KENFOX IP & Law Office > Bài viết nổi bật  > Từ Trung Quốc đến Việt Nam: Hàng hóa tân trang: 4 điểm quan trọng và 4 vụ án điển hình mà doanh nghiệp cần biết

Từ Trung Quốc đến Việt Nam: Hàng hóa tân trang: 4 điểm quan trọng và 4 vụ án điển hình mà doanh nghiệp cần biết

Tải về

Mở cửa thị trường cho hàng hóa tân trang từ các nước thành viên khác là cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao và bao trùm nhiều lĩnh vực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Liên tiếp trong 2 năm, chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 nghị định quan trọng, cụ thể nghị định số 77/2023/NĐ-CP (Nghị định 77) và 66/2024/NĐ-CP (Nghị định 66) để điểu chỉnh các hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng hơn, mà còn khuyến khích doanh nghiệp tân trang đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm tân trang chất lượng cao.

Để giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến hàng hóa tân trang, KENFOX IP & Law Office sẽ phân tích về 4 điểm mấu chốt theo Nghị định 77 và 66, cùng với 4 vụ án điển hình tại Trung Quốc, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng hiệu quả các quy định.

BỐN ĐIỂM QUAN TRỌNG VỀ HÀNG HÓA TÂN TRANG TẠI VIỆT NAM

1. HÀNG HÓA TÂN TRANG

Hàng hóa được coi là hàng hóa tân trang khi nó được tạo thành từ các bộ phận đã qua sử dụng nhưng đã được phục hồi, nằm trong danh mục quy định, có thời hạn sử dụng, chức năng, chất lượng và chế độ bảo hành tương đương với hàng hóa mới cùng loại. Hàng hóa tân trang cần đáp ứng 5 điều kiện như sau:

[i] Nguồn gốc: Hàng hóa phải được cấu thành toàn bộ hoặc một phần từ các bộ phận hoặc vật tư đã qua sử dụng và đã được phục hồi.

[ii] Danh mục hàng hóa: Hàng hóa phải nằm trong danh mục hàng hóa tân trang được quy định cụ thể trong các Phụ lục kèm theo Nghị định 77 và 66.

[iii] Thời hạn sử dụng: Hàng hóa tân trang phải có thời hạn sử dụng tương tự như hàng hóa mới cùng loại.

[iv] Chức năng và chất lượng: Hàng hóa tân trang phải thực hiện được toàn bộ các chức năng như hàng hóa mới cùng loại, với chất lượng và hiệu quả không thay đổi hoặc tương tự.

[v] Chế độ bảo hành, bảo dưỡng: Hàng hóa tân trang phải có chế độ bảo hành, bảo dưỡng tương tự như hàng hóa mới cùng loại.

2. MÃ SỐ TÂN TRANG

Doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức phải xin cấp Mã số tân trang từ Bộ Công Thương. Mã số tân trang là điều kiện bắt buộc để nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Mã số này giúp cơ quan quản lý và người tiêu dùng nhận diện được các doanh nghiệp tân trang uy tín, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của hàng hóa. Đồng thời, mã số tân trang cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

[i] Mã số tân trang là gì?

  • Mã số tân trang là một mã định danh duy nhất do Bộ Công Thương cấp cho doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức.
  • Mã số này có vai trò như một giấy chứng nhận, xác nhận rằng doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu đó đáp ứng các yêu cầu về năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định.

[ii] Ai được cấp mã số tân trang?

  • Doanh nghiệp tân trang thành lập và đăng ký hoạt động tại nước ngoài.
  • Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức.
  • Cả hai đối tượng trên đều phải chứng minh được năng lực tân trang, chế độ bảo hành và quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định.

[iii] Thời hạn hiệu lực

  • Mã số tân trang có thời hạn hiệu lực tối đa là 05 năm kể từ ngày cấp.
  • Sau 05 năm, doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải gia hạn mã số nếu muốn tiếp tục hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang.

[iv] Hồ sơ và quy trình cấp mã số tân trang

  • Doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu gửi hồ sơ đề nghị cấp Mã số tân trang đến Bộ Công Thương.
  • Hồ sơ bao gồm các tài liệu như: đơn đề nghị, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tài liệu thuyết minh năng lực tân trang, tài liệu về quy tắc xuất xứ, cam kết bảo hành, và văn bản cho phép sử dụng nhãn hiệu (nếu có).
  • Bộ Công Thương sẽ thẩm định hồ sơ và có thể yêu cầu kiểm tra thực tế cơ sở tân trang trước khi cấp mã số.
  • Thời gian xử lý hồ sơ không quá 90 ngày, trừ trường hợp cần thêm thời gian để kiểm tra thực tế hoặc bổ sung thông tin.

[v] Các trường hợp đình chỉ, thu hồi mã số tân trang

  • Cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ.
  • Không duy trì được năng lực tân trang, chế độ bảo hành hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu.
  • Hàng hóa tân trang vi phạm quy định.
  • Không hợp tác trong quá trình kiểm tra hoặc thẩm định.
  • Từ chối bảo hành, bảo dưỡng hàng hóa tân trang.
  • Theo đề nghị của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU

Hàng hóa tân trang chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép của bộ quản lý chuyên ngành. Cụ thể, có hai loại giấy phép nhập khẩu:

[i] Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng:

  • Được cấp cho các lô hàng hóa tân trang nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam.
  • Sau 3 lần nhập khẩu theo lô hàng đối với cùng một loại hàng hóa tân trang (cùng tên gọi, kiểu loại, mã hàng) và cùng một doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang, sẽ chuyển sang chế độ giấy phép nhập khẩu có thời hạn.
  • Được áp dụng trở lại trong trường hợp Mã số tân trang hết hiệu lực đình chỉ hoặc doanh nghiệp được cấp lại Mã số tân trang sau khi bị thu hồi.
  • Tuy nhiên, sau khi áp dụng trở lại, chỉ chuyển sang chế độ giấy phép có thời hạn sau ít nhất 10 lần cấp giấy phép theo lô hàng.

[ii] Giấy phép nhập khẩu có thời hạn:

  • Được cấp sau khi hàng hóa tân trang đã được nhập khẩu 3 lần theo giấy phép nhập khẩu theo lô hàng.
  • Có thời hạn hiệu lực tối thiểu là 12 tháng, do cơ quan cấp phép quy định.
  • Không giới hạn số lượng hàng hóa tân trang nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của giấy phép.

Cơ quan cấp phép:

Tùy theo loại hàng hóa tân trang, giấy phép nhập khẩu sẽ do Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan cấp (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Một số điểm quan trọng khác:

  • Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang hết hiệu lực khi Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi.
  • Trong trường hợp hàng hóa đã xếp lên phương tiện vận tải trước khi Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi, thương nhân nhập khẩu có thể đề nghị cơ quan cấp phép xem xét cho phép nhập khẩu lô hàng đó.

4. SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Cả hai Nghị định đều nhấn mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động tân trang, đặc biệt là về nhãn hiệu. Các doanh nghiệp tân trang cần có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu để sử dụng nhãn hiệu trên hàng hóa tân trang, đồng thời phải ghi nhãn rõ ràng để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

[i] Điều kiện cấp Mã số tân trang: Doanh nghiệp tân trang hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa tân trang mang nhãn hiệu của hàng hóa ban đầu hoặc của hàng hóa mà hàng hóa tân trang được sử dụng làm chi tiết, linh kiện, phụ tùng thay thế. (Điều 7.2e, Nghị định 77 và Điều 12, Nghị định 66).

[ii] Yêu cầu đối với văn bản của chủ sở hữu nhãn hiệu: Văn bản này phải chứng minh được quyền sở hữu nhãn hiệu và thể hiện rõ ràng sự đồng ý cho phép sử dụng nhãn hiệu trên hàng hóa tân trang. (Điều 11, Nghị định 77 và Điều 12 Nghị định 66).

[iii] Ghi nhãn hàng hóa: Khi đưa ra lưu thông, hàng hóa tân trang phải thể hiện cụm từ “Hàng hóa tân trang” trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ bằng tiếng Việt ở vị trí dễ nhìn thấy. (Điều 5.2 Nghị định 77 và Điều 5.2 Nghị định 66).

BỐN VỤ ÁN ĐIỂN HÌNH VỀ HÀNG HÓA TÂN TRANG TẠI TRUNG QUỐC

[1] Thay đổi các thành phần cốt lõi: 

Vụ án Domino Printing Science kiện Guangzhou Dugao Precision Mechanical and Electrical: Tòa án cho rằng việc thay đổi hệ thống mực, mặc dù không phải là một phần không thể tách rời về mặt vật lý, nhưng là thành phần cốt lõi để máy in phun hoạt động bình thường. Việc sửa đổi này đã làm thay đổi đáng kể hàng hóa và chất lượng của hàng hóa, cấu thành hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

[2] Thay đổi các thành phần trang trí:

Vụ án Zhibao Manufacturing Company kiện Li Guangsheng: Tòa án cho rằng việc bị đơn xử lý laser trên bật lửa có logo ở phía dưới, khiến bật lửa đã qua xử lý không còn hoa văn và trang trí ban đầu, cấu thành sự thay đổi đáng kể và xâm phạm nhãn hiệu.

[3] Sử dụng các bộ phận giả:

Vụ án VIVO Mobile Communication kiện Wu Cong, Wu Can & Ors: Tòa án cho rằng việc các bị đơn sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký “VIVO” của nguyên đơn trên cùng một loại hàng hóa mà không được phép đã đủ để gây nhầm lẫn và cấu thành hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

[4] Thay thế các thành phần:

Vụ án Rugao Printing Machinery Factory và Rugao Yide Materials: Tòa án cho rằng việc Yide Company mua máy in cũ hiệu “Silver Pheasant”, tháo bảng tên có nhãn hiệu “Silver Pheasant”, thay thế các bộ phận bị hỏng, sơn lại và bán dưới tên riêng của mình không chỉ là sửa chữa đơn giản mà là hành vi giao dịch hàng hóa, bán máy in cũ đã sửa chữa như là sản phẩm của Yide Company. Hành vi này xâm phạm trực tiếp quyền nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu và gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Lời kết

Việc mở cửa thị trường cho hàng hóa tân trang tại Việt Nam mang đến cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức về tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định mới về hàng hóa tân trang, đặc biệt là về mã số tân trang, giấy phép nhập khẩu và quyền sở hữu trí tuệ, từ đó, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các bên liên quan.

Hãy để KENFOX IP & Law Office đồng hành cùng bạn, đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh của bạn luôn tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững.