quy định như giấy ủy quyền, tài liệu ưu tiên…

Bí quyết “vượt ải” thành công trong bảo hộ KDCN cho doanh nghiệp tại Việt Nam

Con đường đăng ký bảo hộ KDCN thành công không hề dễ dàng. Những “bẫy ngầm” pháp lý trong đăng ký KDCN luôn tồn tại, nhiều hồ sơ đã bị từ chối do thiếu sót hay sai sót trong khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu nhận diện rõ ràng các rủi ro pháp lý nêu trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm cách hóa giải thành công. KENFOX chia sẻ các bước tiếp cận để giảm thiểu sai sót và đảm bảo đăng ký thành công KDCN tại Việt Nam như sau:

  • Xác định chính xác đối tượng được và không được bảo hộ KDCN.
  • Bảo vệ bí mật cho kiểu dáng sản phẩm trước khi nộp đơn đăng ký.
  • Chuẩn bị bộ ảnh chụp/bản vẽ chuẩn chỉnh.
  • Chuẩn bị bản mô tả KDCN hoàn hảo.
  • Kiểm tra kỹ lưỡng Hồ sơ đơn đăng ký KDCN.
  • Xác định thời điểm nộp đơn KDCN.
  • Tra cứu thông tin và khả năng bảo hộ KDCN trước khi nộp đơn

Lời kết

Bảo hộ KDCN đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ “trái tim sáng tạo” của doanh nghiệp, đảm bảo lợi thế cạnh tranh và mở ra cánh cửa cho thành công bền vững. Tuy nhiên, hành trình đăng ký KDCN tiềm ẩn nhiều rào cản và thách thức. Để tối ưu hóa hiệu quả và hạn chế rủi ro, doanh nghiệp nên “chọn mặt gửi vàng” cho các Đại diện Sở hữu Công nghiệp uy tín – những chuyên gia, luật sư SHTT có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực này, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, hoàn tất thủ tục nhanh chóng và tiết kiệm, giảm thiểu sai sót, gia tăng cơ hội bảo hộ thành công cho KDCN, đảm bảo doanh nghiệp được bảo vệ một cách toàn diện.

Hãy liên hệ với KENFOX IP & Law Office ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí và bảo vệ sáng tạo, thương hiệu của bạn. KENFOX cung cấp dịch vụ bảo hộ KDCN, nhãn hiệu, sáng chế, quyền tác giả tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, KENFOX cam kết mang đến cho bạn các giải pháp SHTT hiệu quả và chuyên nghiệp nhất.

Nguyễn Vũ Quân| Partner, IP Attorney

Đào Thị Thúy Nga| Senior Patent Attorney